“Gặp lại” danh họa Trần Phúc Duyên nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của ông

15/07/2023 - 07:16

PNO - Trong triển lãm sắp diễn ra, công chúng sẽ được chiêm ngưỡng nhiều tác phẩm, trong đó phần lớn tác phẩm lần đầu ra mắt công chúng Việt Nam.

Tác phẩm Phong cảnh mạn ngược của hoạ sĩ Trần Phúc Duyên
Tác phẩm Phong cảnh mạn ngược của họa sĩ Trần Phúc Duyên

Triển lãm mang tên Họa duyên tương ngộ trưng bày 150 tác phẩm tiêu biểu trong sự nghiệp của họa sĩ Trần Phúc Duyên từ khi ông tốt nghiệp Trường Mỹ thuật Đông Dương khóa 16 (1942-1945), mở xưởng tại Hà Nội (1948-1954), di cư sang Pháp (1954-1968), Thụy Sĩ (1968-1993).

Trong sự nghiệp, họa sĩ có 20 trưng bày lớn nhỏ ở Việt Nam, châu Âu. Triển lãm đầu tiên của ông được tổ chức tại Sài Gòn năm 1952. Nhưng lần này, triển lãm sẽ có quy mô phổ quát hơn, với hầu hết tác phẩm lần đầu ra mắt công chúng trong nước, với nhiều chất liệu như: sơn mài, lụa, khắc gỗ, phác thảo…

Giám tuyển của triển lãm - Ace Le - nói anh rất háo hức khi thực hiện dự án này, vì sẽ được kể câu chuyện của mỹ thuật Việt, dưới góc nhìn của người Việt. 

2 nhà sưu tập Phạm Quốc Đạt, Lê Quang Vinh (Phạm Lê Collection) là chủ nhân của phần lớn những bức tranh trong triển lãm này. Ngoài ra, triển lãm cũng có tranh đến từ các nhà sưu tầm ở Pháp, Thụy Sĩ... Anh Phạm Quốc Đạt cho biết anh và Lê Quang Vinh sống ở nước ngoài nhiều năm, nên luôn ôm ấp nỗi nhớ quê hương. Cả hai đều có chung đam mê tìm hiểu nghệ thuật, và bắt đầu sưu tập từ năm 2015, 2016.

Nhà sưu tập Phạm Quốc Đạt (bìa trái) và Lê Quang Vinh (giữa) trong họp báo giới thiệu triển lãm được tổ chức vào chiều 14/7, tại TPHCM
Nhà sưu tập Phạm Quốc Đạt (bìa trái) và Lê Quang Vinh (giữa) trong họp báo giới thiệu triển lãm được tổ chức vào chiều 14/7, tại TPHCM

Năm 2018, khi cả hai đang thực hiện nghiên cứu về mỹ thuật Đông Dương thì tiếp cận được với blog của một du khách Mỹ đến Thụy Sĩ du lịch. Người này có đề cập đến một triển lãm nhỏ, với khoảng 30 tranh sơn mài của họa sĩ Việt Nam. Những bức tranh này bị bỏ quên hơn 20 năm trên căn gác trong một tòa lâu đài. Họ phải mang đi triển lãm, để bán, và trao lại tài sản cho người thừa kế. Thông tin này như một mối duyên khiến cả hai muốn tìm hiểu vì quá xúc động. 

Ban đầu, họ dự định mua một bức tranh, nhưng đã có người đặt mua. 3 tuần sau, người mua tranh nói bức tranh quá lớn so với không gian nhà của họ, nên quyết định không mua nữa. Cuối cùng, 3 bức Sương thu, Trăng miền nhớ Hòa ân là những tác phẩm đầu tiên của Trần Phúc Duyên mà 2 nhà sưu tập được tiếp cận và mua được. 

Sau khi mua xong, cả hai được nhà tổ chức cho biết còn hơn 100 bức tranh cùng các tài liệu của họa sĩ Trần Phúc Duyên. Họ thấy xúc động, vì để tiếp cận được với tác phẩm, tài liệu của các họa sĩ thời mỹ thuật Đông Dương rất khó, hoặc rất đắt đỏ, hoặc nhiều tài liệu đã bị thất lạc do thời cuộc, chiến tranh. Khi quan sát, 2 nhà sưu tập thấy có những bức tranh gồm 2 bức, nhưng đơn vị trưng bày, bán đấu giá không biết nên đã tách ra. 

“Chúng tôi không muốn điều này xảy ra nữa. Vì thế, chúng tôi đặt vấn đề với gia đình để mua lại BST này, và mang về quê hương Việt Nam. Lúc đầu, đây chỉ là quyết định cảm tính. Nhưng sau này, khi càng hiểu về cụ Duyên, chúng tôi càng đồng cảm với nỗi nhớ quê hương da diết. Chúng tôi có lời hứa sẽ đưa tác phẩm của cụ về với quê hương, với công chúng Việt Nam” - nhà sưu tầm Phạm Quốc Đạt chia sẻ.

Tranh Mùa gặt được hoạ sĩ Trần Phúc Duyên sáng tác năm 1965
Tranh Mùa gặt được họa sĩ Trần Phúc Duyên sáng tác năm 1965

Sinh thời, họa sĩ Trần Phúc Duyên không có con, chỉ có cháu. Vì thế, 2 nhà sưu tầm trực tiếp làm việc với cháu của ông để được sở hữu BST này. Cháu ông đã hỗ trợ gần như một phần BST cho 2 nhà sưu tập, vì lời hứa sẽ trưng bày và viết sách về họa sĩ Trần Phúc Duyên. Cả hai nhà sưu tập chi gần hết tiền tiết kiệm, được ví von là gia sản rất lớn vào thời điểm đó, để mua lại. Tuy nhiên, cả hai từ chối tiết lộ con số cụ thể. 

Thời tiết châu Âu tốt hơn Việt Nam cho việc bảo quản tranh, nhưng sau 20 năm bị lãng quên trong điều kiện không được chăm sóc, bảo quản tốt, thì một số tranh cũng bị ảnh hưởng. Khi mang BST về Việt Nam, 2 nhà sưu tập gặp được một chuyên gia, giúp khôi phục lại giấy, và tìm cách bảo quản tốt nhất cho tranh giấy, tranh lụa.

Tranh sơn mài chất lượng vẫn tốt, nhưng có những bức do tác động vật lý đã bị hỏng, mất khung trong quá trình vận chuyển, hoặc bị co dãn, thay đổi bề mặt do thời tiết. Đồng thời, cả hai cũng may mắn gặp được chuyên gia phục chế cho tranh. Họ cũng làm việc với chuyên gia Thụy Sĩ, Pháp để có phương án vận chuyển tốt nhất.

Tranh Trìu mến của hoạ sĩ Trần Phúc Duyên sáng tác năm 1960
Tranh Trìu mến của họa sĩ Trần Phúc Duyên sáng tác năm 1960

Không gian triển lãm rộng khoảng 500m2, ứng với từng thời kỳ sáng tác được nêu bên trên và những nội dung khác nhau như: tranh đời sống Đông Dương, tranh phong cảnh, tranh sinh vật cảnh, tranh thủy mặc, tranh trừu tượng, phúc niệm.

Triển lãm diễn ra từ 22/7 đến 6/8, tại Bảo tàng Nghệ thuật Quang San (phường Thảo Điền, TP Thủ Đức). Theo dự kiến, một quyển sách giới thiệu về cuộc đời và tác phẩm của họa sĩ Trần Phúc Duyên sẽ ra mắt năm 2023.

Họa sĩ Trần Phúc Duyên năm 1923 tại Hà Nội. Gia đình ông thuộc tầng lớp giàu có. Năm 1941, ông vào học lớp dự bị của Trường cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương do Nam Sơn và Tô Ngọc Vân giảng dạy. Vào năm 1942, ông thi đỗ vào khoa sơn mài, khóa 16. Khóa học của ông không hoàn thành hết chương trình học 5 năm vì trường phải đóng cửa năm 1945, sau ngày Nhật đảo chính Pháp.

Giai đoạn 1948-1954, ông sống và sáng tác tại Hà Nội. Xưởng vẽ của ông đặt tại số 146 Avenue de Grand Buddha - nay là đường Quán Thánh.

Chân dung hoạ sĩ Trần Phúc Duyên
Chân dung họa sĩ Trần Phúc Duyên

Cuối năm 1954, ông sang Pháp, tiếp tục theo đuổi sự nghiệp hội họa, đến thực hành tại xưởng của Jean Souverbi, trường Mỹ thuật Paris và vẽ tranh sơn dầu để bán kiếm sống. Ở Paris, ông vẫn quyết tâm vẽ tranh sơn mài dù khó tìm nguyên liệu, thời tiết không thuận lợi cho việc thực hiện loại tranh này. 

Ông chuyển sang sống và làm việc tại Thụy Sĩ từ cuối năm 1968 cho đến khi mất vào ngày 9/9/1993.

Hoạ sĩ Trần Phúc Duyên bên bức tranh sơn mài Phong cảnh Sài Sơn
Họa sĩ Trần Phúc Duyên bên bức tranh sơn mài Phong cảnh Sài Sơn

Trần Phúc Duyên đã dành nhiều năm nghiên cứu, thử nghiệm nhiều kỹ thuật chất liệu khác nhau từ loại gỗ làm vóc, chất kết dính, chất pha, các chất màu.

Sống tại châu Âu, tiếp thu văn hóa và nghệ thuật phương Tây, nhưng các chủ đề về quê hương Việt Nam vẫn là nội dung chủ yếu trong sự nghiệp sáng tác của họa sĩ Trần Phúc Duyên.

Trung Sơn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI