Trần Minh Nhựt và hành trình theo dấu bộ tranh quý (*)

31/05/2023 - 06:34

PNO - Đầu tháng Ba năm nay, Trần Minh Nhựt - một giảng viên 9X - lần đầu giới thiệu đến độc giả cuốn sách Nghệ thuật minh họa áo mũ thời Nguyễn đầu thế kỷ XX.

Đây là công trình nghiên cứu suốt 6 năm trời của Nhựt nhằm giải mã bộ tranh quý Grande Tenue de la Cour d’Annam (tạm dịch Đại lễ phục triều đình An Nam) của họa sĩ Nguyễn Văn Nhân.

Tranh Phẩm phục hậu phi (Phẩm phục hoàng hậu và Phẩm phục thứ phi) - Ảnh: chụp từ sách
Tranh Phẩm phục hậu phi (Phẩm phục hoàng hậu và Phẩm phục thứ phi) - Ảnh: chụp từ sách

Số phận chìm nổi của bộ tranh lưu lạc trăm năm 

Trang phục không chỉ phản ánh văn hóa, lối sống của những giai tầng khác nhau trong xã hội mà còn ẩn chứa địa vị của người mặc; sự thịnh suy của một giai đoạn, một triều đại. Hiểu về trang phục cũng là hiểu về một phần lối sống, tập tục văn hóa, thẩm mỹ của người xưa. Từng có rất nhiều công trình nghiên cứu về phục trang các triều đại Việt Nam một cách công phu, bài bản và có hệ thống... Bộ tranh của họa sĩ Nguyễn Văn Nhân đặc tả lễ phục hoàng gia Triều Nguyễn từ hoàng đế, hoàng hậu, hoàng thái hậu, hoàng thái tử, hoàng tử... Do đó, những giải mã của Trần Minh Nhựt trong cuốn Nghệ thuật minh họa áo mũ thời Nguyễn đầu thế kỷ XX là những đánh giá khách quan trên tinh thần khoa học về mặt lịch sử lẫn nghệ thuật.

Trần Minh Nhựt (phải) và nhà nghiên cứu mỹ thuật Ngô Kim Khôi trong buổi gặp gỡ độc giả ẢNH: OMEGA+
Trần Minh Nhựt (phải) và nhà nghiên cứu mỹ thuật Ngô Kim Khôi trong buổi gặp gỡ độc giả - Ảnh: OMEGA+

Thực tế, khi bắt đầu tìm hiểu với lượng thông tin ít ỏi cũng như nhiều tranh cãi về tính chân xác của bộ tranh đang lưu lạc tại nước ngoài, Trần Minh Nhựt khá lúng túng, không biết nên bắt đầu từ đâu. 

Trong quá trình tìm kiếm tư liệu, việc đọc được tài liệu từ các nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn (người giới thiệu bộ tranh này đầu tiên tại Việt Nam), tiến sĩ Trần Đức Anh Sơn, con đường của Nhựt dần sáng rõ. Anh quyết định tập trung vào nghệ thuật vẽ tranh minh họa của họa sĩ.

Trần Minh Nhựt tốt nghiệp cử nhân ngành thiết kế thời trang, Trường đại học Hoa Sen - Mod’Art International Paris (2014); thạc sĩ ngành lý luận và lịch sử mỹ thuật, Trường đại học Mỹ thuật TPHCM (2019).

Anh có kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực thiết kế/kỹ thuật ngành may tại Áo dài Sĩ Hoàng (thực tập), Quỳnh Paris (thực tập), Traval Vai Co.Ltd và các hãng thời trang nội địa. Hiện anh là giảng viên về thiết kế và nghệ thuật tại các trường đại học/cao đẳng ở TPHCM.

Cần nói qua về số phận chìm nổi của Grande Tenue de la Cour d’Annam để thấy được nỗ lực cũng như niềm say mê của Trần Minh Nhựt. Bộ tranh được họa sĩ Nguyễn Văn Nhân vẽ vào tháng 12/1902, dưới Triều vua Thành Thái, gồm 54 bức minh họa bằng màu nước trên giấy khổ 23,1 x 31,8cm đóng thành album. Không ai rõ số phận bộ tranh sau đó như thế nào, lưu lạc ra sao. Mặc dù bộ tranh hiện đang được lưu giữ tại National Gallery Singapore (Phòng trưng bày quốc gia Singapore) nhưng trước đó, nó được đấu giá qua tay nhiều người với hành trình bí ẩn như người vẽ ra nó.

Theo ghi chép trong sách của Trần Minh Nhựt, năm 2011, bộ tranh từng được bán tại Mỹ với giá 35.000 USD. Theo tiến sĩ Trần Đức Anh Sơn, trên website của Eric Chaim Kline Bookseller, bộ tranh được rao bán có ký hiệu: Book ID: 11638. Tuy nhiên, Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế đã không kịp đặt mua các họa phẩm ấy. Bộ tranh cuối cùng được bán cho một người ẩn danh tại hội chợ sách New York (cuối tháng 4/2011), sau đó tiếp tục bán cho một người khác. Tháng Mười năm đó, bộ tranh xuất hiện tại sàn đấu giá Sotheby’s, số hiệu: Lot 595. Khoảng giá ước tính dao động quanh mốc: 240.000 - 380.000 HKD. Bất ngờ thay, giá gõ búa lên đến 680.000 HKD, tức gần 2 tỉ đồng, gấp 2,6 lần so với giá bán tại Eric Chaim Kline Bookseller.

Bìa sách Nghệ thuật minh họa áo mũ thời Nguyễn đầu thế kỷ XX
Bìa sách Nghệ thuật minh họa áo mũ thời Nguyễn đầu thế kỷ XX

Đến năm 2012, bộ tranh được giới thiệu công khai tại National Gallery Singapore. Tuy nhiên, 5 năm sau khi Trần Minh Nhựt liên hệ thì nhận được phản hồi rằng bộ tranh không được lưu giữ ở đây. Thông tin đứt gãy, Nhựt tưởng chừng không thể tiếp tục công trình nghiên cứu. 

Mãi đến tháng 8/2021, Nhựt may mắn được liên hệ trực tiếp với bộ phận Phát triển Bộ Sưu tập của National Gallery Singapore, tiếp cận được bộ tranh gốc, tiến hành đàm phán và được National Gallery Singapore cho phép sử dụng bản scan hình ảnh.

“Nhờ hình ảnh từ National Gallery Singapore, tôi nhận ra màu của bộ tranh gốc cổ hơn, chân thực hơn rất nhiều, giúp tôi thấy được kỹ thuật thể hiện, chất liệu, màu sắc của giai đoạn đó cũng như tâm tư, tình cảm của họa sĩ Nguyễn Văn Nhân…” - Nhựt chia sẻ trong buổi gặp gỡ những người yêu tranh. Tất nhiên, điều này đồng nghĩa Nhựt phải viết lại hoàn toàn những nghiên cứu trước đó. Nhưng như Nhựt nói, anh “làm trong hân hoan và hạnh phúc tột cùng”.

Giá trị vượt thời gian của bộ tranh 

Trần Minh Nhựt chia sẻ, vẻ đẹp của áo mũ Nhà Nguyễn được thể hiện qua hình thức đặc trưng bên ngoài và những quy định nghiêm ngặt của triều đình nhằm phân thứ bậc cụ thể cho từng đối tượng cụ thể. Grande Tenue de la Cour d’Annam thể hiện sự nhạy bén của họa sĩ Nguyễn Văn Nhân trong việc tiếp thu nghệ thuật tạo hình phương Tây, đem lại những tác phẩm minh họa giàu cảm xúc và chân thực. Các bức minh họa của ông, theo đánh giá của nhiều nhà nghiên cứu, có thể được xem là nguồn tư liệu mới cho lịch sử trang phục Việt Nam, giai đoạn nghệ thuật tạo hình ở Huế cuối Triều Nguyễn.

Tranh Đại Nam hoàng đế tế phục Nam Giao (Hoàng đế nước Nam với lễ phục tế Nam Giao) - Ảnh: chụp từ sách
Tranh Đại Nam hoàng đế tế phục Nam Giao (Hoàng đế nước Nam với lễ phục tế Nam Giao) - Ảnh: chụp từ sách

Trên phương diện mỹ học, trang phục cung đình Triều Nguyễn mang vẻ đẹp của sự thống trị, được thể hiện qua cách phân cấp màu sắc trang phục. Dưới nét cọ tài hoa của Nguyễn Văn Nhân, vẻ đẹp ấy được miêu tả một cách sinh động, chân xác. Lật giở từng trang sách, người xem có thể chứng kiến những cảnh tượng tuyệt vời của một thời kỳ phong kiến huy hoàng ở Việt Nam. 

Nhận định về giá trị của bộ tranh và đóng góp của họa sĩ Nguyễn Văn Nhân đối với nghệ thuật minh họa Việt Nam giai đoạn sơ khởi, nhà nghiên cứu mỹ thuật Ngô Kim Khôi cho rằng tranh của Nguyễn Văn Nhân đã vượt qua khỏi ranh giới của tranh minh họa. Do đó, công trình của Trần Minh Nhựt không chỉ có ý nghĩa về phương diện tư liệu mà còn đóng góp lớn trong việc kết nối, phục dựng những giá trị ngỡ đã bị lớp bụi thời gian phủ mờ.

“Tuy họa sĩ Nguyễn Văn Nhân không được tôn vinh như các nghệ sĩ cùng thời nhưng thực tế, ông có nhiều đóng góp vô cùng ý nghĩa cho nghệ thuật minh họa Việt Nam. Đứng trước thành tựu còn hạn chế về tranh minh họa thời cận - hiện đại, tác phẩm của ông trở thành một mảnh ghép quan trọng cho dòng nghệ thuật minh họa Việt Nam từng một thời rực rỡ” - Nhựt khẳng định.

Tranh Đại Nam hoàng đế sắc tại vị (Hoàng đế nước Nam với đại triều phục) - Ảnh: chụp từ sách
Tranh Đại Nam hoàng đế sắc tại vị (Hoàng đế nước Nam với đại triều phục) - Ảnh: chụp từ sách

Nhựt nói, điều thôi thúc anh tiếp bước, vượt qua mọi khó khăn chính là tình yêu và niềm tự hào với những di sản ông cha để lại. “Những nhân vật lịch sử, những tác phẩm nghệ thuật bị lãng quên cần được trả về đúng vị trí. Tôi hiểu những người trẻ như tôi cũng có mối quan tâm nhất định đối với những gì cha ông để lại. Chúng tôi cố gắng truyền lại điều này cho những thế hệ sau để lịch sử không biến mất, nhất là hiểu biết về văn hóa” - Nhựt nói.

Những nỗ lực của Nhựt vừa giúp độc giả đại chúng Việt Nam có thể ngắm bộ tranh gốc được tái hiện từ ảnh chụp kỹ thuật số của National Gallery Singapore, vừa nuôi hy vọng một ngày bộ tranh sẽ được trưng bày trên chính quê hương Việt Nam. Quan trọng hơn, quả ngọt từ công trình nhỏ này đã cổ vũ Nhựt tiếp tục nghiên cứu và khám phá về văn hóa, di sản Triều Nguyễn ở các khía cạnh khác như bình phong xứ Huế hay nghệ thuật pháp lam… Nhựt nói, với khát khao vô cùng thực tiễn và cũng là cách để di sản hòa nhịp vào đời sống hiện đại: “Tôi muốn khai thác các họa tiết mà các nghệ nhân xưa đã tạo tác và chuyển nó thành những mẫu thiết kế có thể ứng dụng trong cuộc sống”. 

Thư Hiên

(*) Một số thông tin trong bài viết trích dẫn từ cuốn sách của tác giả Trần Minh Nhựt

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI