Gắn chíp định vị để bảo vệ cún cưng

07/09/2020 - 06:56

PNO - Ẵm trên tay chú chó vừa mua ở nước ngoài về với giá gần 100 triệu đồng, ông Hưng tự tin nói: “Ai bắt trộm nó đưa đi đâu, tôi cũng tìm ra”. Ông Hưng - người đang sở hữu nhiều thú cưng đắt giá - cho biết, vừa bỏ ra 15 triệu đồng gắn chíp định vị để bảo vệ chó quý.

Giải cứu chó cưng cho diễn viên

Giữa tháng 7/2020, chú chó tên Gấu của diễn viên Lý Nhã Kỳ bỗng dưng biến mất. Nghi Gấu bị bắt cóc, Lý Nhã Kỳ đã liên hệ với ông Nguyễn Văn Nam - giám đốc một công ty vệ sĩ ở quận 1, TPHCM - nhờ giải cứu. 

Thú cưng của diễn viên Lý Nhã Kỳ được các “thám tử” giải cứu, đưa về nhà
Thú cưng của diễn viên Lý Nhã Kỳ được các “thám tử” giải cứu, đưa về nhà

Ông Nam nhớ lại, thời điểm chú chó “mất tích” là khoảng 14g. Khi tiếp cận hiện trường, nhóm “thám tử” của ông Nam chỉ thu thập được manh mối là một đoạn clip dài chưa đầy 40 giây, ghi lại cảnh chú chó bị một thanh niên chạy xe máy bắt đi ngay trước cửa nhà diễn viên Lý Nhã Kỳ.

“Xem qua đoạn clip, chúng tôi nhận định, đây là tên trộm chuyên nghiệp hoặc là người chuyên nuôi chó kiểng vì chỉ chưa tới 40 giây mà anh ta đã ôm chú chó rời khỏi hiện trường một cách dễ dàng, chú chó hầu như không phản ứng gì” - ông Nam phân tích.

Nhiều “thám tử” của công ty ông Nam được điều động tham gia cuộc giải cứu, bởi đây là một giống chó quý, lại là món quà của một người bạn tặng cho Lý Nhã Kỳ.

Các “thám tử” nhận định, tại TPHCM, các giao dịch “đen” liên quan đến thú cưng hầu hết đều thông qua đầu mối là các tiệm mua bán chó kiểng trên đường Lê Hồng Phong, quận 10. Một nhóm “thám tử” liền đến đường Lê Hồng Phong để dò la tin tức về chú chó Gấu. 

Tại “chợ đen” thú cưng ở đường Lê Hồng Phong, các tay trộm chó kiểng thường chỉ gọi điện hoặc mang hình ảnh của thú cưng đến để ngã giá; khi chốt được giá cả, mới mang “hàng” đến giao dịch. Do vậy, chủ chó rất khó bắt gặp trực tiếp kẻ trộm.

Để tránh việc bị động khiến các tay trộm mang chú chó quý của Lý Nhã Kỳ sang tỉnh khác giao dịch, nhóm “thám tử” đã đưa hình ảnh và nhờ các “đầu nậu” thu mua chó kiểng ở đường Lê Hồng Phong báo tin khi có người liên hệ bán.

Đúng như dự đoán, chiều hôm sau, một tiệm thu mua chó kiểng ở đường Lê Hồng Phong nhận được cuộc gọi của một thanh niên, ra giá bán chó 80 triệu đồng. Ngay lập tức, nhóm “thám tử” của ông Nam đã liên lạc với người bán để hẹn nơi giao dịch.

“Chúng tôi chốt giá 80 triệu đồng, hẹn giao dịch ở khu Phú Mỹ Hưng, quận 7, nhưng người bán hẹn sang huyện Nhà Bè rồi đột ngột hủy giao dịch. Tôi đoán anh ta nghi ngờ chúng tôi là công an hoặc chủ của chú chó mất trộm” - ông Nam kể.

Cuối cùng, sau nhiều lần giao dịch thất bại, nhóm “thám tử” quyết định thông tin thật về lai lịch của chú chó và đề nghị trả lại.

Sau một thời gian trao đổi, kẻ trộm hứa sẽ trả lại chú chó tại một khách sạn ở huyện Nhà Bè. Anh ta đến gửi thú cưng ở khách sạn để nhóm “thám tử” nhận lại và không ra mặt.

“Khi trao đổi, chúng tôi nói đã gắn chíp định vị trên người chú chó, nếu không trả, chúng tôi cũng tìm ra. Có lẽ vì kẻ trộm chó cảm thấy lo sợ nên đã mang chó đến gửi tại khách sạn để chúng tôi nhận lại” - ông Nam cho hay. 

Không may mắn như trường hợp trên, tại TPHCM, nhiều khổ chủ phải bỏ tiền triệu ra để chuộc lại chó cưng bị trộm. Chị P. - nhà ở quận 6, chủ một tiệm hủ tíu - được người bạn tặng cho chú chó thuộc giống dachshund. Trong một lần để chó chơi một mình trước cửa nhà, chị P. bị mất chó.

Sau nhiều ngày tìm kiếm ở lò mổ nhưng vô vọng, chị P. đến đường Lê Hồng Phong thì phát hiện chó cưng của mình đang bị nhốt trong lồng, rao bán. Chị P. hỏi chuộc chó thì chủ tiệm ra giá 4 triệu đồng. Sau gần 30 phút năn nỉ, chị P. được chủ tiệm giảm còn 2,5 triệu đồng. Chị đành phải đi mượn tiền để chuộc lại chó.

Gắn chíp định vị cho chó

Ông Đỗ Hưng - một tay chơi chó kiểng có tiếng ở TPHCM - cho biết, hiện có các băng trộm chuyên nhắm vào “chó nhà giàu”. Ở TPHCM, có cả những “khách sạn thú cưng” chuyên nhận chăm sóc chó cho các đại gia và đây cũng là nơi những kẻ trộm chó quý thường gửi chó nhờ thuần dưỡng trong thời gian tìm người mua.

Ông Hưng kể: "Tôi có người bạn từng bỏ ra gần 100 triệu đồng để chuộc một con chó giống quý. Sau khi bị trộm, con chó được sang tay qua nhiều chủ nên rất khó xác định ai bắt trộm".

Ẵm trên tay chú chó vừa mua ở nước ngoài về với giá gần 100 triệu đồng, ông Hưng cho biết, đã bỏ ra 15 triệu đồng để gắn chíp định vị cho chó, nên không lo bị mất trộm.

Hồ sơ của một thú cưng trị giá hàng trăm triệu đồng, đã được gắn chíp định vị
Hồ sơ của một thú cưng trị giá hàng trăm triệu đồng, đã được gắn chíp định vị

Chíp là thiết bị định vị siêu nhỏ, được gắn lên mình thú cưng. Trong trường hợp bị mất trộm, người chủ sẽ dễ dàng xác định được vị trí thú cưng để nhờ người giải cứu. Được biết, một chíp định vị gắn cho thú cưng có giá từ 15-20 triệu đồng.

Ngoài ra, giống chó quý của ông Hưng còn có hồ sơ giống như một giấy chứng nhận để giao dịch và đi đến nhiều nơi trên thế giới.

Ông Nguyễn Văn Nam cho biết, nhóm “thám tử” của ông từng giải cứu được nhiều chú chó quý nhờ chủ nhân có gắn chíp định vị. Tuy nhiên, chíp định vị chỉ đối phó được kẻ trộm chó nghiệp dư. Những tay trộm chó kiểng chuyên nghiệp thường có thiết bị rà để phát hiện chíp định vị và có cách đối phó.

Một cán bộ công an ở quận 12, TPHCM cho biết, tại TPHCM, trước đây, “đầu ra” của chó bị trộm là các lò mổ thì nay, xuất hiện tình trạng trộm chó để tống tiền do trị giá của chó kiểng khá cao. Công an quận 12 từng triệt phá nhiều băng nhóm trộm chó chuyên nghiệp và manh động. 

Chi tiền triệu tìm thú cưng

Trên mạng xã hội Facebook, hiện có nhiều trang, nhóm chuyên hỗ trợ tìm kiếm thú cưng; mỗi trang, nhóm thu hút hàng chục ngàn người tham gia. Đơn cử, như trang “tìm kiếm chó mèo” thu hút sự quan tâm của hơn 15.000 người. 

Trên các trang, nhóm này, mỗi ngày, có hàng chục bài đăng tìm kiếm thú cưng bị bắt trộm hoặc đi lạc. Dưới nhiều bài viết, có khổ chủ hứa sẵn sàng chi tiền triệu cho những ai cung cấp thông tin có giá trị về thú cưng bị mất

Trộm chó, tống tiền là hành vi cưỡng đoạt tài sản

Theo luật sư Nguyễn Tri Đức (Đoàn Luật sư TPHCM), việc bắt trộm thú cưng rồi ép chủ nhân bỏ tiền triệu để chuộc là hành vi cưỡng đoạt tài sản, được quy định tại Điều 135 Bộ luật Hình sự năm 2015. Tội danh này có khung hình phạt cao nhất là phạt tù từ 12-20 năm. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10-100 triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản. 

Vì vậy, khi người dân bị tống tiền theo hình thức trên, cần trình báo với cơ quan công an để được can thiệp, hỗ trợ.

Sơn Vinh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI