Châu Á - Thái Bình Dương cần tăng tốc trong cuộc đua chống biến đổi khí hậu

23/09/2019 - 14:00

PNO - Nghiên cứu mới nhất từ Ủy ban Kinh tế và Xã hội Liên Hiệp Quốc về châu Á và Thái Bình Dương chỉ ra rằng, sóng nhiệt và hạn hán dữ dội dần trở nên thường xuyên hơn

Các nhà lãnh đạo thế giới đang tập trung tại trụ sở Liên Hiệp Quốc ở New York (Mỹ) để tham gia hội nghị thượng đỉnh về hành động khí hậu. Đối với nhiều người, điều này có nghĩa là tham vọng về hành động cho phép các quốc gia giảm mức khí thải carbon trong 30 năm tới. Nhưng đó chỉ là một nửa chặng đường.

Ngoài giảm khí thải carbon, các kế hoạch khác đi kèm cần xây dựng khả năng phục hồi cho các khu vực, cộng đồng dễ bị tổn thương bởi các thảm họa liên quan đến khí hậu với tần suất ngày càng tăng, cường độ và xu hướng không thể đoán trước.

Khu vực châu Á - Thái Bình Dương “gồng mình” trước biến đổi khí hậu

Khu vực châu Á - Thái Bình Dương phải hứng chịu một năm bị tàn phá nặng nề do các sự kiện cực đoan liên quan đến biến đổi khí hậu. Trên khắp Đông Bắc và Nam Á, nhiệt độ cao kỷ lục liên tục bị phá vỡ. Nghiên cứu mới nhất từ Ủy ban Kinh tế và Xã hội Liên Hiệp Quốc về châu Á và Thái Bình Dương chỉ ra rằng, sóng nhiệt và hạn hán dữ dội dần trở nên thường xuyên hơn; những cơn bão xuất hiện từ bên ngoài các khu vực rủi ro truyền thống và di chuyển một cách khó dự đoán.

Chau A - Thai Binh Duong can tang toc trong cuoc dua chong bien doi khi hau
Bang Kerala của Ấn Độ chìm trong cơn lũ kỷ lục vào tháng 8/2018 khiến hơn 480 người thiệt mạng

Khoa học chỉ ra rằng, mức độ nghiêm trọng và tần suất của thiên tai sẽ càng tăng nếu nồng độ khí thải nhà kính trong khí quyển không giảm. Những người nghèo, dễ tổn thương chịu ảnh hưởng lớn nhất bởi mất mát người thân, thiệt hại sinh kế và tài sản, kèm theo đó là gia tăng bất bình đẳng trong và giữa các quốc gia. Ở Đông Nam Á, Lào, Campuchia và Việt Nam đều có mức thiệt hại hơn 5% GDP. 

Cơ hội để thay đổi

Ủy ban Thích ứng toàn cầu phát hiện ra rằng, khu vực sẽ có hơn 7.000 tỷ USD tổng lợi ích ròng từ nay đến năm 2030 nếu đầu tư vào hệ thống cảnh báo sớm, cơ sở hạ tầng chống chịu khí hậu, nông nghiệp cải thiện đất khô, bảo vệ rừng ngập mặn và làm giàu tài nguyên nước. Vậy các quốc gia trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương có thể bắt đầu từ đâu? 

Việc đầu tiên là cung cấp cho người dân phương tiện để vượt qua thiên tai, ví dụ như nguồn bảo trợ xã hội. Các nước đang phát triển ở châu Á - Thái Bình Dương chỉ dành khoảng 3,7% GDP cho bảo trợ xã hội, so với mức trung bình của thế giới là 11,2%, khiến mọi người rơi vào khốn khó trong trường hợp họ bị bệnh, mất việc, già nua hoặc chịu ảnh hưởng bởi thảm họa. Sau cơn bão Haiyan ở Philippines năm 2013, chính phủ áp dụng hệ thống chuyển tiền mặt có điều kiện dành cho người nghèo và nhận về những kết quả tích cực.

Thứ hai, hỗ trợ tài chính và bảo hiểm rủi ro thiên tai có thể giúp người nghèo thoát khỏi các cú sốc kinh tế và giúp họ phục hồi sau thảm họa, như chương trình bảo hiểm của Mông Cổ để đối phó với tần suất gia tăng hạn hán và vật nuôi chết vì thiếu lương thực. Tháng 8/2019, chương trình Bảo hiểm và Tài trợ rủi ro thảm họa ASEAN bước vào giai đoạn II, dự kiến kéo dài ba năm nhằm lập kế hoạch quản lý rủi ro thiên tai, giúp tăng cường khả năng phục hồi tài chính của các quốc gia thành viên ASEAN khi thiên tai xảy ra.

Phương án thứ ba là tăng đầu tư vào công nghệ mới và dữ liệu toàn cầu. Trí tuệ nhân tạo phân tích rủi ro dựa trên sự kết hợp nhanh chóng của dữ liệu cảm biến và không gian địa lý góp phần củng cố các hệ thống cảnh báo sớm. Nguồn dữ liệu có thể giúp xác định vị trí bộ phận dân số dễ bị tổn thương trong vùng thiệt hại, đảm bảo công tác ứng cứu kịp thời sau thảm họa. Ở Ấn Độ, sự kết hợp giữa hệ thống phân tích rủi ro tự động, dữ liệu không gian địa lý và phần mềm nhận dạng kỹ thuật số (gọi chung là hệ thống AADHARR) giúp xác định và cung cấp hỗ trợ cho hàng triệu nông dân bị ảnh hưởng bởi hạn hán. Dù vậy, quốc gia hơn 1 tỷ dân này cần đầu tư nhiều hơn nữa để biến công nghệ thành một phần không thể thiếu trong ứng phó rủi ro thiên tai và xây dựng khả năng phục hồi. 

 (theo Eurasia Review, NTU.edu) 

Từ khóa cba
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI