Đường sắt đô thị: 10 năm vẫn ì ạch, ngổn ngang

18/05/2018 - 11:28

PNO - Thủ tướng Chính phủ vừa yêu cầu khẩn trương thẩm định và hoàn thiện tờ trình về các tuyến metro để kịp báo cáo tại kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XIV, dự kiến khai mạc vào đầu tuần tới.

Thủ tướng Chính phủ vừa yêu cầu khẩn trương thẩm định và hoàn thiện tờ trình về các tuyến metro để kịp báo cáo tại kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XIV, dự kiến khai mạc vào đầu tuần tới.

Duong sat do thi: 10 nam van i ach, ngon ngang
Metro 1 vẫn là công trường ngổn ngang giữa trung tâm TP.HCM - Ảnh: Quốc Ngọc

Các tuyến đường sắt đô thị số 1 (Metro 1, Bến Thành - Suối Tiên) và số 2 (Metro 2, Bến Thành - Tham Lương) của TP.HCM đã được Chính phủ chủ trương đầu tư từ những năm 2006-2008. Sau hơn 10 năm, hiện một tuyến vẫn ngổn ngang sắt thép với kinh phí “cầm hơi” ứng từ ngân sách của TP.HCM, tuyến còn lại giậm chân ở khâu lựa chọn nhà thầu.

7 năm vẫn chưa thông qua tổng mức đầu tư

Dự án Metro 1 được phê duyệt lần thứ hai vào năm 2011 trên cơ sở tổng mức đầu tư được cập nhật, tính toán lại là 47.325 tỷ đồng. Con số này tăng 2,7 lần so với tổng mức đầu tư ở thời điểm dự án được phê duyệt lần đầu (năm 2007) do ba nguyên nhân chính: tăng khối lượng xây dựng nhằm đem lại hiệu quả đầu tư và khai thác; trượt giá nguyên vật liệu, tỷ giá yên Nhật - đồng Việt Nam, tỷ lệ tính toán các chi phí dự phòng, rủi ro trượt giá theo quy định mới; tăng lương tối thiểu (2006-2009).

Đơn vị tư vấn độc lập là Công ty CPG (Singapore) đã thẩm tra và kết luận tổng mức đầu tư mới phù hợp. Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) không phản đối, đồng thời cam kết sẽ tăng vốn ODA cho dự án.

Thế nhưng, từ đó cho đến nay, tổng mức đầu tư Metro 1 vẫn chưa được thông qua, bởi theo Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, căn cứ nghị quyết số 49/2010/QH12 ngày 19/6/2010 của Quốc hội, dự án phải trình Quốc hội và việc UBND TP.HCM phê duyệt điều chỉnh tổng mức đầu tư mới là chưa đủ chặt chẽ về mặt pháp lý. Ở đây, có sự “hiểu khác nhau” về thẩm quyền phê duyệt điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án giữa UBND TP.HCM và các bộ, ngành.

Ban đầu, Metro 1 là dự án nhóm A, không thuộc diện phải trình Quốc hội phê duyệt. Tuy nhiên, tại thời điểm thay đổi tổng mức đầu tư, nghị quyết số 49 vừa được Quốc hội ban hành. Do đó, trong thời gian chờ Chính phủ ban hành nghị định hướng dẫn nghị quyết số 49, các dự án trọng điểm quốc gia đang thực hiện trên toàn quốc có phát sinh tiêu chí công trình (trong đó có Metro 1) được Thủ tướng Chính phủ cho phép tiếp tục triển khai với yêu cầu báo cáo đầy đủ hằng năm cho Chính phủ.

Theo UBND TP.HCM, đến nay, dự án đã ký kết được ba hiệp định vay với tổng vốn 31.208 tỷ đồng, giải ngân 11.929 tỷ đồng, đạt 38% tổng vốn đã ký. Từ khi được điều chỉnh vào năm 2011, dự án đã triển khai thi công bốn gói thầu xây lắp chính và đã hoàn thành khoảng 51% khối lượng công trình mà không phát sinh tăng vốn đầu tư. 

Từ tháng 9/2016, việc giao kế hoạch vốn ODA của Trung ương dành cho dự án không đáp ứng khả năng giải ngân thực tế, dẫn đến việc thanh toán cho các gói thầu phải tạm ngưng, các nhà thầu giảm tốc độ thi công và đề nghị thanh toán các khoản chi phí liên quan. Tháng 7/2017, UBND TP.HCM đã kiến nghị, trong thời gian chờ đợi cấp có thẩm quyển xem xét pháp lý về tổng mức đầu tư mới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần sớm trình Thủ tướng ứng trước vốn trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016-2020 là 3.303 tỷ đồng nhằm giải quyết khó khăn, tránh dự án bị đình trệ.

Thế nhưng, cuối năm 2017, trong quyết định 1972/QĐ-BKHĐT của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc giao chi tiết kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2018,  dự án Metro 1 đã không được bố trí vốn. Để giải quyết khó khăn trong việc bố trí vốn ODA từ ngân sách Trung ương trong thời gian chờ đợi cấp có thẩm quyền xem xét tình trạng dự án, UBND TP.HCM phải tạm ứng 3.273 tỷ đồng từ ngân sách TP.HCM để chi trả cho các nhà thầu.

Khả năng gánh phí cam kết hàng chục tỷ đồng/năm

Tuyến Metro 2 cũng có số phận tương tự. Được phê duyệt danh mục dự án với tổng kinh phí 1,247 tỷ USD vào năm 2009, được nâng lên thành 1,374 tỷ USD vào năm 2010. Tháng 8/2017, tổng mức đầu tư được điều chỉnh thành 2,173 tỷ USD (tương đương 48.771 tỷ đồng), trong đó vốn ODA chiếm 76,7%, vốn đối ứng 23,3%. Các nguyên nhân dẫn đến việc tăng mức đầu tư của Metro 2 cũng gần giống như Metro 1.

Sau khi các bộ chuyên ngành thẩm định, UBND TP.HCM đã tiếp thu, hoàn chỉnh để Chính phủ báo cáo Quốc hội với giá trị tổng mức đầu tư dự kiến còn khoảng 47.891,28 tỷ đồng (tương đương 2,134 tỷ USD), giảm khoảng 880 tỷ đồng so với giá trị trình vào tháng 8/2017. 

Dự án Metro 2 hiện vẫn đang trong giai đoạn tuyển chọn nhà thầu xây dựng song song với quá trình điều chỉnh dự án (tổng mức đầu tư, thời gian thực hiện), cũng như triển khai thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng. Trong trường hợp dự án không điều chỉnh kịp thời, sẽ phát sinh nhiều hệ lụy, bao gồm công tác đấu thầu các gói thầu đang thực hiện, không thể bàn giao mặt bằng cho các nhà thầu triển khai thi công... đồng thời làm giảm uy tín đối với các nhà tài trợ do không thể giải ngân theo các hiệp định vay đã ký và đang được gia hạn.

TP.HCM cũng có nguy cơ sẽ phải tiếp tục trả phí cam kết thường niên đối với các khoản chưa giải ngân, như từng bị với Metro 1 (khoảng 1,8 tỷ đồng/năm). Với Metro 2, phí này có thể lên tới 37 tỷ đồng.

Trong nhiều cuộc họp từ đầu năm đến nay, Chính phủ đã làm việc với các bộ liên quan và UBND TP.HCM để giải quyết các khó khăn, vướng mắc liên quan việc điều chỉnh tổng mức đầu tư các dự án metro. Theo kết luận mới nhất của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Bộ Giao thông vận tải sẽ chủ trì hoàn thiện báo cáo thẩm định trên cơ sở tiếp thu ý kiến của các bộ liên quan. Đồng thời, sau khi nhất trí với Bộ Kế hoạch và Đầu tư về nguồn vốn và các thủ tục có liên quan khác, bộ trình Thủ tướng xem xét, từ đó báo cáo Quốc hội tại kỳ họp tới.

20 năm, làm được 20km đường sắt dang dở

Theo ông Huỳnh Thế Du - giảng viên chính sách công Đại học Fulbright Việt Nam - trong 20 năm hội nhập (1996),  TP.HCM chỉ mới làm được dang dở khoảng 20km đường sắt đô thị, trong khi cùng khoảng thời gian này, Seoul (Hàn Quốc) làm được 200km, Thượng Hải (Trung Quốc) xây được 500km. 

“Thành phố này phải xây cho bằng được metro bằng quyết tâm của cả hệ thống. Đừng nói vì tiền, hay cơ chế này kia, chúng ta phải thấy mình đang bị cái kiểu khuyến khích ngược chi phối, nên có ông nào chịu làm đâu” - ông Du nói.

Quốc Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI