Dùng bùa khoán chữa "dời leo", nhiều người bị nhiễm trùng nặng

06/05/2025 - 16:16

PNO - Nhiều bệnh nhân bị zona thần kinh nặng phải nhập viện điều trị do điều trị sai cách như dùng bùa khoán, đắp các lá cây dẫn đến tình bội nhiễm nặng.

Gần đây, ông T.V.S. (70 tuổi) đến Bệnh viện Da liễu TPHCM khám trong tình trạng vùng da phía sau đầu và vùng lưng xuất hiện nhiều mụn mủ không rõ nguyên nhân. Khai thác bệnh sử, bác sĩ ghi nhận, 9 ngày trước, ông S. bỗng nhiên bị đau vùng đầu, sau đó có nhiều mụn nước, nghĩ mình bị "dời leo" (zona thần kinh), ông không đến cơ sở y tế, mà tìm thầy lang dùng bùa khoán để chữa trị.

Ông cho biết: “Tôi khoán 3 ngày liên tiếp. Bà thầy khoán lấy nhang đốt, hơ lên chỗ vết thương nhưng không đỡ, bệnh còn nặng hơn. Sau đó, tôi lại tìm đến một thầy khoán khác và được khoán bằng mực Tàu. Thầy khoán vẽ khoanh tròn vô vết thương và cho bôi dầu mù u. Rồi vùng da đầu xuất hiện nhiều mụn mủ, đau nhức như có hàng chục con kiến bò, cắn trên đầu, người sốt, cảm giác vô cùng khó chịu”.

Bác sĩ của bệnh viện thăm khám cho ông S.
Bác sĩ của bệnh viện khám cho ông S.

Khi đau nhức nhiều, ông S. đến tiệm thuốc tây để mua thuốc uống. Thấy vùng da đầu của ông tổn thương nhiều, nhân viên nhà thuốc khuyên ông nên đi bệnh viện khám. Bác sĩ của bệnh viện chẩn đoán ông S. bị zona thần kinh, các tổn thương đang nhiễm trùng bội nhiễm nặng, phải nhập viện điều trị.

Tương tự, ông M.V.L. (70 tuổi, ở Lâm Đồng) cũng tìm đến thầy khoán khi thấy trên mặt bên trái bị nổi mụn nước. Người quen giới thiệu nên ông tin tưởng và đi khoán. Sau khi khoán, da mặt của ông L. trở nên đỏ, loét và đóng mài, không lành nên đến Bệnh viện Da liễu TPHCM khám. Bác sĩ chỉ định nhập viện điều trị bởi ông bị Herpes zoster bội nhiễm và viêm kết mạc mắt.

Còn ông N.V.L. (87 tuổi, ở Bình Thuận) cũng đến Bệnh viện Da liễu TPHCM khám bệnh khi bị zona thần kinh ở vùng trán, đầu bên trái và mắt mưng mủ. Ông sốt, đau rát nhiều, tình trạng nhiễm trùng nặng.

Cách nhập viện 3 ngày, thấy vùng trán và mắt trái của ông bị nổi rộp mụn nước, đau, người nhà đã dùng nước lá trầu lau rửa và cho ông uống thuốc nhưng không rõ loại gì.

Bác sĩ chuyên khoa 2 Đoàn Văn Lợi Em - Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Da liễu TPHCM - cho biết, hằng năm, bệnh viện tiếp nhận và điều trị cho gần 10.000 trường hợp zona thần kinh. Trong đó có nhiều trường hợp nhiễm trùng nặng, viêm mô tế bào nguy hiểm do bệnh nhân điều trị sai cách như đi khoán, đắp lá cây…

Trong khi đó, phần lớn trường hợp zona thần kinh có thể tự khỏi trong vài tuần. Nhưng bệnh vẫn tiềm ẩn nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách.

Biến chứng thường gặp và gây nhiều ảnh hưởng nhất là đau thần kinh sau zona. Người bệnh có thể bị đau dai dẳng tại vùng da tổn thương trong nhiều tháng, thậm chí nhiều năm sau khi mụn nước đã lành, làm giảm chất lượng cuộc sống, gây mất ngủ, trầm cảm.

Bên cạnh đó, khi zona thần kinh ảnh hưởng đến dây thần kinh số V (tam thoa), đặc biệt nhánh mắt. Người bệnh có thể gặp biến chứng zona mắt gây viêm kết mạc, viêm giác mạc, viêm màng bồ đào, tăng nhãn áp và thậm chí mù lòa nếu không được điều trị sớm. Một số trường hợp bị vi rút varicella-zoster có thể lan rộng, gây viêm màng não, viêm não hoặc đột quỵ do viêm mạch máu não dù hiếm gặp nhưng rất nguy hiểm, đòi hỏi cấp cứu ngay lập tức.

Bác sĩ Lợi Em khuyến cáo, khi có dấu hiệu zona (đau rát một vùng da kèm theo nổi mụn nước), người bệnh nên đi khám sớm để được dùng thuốc kháng vi rút trong 72 giờ đầu, giữ vệ sinh vùng tổn thương, tránh làm vỡ mụn nước. Theo dõi sát các dấu hiệu bất thường như đau kéo dài, đỏ mắt, giảm thị lực để can thiệp kịp thời.

"Hôm nay, Phòng tiêm chủng thuộc khoa Khám bệnh của Bệnh viện Da liễu TPHCM đã đi vào hoạt động, giúp người dân có thể phòng ngừa zona, thủy đậu, HPV, giảm thiểu gánh nặng bệnh tật và ngăn ngừa các biến chứng. Bệnh viện cũng sẽ triển khai tuần lễ khám và tư vấn bệnh zona, thủy đậu cho người dân từ ngày 6/5 đến ngày 9/5”- bác sĩ Lợi Em cho biết.

Phạm An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI