Thuần Việt hơn
Ngày 1/7, trong khuôn khổ Liên hoan phim quốc tế Đà Nẵng lần thứ ba đã diễn ra buổi chiếu phim Yêu từ cái nhìn đầu tiên (Love in Vietnam). Đây là sản phẩm hợp tác giữa Việt Nam và Ấn Độ, do đạo diễn Rahhat Shah Kazmi thực hiện. Phim kể về Manav - một chàng trai trẻ người Punjab có ước mơ trở thành ca sĩ - được người bác gửi sang Việt Nam. Tại đây, anh yêu Linh - một nữ nghệ sĩ người Việt bí ẩn. Simmi - bạn thời thơ ấu của Manav - theo anh tới Việt Nam tạo nên mối tình tay ba dẫn đến sự biến mất của Linh. Sau nhiều năm tìm kiếm trong vô vọng, ngay trước ngày cưới với Simmi, Manav phát hiện sự thật về Linh - một phát hiện làm đảo lộn hoàn toàn cuộc đời anh.
 |
Phim Điều ước cuối cùng (trên) và Mang mẹ đi bỏ (dưới) là 2 phim hợp tác Việt - Hàn sắp ra rạp tại Việt Nam - Ảnh do đoàn phim cung cấp |
Trong phim, bối cảnh Đà Lạt, Hội An, Nha Trang, Hạ Long… chiếm đến 75% thời lượng phim. Những cảnh quay ven biển miền Trung hay khung cảnh kỳ vĩ của Hạ Long tạo nên một bức tranh điện ảnh sinh động, giàu màu sắc. Phim cũng có những cảnh quay tuyệt đẹp tại Đà Nẵng, tạo ra kết nối tuyệt vời giữa điện ảnh và vẻ đẹp của thành phố du lịch này.
Tối 2/7, 1 bộ phim hợp tác khác - Điều ước cuối cùng (Việt - Hàn sản xuất) - đã ra mắt tại TPHCM. Phim tạo thiện cảm nhờ chủ đề gần gũi với khán giả Việt, nói về tình bạn, tình cảm gia đình, sự sống và nỗi mất mát. Câu chuyện phim vừa hài hước vừa xúc động gây ấn tượng qua diễn xuất của dàn diễn viên: Avin Lu, Hoàng Hà, Quỳnh Lý, Tiến Luật và Đinh Y Nhung.
Từ 2 bộ phim kể trên, có thể thấy dòng phim hợp tác đang có nhiều tín hiệu vui. Nội dung phim dễ cảm, dễ chạm hơn với khán giả, màu sắc Việt rõ nét hơn. Điều đó trái ngược với trước đây khi các sản phẩm hợp tác luôn gây… ngao ngán. Trước khi phim ra rạp, dự án thường được tung hô hoành tráng với nhiều mỹ từ nhưng đến khi chiếu, khán giả chỉ biết lắc đầu vì câu chuyện xa lạ, tình tiết phi lý, cảnh sắc hay diễn viên Việt Nam xuất hiện kiểu góp mặt cho vui.
Đi vào thực chất
Ngày 1/8, khán giả Việt sẽ được thưởng thức tiếp một bộ phim hợp tác Việt - Hàn: Mang mẹ đi bỏ. Phim gây chú ý do biên kịch và đạo diễn của Hàn Quốc nhưng nhà sản xuất là phía Việt Nam (Phan Gia Nhật Linh thuộc Anh Tễu Studio). Phim quay ở cả 2 nước, dàn diễn viên chính phần lớn là người Việt. Câu chuyện xoay quanh tình mẫu tử, nói về sự giằng xé tâm lý của người con trai trong quá trình chăm sóc người mẹ bị bệnh nặng và sự dằn vặt của người mẹ khi vô tình trở thành gánh nặng của con. Bối cảnh chính của câu chuyện diễn ra tại Việt Nam.
 |
Rima Thanh Vy đóng chính phim Cô dâu ma hợp tác với Thái Lan (ảnh FP của phim) |
Tại buổi ra mắt đoàn phim, nói về những đổi thay trong việc hợp tác làm phim với nước ngoài, nhà sản xuất Phan Gia Nhật Linh cho biết: “Trước đây, việc hợp tác chủ yếu chỉ là nước ngoài thuê phía Việt Nam làm dịch vụ và mời một vài diễn viên Việt góp mặt. Phía Việt Nam không được tham gia đầu tư hay sáng tạo. Với Mang mẹ đi bỏ, 2 bên hợp tác 50-50, có tiếng nói ngang nhau. Chúng tôi được chỉnh sửa, góp ý để các chi tiết phù hợp văn hóa Việt. Phim có sự tham gia của nhiều diễn viên Việt Nam nổi tiếng nên chúng tôi yêu cầu phía bạn cũng mời diễn viên có tên tuổi tham gia”.
Việc hợp tác cũng được nâng chất nhờ cách phía Việt Nam chọn đối tác. Với Điều ước cuối cùng, đối tác nước ngoài là Contents Panda - một trong những đơn vị sản xuất và phát hành hàng đầu Hàn Quốc. Đây là đơn vị từng đứng sau thành công của loạt phim đình đám như Train to Busan, Peninsula, Handsome Guys… Đạo diễn Mong Ho Jin (phim Mang mẹ đi bỏ) đã dày công tìm hiểu và lấy cảm hứng từ chính con người, lối sống, văn hóa Việt Nam để viết kịch bản.
Bộ phim Cô dâu ma (đạo diễn Lee Thongkham) sẽ ra rạp năm nay đánh dấu sự hợp tác giữa Silver Moonlight Entertainment (Việt Nam) và Thongkham Films (Thái Lan). Đạo diễn Lee Thongkham đã ghi dấu ấn qua loạt phim kinh dị The Maid, The Lake, Kitty The Killer. Phim Cải mả là cái bắt tay giữa đạo diễn Thắng Vũ với “ông trùm” phim kinh dị Hàn Quốc Kim Young Min - nhà sản xuất phim Quật mộ trùng ma.
Hợp tác sản xuất là hướng đi cần thiết và cũng là xu thế hiện nay của điện ảnh các nước. Nhà sản xuất Phan Gia Nhật Linh chia sẻ: “Khi hợp tác nhân sự, 2 bên được học hỏi lẫn nhau. Hàn Quốc có điểm mạnh là làm việc chuyên nghiệp. Họ có những điều hay đáng để học hỏi từ cách dựng set quay, thiết kế, tổ chức sản xuất, dựng phim tại chỗ… Việt Nam có thế mạnh ở sự chịu khó, nhân sự có trình độ không thua kém người nước ngoài, chi phí rẻ. Khó khăn ở việc hợp tác chủ yếu là tốn kém hơn vì quay bối cảnh 2 nước và việc làm sao để ê kíp 2 nước hiểu nhau trên trường quay”.
Từ nay đến cuối năm, Cô dâu ma, Cải mả sẽ ra rạp. Khán giả chờ đợi những bộ phim hợp tác sẽ ngày càng chất lượng để giúp nâng tầm phim Việt vừa góp phần quảng bá đất nước - con người Việt Nam đến với quốc tế nhiều hơn.
Hương Nhu