Người mua nhà ở xã hội sẽ được hoàn lại tiền nếu kiểm toán chi phí đầu tư thấp hơn giá công bố

04/07/2025 - 08:22

PNO - Chính phủ ban hành Nghị định số 192/2025/NĐ-CP nhằm quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị quyết số 201/2025/QH15 của Quốc hội về thí điểm các cơ chế, chính sách đặc thù thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội.

Nghị định nêu rõ các nội dung như: giao và chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời cho phép chỉ định chủ đầu tư, không qua đấu thầu đối với các dự án xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho lực lượng vũ trang nhân dân không sử dụng vốn đầu tư công; xác định giá bán, giá thuê mua nhà ở xã hội.

Kiểm soát giá bán, giá thuê mua và tiến độ đầu tư

Về xác định giá bán và giá thuê mua, Nghị định quy định chủ đầu tư căn cứ phương pháp xác định giá bán, giá thuê mua nhà ở xã hội và lợi nhuận định mức theo quy định của pháp luật về nhà ở, hoặc có thể tự xây dựng, thuê đơn vị tư vấn đủ năng lực để xác định giá bán, giá thuê mua theo đúng quy định pháp luật trước khi chủ đầu tư phê duyệt giá bán, giá thuê mua nhà ở xã hội.

Một dự án nhà ở xã hội tại TPHCM
Một dự án nhà ở xã hội tại TPHCM

Hồ sơ thẩm tra giá bán phải được gửi đến Sở Xây dựng cấp tỉnh ít nhất 30 ngày trước khi tiếp nhận hồ sơ đăng ký mua, thuê mua nhà ở xã hội hoặc khi đề nghị công nhận nhà ở đủ điều kiện giao dịch trong tương lai. Thông tin giá bán, giá thuê mua nhà ở xã hội sẽ được công khai trên cổng thông tin điện tử của UBND cấp tỉnh và Sở Xây dựng.

Trong vòng 180 ngày kể từ ngày công trình được nghiệm thu hoàn thành, chủ đầu tư phải thực hiện kiểm toán chi phí đầu tư (bằng kiểm toán nhà nước hoặc kiểm toán độc lập), sau đó gửi hồ sơ quyết toán đến Sở Xây dựng để kiểm tra, xác nhận lại giá bán, giá thuê mua.

Sở Xây dựng có 30 ngày để có ý kiến bằng văn bản về mức giá sau kiểm toán. Nếu giá kiểm toán cao hơn giá hợp đồng thì chủ đầu tư không được thu thêm; nếu thấp hơn thì phải hoàn trả phần chênh lệch cho người mua hoặc thuê mua.

Ngoài ra, chủ đầu tư không được thu quá 95% giá trị hợp đồng trước khi người mua được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và hoàn thành việc hoàn trả chênh lệch (nếu có).

Trách nhiệm và chế tài xử lý vi phạm

Nghị định cũng quy định rõ trách nhiệm của chủ đầu tư xây dựng nhà ở xã hội trong việc đảm bảo tiến độ, chất lượng công trình, tính chính xác của hồ sơ giá bán, và quá trình triển khai thực hiện dự án. Các tổ chức tư vấn, đơn vị kiểm toán cũng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết quả kiểm toán, thẩm tra của mình.

Trường hợp vi phạm quy định tại Nghị định hoặc Nghị quyết 201, các cá nhân, tổ chức liên quan sẽ bị xem xét xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự, tùy theo mức độ vi phạm. Nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định pháp luật.

Bên cạnh đó, chất lượng công trình nhà ở xã hội cũng được kiểm soát chặt chẽ từ khâu khảo sát, thiết kế, thi công đến khai thác sử dụng. Trường hợp cơ quan nhà nước có thẩm quyền phát hiện hoặc nhận được thông tin về công trình, hạng mục công trình nhà ở xã hội, có nghi ngờ về chất lượng hoặc có dấu hiệu nguy hiểm, không bảo đảm an toàn cho việc khai thác, sử dụng hoặc tiếp tục thi công thì chính quyền địa phương có trách nhiệm chỉ đạo, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ liên quan theo quy định của pháp luật về quản lý chất lượng, thi công xây dựng và bảo trì công trình xây dựng.

Bích Trần

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI