Loạn kit test, thuốc điều trị COVID-19 trên mạng xã hội
Lợi dụng tâm lý lo lắng về bệnh COVID-19 của nhiều người, “chợ thuốc” trên các trang mạng xã hội liên tục quảng cáo, rao bán hàng. Chỉ cần 1 bình luận chia sẻ than thở không tìm mua được kit test của ai đó đăng lên, lập tức có hàng chục bình luận rao bán với đủ loại giá, công năng xét nghiệm, điều trị bệnh. Người bán còn dẫn lại thông tin về ca bệnh COVID-19, các khuyến cáo của ngành y tế nhằm thu hút lượt tương tác để bán hàng.
Liên hệ với 1 số điện thoại bán hàng, chúng tôi được người bán giới thiệu nhiều loại kit test, không chỉ xét nghiệm nhanh COVID-19 mà còn phát hiện được nhiều loại bệnh cúm khác, nhập từ Nhật Bản, có cả giấy phép nhập khẩu.
Người này nói: “Bên em hiện còn que xét nghiệm COVID-19 loại “4 trong 1”, tức là 1 lần thử có thể phát hiện được COVID-19, cúm A/B, viêm phổi RSV và cúm do vi rút Adeno; cao cấp hơn thì 5 loại bệnh. Hàng nhập nên loại 4 bệnh là 85.000 đồng, 5 bệnh thì 90.000-110.000 đồng tùy hãng. Đi bệnh viện làm xét nghiệm 1 bệnh đã 150.000 đồng rồi, mà còn phải chờ lâu”.
Để thuyết phục khách hàng, người bán cho biết kit test giá cao do hàng chính hãng, nếu mua trên 20 kit thì sẽ được giảm 20.000 đồng/kit. Người mua phải chuyển tiền trước, người bán sẽ gửi hàng. Tuy nhiên, khi chúng tôi đề nghị cho địa chỉ để đến mua trực tiếp, đầu dây bên kia không đồng ý và tắt máy.
Lo lắng về dịch COVID-19, anh Nguyễn Thế Mạnh (27 tuổi, ở quận Tân Bình, TPHCM) đến nhiều tiệm thuốc tây để tìm mua kit test, thuốc hạ sốt, nhỏ mũi… Tuy nhiên, các tiệm thuốc đều không còn kit test.
Anh nói: “Tôi định mua vài que thử COVID-19 dự phòng khi có triệu chứng mới xét nghiệm, nhưng trên mạng xã hội, ai cũng nói bị bệnh mà không rõ nguồn lây. Vợ tôi lại đang mang thai, nên tôi nghĩ cần phải phòng ngừa kỹ hơn, cần tự xét nghiệm 2 lần/tuần cho an tâm”.
Anh Mạnh đã đặt mua 50 kit test “3 trong 1” với giá 35.000 đồng/kit qua 1 tài khoản Facebook, bởi người bán nói sẽ hỗ trợ thuốc trong trường hợp anh hoặc vợ mắc bệnh. Ngoài ra, anh cũng mua thêm dung dịch rửa tay, thuốc kháng sinh, thực phẩm chức năng hỗ trợ tăng đề kháng, nước rửa mũi, họng để dự phòng.
Tương tự, dù đã mua được 30 kit test loại “5 trong 1”, chị Phạm Thị Trà (45 tuổi, ở huyện Hóc Môn) cũng đang đặt mua thêm 50 kit nữa vì người bán cho biết dự báo vài ngày tới sẽ “cháy hàng”.
Chị nói: “Loại que thử này không chỉ phát hiện được COVID-19 mà còn bệnh cúm, viêm phổi, nên nếu COVID-19 lắng xuống, tôi vẫn có thể chủ động phát hiện bệnh cúm cho con. 2 đơn hàng mua cách nhau chưa đến 1 tuần mà mỗi que thử đã tăng giá 12.000 đồng. Nhà tôi có tới 6 người, nên phải mua nhiều cho yên tâm”.
Tốn kém và không cần thiết
Bác sĩ Trương Hữu Khanh - Phó chủ tịch Liên chi hội Truyền nhiễm TPHCM - cho biết, hiện tại COVID-19 được xếp vào bệnh truyền nhiễm nhóm B, nghĩa là bệnh này tương tự như bệnh cúm, sốt rét, sốt phát ban… Chúng ta đã có miễn dịch cộng đồng nên nguy cơ dịch COVID-19 bùng phát trở lại rất thấp, mọi người không cần quá lo lắng. “Việc test nhanh COVID-19 hằng ngày hay theo định kỳ để ngừa bệnh, cũng như mua thuốc dự trữ vừa tốn kém vừa không cần thiết” - ông nhấn mạnh.
 |
Trên mạng xã hội đang dày đặc các thông tin rao bán kit test, thuốc điều trị COVID-19 - Ảnh chụp màn hình |
Theo ông, mọi người cần bình tĩnh, chỉ tham khảo các thông tin từ cơ sở y tế, hoặc cơ quan truyền thông chính thống. Chỉ xét nghiệm COVID-19 khi có triệu chứng bệnh hoặc có yếu tố dịch tễ rõ ràng.
“Những người mắc bệnh phổi mạn tính, suy giảm miễn dịch, đái tháo đường, bệnh lý tim mạch hoặc người lớn tuổi nên tuân thủ nghiêm khuyến cáo về phòng bệnh hô hấp. Còn người thuộc nhóm nguy cơ như trẻ em, phụ nữ mang thai, người có bệnh nền… nếu có triệu chứng bệnh mà quá sợ hãi có thể đến cơ sở y tế gần nhất để khám. Tuyệt đối không mua, uống thuốc lung tung thì bệnh càng thêm nặng” - bác sĩ Trương Hữu Khanh khuyến cáo.
Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Đình Qui - Phó trưởng khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi Đồng 2 - đánh giá: biến thể Omiron XEC có mức độ lây lan nhanh nhưng độc lực không tăng nên ít khả năng gây biến chứng nặng. Người bệnh có các triệu chứng như: cảm cúm, ho, đau họng, sốt, nhức mỏi cơ thể, cũng có thể mất khứu giác, vị giác.
Ông cho biết: “Thực tế, với người khỏe mạnh, việc xét nghiệm COVID-19 không cần thiết nữa. Nếu thấy bản thân xuất hiện các triệu chứng như cảm cúm thì nên mang khẩu trang, rửa tay thường xuyên và hạn chế tiếp xúc với người xung quanh trong vòng 5 ngày là được”.
Mỗi loại thuốc kháng vi rút chỉ có chỉ định trên một số đối tượng bệnh nhân COVID-19. Do vậy, việc dùng các thuốc kháng vi rút này cần đúng chỉ định của bác sĩ. Trong khi đó, đa số người mua thuốc đều nghe theo lời quảng cáo, và uống theo hướng dẫn của người bán mà không được khám bệnh. Lạm dụng thuốc khiến người bệnh đối mặt với nguy cơ dị ứng, tác dụng phụ, phản ứng thuốc… Mua thuốc trôi nổi khả năng mua phải thuốc giả, chưa phòng ngừa được COVID-19 đã có nguy cơ về sức khỏe cho bản thân và gia đình.
Không có ca COVID-19 tiến triển nặng Sở Y tế TPHCM cho hay, tuần 20 (từ ngày 12/5 đến 18/5), thành phố ghi nhận 29 ca COVID-19, tăng 6 ca so với tháng trước. Số ca tích lũy từ đầu năm đến nay là 79 ca, thấp hơn 75,5% so với cùng kỳ năm 2024 (322 ca). Số ca COVID-19 có xu hướng tăng nhẹ từ tuần 16 năm 2025. TPHCM chưa ghi nhận các ổ dịch lớn, cũng như chưa ghi nhận ca bệnh nặng. Theo các chuyên gia dịch tễ, Việt Nam đang kiểm soát tốt dịch COVID-19. Bộ Y tế cũng đã ban hành các văn bản hướng dẫn về dự phòng, điều trị, phòng chống lây nhiễm. Ngành y tế chủ động theo dõi và ứng phó, vì vậy người dân không nên quá lo lắng mà hãy tuân thủ các hướng dẫn phòng bệnh. Theo đó, người mắc COVID-19 không bị bắt buộc cách ly y tế như trước, mà khuyến cáo tự cách ly tại nhà ít nhất 5 ngày, đeo khẩu trang đến ngày thứ mười để tránh lây lan. Người nghi ngờ mắc bệnh, đặc biệt thuộc nhóm người cao tuổi, có bệnh nền, phụ nữ mang thai… nên xét nghiệm sớm để được hướng dẫn điều trị. |
Phạm An