Bình tĩnh ứng phó khi COVID-19 rục rịch trở lại

19/05/2025 - 06:15

PNO - Trước tình hình ca mắc COVID-19 có xu hướng tăng nhẹ tại một số địa phương, đặc biệt là TPHCM, ngành y tế khuyến cáo mọi người cần bình tĩnh, chủ động duy trì các biện pháp phòng ngừa để bảo vệ sức khỏe bản thân và cộng đồng.

Lo lắng khi nghe COVID-19 tăng

Những ngày qua, đọc thông tin COVID-19 có dấu hiệu tăng tại TPHCM, chị Trần Thị Thanh (42 tuổi, ngụ quận 8) cảm thấy bất an. Chị hết chạy đi mua thuốc hạ sốt dự phòng, đến lá sả, chanh để xông nhà. Dù được chồng trấn an, chị Thanh vẫn chạy đi mua gạo, thức ăn, sữa, nước rửa tay… dự trữ. Khi các thành viên trong nhà có dấu hiệu nóng sốt, chị đều khuyên xét nghiệm COVID-19.

Các chuyên gia y tế lưu ý người dân bình tĩnh, thực hiện các biện pháp phòng bệnh như đeo khẩu trang, rửa tay… thường xuyên - ẢNH: PHẠM AN
Các chuyên gia y tế lưu ý người dân bình tĩnh, thực hiện các biện pháp phòng bệnh như đeo khẩu trang, rửa tay… thường xuyên - ẢNH: PHẠM AN

“Mỗi lần nhắc đến COVID-19, tôi vẫn nhớ khoảng thời gian bị phong tỏa, giãn cách, và chồng, con tôi phải đi cách ly. Nhất là lúc cả nhà bị bệnh, các con sốt cao, mệt mỏi. Bây giờ, nghe COVID-19 tăng trở lại, tôi nghĩ mình phải chủ động phòng ngừa hơn” - chị Thanh nói.

Từng mắc COVID-19 năm 2021, bà Nguyễn Thị Liên (58 tuổi, ở quận 10) cho biết, bà vẫn ám ảnh mỗi khi nhớ đến những ngày “vật lộn” với bệnh. Do bà bị đái tháo đường, cao huyết áp, các thành viên trong gia đình ưu tiên chăm sóc cho bà. Mấy ngày nay, bà Liên đòi con cái bố trí phòng riêng cho mình, có nước rửa tay, xịt khử khuẩn, ăn uống riêng… để hạn chế tiếp xúc với mọi người.

Anh Phan Thành Trung (28 tuổi, con của bà Liên) kể: “Lúc trước, mẹ bị COVID-19 rất nặng, phải nhập viện thở máy gần 10 ngày. Sau đó, mẹ bị tâm lý nặng nề. Mặc dù chúng tôi có đưa mẹ đến bác sĩ tâm lý nhưng chỉ thuyên giảm được vài tháng rồi mẹ lại bị lo âu. Có lẽ mẹ đã rất ám ảnh, vì vậy khi nghe COVID-19 ở Thái Lan, mẹ ăn ngủ không yên. Chúng tôi đã đưa mẹ đi tiêm vắc xin ngừa COVID-19 rồi, nhưng bà vẫn chưa yên tâm”.

Theo phó giáo sư, tiến sĩ Đỗ Văn Dũng - nguyên Phó hiệu trưởng Trường đại học Y Dược TPHCM - khả năng số ca COVID-19 tăng nhẹ tại Việt Nam vẫn có thể xảy ra, bởi vi rút luôn có thể sinh ra biến chủng mới dễ lây lan. Nhưng hiện nay, các biến chủng đều có độc lực thấp, chủ yếu gây bệnh nhẹ. Quan trọng, đa số người dân đã được tiêm vắc xin đầy đủ, hoặc từng mắc COVID-19 nên miễn dịch cộng đồng đã hình thành khá vững. Giám sát trên toàn cầu cũng cho thấy xu hướng chung của dịch COVID-19 không lan rộng như trước.

“Chúng ta cần hiểu rằng vấn đề không nằm ở vi rút mà là ở nền tảng sức khỏe người bệnh. Không chỉ COVID-19 mà mọi bệnh lý đường hô hấp như cúm mùa hay vi rút hợp bào hô hấp (RSV)… đều có thể gây biến chứng nguy hiểm ở nhóm nguy cơ cao như người cao tuổi, người có bệnh nền nặng hoặc suy giảm miễn dịch. Do đó, việc phòng ngừa COVID-19 hiện nay nên được đặt trong bối cảnh phòng ngừa tất cả bệnh hô hấp mùa” - ông nói.

Duy trì các biện pháp phòng bệnh

Bác sĩ Trương Hữu Khanh - Phó chủ tịch Liên chi hội Truyền nhiễm TPHCM - cho biết, tuy số lượng bệnh nhân mắc COVID-19 ở Thái Lan đang tăng nhưng chủng vi rút đang lưu hành vẫn là biến thể lành tính, không có độc lực cao. Vì vậy, cho đến bây giờ quốc gia này vẫn chưa thực hiện bất kỳ biện pháp cách ly hay phong tỏa nào. Đối với trường hợp tử vong, cần phải xem xét nhiều yếu tố như bệnh nền, bệnh mạn tính… Không nên chỉ nhìn con số rồi hoảng loạn.

“Hiện tại, ngành y tế Việt Nam đã chủ động theo dõi và ứng phó. Chúng ta cũng đã có miễn dịch cộng đồng nên ít khả năng phong tỏa hay cách ly như trước”, bác sĩ Trương Hữu Khanh nói và khuyến cáo người dân vẫn nên tuân thủ nghiêm các khuyến cáo phòng bệnh của Bộ Y tế. Nhất là phòng bệnh hô hấp như đeo khẩu trang, rửa tay bằng xà phòng, hạn chế tiếp xúc nơi đông người, nghỉ ngơi, ăn uống đầy đủ… Điều này cần phải được duy trì thường xuyên, đừng đợi đến khi có COVID-19 mới thực hiện.

Những người mắc bệnh phổi mạn tính, suy giảm miễn dịch, đái tháo đường, bệnh lý tim mạch hoặc người lớn tuổi càng phải cẩn trọng, không chỉ với COVID-19 mà với tất cả bệnh truyền nhiễm hô hấp.

Ông Đỗ Văn Dũng cho biết thêm: “Theo các tài liệu và dự báo y học, khả năng xuất hiện biến thể SARS-CoV-2 gây bệnh nặng hơn là cực kỳ thấp. Vi rút muốn tồn tại thì phải hòa nhập với vật chủ, nghĩa là độc lực giảm dần để không bị hệ miễn dịch tiêu diệt. Do đó, hướng tiến hóa của vi rút là ngày càng nhẹ hơn, và COVID-19 trong tương lai sẽ trở thành một bệnh hô hấp thông thường. Đến nay COVID-19 cũng đang được xếp vào nhóm B, tương đương với cúm”.

Theo vị chuyên gia, chúng ta đã có kinh nghiệm, có miễn dịch và phương pháp ứng phó phù hợp. Tuy nhiên cũng không nên lơ là, chủ quan, mà cần đánh giá lại tính chất của dịch bệnh trong giai đoạn hiện tại. Trước mắt, do COVID-19 không ở tình trạng khẩn cấp, nguồn vắc xin không được dồi dào như trước nên tiêm vắc xin không còn được triển khai rộng rãi.

Ở một số nước như Mỹ, Úc, Canada…, người dân (nhất là nhóm nguy cơ cao) vẫn được tiêm nhắc vắc xin ngừa COVID-19 định kỳ. Trong bối cảnh hiện nay, người có nguy cơ tại Việt Nam cần chủ động phòng bệnh.

Người dân cần bình tĩnh, tiếp nhận thông tin từ nguồn chính thống và tránh chia sẻ thông tin sai lệch, gây hoang mang dư luận. Mọi người hãy duy trì các biện pháp phòng bệnh cơ bản, khám sớm khi có triệu chứng ho, sốt, khó thở…

Dịch COVID-19 giảm mạnh về quy mô và mức độ nghiêm trọng

Theo Sở Y tế TPHCM, hệ thống giám sát dịch tễ trên địa bàn đã ghi nhận COVID-19 có xu hướng tăng nhẹ từ giữa tháng Tư đến nay. Tuy nhiên, tình hình vẫn đang trong tầm kiểm soát, không xuất hiện các ổ dịch và không có trường hợp diễn tiến nặng. Từ ngày 5 đến 11/5, có 16 ca mắc COVID-19.

Tính từ đầu năm 2025 đến nay, thành phố đã ghi nhận 51 ca bệnh. Trong đó, 29 ca điều trị nội trú và 22 ca điều trị ngoại trú. Không có trường hợp diễn tiếp nặng, hoặc cần hỗ trợ hô hấp. So với cùng kỳ năm 2024, số ca mắc COVID-19 giảm tới 83%. Điều này cho thấy dịch bệnh đã giảm mạnh về quy mô và mức độ nghiêm trọng.

Vì vậy, người dân cần bình tĩnh, tuân thủ các hướng dẫn phòng bệnh. Nếu lo lắng, có thể đến cơ sở y tế gần nhất để được khám, tư vấn chính xác nhằm bảo vệ sức khỏe cá nhân và cộng đồng.

Phạm An - An Nguyên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI