Đủ kiểu lừa “quyên góp tiền hỗ trợ bệnh nhân”

16/03/2023 - 06:18

PNO - Thời gian qua, nhiều bệnh viện đã phải đính chính các thông tin mạo danh trên mạng xã hội do các đối tượng xấu lừa đảo, bịa đặt các câu chuyện thương tâm về bệnh nhân, giả mạo giấy tờ của bệnh viện để quyên góp tiền từ thiện…

Làm giả giấy tờ bệnh viện 

Bác sĩ Trương Hữu Khanh - Trưởng phòng Công tác xã hội (CTXH), cố vấn chuyên môn Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TPHCM) - cho biết mới đây, trên các trang mạng xã hội lại xuất hiện tình trạng kẻ xấu mượn danh bệnh viện lừa đảo xin tiền từ thiện. Theo đó, một tài khoản tên Hoàng Trung đăng tải bài viết vào nhóm Krông Năng Hội trên Facebook với nội dung xin tiền đưa con trai tử vong về quê. Tài khoản này cho biết con mình bị viêm não mô cầu, đã điều trị ở Bệnh viện Nhi Đồng 1 TPHCM 2 tháng và không qua khỏi.

Một trường hợp đối tượng xấu lấy hình ảnh bệnh nhi, làm giả giấy xác nhận của các bệnh viện lừa đảo kêu gọi ủng hộ ẢNH: BỆNH VIỆN CUNG CẤP
Một trường hợp đối tượng xấu lấy hình ảnh bệnh nhi, làm giả giấy xác nhận của các bệnh viện lừa đảo kêu gọi ủng hộ - ẢNH: BỆNH VIỆN CUNG CẤP

“Do lo chi phí điều trị cho bé 2 tháng nay, gia đình em hiện giờ khó khăn, em không xoay xở được nên mới đăng bài. Mong anh chị rủ lòng thương giúp em chút chi phí, để em đưa con về quê và làm đám tang cho con”, tài khoản Hoàng Trung viết. Cuối bài, đối tượng ghi số điện thoại, số tài khoản nhận tiền hỗ trợ. Để tăng sự thuyết phục, người viết còn đăng tải hình ảnh một bệnh nhi khoảng 2-3 tuổi đang được điều trị tích cực, cùng giấy chứng nhận ghi “tử vong”, có cả dấu mộc đỏ, chữ ký của giám đốc bệnh viện và trưởng phòng kế hoạch tổng hợp.

Thông tin thương tâm này đã thu hút nhiều bình luận, chia sẻ, một số người đã chuyển tiền hỗ trợ để “đưa bệnh nhi về nhà”. Người chuyển ít thì 50.000 đồng, có người chuyển 500.000 đồng đến số chủ tài khoản tên Hoàng Quốc Trung. Ngay khi biết thông tin, bệnh viện đã phải lên tiếng đính chính trên trang tin chính thức của mình.

Tương tự, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tuyên Quang, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Điện Biên, Bệnh viện Nhi Đồng 2 (TPHCM)... cũng phải nhiều lần đính chính thông tin trên mạng xã hội về trường hợp đối tượng xấu bịa đặt câu chuyện thương tâm, đăng kèm hình ảnh một bệnh nhi xin tiền hỗ trợ với lý do “bé mổ gấp vì bị té xe, máu bầm trong não”. Các tài khoản lừa đảo sử dụng cùng một nội dung và hình ảnh bệnh nhi nhưng lại có nhiều giấy xác nhận của các bệnh viện trên. Bác sĩ Trương Hữu Khanh cho biết nhiều người đã chuyển tiền ngay theo “quán tính” do thương cảm với hoàn cảnh bệnh nhi, sau đó mới tìm hiểu, khi biết mình bị lừa thì đã muộn.

Thạc sĩ, bác sĩ Trần Quang Châu - Trưởng phòng CTXH Bệnh viện Lê Văn Thịnh - nhận định: Việc mạo danh bệnh viện, bác sĩ, bệnh nhân để lừa đảo, lợi dụng lòng tốt của người khác để trục lợi tiền hỗ trợ từ thiện là hành vi vừa tàn nhẫn vừa độc ác cần phải quyết liệt lên án. Bằng thủ đoạn này, những kẻ lừa đảo làm mất niềm tin của mọi người, đẩy những bệnh nhân thật sự khó khăn, cần hỗ trợ vào đường cùng. Bởi khi đó, lòng tốt của mọi người bị tổn thương, tâm lý sẽ trở nên nghi ngại, các bệnh nhân thật sự khó khăn sẽ khó hoặc không còn nhận được sự hỗ trợ cần thiết của xã hội, rơi vào tình huống khó khăn hơn.

Giả thân nhân bệnh nhân xin tiền 

Thạc sĩ Lê Minh Hiển - Trưởng phòng CTXH, Bệnh viện Chợ Rẫy - chia sẻ, ông cùng các đồng nghiệp đã nhiều lần phát hiện các đối tượng giả danh người nuôi bệnh, cầm bệnh án giả đi xin tiền thân nhân bệnh nhân khác. Các đối tượng xấu rất tinh vi, sử dụng cả đồng phục thăm nuôi của bệnh viện, đi xin tiền ngoài khuôn viên bệnh viện. Ngoài việc nhắc nhở thân nhân bệnh nhân, bệnh viện đã phải tăng cường nhân viên đến các khoa phòng, vừa hỗ trợ bệnh nhân vừa quan sát, phát hiện và báo ngay cho bảo vệ bệnh viện xử lý.

Đối tượng xấu giả danh Bệnh viện Nhi Đồng 1 TPHCM lừa đảo, kêu gọi hỗ trợ ẢNH: BỆNH VIỆN CUNG CẤP
Đối tượng xấu giả danh Bệnh viện Nhi Đồng 1 TPHCM lừa đảo, kêu gọi hỗ trợ - ẢNH: BỆNH VIỆN CUNG CẤP

Một số trường hợp lừa đảo bị phát hiện, ngăn chặn sau đó quay lại tìm cách gây khó cho bệnh viện, thậm chí xúi giục cả bệnh nhân thực sự khó khăn và đang được hỗ trợ “tố” bệnh viện ăn chặn. Trước đây, Phòng CTXH Bệnh viện Chợ Rẫy cũng từng giải quyết một trường hợp bệnh nhân (ở Tây Ninh) bị khối u ở mặt. Các bác sĩ sau khi thăm khám ban đầu dự kiến sẽ phẫu thuật xử lý khối u cho người bệnh. Trong quá trình điều trị, người bệnh được một tổ chức từ thiện giúp đỡ với số tiền 50 triệu đồng để phẫu thuật thông qua Phòng CTXH. Tuy nhiên, kết quả chẩn đoán hình ảnh sau đó cho thấy tình trạng khối u quá nặng, nếu mổ có nguy cơ tử vong cao nên bác sĩ quyết định điều trị bảo tồn.

“Khi sức khỏe ổn định, người bệnh được xuất viện, Phòng CTXH đã gặp và thông báo về số tiền được ủng hộ, sau khi thanh toán chi phí, số còn lại được hoàn trả lại theo yêu cầu của tổ chức từ thiện và thân nhân bệnh nhân đã đồng ý. Tuy nhiên, sau đó đường dây nóng của bệnh viện lại tiếp nhận thông tin Phòng CTXH ăn chặn số tiền còn lại với lời lẽ nặng nề”, ông Lê Minh Hiển nhớ lại. Trước tình huống này, ông Hiển đã mời người nhà bệnh nhân, lãnh đạo khoa điều trị, cùng đại diện của tổ chức từ thiện đến làm việc một cách minh bạch. Điều mừng nhất là khi thấy quy trình làm việc của Phòng CTXH, tổ chức từ thiện này đã thêm tin tưởng, tiếp tục hỗ trợ cho một số bệnh nhân khó khăn khác đang điều trị tại đây.

Ông Lê Minh Hiển cho biết thêm Phòng CTXH của bệnh viện đã xây dựng quy trình rất chặt chẽ. Theo đó, khi được thông báo bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn, phòng sẽ kiểm tra, xác minh. Khi nhà hảo tâm đến hỗ trợ, phòng sẽ để nhà hảo tâm cùng nhân viên gặp trực tiếp thân nhân bệnh nhân để xác tín. Nếu nhà hảo tâm yêu cầu về hình ảnh, clip, phòng cũng sẽ tạo điều kiện thực hiện với yêu cầu bảo vệ thông tin, hình ảnh người bệnh. “Khi nhận tiền hỗ trợ, Phòng CTXH có trách nhiệm gửi lại cho nhà hảo tâm phiếu thu, thư cảm ơn của giám đốc bệnh viện. Sau đó tổng kết, đăng tải công khai trên trang thông tin của bệnh viện. Việc cho, tặng sẽ được thực hiện tại Phòng CTXH  với sự chứng kiến của nhà hảo tâm, thân nhân bệnh nhân”, ông Lê Minh Hiển cho hay.

Còn tại Bệnh viện Lê Văn Thịnh, nhân viên Phòng CTXH đã phủ mạng lưới khắp bệnh viện để kịp thời hỗ trợ bệnh nhân cũng như phát hiện các cá nhân giả bệnh nhân, thân nhân trà trộn lừa đảo.  “Trước tình trạng lừa đảo, mạo danh trục lợi, nhiều hành vi cố tình gây mâu thuẫn, hiểu lầm hiện nay, chúng tôi mong rằng cơ quan chức năng sẽ sớm vào cuộc, quyết liệt hơn trong xử lý” - bác sĩ Trần Quang Châu - Trưởng phòng CTXH Bệnh viện Lê Văn Thịnh - đề nghị.

Bác sĩ Trần Quang Châu khuyến khích người bệnh nếu gặp khó khăn, hãy chia sẻ với khoa, phòng, nhân viên y tế để được hướng dẫn, hỗ trợ, tránh để kẻ gian lợi dụng hình ảnh của mình để kêu gọi trên mạng xã hội, cũng như lấy thông tin cá nhân để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật khác. “Ngoài xác minh gia cảnh người bệnh, nếu có nghi ngờ chúng tôi cũng sẽ tìm hiểu thông tin về các cá nhân, tổ chức đến bệnh viện hỗ trợ khi cần thiết bởi vẫn có trường hợp nhiều người ngụy trang tinh vi, có mục đích riêng có thể sẽ gây hiểu lầm giữa bệnh viện và bệnh nhân”, ông Châu nhấn mạnh.

Theo luật sư Trần Minh Hùng - Đoàn Luật sư TPHCM - hành vi lợi dụng thông tin về người bệnh, tự ý lấy thông tin bệnh nhân kể cả còn điều trị hay đã xuất viện rồi đăng lên mạng tự kêu gọi từ thiện mà bệnh nhân không biết, hoặc người bệnh vì quá khó khăn, bị dụ dỗ… nên thỏa hiệp chia tiền đều có dấu hiệu vi phạm pháp luật. 
Tùy tính chất mức độ hành vi, vi phạm, đối tượng vi phạm có thể bị xử phạt hành chính. Nhiều hành vi có thể cấu thành tội phạm, cụ thể là tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Lúc này, tùy số tiền chiếm đoạt sẽ xác định các khung xử phạt với mức án tù. 

Phạm An 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI