Diễn viên Hữu Tiến: 'Tôi từng không có thứ gì thuộc về mình, kể cả cha mẹ'

27/03/2017 - 14:15

PNO - Với không ít nghệ sĩ, trong đó có diễn viên Hữu Tiến, đời thường có khi còn lắm biến cố, thác ghềnh hơn số phận những nhân vật họ từng đảm nhận...

Sau những vai diễn hào hoa, dưới ánh đèn rực rỡ trên sân khấu, trong phim ảnh, người nghệ sĩ (NS) lại trở về với đời thường, với cuộc sống như tất cả những người bình thường khác. 

Dien vien Huu Tien: 'Toi tung khong co thu gi thuoc ve minh, ke ca cha me'
Diễn viên Hữu Tiến

Tôi đã có được hầu hết những gì một diễn viên bình thường mong muốn: một công việc thu nhập ổn định là dạy diễn xuất, đạo diễn một số chương trình truyền hình; có những vai diễn hay mà nhiều diễn viên mơ ước. Chuyện con cái cũng đã yên lòng vì con trai lớn làm việc trong ngành ngân hàng, thu nhập ổn định, đã có vợ con; con gái út xinh xắn, sớm biết tự lập, hiếu thảo.

Nhiều người làm nghệ thuật khi bước qua tuổi trung niên thường ước mơ thời gian quay trở lại để làm được nhiều hơn, tốt hơn những gì mình làm chưa trọn vẹn; nhưng riêng tôi thì không hề mơ được trở lại ngày xưa. Tôi đã phải trải qua quá nhiều điều mà đến tận lúc này, đôi khi chúng vẫn còn ám ảnh tôi trong giấc mơ.

Có lúc tưởng chừng tôi đã bị sóng xô...

Tôi vẫn nhớ, chỉ không lâu sau ngày đầy tháng con gái thì mâu thuẫn vợ chồng lên đến đỉnh điểm, thôi nôi con xong là vợ chồng tôi đường ai nấy đi. Con trai bảy tuổi, con gái một tuổi phải gửi bà ngoại chăm sóc. Tôi dọn ra ngoài với hai bàn tay trắng. Khi đó, những lúc diễn kịch, quay phim ở TP thì tôi có nhiệm vụ đưa đón con trai đi học mỗi ngày, chăm cho cả hai con xong rồi mới về chỗ trọ.

Những ngày tôi đi phim xa, bà ngoại tạm thời cáng đáng mọi chuyện. Mỗi tháng tôi có nhiệm vụ đóng góp 50% chi phí học hành, sinh hoạt của con, tiền cơm đã có ngoại lo. Những việc đó đúng ra cũng đơn giản, nhẹ nhàng nếu như trước đó chúng tôi không nợ nần vì thất bại trong làm ăn.

Gần 20 năm trước, tôi may mắn được nhận rất nhiều vai chính trên phim video, phim truyền hình… nhưng cát-sê thời đó lại rất khiêm tốn. Cho nên, những người bạn rất thân mới biết Hữu Tiến khi đó chỉ có lớp vỏ hào nhoáng trên màn ảnh, sân khấu; đời thật lại là một căn phòng bé xíu, nóng nực, không ti vi, không tủ lạnh, vật dụng đáng giá nhất trong phòng có lẽ là cái… quạt máy.

Tôi trả nợ ròng rã gần hai mươi năm, tận đến lúc quay lại trường học đạo diễn, không mấy sinh viên là không bị tôi nợ tiền. Bài tốt nghiệp nào của sinh viên cả sân khấu lẫn điện ảnh đều có mặt tôi, chẳng phải vì tôi tài giỏi gì mà chỉ là tôi nợ… tiền họ nên phải góp sức hỗ trợ họ làm bài thi tốt nghiệp. Lãi mẹ đẻ lãi con, nợ trả hoài không hết. 

Tôi nuôi hai con chỉ dám tính ngày, tính tuần, chứ không dám tính tháng. Con càng lớn, bà ngoại cũng càng già yếu, không thể tiếp tục nuôi các cháu nổi nữa, chỉ thỉnh thoảng dấm dúi cho cháu chút tiền tiêu vặt, gánh nặng kinh tế dồn hết sang tôi. Con trai vào Đại học Hoa Sen, tôi phải bán chiếc xe máy đang đi để đóng học phí, mua trả góp chiếc xe rẻ tiền hơn để có phương tiện đi lại. Không ít lần tôi cảm thấy kiệt sức và bế tắc. Những lúc đó, các con đã tiếp thêm sức mạnh giúp tôi gượng dậy bước tiếp, dù con đường phía trước vẫn còn mù mịt. 

Ba mẹ tôi cũng chia tay từ khi tôi còn rất nhỏ. Tám tuổi tôi được chuyển về ở với ba, trong cảnh ở nhà đã có con riêng của dì, con chung của dì và ba. Tôi không hề có cảm giác đó là gia đình của mình mà chỉ thấy lạc lõng. Tuổi đó tôi đã biết giặt ủi quần áo cho cả sáu anh chị em, rửa chén cho cả nhà sau mỗi bữa ăn. Tôi cũng đủ “thông minh” để hiểu, khi có một rổ khoai, rổ bắp trên bàn, thì củ khoai, trái bắp bên ngoài rổ là của tôi - thằng Tiến, chớ có rớ vào khoai bắp trong rổ.

Tôi có cha, có mẹ, có anh em, nhưng chưa bao giờ có cảm nhận đó là cha, mẹ, anh chị em của mình. Trưởng thành, muốn đổi đời, tôi dễ dàng xuôi theo mai mối, chấp nhận kết hôn với con gái út của một gia đình khá giả. Tôi nghĩ rất đơn giản là ông bà mình ngày xưa cũng lấy nhau qua mai mối, có mấy người yêu nhau trước đâu, mà về chung sống vẫn gắn bó cả đời. Tôi và vợ chắc cũng sẽ như thế. Và đó chính là sai lầm lớn nhất đời tôi: kết hôn không vì tình yêu mà vì mục đích vụ lợi.

Có con đầu lòng, tôi nghĩ: “Con là thứ quý giá đầu tiên trong cuộc đời thực sự là của mình”, nên dồn hết yêu thương cho con mà quên là mình cũng cần phải vun đắp tình yêu với vợ, bởi hôn nhân của chúng tôi không xuất phát từ tình yêu. Hôn nhân tan vỡ, tôi là người có lỗi lớn nhất. Những đứa con phải sống thiếu mẹ là hậu quả từ những sai lầm của tôi, tôi không được phép buông bỏ trách nhiệm.

Gà trống nuôi con

Con gái 11 tuổi, đã vào tuổi chướng, bà ngoại không còn sức theo sát cháu nổi nên yêu cầu tôi phải đón con về. Ngoại chỉ để ý hộ đứa lớn. Cuộc sống của tôi xáo trộn hẳn từ đó, khó khăn chồng khó khăn. Con nhỏ ở chung, tôi phải từ chối tất cả những phim phải đi quay xa nhà để có thời gian đưa đón, chăm sóc con. Thời đó phim ảnh chưa nhiều, chỉ dừng một hai phim là người diễn viên bị khán giả và cả những người làm nghề lãng quên ngay.

Từ chỗ đang được giao toàn vai chính, tôi phải chấp nhận làm tất cả để có tiền nuôi con và trả nợ. Tôi đóng vai quần chúng, đi dựng chương trình cho các trung tâm văn hóa, làm phong trào, dạy các lớp kịch thiếu nhi… Giờ nhớ lại thời gian đó, tôi thấy thương con gái thắt ruột. Con đi học về là bị nhốt trong phòng vì ba còn bận đi làm. 

Dien vien Huu Tien: 'Toi tung khong co thu gi thuoc ve minh, ke ca cha me'
Hữu Tiến và con gái

Bạn bè nhận xét, trong tôi có một người phụ nữ. Ừ, điều đó cũng không sai. Phải có một chút phụ nữ tôi mới có thể làm mẹ của con, có thể thắt đủ kiểu tóc cho con mỗi ngày trước khi con đến trường. Phải có một chút phụ nữ tôi mới có thể nói với con gái những kiến thức thường thức về tuổi dậy thì, về những biến đổi của cơ thể, cách giữ gìn vệ sinh và cả cách sử dụng những vật dụng thiết yếu của phụ nữ.

Tuy nhiên, tôi cũng chỉ nói được với con theo cách hiểu của mình, từ những thông tin góp nhặt được. Mà chuyện từ sách vở đôi khi rất khác với thực tế. Con từng hốt hoảng gọi tôi dậy lúc nửa đêm vì sự bất thường của cơ thể khi một bé gái chuyển mình thành thiếu nữ. Lúc đó tôi mới nhận ra có quá nhiều thứ mình không biết.

Có lẽ bà mụ đã “nắn” lầm tính cách của hai con tôi. Từ bé con trai đã rất hiền lành, ngoan ngoãn, chỉ lo học hành; trong khi con gái rất cá tính, luôn muốn khẳng định mình. Vừa làm cha, vừa làm mẹ, tôi cứ nơm nớp lo dù mình có yêu thương con đến mấy cũng không thể nào cho con được cảm giác đồng cảm và sự kết nối đặc biệt của mẹ và con gái, của những người cùng giới tính.

Năm thứ hai đại học Hutech, con gái tuyên bố: “Con muốn nghỉ học. Con có thể bỏ học đi chơi, nói dối ba là vẫn đi học, ba không thể kiểm soát được. Nhưng con không làm vậy vì không muốn ba tốn tiền đóng học phí mà con lại bỏ đi chơi”. Rồi con đòi tự lập, muốn kiếm tiền để ba đỡ cực. Tôi thật sự hoang mang, không biết phải làm sao cho đúng. Con muốn mở quán bán ốc dù chưa có chút kinh nghiệm quản lý, buôn bán. Tôi khi đó vẫn còn nợ nần, khó khăn, nhưng khuyên con bất thành, tôi quyết định cho con trải nghiệm thực tế để tự hiểu là kiếm tiền không hề dễ. 

Quán ốc ra đời, trăm ngàn thứ ngoài hình dung của con xảy ra. Từ quản lý thu chi, quản lý nhân viên đến những kiểu khó ưa của khách hàng. Con mở quán tôi cũng vật vã theo; phần vì nghe con trút giận, phần vì phải kín đáo theo con để có thể giúp đỡ nếu chẳng may xảy ra chuyện gì đó… Tôi thường ngồi trong quán đối diện quán ốc của con để quan sát và chờ con về, tất nhiên là không để con biết. Tôi đi theo con ở khoảng cách đủ xa để con không phát hiện được, nhưng cũng đủ để tôi kịp can thiệp cho con nếu có bất trắc.

Chưa đầy hai mươi tuổi nhưng con tôi cứ nghĩ mình đã đủ lớn, đã có thể làm chủ đời mình. Chỉ có người làm cha mẹ mới hiểu con mình như chim mới ra ràng, cần phải học hỏi thêm rất nhiều để thực sự trưởng thành và đủ sức bay xa. Cuối cùng con gái cũng dẹp quán ốc, vốn liếng tôi vay cho con mở quán vơi gần hết. Tôi không buồn vì nghĩ đó là khoản học phí không quá đắt để con gái mua được một bài học có giá trị. 

Sau ly hôn, tôi từng chếnh choáng với tình yêu khác; có viễn cảnh tươi sáng nếu tôi đồng ý kết hôn và xuất cảnh. Rẽ sang hướng đó, chắc tôi sẽ có nhiều cơ hội kiếm tiền để trả nợ và lo cho các con một cuộc sống đủ đầy hơn. Nhưng, tôi đã từ chối. Không phải vì tôi là người cha tuyệt vời mà vì bản thân đã nếm đủ mùi đắng cay của một đứa trẻ cha mẹ ly tán, hiểu thế nào là cảm giác phải sống trong một gia đình nhưng lại không thuộc về gia đình ấy. 

Khoảng một năm nay, nhờ có việc làm tốt, tôi đã trả hết nợ. Các con đều đã đi làm, thu nhập ổn định. Giao thừa năm nay con gái đã quyết định không đi chơi với bạn bè mà ở nhà đón giao thừa cùng ba. Lần đầu tiên, con gái biết cùng ba thắp nhang cúng ông bà trong đêm giao thừa. Con còn bảo: “ Cha con mình mua nhà trả góp đi ba, đừng thuê nhà nữa. Con sẽ hùn tiền trả góp với ba”. Tôi vô cùng hạnh phúc khi chợt nhận ra con mình đã lớn. Một mình nuôi con, tôi chỉ mong có được ngày này. 

Diễn viên Hữu Tiến 
Thảo Vân (ghi)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI