Điện ảnh Iran: Vượt vũ môn ngoạn mục!

27/10/2018 - 12:56

PNO - Không cảnh nóng, không bạo lực, không bia rượu, trong tầm kiểm soát gắt gao, điện ảnh Iran vẫn vươn mình ra thế giới, đến các liên hoan phim danh tiếng. Điều gì đã tạo nên sự kỳ diệu đó?

Điện ảnh Iran là một trong những tiêu điểm của Liên hoan phim Quốc tế Hà Nội năm nay, đang diễn ra tại Hà Nội. Rất nhiều người đã từng đặt câu hỏi, vì sao một đất nước nghèo khó và đặc biệt là bị kiểm duyệt khắc nghiệt các sản phẩm văn hoá như Iran, lại có thể bước vào Oscar, Cannes danh giá và nhận được nhiều sự trọng vọng đến thế? 

Tại Oscar 2016, ở hạng mục Phim nước ngoài xuất sắc nhất, bộ phim The Salesman (Người bán hàng) của đạo diễn Iran - Asghar Farhadi - đã được xướng lên. Trước đó, vào năm 2012, Farhadi với A Separation (Ly thân - 2011) - cũng từng giành chiến thắng tại giải Oscar và giải Quả Cầu Vàng. Như vậy, cùng với Children of Heaven (Những đứa trẻ đến từ thiên đường - 1998), tính đến thời điểm hiện tại, Iran có 3 phim lọt vào đề cử hạng mục Phim nước ngoài hay nhất tại Oscar.

Kịch tính của The Salesman rất khác với cách làm phim “trầm đều” trước đây của Farhadi. Chính vì thế, phim được xem là bước đột phá mới của điện ảnh Iran. Thế nhưng, đối với công chúng mà bộ phim hướng tới, Farhadi chia sẻ ông chỉ cầu mong phim được khán giả Iran đón nhận. “Kinh phí làm phim rất eo hẹp, tôi thậm chí còn không có đủ tiền làm phụ đề tiếng Anh. Tôi thậm chí không nghĩ phim của mình sẽ được chiếu ở nước ngoài”.

Dien anh Iran: Vuot vu mon ngoan muc!
Ảnh trong phim The Salesman

Điều này phần nào phản ánh thực trạng kiểm soát nghiệt ngã của chính quyền Iran đối với điện ảnh.

Kiểm soát ngặt nghèo

Trận chiến giữa điện ảnh Iran và kiểm duyệt bắt đầu từ cuộc cách mạng Hồi giáo năm 1979, khi luật kiểm duyệt được ban hành, nhằm nghiêm cấm các bộ phim mô tả sinh hoạt riêng tư của các cặp đôi hoặc một phụ nữ xuất hiện trên màn ảnh mà không mặc trang phục Hồi giáo. Bên cạnh đó, việc cấp phép cho các kịch bản và sản xuất phim cũng trở nên khó khăn hơn. Điều luật này đã tạo ra trở ngại buộc các nhà làm phim phải lựa chọn giữa bộ phim họ muốn làm và những phim được phép làm.

Đạo diễn Jafar Panahi kể rằng, để có thể làm Offside (Việt vị), bộ phim kể về một nhóm phụ nữ ăn mặc như những người đàn ông chỉ để có thể tới xem một trận đấu bóng ở Iran, đoàn phim phải bí mật ngồi trong một chiếc xe để quay. Nữ diễn viên chính vào sân vận động nhưng cô đã bị bắt và bị đánh. Đoàn phim sau đó bị tống vào bên trong một chiếc xe hơi!

Luật kiểm duyệt khiến nhiều bộ phim Iran dù gây được tiếng vang trên thế giới nhưng lại bị cấm chiếu trong nước. Taste of Cherry (Hương vị anh đào) của đạo diễn Abbas Kiarostami, giải Cành cọ Vàng tại liên hoan phim (LHP) Cannes 1997, giải Phim tiếng nước ngoài hay nhất của Hiệp phê bình phim Quốc gia Hoa Kỳ 1999; Offside, The Circle (Vòng tròn) của Jafar Panahi, giải Sư tử vàng LHP Venice 2000 đều bị cấm. Lý do: cả 3 bộ phim đều đề cập tới quyền của phụ nữ!

Tháng 8/2001, bà Tahmineh Milani - nhà làm phim thường xuyên kết hợp chủ nghĩa tự do với nữ quyền đã bị bắt. Tòa án Cách mạng Hồi giáo Iran kết luận bà đã "cho thấy sự ủng hộ các nhóm phản cách mạng thông qua các tác phẩm của mình, tạo nên cuộc chiến tranh chống lại Thiên Chúa dưới lý do khai thác nghệ thuật".

Dien anh Iran: Vuot vu mon ngoan muc!
Ảnh trong phim Taste of Cherry

Không những vậy, trong đời sống, các nhà làm phim còn chịu sự giám sát chặt chẽ của chính quyền. Nữ diễn viên Leila Hatami của phim A Seperation từng bị chính quyền và dư luận bảo thủ tại Iran yêu cầu hình phạt đánh 50 roi và bỏ tù chỉ vì… hôn má xã giao với ngài Gilles Jacob - Chủ tịch LHP Cannes 2014.

Bầu cử là thời điểm nhạy cảm với các nhà làm phim. Nữ diễn viên Iran Fatemeh Motamed-Arya và nhà sản xuất Mojtaba Mirtahmasb bị cấm rời khỏi Iran vì các hoạt động của họ sau khi diễn ra bầu cử. Năm 2009, đạo diễn Bahman Ghobadi, phim No One Knows About Persian Cats (Không ai biết gì về những con mèo Ba Tư) từng được trình chiếu tại LHP Cannes, bị bắt ngay sau khi về nước. Ông bị cáo buộc là có những lời lẽ chỉ trích chính phủ trong thời gian đến Cannes.

Dien anh Iran: Vuot vu mon ngoan muc!
Ảnh trong The White Balloon - một phim của đạo diễn Jafar Panihi 

Đạo diễn Jafar Panahi thì bị bắt cùng với vợ và con gái tại một lễ tưởng niệm những người biểu tình thiệt mạng trong cuộc bạo động hậu bầu cử ở Iran, trước thềm LHP Berlin lần thứ 60. Cuối năm 2010, ông bị kết tội cố ý chống đối an ninh quốc gia, tuyên truyền chống phá nhà nước Hồi giáo. Ông bị phạt 6 năm tù tại nhà và cấm làm phim trong 20 năm!

Chiến thắng kiểm duyệt

Bị bắt cùng thời điểm với Panahi còn có đạo diễn 45 tuổi, Mohammad Rasoulof. Ông cũng bị kết án tù sáu năm vì tội làm phim chưa được cấp phép! Án sau đó được giảm xuống còn một năm và Rasoulof vẫn miệt mài làm phim. Bộ phimA Man of Integrity (Tạm dịch: Người đàn ông liêm chính) kể về một người đàn ông bị các thế lực kinh tế, chính trị khủng bố do từ chối hối lộ để thoát khỏi rắc rối, đã nhận được giải (giải thưởng dành cho các nhà làm phim trẻ và khuyến khích những bộ phim sáng tạo) tại LHP Cannes 2017.

Dien anh Iran: Vuot vu mon ngoan muc!
Children of Heaven - bộ phim cảm động về tình anh em của đạo diễn Majid Majidi

Để được làm bộ phim này, Rasoulof đã phải ký cam kết bộ phim sẽ không quá đen tối. Phim dĩ nhiên không được cấp phép chiếu ở Iran. “Sự hỗ trợ từ quốc tế đã thật sự giúp các nhà làm phim và đặc biệt là tôi trong việc ngăn chặn những áp lực mà họ đè lên chúng tôi”, ông Rasoulof nói với Reuters. Và khẳng định: “Tôi yêu Iran, nhưng giống như một ông bố bợm rượu, thỉnh thoảng nó đánh tôi”!

Trong khi đó, mặc dù bị giam lỏng tại nhà, đạo diễn Panahi vẫn không ngừng sáng tạo. Năm 2011, ông thực hiện , đưa lén ra công chiếu ở Cannes. Phim sau đó lọt vào danh sách rút gọn 15 đề cử Oscar . Năm 2013, Panahi tiếp tục làm Closed Curtain kể về cuộc sống bị cầm tù của chính ông. Bộ phim lại giành giải Kịch bản xuất sắc ở LHP Berlin bất chấp sự phản đối của chính quyền Iran.

Năm 2015, Taxi của Panahi tranh giải chính thức của LHP Berlin và nhận giải Gấu vàng. Trong phim, Panahi đóng vai tài xế taxi lái xe quanh thủ đô Tehran hỏi chuyện người dân. Chiếc máy quay của ông ghi lại hình ảnh hành khách đủ mọi ngành nghề, nói về đủ thứ chủ đề họ quan tâm hoặc đang vướng mắc, từ án tử hình và luật Shariah cho tới vụ xét xử liên quan đến một phụ nữ trẻ khi cố xem một trận bóng chuyền dành cho đàn ông.

Một trong những hành khách cuối cùng của Panahi là Nasrin Sotoudeh, một luật sư về nhân quyền đồng thời là một người mẹ vừa được trả tự do sau khi chịu phạt 11 năm tù. Sotoudeh còn bị cấm hành nghề.

The Salesman:

 

Taxi được Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier khen ngợi là “dấu hiệu quan trọng của sự tự do và nghệ thuật”. Panahi, dĩ nhiên không thể đến Berlin nhận giải. Nhưng ông rất vui mừng viết trên tài khoản Instagarm bằng tiếng Ba Tư: “Đây là một sự ghi nhận quan trọng về yếu tố nghệ thuật và chính trị của bộ phim. Tất cả làm tôi rất tự hào”.

Panahi khẳng định, ông sẽ vẫn tiếp tục làm phim: “Không gì có thể ngăn được tôi làm phim vì khi bị đẩy vào những hoàn cảnh khó khăn, tôi tự kết nối với con người mình. Và trong những không gian riêng tư như vậy, mặc dù phải chịu mọi hạn chế, việc sáng tạo lại càng trở nên thôi thúc hơn”.

Một nền điện ảnh kỳ lạ được làm nên bởi những đạo diễn có lòng quyết tâm và sức sáng tạo đặc biệt, vượt qua mọi rào cản, thậm chí an nguy của bản thân để bày tỏ tiếng nói cần thiết. Đó chính là lý do, Iran khiến thế giới ngả mũ thán phục và dành cho nó sự lắng nghe một cách đầy chăm chú mỗi khi nhắc đến.

Chùm phim Iran được chiếu tại LHP Quốc tế Hà Nội 2018 diễn ra từ ngày 27-31/10:

Gia đình/ The Home

Hương vị anh đào/ Taste of Cherry

Kupal/ Kupal

Ngày đặc biệt/ A special day

Người bán hàng/ The Salesman

Quả bóng trắng/ The white balloon

Reza/ Reza

Xâm chiếm/ Invasion

Khoa Trần

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI