Để miền Tây "bứt tốc"

06/03/2022 - 15:34

PNO - Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nêu ra cách tiếp cận gói gọn trong 28 chữ nhằm định hướng phát triển Đồng bằng sông Cửu Long trong thời gian tới.

Ngày 6/3, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã dự và phát biểu chỉ đạo tại "Hội nghị thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững vùng Đồng bằng sông Cửu Long chủ động thích ứng biến đổi khí hậu".

Sự kiện do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng UBND tỉnh Kiên Giang phối hợp tổ chức (tại TP. Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang) và còn có sự tham dự của nhiều bộ, ngành, cũng như lãnh đạo 13 tỉnh thành, miền Tây Nam bộ.

Hội nghị nhằm tìm hướng đi mới để vùng Đồng bằng sông Cửu Long phát triển bền vững
Hội nghị nhằm tìm hướng đi mới để vùng Đồng bằng sông Cửu Long phát triển bền vững

Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, Đồng bằng sông Cửu Long đang đứng trước lựa chọn chuyển từ "tư duy sản xuất nông nghiệp" sang "tư duy kinh tế nông nghiệp" và đã đến lúc cần có cách nghĩ mới hơn, khác hơn, lớn hơn, táo bạo hơn, để kích hoạt vùng đất giàu tiềm năng này. 

Cơ hội chỉ được khởi tạo và tận dụng, khi từng địa phương và cả vùng chuẩn bị thật tốt, thật đồng bộ ngay từ bây giờ, với tâm thế sẵn sàng, chủ động. Nếu không, sẽ mãi dừng lại ở cơ hội.

Thủ tướng Chính phũ Phạm Minh Chính tham quan các gian hàng trựng bày các sản phẩm nông sản, thủ công
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham quan các gian hàng trưng bày các sản phẩm nông sản, thủ công

Trong vài ba năm nữa, khi hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng giao thông - vận tải, đô thị, thủy lợi, phòng chống thiên tai, logistics phục vụ nông nghiệp, nông thôn... thì dòng chảy nông sản đến thị trường sẽ nhanh hơn, chi phí sẽ giảm hơn, sức cạnh tranh hàng hóa sẽ cao hơn. Cùng với đó, doanh nghiệp, nhà đầu tư, nhất là đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, nông nghiệp công nghệ cao, chế biến sâu... sẽ đến với Đồng bằng sông Cửu Long ngày càng nhiều hơn... Do đó, đã đến lúc miền Tây Nam bộ cần có cách nghĩ mới hơn, khác hơn, lớn hơn, táo bạo hơn, để kích hoạt vùng đất giàu tiềm năng này.

"Những thách thức lớn mà Đồng bằng sông Cửu Long đang phải đối mặt là: biến đổi khí hậu, biến động thị trường, biến chuyển xu thế tiêu dùng trên thế giới. Tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu trong dịch bệnh COVID-19 và những sự kiện thời sự nóng bỏng những ngày gần đây là minh chứng rõ nét về một thế giới đầy rẫy "biến động, bất định, phức tạp và có phần mơ hồ"", ông Lê Minh Hoan nói.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan giới thiệu với Thủ tướng Chính phủ các sản phẩm OCOP
Bộ trưởng Lê Minh Hoan giới thiệu với Thủ tướng Chính phủ các sản phẩm OCOP

Cũng theo ông Hoan, còn có thách thức lớn hơn, được nhắc đến nhiều lần trên các diễn đàn, đó là, một nền nông nghiệp "manh mún, nhỏ lẻ, tự phát", "thiếu tính liên kết vùng". Nếu không vượt qua được thì sẽ khó tạo ra sự phát triển nhanh về chất, và nông sản phải luôn đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt trên thị trường, với sự thay đổi nhanh chóng, khó lường của xu thế toàn cầu, vừa mở ra nhiều cơ hội nhờ các hiệp định thương mại, vừa đối mặt các rào cản liên quan đến bảo hộ mậu dịch và chiến lược tự chủ lương thực của nhiều quốc gia.

Dự kiến, thời gian tới đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ khai trương Văn phòng điều phối Nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long tại TP. Cần Thơ. Văn phòng nhằm hỗ trợ điều phối công tác quy hoạch sản xuất, chuẩn hóa vùng nguyên liệu, kết nối doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao, chế biến sâu; nối kết chuỗi ngành hàng, hỗ trợ nâng cao chất lượng hợp tác xã, hình thành mối liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ; điều phối vận hành các công trình thủy lợi đảm bảo đồng bộ toàn hệ thống; thúc đẩy chuyển đổi số nông nghiệp trong khu vực.

Thủ tướng Phạm Minh Chính với chiếc lá nón truyền thống
Thủ tướng Phạm Minh Chính với chiếc lá nón truyền thống

Cũng tại hội nghị, lãnh đạo một số địa phương, hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp; cũng như bộ, ngành có liên quan trình bày nhiều nội dung quan trọng xoay quanh các vấn đề: tình hình sản xuất, tiêu thụ, xuất khẩu các loại các loại trái cây, thủy sản, chăn nuôi; quá trình lưu thông, tiêu thụ, xuất khẩu nông sản trong thời gian qua; các khó khăn, vướng mắc cần kiến nghị, giải đáp thắc mắc...

Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ "rất trăn trở" với Đồng bằng sông Cửu Long, vùng đất có tiềm năng, lợi thế rất lớn, điều kiện tự nhiên phát triển nông nghiệp nói chung là thuận lợi nhất trên phạm vi cả nước, rất được Đảng, Nhà nước quan tâm, nhưng vì sao khu vực này vẫn chưa phát triển nhanh, bền vững, chưa phát huy được hết các tiềm năng, lợi thế. Do đó, cần phải cụ thể hóa chủ trương, đường lối chính sách của Đảng về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn, về phát triển miền Tây Nam bộ như thế nào.

Thủ tướng Chính phủ phát biểu chỉ đạo tại hội nghị
Thủ tướng Chính phủ phát biểu chỉ đạo tại hội nghị

Thủ tướng lấy ví dụ điển hình về sự phát triển Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang), một huyện đảo chiếm 0,18% diện tích cả nước, với tư tưởng đột phá là phát triển thành trung tâm du lịch quốc tế. Muốn vậy, trước hết phải phát triển hạ tầng với việc làm sân bay, đầu tư về điện, nước ngọt và một số cơ chế, chính sách, từ đó thu hút mạnh mẽ các nhà đầu tư. Thực tế cho thấy đầu tư của Nhà nước không đáng bao nhiêu so với đầu tư của tư nhân khi các nhà đầu tư tự tìm đến hòn đảo này và trong khoảng 10 năm qua, Phú Quốc phát triển rất nhanh.

Thủ tướng yêu cầu cần tìm lời giải cho các vấn đề về tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược, sản phẩm chủ lực, quy hoạch vùng nguyên liệu, phát triển hạ tầng (hạ tầng giao thông, hạ tầng xã hội về giáo dục, y tế, hạ tầng thích ứng biến đổi khí hậu, hạ tầng chuyển đổi năng lượng, hạ tầng số...

Thủ tướng cho rằng thời gian qua Đồng bằng sông Cửu Long phát triển chưa tương xứng. "Với cách tiếp cận gói gọn trong 28 chữ: Tư duy đột phá, chuyển đổi linh hoạt, chủ động thích ứng, giá trị nâng cao, tầm nhìn chiến lược, nguồn lực công - tư, đời sống chất lượng", Thủ tướng nhấn mạnh.

 

Thủ tướng Chính phủ chứng kiến lễ ký kết chương trình hành động nhằm đưa miền Tây Nam bộ
Thủ tướng Chính phủ chứng kiến lễ ký kết chương trình hành động nhằm đưa miền Tây Nam bộ có nền nông nghiệp "Xanh - Sinh thái - Bền vững"

Cũng trong dịp này, với sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng chính quyền 13 tỉnh thành Đồng bằng sông Cửu Long đã ký kết Chương trình phối hợp công tác giai đoạn 2021-2025. Chương trình phối hợp nhằm đến năm 2025, cùng với hệ thống hạ tầng giao thông, hạ tầng nông nghiệp, hạ tầng xã hội, giáo dục, nguồn nhân lực, tư duy liên kết vùng sẽ quyết định sự phát triển bền vững cho miền Tây Nam bộ.

Theo kế hoạch hành động, mỗi địa phương, với điều kiện đặc thù, thế mạnh riêng biệt, sẽ đóng góp chủ động, hài hòa vào tổng thể không gian kinh tế chung. Mục đích, Đồng bằng sông Cửu Long sẽ trở thành một thực thể kinh tế hoàn chỉnh, vận hành linh hoạt, năng động. "Bứt tốc" để khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có một nền nông nghiệp "Xanh - Sinh thái - Bền vững" sớm thành hiện thực...

Đông Phong

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI