Siêu dự án kiểm soát mặn cho 6 tỉnh miền Tây chính thức vận hành

05/03/2022 - 21:08

PNO - Công trình cống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé (tỉnh Kiên Giang) - công trình thủy lợi lớn nhất Việt Nam - với số vốn đầu tư giai đoạn 1 hơn 3.300 tỷ đồng, vừa được khánh thành chiều nay, 5/3.

Chiều 5/3, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã dự và phát lệnh khánh thành Hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé (giai đoạn 1) tại tỉnh Kiên Giang. Đây là công trình thủy lợi lớn nhất Việt Nam có tổng vốn đầu tư trên 3.300 t đồng.

Sau khi đưa vào hoạt động, gần 350.000ha diện tích sản xuất nông nghiệp thuộc 5 tỉnh (Kiên Giang, Hậu Giang, Bạc Liêu, Cà Mau và Sóc Trăng) sẽ được hưởng lợi từ công trình này.

Được biết, công trình được khởi công từ tháng 10/2019, được xây dựng trên dòng sông Cái Lớn và Cái Bé (thuộc 2 huyện An Biên và Châu Thành, tỉnh Kiên Giang). Công trình do người Việt Nam thiết kế, thi công, quản lý và vận hành.

Công trình thủy lợi lớn nhất Việt Nam đã được chính thức đưa vào hoạt động
Công trình thủy lợi lớn nhất Việt Nam chính thức được đưa vào hoạt động

Trước đó, công trình từng vấp phải nhiều ý kiến trái chiều, những lo ngại tác động tiêu cực đến hệ sinh thái. Về sau, qua đánh giá giữa mặt lợi và mặt hại và tiếp nhận các ý kiến đóng góp, Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn phê duyệt công trình và khởi công xây dựng. Như vậy, sau 24 tháng thi công xuyên dịch COVID-19, siêu công trình thủy lợi lớn nhất Việt Nam đã hoàn thành.

Theo Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, công trình có nhiệm vụ kiểm soát nguồn nước (mặn, lợ, ngọt), tạo điều kiện sản xuất ổn định, bền vững đối với các mô hình sản xuất theo hệ sinh thái (ngọt, mặn - lợ, ngọt - lợ luân phiên) cho vùng hưởng lợi với diện tích tự nhiên 384.120ha, trong đó diện tích hưởng lợi trực tiếp là 333.620ha và diện tích hỗ trợ là 50.500ha.

Cùng với đó, công trình sẽ kết hợp với tuyến đê biển Tây tạo thành cụm công trình phòng, chống thiên tai, nước biển dâng do bão, giảm ngập lụt, úng do lún, sụt đất; giảm thiệt hại do hạn hán, xâm nhập mặn vào mùa khô cho các mô hình sản xuất trong vùng.

Đồng thời, công trình sẽ góp phần cấp nước ngọt trong mùa mưa cho vùng sản xuất mặn, ngọt của các huyện An Minh, An Biên (tỉnh Kiên Giang). Ngoài ra, công trình giúp tiêu thoát, giảm ngập úng cho vùng hưởng lợi của hệ thống tại Kiên Giang và các địa phương khác như Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau.

 

Thủ tướng Phạm Minh Chính đội mưa đến tham dự lễ khánh thành công trình thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé vào chiều 5/3
Thủ tướng Phạm Minh Chính đội mưa đến dự lễ khánh thành công trình thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé vào chiều 5/3

Nhiệm vụ quan trọng khác là kết hợp phát triển cơ sở hạ tầng giao thông bộ, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trong khu vực. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang làm chủ đầu tư hợp phần mô hình sinh kế, các hoạt động phi công trình và 8 cống dọc tuyến An Minh - An Biên. Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn tỉnh Hậu Giang làm chủ đầu tư hợp phần mô hình sinh kế, các hoạt động phi công trình trên địa bàn tỉnh Hậu Giang.

Dự án hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé giai đoạn 1 là dự án lớn, kỹ thuật đặc biệt phức tạp, vùng hưởng lợi và tác động rộng lớn. Quá trình chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị kỹ thuật đã thực hiện rất kỹ lưỡng, đảm bảo chặt chẽ, khoa học, tuân thủ quy định của pháp luật hiện hành về quản lý đầu tư xây dựng và thực hiện theo Nghị quyết 120 của Chính phủ về phát triển bền vững khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho biết, cùng với các dự án trọng điểm trong vùng, hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé đóng góp quan trọng vào việc thúc đẩy quá trình cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng phát triển bền vững tại vùng bán đảo Cà Mau nói riêng và Đồng bằng sông Cửu Long nói chung.

Thủ tướng cùng lãnh đạo các tỉnh thành miền Tây phát lệnh khánh thành công trình thủy lợi lớn nhất Việt Nam
Thủ tướng cùng lãnh đạo các tỉnh thành miền Tây phát lệnh khánh thành công trình thủy lợi lớn nhất Việt Nam

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng, Đồng bằng sông Cửu Long là vùng đất đặc thù, có nhiều tiềm năng khác biệt lẫn cơ hội lợi thế cạnh tranh. Chiếm 12% diện tích canh tác cả nước với dân số gần 20 triệu người, ĐBSCL đóng góp 50% sản lượng lúa cả nước, 65% sản lượng nuôi trồng thủy sản, 70% sản lượng trái cây… góp phần quan trọng vào xuất khẩu nông, thủy sản năm 2021 (đạt hơn 48 tỷ USD).

Dù đánh giá có tiềm năng, nhưng Thủ tướng cho rằng, miền Tây Nam bộ cũng là vùng đất có nhiều thách thức, bao gồm chịu tác động lớn của biến đổi khí hậu, sạt lở, xâm nhập mặn và sụt lún…

Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chính phủ qua các thời kỳ đều rất trăn trở về Đồng bằng sông Cửu Long và thời gian qua đã từng bước tháo gỡ. "Thời gian tới, phải có bước đột phá, có tầm nhìn chiến lược để phát triển Đồng bằng sông Cửu Long", ông nhấn mạnh. Tinh thần chung phát triển, có tư duy đột phá, có tầm nhìn dài hạn, phát triển nhanh nhưng bền vững và tạo sinh kế ổn định cho người dân.

Theo Thủ tướng, công trình hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé, cùng với các công trình khác sẽ góp phần phát triển Đồng bằng sông Cửu Long nhanh và bền vững. Thủ tướng cũng đề nghị tiếp tục nghiên cứu đầu tư giai đoạn 2 của dự án hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé, tránh không để đứt đoạn nhằm giúp miền Tây phát triển bền vững.

Dự án Hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé bao gồm các hợp phần cống Cái Lớn, cống Cái Bé, cống Xẻo Rô; đê nối cống Cái Lớn, cống Cái Bé với quốc lộ 61; trạm quan trắc và hệ thống điều khiển SCADA... Trong đó, công trình chính là cống Cái Lớn xây cách cầu Cái Lớn 2,1km về hướng sông Hậu.

Cống thủy lợi Cái Lớn về đêm
Cống thủy lợi Cái Lớn về đêm

Cống Cái Lớn có tổng chiều rộng thông nước là 455m, gồm 11 khoang, mỗi khoang rộng 40m và khoang âu thuyền rộng 15m. Cống này có 11 cửa van, trong đó có 8 cửa van có khẩu độ 40m x 9m, mỗi cửa van nặng 203 tấn; 2 cửa van khẩu độ 40m x7,5m, nặng 188 tấn và 1 cửa van khẩu độ 40m x 6,0m, nặng 155 tấn.

Cống Cái Bé xây dựng dưới lòng sông Cái Bé, rộng 85m với 1 âu thuyền rộng 15m, cách cầu Cái Bé 1,9km về hướng sông Hậu. Ngoài ra còn có cống Xẻo Rô chiều rộng 41,5m, cách cống Cái Lớn 3km. Cùng với đó là 6km đường đê giao thông kết nối các công trình…

Đông Phong

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI