Đẩy mạnh công nghệ nhận diện khuôn mặt, Trung Quốc vướng phải nhiều tranh cãi

03/02/2019 - 06:16

PNO - Trung Quốc sở hữu một trong những hệ thống nhận dạng khuôn mặt tinh vi nhất thế giới, tiện ích nhưng cũng không ít thiếu sót.

Trung Quốc sở hữu một trong những hệ thống nhận dạng khuôn mặt tinh vi nhất thế giới, tiện ích nhưng cũng không ít thiếu sót.

Đường phố vắng bóng cảnh sát giao thông, người ta những tưởng có thể dễ dàng luồn lách hoặc không thèm chú ý đến luật lệ giữa thành phố Thượng Hải đông đúc.

Nhưng đừng quên, đây là Trung Quốc, nơi sử dụng một trong những hệ thống nhận dạng khuôn mặt tinh vi nhất thế giới và các camera giám sát đường phố tiên tiến.

Day manh cong nghe nhan dien khuon mat, Trung Quoc vuong phai nhieu tranh cai
Bao nhiêu người sẽ chấp nhận từ bỏ riêng tư để tiếp cận với các tiện ích mà công nghệ nhận dạng khuôn mặt mang lại?

Người vi phạm luật giao thông sẽ nhận được một tin nhắn từ cảnh sát giao thông về việc nộp phạt. Đáng chú ý hơn, họ sẽ bị bêu rếu công khai.

Janine Wong, nhà nghiên cứu tin tức tại Thượng Hải, cho biết: “Dù đi bộ hay đạp xe, bạn cũng sẽ bị chụp hình và xuất hiện trên màn hình gần đó để bị tất cả mọi người nhìn thấy mặt. Sau khi nhận diện khuôn mặt thành công, mọi thông tin như số điện thoại sẽ được liên kết”.

Được trang bị một trong những cơ sở dữ liệu nhận dạng ảnh lớn nhất thế giới và gần 200 triệu camera giám sát, Trung Quốc đạt tới công nghệ nhận diện khuôn mặt tiên tiến nhất, có khả năng theo dõi hơn một tỷ người.

Day manh cong nghe nhan dien khuon mat, Trung Quoc vuong phai nhieu tranh cai
Nhận diện khuôn mặt người vi phạm luật giao thông

Việc triển khai công nghệ này giúp cuộc sống ở Trung Quốc trở nên thuận tiện, an toàn và thú vị hơn, nhưng đặt ra nhiều lo ngại về quyền riêng tư cùng các thách thức khác, được nhắc đến trong chương trình Why It Matters.

Công nghệ nhận diện khuôn mặt trở nên phổ biến khoảng một hoặc hai năm nay với nhiều ứng dụng đa dạng trong các cửa hàng bán lẻ, và thậm chí là nhà vệ sinh.

Trong giai đoạn 2015-2017, khoảng 70.000 nhà vệ sinh công cộng đã được xây dựng hoặc cải tạo tại các địa điểm du lịch trên khắp Trung Quốc với mục đích cải thiện tiêu chuẩn vệ sinh, trong đó một số được lắp đặt công nghệ nhận diện khuôn mặt.

Công việc của chúng là hạn chế lãng phí giấy vệ sinh. Bà Wong cho biết: “Khi nhìn thẳng vào chiếc máy trong ba giây, bạn sẽ nhận được giấy vệ sinh”.

Nhiều nhà bán lẻ như Suning áp dụng công nghệ trong cửa hàng hoàn toàn tự động để đạt lợi thế thương mại điện tử. Tuy nhiên, công nghệ nhận diện khuôn mặt được sử dụng phổ biến nhất trong bảo mật và thực thi pháp luật.

Ở Wuzhen, một địa danh du lịch nổi tiếng ở huyện Giang Nam, công nghệ nhận diện khuôn mặt không chỉ được sử dụng để giữ an toàn cho thị trấn mà còn hữu ích trong việc định vị trẻ em đi lạc, rút gọn thời gian tìm kiếm từ khoảng một giờ xuống còn vài phút.

Công nghệ tiện ích nhưng đi kèm với nhiều thiếu sót. Năm ngoái, cảnh sát Trung Quốc vô tình bêu nhầm một nữ doanh nhân nổi tiếng do hệ thống nhận diện khuôn mặt nhầm lẫn hình ảnh quảng cáo của cô trên xe buýt.

Day manh cong nghe nhan dien khuon mat, Trung Quoc vuong phai nhieu tranh cai
Sử dụng nhận dạng khuôn mặt để phân phát giấy vệ sinh.

Tập đoàn SenseTime, chuyên gia nhận dạng khuôn mặt Trung Quốc, tuyên bố sở hữu một trong những phần mềm tinh vi thế giới, có khả năng lọc ra một khuôn mặt từ 100 triệu người.

Nhưng khi người dẫn chương trình Why It Matters Joshua Lim ngụy trang với tóc giả, ria mép, mũ, kính râm và mặt nạ, anh đánh lừa hệ thống thành công. SenseTime không thể nhận ra anh 3/5 lần thử nghiệm, ngay cả khi anh chỉ đeo kính râm.

Giám đốc điều hành Xu Li giải thích rằng công nghệ nhận dạng khuôn mặt có các ứng dụng khác nhau và kiểm soát truy cập kín là nơi đảm bảo an toàn. Ông nói:  “Chúng tôi có mức độ bảo mật rất cao nên thuật toán không thể nhận ra bạn”.

Theo tiến sĩ Xu, công ty của ông không chỉ thực hiện nhận diện khuôn mặt mà còn xem xét nhận dạng cử chỉ cơ thể. Trong tương lai gần, các máy quay có thể nhận dạng từng cá nhân dù che mặt. 

Day manh cong nghe nhan dien khuon mat, Trung Quoc vuong phai nhieu tranh cai
Một camera giám sát trên đường phố

Singapore cũng có kế hoạch khổng lồ cho công nghệ nhận diện khuôn mặt, với một dự án đang chờ đồng thuận để lắp camera và cảm biến trên hơn 100.000 cột đèn, nhằm hỗ trợ nhà chức trách “thực hiện phân tích đám đông” và hoạt động chống khủng bố.

Hiện tại, công nghệ này đang được sử dụng tại một số trạm kiểm soát nhập cư và doanh trại quân sự để sàng lọc du khách.

Trung Quốc dự kiến ​​sẽ chi 30 tỷ USD cho thiết bị giám sát trong hai năm tới, tăng số lượng camera lên 400 triệu trên cả nước và trang bị thêm camera an ninh với khả năng nhận diện khuôn mặt.

Tuy nhiên, một cuộc khảo sát gần đây do Đài truyền hình trung ương Trung Quốc và Tencent Research thực hiện cho thấy 3/4 số người được hỏi lo lắng về mối đe dọa riêng tư đến từ trí tuệ nhân tạo, đặc biệt là khi Trung Quốc không có luật bảo vệ toàn diện trong việc thu thập thông tin cá nhân.

Nhà bình luận chính trị Zhang Lifan bày tỏ: “Hệ thống nhận diện khuôn mặt có thể được sử dụng để giữ trật tự an toàn xã hội. Ý định ban đầu rất tốt nhưng trong thực tế, nó có thể bị lạm dụng để vi phạm quyền riêng tư cá nhân”.

Ngọc Anh (theo Channel News Asia)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI