Đạo vợ chồng

16/02/2014 - 18:58

PNO - PN - Bà Nguyễn Thị Thu Cúc (78 tuổi) bệnh nằm một chỗ đã hơn 10 năm. Chồng bà, ông Nguyễn Văn Sơn (76 tuổi), dù luôn đối mặt với cái nghèo vẫn chưa một lần để vợ buồn tủi hay đói khát. Có ghé thăm căn phòng trọ nơi ông bà trú...

edf40wrjww2tblPage:Content

Dao vo chong

Ông Sơn chăm sóc vợ - người ông cho rằng “phải duyên mới gặp”

Phải duyên thì gặp

Ông gặp bà năm ông 23 tuổi. Ông là người Sài Gòn, cảm động trước câu chuyện bà Cúc vừa kết hôn nhưng không chịu nổi sự bạo hành của chồng phải bỏ nhà, trốn chồng từ Đồng Nai lên thành phố bán cà phê, nên đem lòng yêu mến. Dù gia đình hai bên cấm cản, họ vẫn dọn về chung sống với nhau. Không nghề nghiệp ổn định, không tấc đất cắm dùi, hơn 50 năm qua, tổ ấm của họ luân chuyển từ phòng trọ này sang phòng trọ khác. “Vợ chồng tui chưa một ngày cãi vã, vì khi đến với nhau đã xác định sẽ đồng cam cộng khổ”. Ba con gái của hai người lần lượt chào đời, lớn lên lập gia đình, theo chồng tản đi tứ xứ. Người về Cà Mau, người Cần Thơ, người ra tận miền Bắc. Một ngày, người con gái đầu trở về, trao cho ông bà một hình hài đỏ hỏn, sụp lạy: “Nhờ cha mẹ lo cho Sen giùm con” rồi bỏ đi biền biệt, đến nay không tin tức gì. Cô cháu ngoại này giờ đã 24 tuổi nhưng trí não không phát triển, cứ ngây ngô như một đứa trẻ. Lại một ngày, người con út ở Cà Mau hay tin mẹ bị tai biến, vội vàng về Sài Gòn chăm nom. Lúc ông Sơn tiễn con ra bến xe trở lại quê chồng, con gái nắm tay ông, nghẹn ngào: “Thương ba má khổ mà con thì bất lực. Con lên thăm lần này không biết bao giờ mới quay lại. Vợ chồng con cũng đói khổ…”. Con gái không nói nổi trọn câu, giúi cho ông ít tiền rồi vội vã lên xe.

Cơn bạo bệnh gây biến chứng khiến bà Cúc bị mù luôn đôi mắt. Sen khờ khạo, chỉ phụ giúp chút đỉnh việc chăm sóc bà ngoại. Gánh nặng chi tiêu dồn lên vai ông Sơn. Trước ông chạy xe ôm nhưng xe quá cũ, bị khách chê, ông chuyển sang bán vé số. Một ngày của ông bắt đầu từ 4g30 sáng, giúp vợ vệ sinh xong, ông chạy ù ra chợ mua ba gói xôi, bó rau với vài con khô về kho mặn. Nấu cơm xong cho cả nhà, ông mới yên tâm đi bán… Nghe chồng kể chuyện, bà Cúc ngậm ngùi: “Phải chi tui lành lặn để phụ giúp ổng”, rồi bà bật khóc. Ông Sơn bối rối quay sang dỗ dành: “Khổ thì cũng đã khổ rồi, bà nín đi. Lo uống thuốc mới hết bệnh chứ khóc có bớt đau được đâu”. Hứa với bà ngày nào đi bán cũng đúng 3g chiều trở về, nên có hôm ông về trễ là bà khóc: “Ông đi lâu tui nhớ!”. Vài lần như vậy, ông Sơn dặn Sen nếu thấy ông ngoại về trễ thì nói với bà ngoại “giờ chỉ mới 2g chiều, ông ngoại chưa về”. Bà lẫy: “Mắt không thấy mặt trời, không nhìn được đồng hồ nhưng tui quen đợi ông nên biết đợi bao nhiêu là đủ, bao nhiêu là quá”. Thương vợ tuổi già mà như trẻ thơ, ông Sơn không về trễ nữa. Ông giải thích: “Nằm một chỗ, thà ngây dại chứ tỉnh táo người ta hay tủi thân, nghĩ quẩn. Tui phải nhẹ nhàng, hứa với bả sao thì làm vậy, nếu không bệnh bả vốn nặng càng nặng hơn”.

Đằng đẵng mười mấy năm trôi qua như vậy, có người thương ông khổ, bày cách gửi bà đến một cơ sở tình thương dành cho người già, ông cười hiền khô: “Vợ chồng làm vậy coi sao được. Lúc trẻ, lành lặn thương mến nhau, nay già cả bệnh tật cũng phải giữ cái tình. Chung sống lâu năm, mỗi ngày một khắng khít. Phải duyên mới gặp, gặp rồi thì chỉ có cái chết mới chia lìa được. Già rồi, tựa nhau mà sống thôi”.

Khổ mấy cũng lạc quan

Ông Sơn nói thêm, làm sao có thể bỏ mặc bà trong lúc gieo neo thế này. Ngày ấy, dù đã qua một đời chồng bà vẫn rất xinh đẹp, được nhiều người theo đuổi, nhưng bà chọn ông, một người lông bông, không làm gì ra tiền.

Đi bán về ế ẩm, sợ bà buồn, ông dối “Hôm nay bán được!” rồi lấy trong túi áo khi bịch chè, lúc vài quả nhãn làm quà cho bà. Có chị hàng xóm khâm phục ông, tặng cái ti vi cũ, nói để bà bật lên nghe cho quên chờ đợi, ông sẽ có thêm chút thời gian mưu sinh. Phòng trọ ba người, không một ai lành lặn. Bản thân ông Sơn cũng tật nguyền vì chứng teo cơ đã làm một bên chân ông teo lại. Sen sau cơn sốt ban trắng thuở nhỏ, một bên mắt nay đã mù, không thể giúp được gì ngoài việc chọc vui bà ngoại cho khuây khỏa nỗi muộn phiền. Sen học hết lớp 4 rồi nghỉ. Sợ cháu quên mặt chữ, ông Sơn thường xin về dăm ba tờ báo cũ cho Sen đọc. Ông thở dài: “Thương con bé đến nay chưa biết mặt mẹ, huống gì cha”. Sen cũng không khi nào đặt câu hỏi ai là người đã sinh ra mình. Mọi thứ với em đều xa mờ phần vì đầu óc ngây ngô, phần được bù đắp bằng sự thương yêu của ông bà ngoại.

Phòng trọ chưa đến 10m2 mỗi năm một lên giá, giờ giá thuê đã là hai triệu đồng/tháng. Đi bán, ông Sơn thường để mắt những chỗ cho thuê khác rẻ hơn. Nhưng, ở những nơi khác, khi người ta hỏi đến… thu nhập, tình cảnh, biết bà Cúc bệnh nặng, già nua, đều lắc đầu không muốn cho thuê. Ông Sơn cũng không lấy đó làm buồn, vì biết người ta có lý do của họ. Để bà bớt lo, ông thường nói dối “phòng trọ mình đang ở chỉ có mấy trăm ngàn thôi”. Ông Sơn khoe: “Cũng may tui biết ca vọng cổ nên đêm nào thấy bả khỏe, tui đến mấy quán nhậu xin ca, kiếm cũng được ít chục”.

Những bài vọng cổ ông yêu thích và thuộc làu từ nhỏ, nay chẳng những giúp ông lo được thêm cho vợ viên thuốc, cô cháu bộ quần áo mà hơn 10 năm nay, còn giúp ông ru giấc ngủ cho vợ. “Bả nằm một chỗ, đêm cứ trằn trọc trở người đau nhức. Tui phải ca một đỗi bả mới ngủ ngon. Chừng ấy năm, đêm nào cũng ca, quen rồi!” - ông âu yếm đút cơm cho bà, cười hiền khô.

 TUYẾT DÂN

Bài 4: Yêu thương bù đắp nỗi đau

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI