Dân làng góp tiền cứu “cụ gạo” hơn 200 tuổi

28/07/2020 - 13:43

PNO - Đặc sản gió Lào những ngày cuối tháng Bảy khiến cái nắng đổ lửa ở xã bãi ngang ven biển xứ Nghệ thêm ngột ngạt. Thế nhưng, cái nắng thiêu cháy làn da ấy vẫn không nóng bằng công cuộc cứu “cụ gạo” hơn 200 năm tuổi đang rạo rực làng quê xã Diễn Kim, H.Diễn Châu, tỉnh Nghệ An.

Lời kêu gọi “cứu cây”

Cây gạo ở giữa làng. Con đường làng nhỏ xíu, càng thêm oi bức trong khí trời mùa hạ. Chỉ có những chiếc xe đạp cũ kỹ chở người đàn ông đội nón cối, mặc quân phục cũ cho thấy đây là một làng quê đặc trưng vùng Bắc Trung Bộ. Trong lời qua tiếng lại vui vẻ giữa các chị đang họp chợ ven đường, câu chuyện “cứu cụ gạo” đang râm ran. Những người đàn bà vừa nói, vừa liên tục chỉ tay về phía thân cây to và trơ trọi bên đường.

Chính cái cây khô trơ thân đó, là “cây gạo của làng” trong lời kêu gọi của ông Chủ tịch UBND xã Diễn Kim Phạm Xuân Bang. Cách đây gần nửa tháng, ông Bang thay mặt những đứa con Diễn Kim phát động bà con đóng góp kinh phí để cứu cây gạo.

Cây gạo cổ thụ vốn cao 35m, tán rộng hơn 25m, “lâm bệnh” đã hai năm. Khi cây cổ thụ lụi dần, người làng tự “thăm khám” rồi bằng kinh nghiệm cây cối bàn nhau phun thuốc. Nhưng cây không hồi phục. Người làng lại phân công nhau mời chuyên gia về bắt bệnh, cứu chữa, nhưng chưa có chuyên gia nào đưa ra phương án khả thi.

Cây gạo cổ được cắt tỉa hết cành để bắt đầu quá trình “điều trị”
Cây gạo cổ được cắt tỉa hết cành để bắt đầu quá trình “điều trị”

Thời điểm đó, khi mọi nỗ lực “chạy chữa” cho cây gạo đều không kết quả, có người bàn lùi bằng quy luật tự nhiên sinh - lão - bệnh - tử. Thế nhưng, đa số dân làng phản đối. Người muốn cứu cây quả quyết xem cây gạo như một “linh hồn” của xã, và những đứa con không thể đứng nhìn một “trưởng lão” già yếu mà không bằng mọi cách cứu chữa. Nhìn người dân trong làng từ già đến trẻ đều kiên quyết cứu cây, ông Bang quyết định tiếp tục tìm cách.

Đoàn chuyên gia thuộc Viện Hàn lâm Khoa học được mời về kết luận quá trình làm đường đã làm “động” gốc, cộng thêm sâu bệnh khiến cây yếu dần. Họ đề ra kế hoạch cứu cây trong ba năm. Phương án cứu cây được vị “bác sĩ” này đưa ra là khơi thông và làm vòng vây bảo vệ cây bán kính 70cm; đồng thời phun thuốc trị các loại sâu bệnh.

Cây gạo một mặt nằm sát bên đường, một mặt áp sát nhà dân. Để khơi thông quanh gốc cây, buộc phải lấy thêm cho cây phần không gian đường đi, hoặc một phần nhà dân ngay sát đó. Nhưng, đường đi vốn đã nhỏ. “Tấc đất tấc vàng”, việc phải lấy một phần đất của một hộ dân khiến bà con trong làng ái ngại. Nhưng bất ngờ, gia đình này tự nguyện hiến đất để dành không gian cho cây.

Lo xong phần phương án và quỹ đất, xã Diễn Kim lại đối diện với vấn đề kinh phí. Lúc này, ông Bang tiếp tục đứng ra kêu gọi người Diễn Kim đóng góp cứu cổ thụ. Chẳng ngờ, cuộc kêu gọi hiếm có này nhanh chóng nhận được hưởng ứng của người dân. Mỗi hộ góp 30.000-50.000 đồng, cộng thêm phần đóng góp vượt trội của những người con Diễn Kim tha hương, trong vòng một tuần, quỹ cứu cây gạo của xã Diễn Kim đã nhận được 110 triệu đồng.

Những câu chuyện muôn đời bên gốc cây giữa làng

Tình yêu của người Diễn Kim với cây gạo, cùng cuộc vận động lạ đời của vị lãnh đạo địa phương, đã truyền đi cảm xúc tích cực với những đứa con trên mọi miền nước Việt. Cây vẫn chỉ là cây. Nhưng, chỉ cần đi vào Diễn Kim những ngày này, người ta sẽ hiểu rõ hơn, và thấy chính mình trong ngọn nguồn của tình yêu đó. 

Người dân thắp hương trước cây gạo cổ
Người dân thắp hương trước cây gạo cổ

Ngoái nhìn những “bác sĩ” đang tìm cách cứu cây từ xa, cụ Huê nuối tiếc nói: “Tui nhớ chục năm trước, cây gạo sừng sững vươn lên, vượt qua cả những mái nhà cao tầng, đứng từ xa đã thấy hoa gạo nở đỏ rực. Ngày đó, muốn giới thiệu người ta về làng, chỉ cần nói đi về hướng cây gạo sẽ tìm được làng”. Gốc cây này cũng từng là nơi che nắng tuyệt vời vào những trưa hè oi ả, nơi dân làng ngồi tựa lưng uống bát nước chè, nghỉ ngơi lấy sức khi đi đồng áng”. 

Với bà Nguyễn Thị Mạo, cây gạo là một nhân chứng cho hàng chục thế hệ đã sinh ra và nằm xuống ở mảnh đất quê bà. Gần sáu thập niên ở Diễn Kim, bà đã chứng kiến nhiều đoạn sinh ly tử biệt, đưa bao nhiêu người thân về trời, nhưng mỗi lần ngước lên nhìn thấy cây gạo đời đời tươi tốt - bà lại thấy được an ủi mà vững dạ sống tiếp.

Bên cạnh cây gạo đã được cắt tỉa hết cành lá là một chiếc miếu nhỏ. Thắp nén hương khấn “cụ gạo” cầu an và may mắn trước buổi chợ, chị Phan Thị Quý cho biết, những người con của quê hương trước khi đi làm ăn xa, hay ra khơi bám biển mưu sinh cũng tìm đến thắp hương cầu an. Vài năm gần đây, người dân đến thắp hương vào ngày rằm, đầu tháng ngày một nhiều hơn. “Người xưa đã dạy: thần cây đa, ma cây gạo. Người ở làng, ai cũng thuộc lòng câu ấy. Bởi rứa nên từ xưa, đã có không ít câu chuyện đồn đoán ở cây gạo này” - chị Quý kể.

Hai năm gần đây, việc “cụ gạo” đuối dần càng khiến bà con nặng lòng khi chứng kiến công việc làm ăn của dân làng không còn thuận lợi như trước. Những cụ già càng bất an khi thấy người trẻ bị tai nạn, chết yểu. “Đó chẳng phải là một điềm báo sao? Cũng vì thế mà chúng tôi càng muốn bảo vệ và chữa bệnh cho cây bằng mọi giá” - bà Mạo nói. Việc cạo vỏ cây để làm thuốc chữa bệnh cũng đã bị cấm triệt để vì lo lắng cho sức khỏe của “cụ gạo”. Thậm chí người dân phải thay nhau bảo vệ trước tình trạng một số người phương xa kéo về cạo trộm vỏ cây làm thuốc.

Thôn xóm nào trên khắp nước Việt này mà không có những câu chuyện huyền hoặc gắn với những hình ảnh cụ thể kiểu vậy. Tình yêu với quê hương xứ sở đôi khi bắt nguồn từ chính mối gắn bó về cả hình ảnh lẫn tâm linh như thế. Không gian thực tế có thể đã lùi xa với những đứa con tha hương, nhưng không gian tâm tưởng luôn bao bọc trong từng ký ức linh thiêng của gốc cây, ngọn cỏ quê nhà. Để xao xuyến, để xáo xác gọi nhau chung tay mà gìn giữ, mà hướng về.

Ngước nhìn cây gạo cổ thụ trơ trụi chỉ còn mỗi thân cây, cụ Nguyễn Thị Huê (93 tuổi, trú tại xã Diễn Kim) trầm ngâm: “Đã gần đất xa trời rồi, chỉ mong trước khi nhắm mắt, tui được một lần nữa thấy cây gạo nở hoa như trước. Mong cây sớm khỏe mạnh trở lại, phù hộ cho con cháu”. Giọng cụ dịu xuống khi nhắc lại “cuộc gặp” đầu tiên với cây gạo. Đó là ngày bà về nhà chồng để làm dâu Diễn Kim. 

Năm 2013, một cây gạo cổ thụ ở xã Diễn Trường (H.Diễn Châu) cũng rơi vào tình trạng khô héo, lụi tàn do sâu bệnh. Trước tình trạng đó, người dân một dòng họ trong xã này đã góp tiền, thuê “bác sĩ” về cứu cây. Sau hơn một tháng “điều trị”, cây gạo đã được hồi sinh và phát triển tươi tốt trở lại. 

Với cây gạo ở Diễn Kim, việc cứu cây đã bắt đầu có dấu hiệu tích cực khi tình trạng sâu bệnh không còn.

Phan Ngọc

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI