Dân Ấn Độ trữ thuốc đặc trị và oxy khiến bệnh viện khốn đốn, hoảng loạn

26/04/2021 - 18:11

PNO - Cuộc khủng hoảng COVID-19 của Ấn Độ đã trở nên trầm trọng hơn khi người dân tự ý tích trữ thuốc đặc trị cũng như oxy kiến Bộ Y tế nước này khuyến cáo không nên.

Theo các bác sĩ Ấn Độ, sở dĩ thảm trạng COVID-19 ngày càng trở nên trầm trọng ở quốc gia này bởi một phần do người dân tích trữ oxy và các loại thuốc đặc trị trong nhà. Điều này gây ra tình trạng thiếu hụt oxy dùng cho máy thở và các loại thuốc ngăn ngừa trong các bệnh viện khiến virus bùng phát.

Không những vậy, điều này còn làm tình trạng thiếu hụt các dụng cụ cần thiết để chăm sóc sức khoẻ, tạo ra sự hoảng loạn khi quốc gia đông dân thứ nhì trên thế giới công bố đã có 352.991 ca nhiễm bệnh mới và ghi nhận 2.812 trường hợp tử vong chỉ trong 48 giờ qua.

Những con số kể trên đều đã phá vỡ tất cả các kỷ lục trước đó về đại dịch diễn ra trên toàn cầu. Tuần trước, Ấn Độ gởi đi một báo động đỏ khi tổng số ca mắc mới là 2,2 triệu. Đây là một mức “tăng trưởng” khủng khiếp được ghi nhận chỉ trong vòng bảy ngày mà không có bất kỳ quốc gia trên thế giới đã từng trải qua, nó nâng tổng số ca nhiễm trong cả nước đã vượt qua 17 triệu người.

Hình ảnh bệnh nhân qua đời vì COVID-19 đang được hoả táng đã ám ảnh thế giới những ngày qua
Hình ảnh bệnh nhân qua đời vì COVID-19 đang được hoả táng đã ám ảnh thế giới những ngày qua

Với một hệ thống chăm sóc sức khoẻ vừa yếu vừa thiếu của Ấn Độ thì việc người dân tự tiện tích trữ các phương tiện chữa trị đã đẩy quốc gia rơi vào trạng thái “tê liệt” khi phải chứng kiến các ca tử vong ngày càng tăng cao một cách phi mã.

“Remdesivir, một loại thuốc kháng virus hợp bào hô hấp và các loại bình oxy được người dân tích trữ trong nhà đang tạo ra một cơn hoảng loạn ở các bệnh viện bởi sự thiếu hụt của các loại thuốc này tỷ lệ thuận với những ca tử vong do nhiễm", tiến sĩ Randeep Guleria, giám đốc Viện Khoa học Y tế cho biết trong một báo cáo được phát đi từ Bộ Y tế.

Tiến sĩ Guleria cho biết không phải bất cứ ca nhiễm COVID-19 nào cũng cần điều trị bằng Remdesivir và dùng oxy cho máy thở. Điều này có nghĩa, việc cất giữ nó trong nhà có thể làm giảm khả năng cứu sống những bệnh nhân nguy kịch đang cần kíp đến nó trong bệnh viện. Ông cũng nhấn mạnh rằng loại thuốc này không phải là “tiên đơn” bởi khi bạn nhiễm COVID-19 thì có đến 85-90% trưởng hợp chỉ là nhiễm trùng nhẹ và mọi người sẽ chỉ bị cảm, sốt, đau họng và đau nhức cơ thể. "Người nhiễm chỉ cần điều trị triệu chứng tại nhà là đủ để vượt qua, còn những bệnh nhân nặng thì bắt buộc phải vào bệnh viện và lúc này các bác sĩ sẽ chỉ định khi nào cần oxy hoặc Remdesivir”, tiến sĩ tiếp lời.

Người dân trữ oxy trong nhà khiến bệnh viện thiếu càng thêm khó
Người dân trữ oxy trong nhà khiến bệnh viện thiếu càng thêm khó

Chỉ trong vài ngày qua, nhu cầu về oxy đã tăng hơn 50% trên toàn quốc. Chỉ riêng tại thủ đô Delhi, hầu hết các bệnh viện đều quay cuồng trong tình trạng thiếu oxy trầm trọng và đôi khi chỉ cần nguồn cung cấp cạn kiệt trong vòng 30 phút đã khiến hàng trăm người gặp nguy hiểm.

Khi các bệnh viện cảnh báo về sự thiếu hụt những  nguồn cung cấp oxy thì một số thân nhân của bệnh nhân đã tự tìm kiếm nguồn cung cấp. Một người đàn ông nói rằng anh ta đã đứng xếp hàng dài để “đổ đầy bình oxy” 10 lít cho người cha 65 tuổi đang điều trị tại bệnh viện Pentamed ở Delhi. Một người thân khác cho biết anh trai của anh đã nằm viện 10 ngày và gia đình đang tự tìm oxy.

Thị trường chợ đen oxy vô cùng nhộn nhịp ở Ấn Độ
Thị trường chợ đen oxy vô cùng nhộn nhịp ở Ấn Độ

Việc khan hiếm này đã hình thành và phát triển mạnh một thị trường chợ đen buôn bán oxy, Remdesivir với các xi lanh và thuốc tiêm được bán với giá cắt cổ. Cuối tuần qua, ba người đàn ông đã bị bắt vì cố gắng bán thuốc tiêm Remdesivir với giá 40.000 rupee (khoảng 384 bảng Anh).

Việc phong toả thủ đô Delhi hiện đã được gia hạn cho đến ngày 3/5 khi các ca nhiễm bệnh mới liên tục gia tăng trên khắp đất nước. Thủ tướng Narendra Modi, nói rằng đất nước đã bị rung chuyển bởi một "cơn bão", ông cũng kêu gọi người dân trên toàn quốc đi tiêm chủng và không "bị lung lay bởi bất kỳ tin đồn nào về vắc-xin".

Trọng Trí (theo The Guardian)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI