Đại biểu Quốc hội: Hại cả thế hệ bằng sữa giả, thuốc dỏm, có nên bỏ án tử hình?

20/05/2025 - 19:42

PNO - Đại biểu Tô Thị Bích Châu băn khoăn trước đề xuất bỏ án tử hình với các tội danh sản xuất hàng giả, thuốc giả, tội tham ô, tham nhũng.

ĐBQH Tô Thị Bích Châu băn khoăn với đề xuất bỏ tử hình với tội danh tham ô, tham nhũng; sản xuất hàng giả, đặc biệt là thuốc, thực phẩm chức năng
ĐBQH Tô Thị Bích Châu băn khoăn với đề xuất bỏ án tử hình một số tội danh

Chiều 20/5, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) thảo luận tại tổ về dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự.

Dự thảo luật đề xuất bỏ án tử hình và thay bằng hình phạt tù chung thân không xét giảm án với 8/18 tội danh quy định trong Bộ Luật Hình sự hiện hành.

8 tội danh dự kiến bỏ hình phạt tử hình gồm: Tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân; Tội phá hoại cơ sở vật chất - kỹ thuật của Nhà nước; Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh; Tội phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược; Tội gián điệp; Tội vận chuyển trái phép chất ma túy; Tội tham ô tài sản; Tội nhận hối lộ.

Đây là nội dung được nhiều ý kiến quan tâm, thảo luận.

ĐBQH Tô Thị Bích Châu (đoàn TPHCM) bày tỏ sự thông cảm với đề xuất bỏ án tử hình. Thực tế, có những khó khăn mà chính quyền phải đối mặt trong việc quản lý các tử tù, bao gồm điều kiện sống kém và ngân sách hàng năm đáng kể chi cho cơ sở vật chất, nhân sự và các vấn đề liên quan khác.

Tuy nhiên, bà cũng băn khoăn về đề xuất giảm án cho các tội tham ô và tham nhũng, đặc biệt là những tội liên quan đến hàng giả và hàng kém chất lượng.

“Nếu họ không biết chữ, vô tri, khuyết tật thì mình có thể châm chước, nhưng nhiều trường hợp nhiều chữ nghĩa, học hành đầy đủ, thậm chí bằng cấp đếm không xuể nhưng cố ý phạm tội thì khó tha thứ” - bà nói.

Bà nhấn mạnh những tác động nghiêm trọng của các sản phẩm giả như sữa và thực phẩm bổ sung: “Dân mình còn nghèo, cha mẹ chắt chiu tiền, nhịn ăn, nhịn mặc, mua cho con hộp sữa nhưng lại trúng sữa giả. Con còi cọc lại đi bác sĩ, rồi lại trúng thuốc bổ giả. Nguyên cả một thế hệ bị ảnh hưởng”.

Bà cũng trích dẫn ví dụ, ngay cả chuỗi nhà thuốc nổi tiếng cũng phân phối hàng do công ty có hàng giả sản xuất và phải thu hồi sản phẩm.

Với tội tham ô và tham nhũng, bà lưu ý rằng các vụ án gần đây liên quan có các bản án nặng nhưng chưa trường hợp nào bị tử hình. Trong khi đó, có nhiều tội rất nặng, “cầm những đồng tiền trên cái chết của đồng bào” như trong vụ chuyến bay giải cứu, xét nghiệm trong dịch COVID-19.

ĐBQH Phạm Văn Hòa lo ngại hy sinh đời bố, củng cố đời con nếu bỏ tử hình với tội tham ô, tham nhũng
ĐBQH Phạm Văn Hòa lo ngại "hy sinh đời bố, củng cố đời con" nếu bỏ tử hình với tội tham ô, tham nhũng

ĐBQH Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) cũng không đồng ý bỏ án tử hình với 3 tội danh: tham ô, nhận hối lộ, vận chuyển trái phép chất ma túy.

Ông cho hay, khi tiếp xúc cử tri, người dân mong muốn xử thật nặng người phạm tội tham ô, tội nhận hối lộ. Người dân không chấp nhận vì tình trạng "hy sinh đời bố, củng cố đời con" đang diễn ra khá phổ biến.

Quy định án tử hình trong những trường hợp này nhằm phòng ngừa, răn đe, cảnh tỉnh các đối tượng tham ô, nhận hối lộ, khiến đối tượng phạm tội "hoảng hồn" khi bị tuyên tử hình và tự nguyện khắc phục hậu quả.

Đồng quan điểm, ĐBQH Nguyễn Thanh Sang (TPHCM) cũng bày tỏ không đồng tình với đề xuất bỏ án tử hình một số tội danh, nhất là nhóm tội tham ô và nhận hối lộ.

“Vụ án Trương Mỹ Lan, tử hình rồi nhưng vẫn khắc phục hậu quả. Vậy nếu người ta biết chắc là không chết, liệu việc thu hồi tài sản có như chúng ta mong đợi hay không?” - ông đặt vấn đề.

Đại biểu lo ngại, nếu bỏ tử hình với tội vận chuyển trái phép chất ma túy, không khéo Việt Nam sẽ trở thành "điểm trung chuyển" ma túy ra nước ngoài.

Minh Quang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI