Đại dịch COVID-19:

Đa số công dân Việt trên thế giới được “giải cứu”, trừ một nơi…

08/07/2020 - 11:13

PNO - Có 22/200 công nhân Việt Nam đang làm việc tại công trường thủy điện Sendje, tỉnh Litorial đã dương tính với COVID-19, nhưng lại “ngoài vùng phủ sóng” với mạng lưới “được trở về”.

Hơn 11.500 công dân Việt sẽ có mặt trên 45 chuyến bay trở về Tổ quốc theo kế hoạch đưa đón công dân về nước từ 22/6 - 30/8. Trong kế hoạch nhân văn ấy, một lần nữa, không có tên Cộng hòa Guinea Xích đạo - một quốc gia ở… tận Trung Phi. Ở đây, có 22/200 công nhân Việt Nam đang làm việc tại công trường thủy điện Sendje, tỉnh Litorial đã dương tính với COVID-19, nhưng lại “ngoài vùng phủ sóng” với mạng lưới “được trở về”. Họ đang rất mong chờ một chuyến bay hồi hương khi điều kiện cách ly với dịch bệnh nơi đây không đảm bảo. 

Công nhân Việt Nam làm việc tại công trường thủy điện Sendje, tỉnh Litorial, Cộng hòa Guinea Xích đạo - ảnh: Nhân vật cung cấp
Công nhân Việt Nam làm việc tại công trường thủy điện Sendje, tỉnh Litorial, Cộng hòa Guinea Xích đạo - Ảnh: Nhân vật cung cấp

Các công nhân cùng người nhà đã kêu cứu trên mạng xã hội Facebook ngày 2/7. Nội dung kêu cứu kể lại việc tổng thầu bắt ép công nhân đi làm dù công trường đã có ca nhiễm vi-rút và nhiều trường hợp có triệu chứng nhiễm bệnh. Cùng lúc, nhà thầu này cắt internet ở khu ký túc xá nhằm ngăn không cho công nhân liên lạc ra ngoài và đe dọa không cho ăn, đuổi ra khỏi công trường và bỏ mặc những người đang bị ốm nếu họ không chịu đi làm.

Các công nhân cũng kể thêm, những người nhiễm bệnh đang phải điều trị tại nơi có điều kiện y tế “rất đáng lo ngại"; tình cảnh của những công nhân có dấu hiệu nhiễm đang chờ kết quả xét nghiệm ở khu cách ly cũng không khá hơn khi khẩu phần ăn ba bữa chỉ có bánh mì mà không có cơm. 

Hầu hết công nhân Việt Nam làm việc tại công trường của quốc gia Trung Phi là nhân viên của Công ty cổ phần CMVietNam (trụ sở tại Hà Nội), số còn lại thuộc Công ty cổ phần Lilama10 và Công ty Tân Đại Lợi.

Đây là ba nhà thầu phụ đang thực hiện hợp đồng thi công xây lắp thủy điện Sendje. CMVIETNAM không tiết lộ tên của công ty tổng thầu với lý do “bảo mật thông tin của tổng thầu theo cam kết trong hợp đồng". Theo tìm hiểu của chúng tôi, Công ty Liên doanh Duglas (Anh) là tổng thầu của dự án. 

Trao đổi với Báo Phụ nữ TPHCM qua tin nhắn, anh Nguyễn Trung Sỵ (36 tuổi, quê Quảng Bình), một trong những công nhân Việt Nam đang điều trị COVID-19 tại bệnh viện La Paz, TP.Bata cho hay, sau một tuần nhập viện, anh chỉ mới được bác sĩ khám hai lần. Do bất đồng ngôn ngữ nên anh và y tá, bác sĩ cũng không thể nói chuyện với nhau. 

“Bệnh viện thỉnh thoảng mới đưa cho tôi vài viên thuốc, không có phiên dịch nên tôi không biết uống thế nào. Thức ăn thì sáng tối mỗi bữa chỉ có một cái bánh mì còn trưa hai miếng sắn luộc (thức ăn truyền thống của nhiều quốc gia châu Phi - pv). Phía Công ty CMVietNam có hỗ trợ tiền ăn cho bệnh nhân nhưng chúng tôi không thể ra ngoài mua thêm đồ ăn, cũng không có ai quen biết để nhờ giúp”, anh Sỵ cho biết mình đang rất lo sợ và chỉ mong được về Việt Nam chữa bệnh.  

Chị T. (nhân vật yêu cầu giấu tên - tỉnh Quảng Bình) có chồng đang bị mắc kẹt tại Cộng hòa Guinea Xích đạo khóc kể, chồng chị gọi điện thoại về nhà báo là đang bị sốt cao, cơ thể mệt mỏi, vài đồng nghiệp ở cùng anh có thêm triệu chứng ho, mũi không ngửi được.

Tuy nhiên, anh và đồng nghiệp không được đưa đi cách ly mà vẫn phải tiếp tục ra công trường. Không những bị chủ thầu cắt internet tại khu nhà ở, các công nhân Việt Nam còn bị căng-tin trong ký túc xá từ chối bán thực phẩm, card điện thoại.  

Chồng chị T. là công nhân điện ở công trình thủy điện Sendje. Dù đã hết hợp đồng lao động với công ty CMVietNam nhưng do đại dịch nên anh không thể về nước mà tiếp tục ở lại làm việc. Sáng 6/7, chị T. cùng rất đông người nhà của các công nhân từ Quảng Bình đã đến Hà Nội gửi đơn cầu cứu lên Cục lãnh sự - Bộ Ngoại giao Việt Nam mong Chính phủ tổ chức chuyến bay về nước cho các công dân. 

“Chúng tôi đã mất lòng tin với công ty CMVietNam. Họ không nói lại được với tổng thầu. Vì hoàn cảnh nghèo khó nên mới phải đi làm ăn xa xứ, bây giờ chúng tôi chỉ còn biết trông mong vào Chính phủ", chị T. nói. 

Phần ăn và thuốc được cấp cho bệnh nhân  Việt Nam nhiễm Covid-19 tại bệnh viện La paz  ảnh: Nhân vật cung cấp

 

Phần ăn và thuốc được cấp cho bệnh nhân Việt Nam nhiễm COVID-19 tại bệnh viện La paz  - Ảnh: Nhân vật cung cấp

Trao đổi với báo Phụ Nữ TPHCM, ông Trần Minh Đức (Trưởng phòng Hành chính Nhân sự - Công ty CMVietNam) cho hay, ngay khi nhận được kết quả xét nghiệm, công ty đã có văn bản yêu cầu tổng thầu dừng toàn bộ công việc tại hiện trường, triển khai biện pháp cách ly phòng tránh lây nhiễm thêm cho những người khác. Tuy nhiên phía tổng thầu đã không chấp thuận. 

Chính phủ Guinea Xích đạo đã gỡ bỏ lệnh phong tỏa quốc gia từ ngày 16/6 và các hoạt động sản xuất kinh tế diễn ra bình thường. Theo công ty CMVietNam, công trường không nhận được yêu cầu dừng thi công từ chính phủ, đó cũng là lý do mà tổng thầu đưa ra để bác các yêu cầu của công ty. 

Theo ông Đức, công ty đang gặp sức ép rất lớn từ tổng thầu do hai bên khác nhau về quan điểm dịch COVID-19. Tổng thầu cho rằng, vi-rút corona chỉ đơn thuần như bệnh cúm thông thường, nhiễm thì điều trị và họ đang thực hiện như vậy đối với tất cả lao động. Trên công trường, các lao động ở các nước khác chỉ được nghỉ điều trị nếu bị ốm, những người khỏe vẫn phải làm việc bình thường.

Phản hồi về việc công nhân kêu than chất lượng y tế, ông Đức thừa nhận, dù bệnh viện La paz (đầu tư xây dựng bởi Israel) được đánh giá là tốt nhất trong khu vực nhưng năng lực y tế địa phương vẫn có nhiều hạn chế. Công ty đã tiếp nhận phản hồi của công nhân và thông qua tổng thầu phản ánh lên cơ quan y tế địa phương. 

Tuy nhiên, phía y tế địa phương trả lời rằng, toàn bộ quy trình chăm sóc tại bệnh viện đều tuân thủ theo quy tắc của WHO và cơ quan y tế nước sở tại. Quy trình này được áp dụng chung cho tất cả người bệnh không phân biệt quốc tịch và rất khó điều chỉnh trong thời điểm này.

“Để khắc phục một phần việc này, chúng tôi đã thành lập những nhóm bao gồm người lao động đang điều trị, đại diện công ty, phiên dịch của công ty, đại diện thầu chính. Qua đó, người ốm có thể liên hệ truyền tải ý kiến, kiến nghị của người lao động đang điều trị đến bác sĩ. Thêm vào đó, công ty cũng đã phát tiền và thẻ điện thoại cho người lao động để duy trì liên lạc và mua thêm thực phẩm”, ông Đức nói.

Hôm 6/7, Công ty CMVietNam đã đến Cục lãnh sự, Phòng bảo hộ công dân xin trợ giúp. Trước đó, đại sứ quán Việt Nam tại Angola, kiêm nhiệm Cộng hòa Guinea Xích đạo cũng đã nhận được công văn do công ty CMVietNam và công ty Lilama10 đề nghị giúp đỡ hồi hương hơn 200 cán bộ, công nhân.Trưởng phòng Hành chính Nhân sự của Công ty CMVietNam khẳng định với báo Phụ Nữ TPHCM, công ty sẽ đảm bảo toàn bộ các quyền lợi của người lao động cho cả những trường hợp đã hoàn thành hợp đồng 18 tháng trước đó nhưng chưa thể về nước do dịch bệnh.

Cũng theo công ty này, khi thấy người lao động Việt Nam tại dự án có phản ứng và đưa thông tin lên mạng xã hội, tổng thầu đã triển khai các “biện pháp an ninh" như cắt internet khu vực ký túc xá, yêu cầu trợ giúp của lực lượng an ninh sở tại. 

Trao đổi qua email với báo, đại sứ quán cho hay, đã có điện báo gửi Cục Lãnh sự - Bộ Ngoại giao Việt Nam, kèm theo danh sách các công dân có nguyện vọng về nước, để các cơ quan chức năng trong nước xem xét, phối hợp giải quyết.

Tính đến 7/7, theo số liệu do Đại học Johns Hopkins đưa ra, Cộng hòa Guinea Xích đạo có 3.071 trường hợp dương tính COVID-19, trong đó đã có 51 ca tử vong. Nước này phát hiện ca nhiễm bệnh đầu tiên là hồi giữa tháng 3/2020. 


Bảo Uyên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI