Đầu tư thật chứ không chỉ vỗ vai động viên

23/07/2025 - 07:05

PNO - Việc Bộ GD-ĐT đề xuất chính sách hỗ trợ cho sinh viên các ngành khoa học cơ bản, kỹ thuật then chốt, công nghệ chiến lược là một tín hiệu đáng mừng. Nhưng, sự hỗ trợ về học bổng, chi phí sinh hoạt chỉ là một yếu tố. Để người trẻ dấn thân và ở lại những ngành này, cần cả một hệ sinh thái hỗ trợ đủ mạnh và bền bỉ.

Không thể kỳ vọng chỉ với vài triệu đồng mỗi tháng, sinh viên ngành toán, lý, hóa, cơ khí, công nghệ vật liệu… sẽ lựa chọn con đường ít hào quang hơn, gian nan hơn so với những ngành “thời thượng”. Khoa học cơ bản, kỹ thuật then chốt là nhóm ngành mà người học thường phải giỏi thực sự, yêu nghề thực sự và dấn thân thực sự nhưng những người giỏi này lại thường chịu sự đãi ngộ kém nhất.

Ngày nay, nhiều lĩnh vực mũi nhọn như trí tuệ nhân tạo, vi mạch bán dẫn, công nghệ sinh học, vật liệu mới đều cần nền tảng từ khoa học cơ bản và kỹ thuật then chốt. Việc mở rộng chính sách sang các ngành này là đúng hướng, nhưng để thu hút và giữ chân nhân tài, cần đầu tư bài bản vào cơ sở nghiên cứu, gắn kết nhà trường, cơ sở nghiên cứu với doanh nghiệp, tạo cơ hội phát triển rõ ràng cho sinh viên sau khi tốt nghiệp.

Rất khó giữ chân nhân lực giỏi nếu việc đãi ngộ tốt cho sinh viên không đi kèm chiến lược dài hạn về cơ hội nghề nghiệp. Ở các nước châu Á như Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, khoa học cơ bản được xem là nền móng chiến lược chứ không phải là thứ xa rời thực tiễn. Sinh viên theo học ngành này được chính phủ đầu tư mạnh không chỉ bằng học bổng mà còn bằng cơ hội làm nghiên cứu, học lên cao; các trung tâm nghiên cứu khoa học, công nghệ của họ không chỉ là nơi làm việc mà còn là nơi để thu hút nhân tài, khuyến khích sáng tạo.

Ở nước ta, khoảng trống lớn nhất không chỉ nằm ở thu nhập ban đầu của sinh viên tốt nghiệp ngành khoa học cơ bản mà còn nằm ở cả hệ sinh thái: thiếu phòng thí nghiệm hiện đại, thiếu dự án nghiên cứu thực tiễn, thiếu cơ hội kết nối doanh nghiệp, thiếu định hướng thị trường cho sản phẩm khoa học. Chính những cái thiếu này khiến người học không hình dung được tương lai của mình, còn xã hội thì mặc nhiên cho rằng các ngành này ít tính ứng dụng.

Sinh viên toán - tin ra trường chuyển hướng sang làm chăm sóc khách hàng cho một công ty công nghệ tài chính, kỹ sư cơ học chấp nhận bỏ ngành để đi lập trình web. Không phải họ thiếu năng lực mà do họ không tìm thấy cơ hội phát triển đúng ngành. Những chuyện như thế không hiếm và để lại một nỗi tiếc nuối sâu sắc: đầu tư cả chục năm để đào tạo người giỏi nhưng không giữ được họ đi đến cùng với khoa học.

Nếu xem học bổng như một lời mời gọi thì chính sách giữ chân và hỗ trợ đầu ra phải là một lời cam kết lâu dài. Đó có thể là chính sách thu hút nhân tài vào các viện nghiên cứu với mức lương, thưởng và cơ hội học tập xứng đáng. Đó cũng có thể là chiến lược liên kết giữa nhà trường và doanh nghiệp để các ngành khoa học cơ bản không bị tách rời khỏi thị trường lao động. Hoặc truyền thông chính sách cần giúp người học và phụ huynh hiểu rằng đây không phải là ngành học khô khan hay ít cơ hội mà là nền tảng cho những lĩnh vực mũi nhọn như trí tuệ nhân tạo, công nghệ lượng tử, công nghiệp quốc phòng…

Những ngành nghề “thời thượng” cũng có tầm quan trọng riêng. Nhưng muốn quốc gia phát triển, muốn có công nghệ tự chủ, muốn có sản phẩm cạnh tranh quốc tế thì không thể thiếu những người làm việc trong phòng thí nghiệm hay miệt mài với những phương trình toán học mà kết quả có thể đến ở vài chục năm sau. Muốn có họ, không thể chỉ vỗ vai động viên mà cần đầu tư thật.

Uông Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI