Cứu sống người đàn ông ngưng tim ngưng thở

11/05/2019 - 13:18

PNO - Chưa có tiền sử bệnh tim, nên ông K. chủ quan với cơn đau tức ngực, cơn đau ngày một nhiều nên được người thân đưa đến bệnh viện. Tại đây, ông nhiều lần bị rung thất, ngưng tim, ngưng thở.

Ngày 5/5, đang nằm nghỉ tại nhà, ông V.V.K. (51 tuổi, nhà ở quận 2, TP.HCM) bỗng cảm thấy đau tức ngực nhưng ráng chịu đựng, đến khi không chịu nổi nữa, ông được người nhà đưa đến Bệnh viện Quận 2 khám bệnh.

Sau khi thăm khám, đo điện tim, các bác sĩ phát hiện ông K. có nguy cơ bị nhồi máu cơ tim cấp nên thông báo với người nhà. Lúc này, người bệnh đột nhiên trở nặng, ngưng tim, ngưng thở. Ngay lập tức ông được chuyển đến khoa Cấp cứu với tiên lượng gần như tử vong.

Các bác sĩ nhồi tim, đặt nội khí quản, hồi sức tích cực, tiêm thuốc kích vận mạch,… mặc dù ông K. liên tục bị rung thất, tim có sinh hiệu rồi lại dừng, nhưng cuối cùng, sau 45 phút cấp cứu, bệnh nhân dần có sinh hiệu trở lại, các cơ rung thất được khống chế, chỉ số tim, mạch, huyết áp dần ổn định và được đưa đến khoa Nội Tim mạch chăm sóc.

Qua kiểm tra, làm các xét nghiệm, kết quả cho thấy ông K. bị hẹp 2 nhánh mạch vành ở liên thất trước và động mạch vành phải cần tiến hành can thiệp tái thông mới có cơ hội sống. “Tuy nhiên, tình trạng bệnh của ông K. khá nặng, chuyển đi cũng có thể gặp nguy cơ trên đường. Trước 50/50 mạng sống của ông, người nhà xin chuyển ông đến Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM”, bác sĩ của bệnh viện cho biết.

Cuu song nguoi dan ong ngung tim ngung tho
Sức khỏe ông K. đang phục hồi tốt và có thể tiếp tục phẫu thuật can thiệp mạch vành lần 2

Do sức khỏe không cho phép, nên ông K. chỉ mới được can thiệp một nhánh mạch vành, rồi quay lại Bệnh viện Quận 2 tiếp tục điều trị. Hiện, ông đã cai được rút nội khí quản để tự thở, tỉnh táo, sinh hiệu ổn. Nếu bệnh phục hồi tốt, người bệnh có thể tiếp tục can thiệp nhánh mạch vành còn lại trong thời gian tới.

Bác sĩ Diêu Hà Lam – Trưởng khoa Cấp cứu Bệnh viện Quận 2 – cho hay: “May mắn cho bệnh nhân là ông bị hẹp cùng lúc 2 động mạch vành nhưng một nhánh chính và một nhánh phụ nên chúng tôi mới có thể kịp thời cấp cứu, chuyển ông lên tuyến trên để can thiệp”.

Bác sĩ Lam nói thêm, qua khai thác bệnh sử, ông K. chưa từng bị bệnh tim, hay đau tức ngực trước đó. Tuy nhiên, ông có thói quen hút thuốc lá từ rất lâu nhưng không bao giờ đi kiểm tra sức khỏe định kỳ vì vậy khi cơn đau xuất hiện cũng là lúc bệnh đã nặng.

“Người dân nên tập cho mình thói quen ăn uống lành mạnh, bỏ thuốc lá, cai rượu bia, tập thể dục,… cần khám sức khỏe định kỳ ít nhất một lần mỗi năm để kịp thời phát hiện bệnh và điều trị. Điều trị càng sớm càng đơn giản, nguy cơ càng ít, đừng để đến lúc quá nặng sẽ đối mặt với nhiều nguy cơ, hậu quả nghiêm trọng”, bác sĩ Lam khuyến cáo.

Phạm An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI