Cứu người bằng lời nói

19/02/2020 - 12:02

PNO - Chị níu tay áo tôi khi ra về để nhắc đi nhắc lại: em lựa hình nào đừng thấy chị xấu nha. Nhưng tôi thấy trong chị là một bà tiên nhân hậu. Mà bà tiên thì chẳng thể xấu được rồi.

“Khoa tôi hồi sức cứu người…”

Chị là điều dưỡng Hồ Linh Duy, 52 tuổi, quê Đồng Tháp, làm việc tại khoa Hồi sức tích cực và Chống độc, Bệnh viện Nhân dân Gia Định (TP.HCM). Không phải là bác sĩ với đôi tay phẫu thuật khéo léo hay chẩn đoán bệnh như thần, chị là điều dưỡng có công việc bình thường như những nhân viên y tế khác nhưng lại là người hết sức thú vị.   

Khoa Hồi sức tích cực và Chống độc là nơi tiếp nhận các trường hợp bệnh rất nặng do tai nạn giao thông, tai nạn lao động; ngộ độc rượu, thuốc ngủ, thuốc diệt cỏ paraquat; đột quỵ… Bệnh nhân hầu như trong tình trạng hôn mê, bất động với máy thở, dịch truyền. 

Cùng với đồng nghiệp, điều dưỡng Hồ Linh Duy thực hiện các y lệnh của bác sĩ để pha thuốc, hút đờm nhớt, vệ sinh thân thể bệnh nhân… Trong phòng hồi sức, điều dưỡng là người thân cận nhất của bệnh nhân, thay thế cho cha mẹ, vợ chồng, con cái để chăm sóc bệnh nhân, thay áo quần, giúp thở, cho ăn uống và làm sạch những chất thải, chất tiết ra từ người bệnh. Đó là công việc rất nặng nề của người điều dưỡng, nhất là làm việc ở khoa hồi sức cấp cứu.

Nữ điều dưỡng Hồ Linh Duy đang chăm sóc cho người bệnh tại Khoa Hồi sức tích cực và Chống độc, Bệnh viện nhân dân Gia Định
Nữ điều dưỡng Hồ Linh Duy đang chăm sóc cho người bệnh tại Khoa Hồi sức tích cực và Chống độc, Bệnh viện nhân dân Gia Định

Làm việc liên tục ở khoa này, hẳn nhiên mỗi điều dưỡng đều có một động lực nào đó giúp họ vượt qua căng thẳng mỗi ngày. Và tôi chợt khám phá ra, có lẽ chính những bài thơ đã giúp chị vượt qua sự căng thẳng đó. Công việc ở khoa được chị giới thiệu rất duyên dáng: Khoa tôi hồi sức cứu người/ Mười người vô viện, chín người hôn mê/ Công việc thì quá phủ phê/ Làm hoài không hết, tái tê cả người/ Khoa tôi hồi sức cứu người/ Phát loa mời gọi, mọi người thất kinh/ Lo tiền, lo bệnh, nhân sinh/ Nhiều điều thắc mắc, phát sinh không ngừng. 

Những bài thơ được chị sáng tác rất nhanh, vần điệu nhịp nhàng, lại rất sát với công việc nên đồng nghiệp ai cũng thích thú. Nói về thơ, mắt chị sáng lên và sẵn sàng đọc ngay thơ của mình trong sự hào hứng. Nhưng rồi, khi câu chuyện quay về với những bệnh nhân nằm bất động trên giường bệnh, đôi mắt chị dịu xuống. Khi nhắc về những trường hợp giã từ sự sống, giọng chị nghẹn lại, ứa nước mắt. Tôi nghĩ: lẽ ra chị phải cứng rắn và “lạnh lùng” vì đã quen với điều này hàng chục năm rồi chứ. Nếu dễ xúc động, làm sao chị có thể chịu nổi cảnh sinh ly tử biệt ngày qua ngày? Nhưng qua những câu chuyện cứu người bằng lời nói của chị, tôi nhận ra: chị đã cân bằng bằng cách đưa nhiều bệnh nhân trở lại cuộc đời. Điều đó đã giúp chị cười nhiều hơn khóc, vui nhiều hơn buồn. 

"Chuyên gia tâm lý" 

Chị tự nhận mình nói nhiều
Đã từ lâu, chị vui vẻ nhận danh hiệu chuyên gia tâm lý từ các đồng nghiệp

Chị tự nhận mình nói nhiều, nói nhiều lắm, nhất là khi chị phát hiện có “dấu hiệu lạ” ở bệnh nhân. Hơn một năm trước, một bệnh nhân lớn tuổi sau khi tỉnh lại chỉ im lặng và buồn bã, hay thở dài lúc nhìn vào vách tường. Nhìn hồ sơ bệnh án, điều dưỡng Hồ Linh Duy thấy lý do nhập viện ghi: tự tử. Nghề nghiệp bệnh nhân: nhà văn.

Lân la bắt chuyện, nhà văn kể chuyện gia đình và tiết lộ vì sao lại chọn cách kết thúc sự sống của mình. Nhà ông ở Q.Bình Thạnh, TP.HCM. Bốn người con lớn lên, thành đạt, có gia đình riêng. Vợ ông hay càu nhàu, so bì với những phụ nữ khác vì họ được chồng mua cái này cái nọ. Công việc viết lách của ông bấp bênh chỉ đủ sống, không dư dả gì. Khi các con về thăm, vợ ông lại ngon ngọt như không có gì xảy ra. Ông không thể chịu đựng nổi, cảm thấy mặc cảm. Thậm chí, vợ còn chửi cả ông bà dòng họ ông. Ông kể với điều dưỡng Linh Duy: “Xưa nay, tôi không kể với ai chuyện gia đình mình. Nhưng cô hỏi thì tôi mới nói. Khi vợ tôi đổi tính, tui thấy cuộc sống gia đình như một vở kịch. Tôi uống thuốc ngủ để đi cho an lành”. Rồi ông khóc. 

Ông được phát hiện bởi các con, rồi đưa đi bệnh viện kịp thời. Nhưng ông nhất quyết không cho các con biết lý do. Điều dưỡng Linh Duy quyết định tìm gặp và kể cho con gái ông biết sự thật. Con gái ông đã bật khóc. Cô nói ba mình hiền từ, không bao giờ chịu đựng nổi những lời chửi bới. Biết người nhà bối rối, chị gợi ý giải pháp: “Em bàn với các anh chị thử khuyên mẹ. Trước mắt, các con sẽ lo đáp ứng các nhu cầu của mẹ. Khuyên mẹ để cho ba tập trung vào viết lách, chuyện vật chất hãy để các con lo”. 

Với ông, chị nói nhẹ nhàng: “Bác cố gắng vượt qua giai đoạn này. Xem như mình đang đi trên đường mà bị té do sụp ổ gà. Té ngã rồi thì ai cũng đứng lên đi tiếp. Bác cứ xem những đòi hỏi vật chất của bà nhà là một quy luật của con người, không tránh khỏi việc ngó bên nọ bên kia. Nếu cứ giữ trong người thì sẽ bị uất ức mà sinh bệnh”. Trước khi xuất viện, ông xúc động nói sau này sẽ tìm gặp và viết sách về điều dưỡng Hồ Linh Duy. 

Đã từ lâu, chị vui vẻ nhận danh hiệu chuyên gia tâm lý từ các đồng nghiệp. Chị tìm cách khuyên giải các trường hợp tự tử như một phần trong công việc điều dưỡng. “Chị biết mình nói nhiều. Nhưng cố gắng nói là để giúp bệnh nhân tìm về đường sống. Những trường hợp đã tự tử, cần có ai đó bên cạnh động viên, an ủi”, nữ điều dưỡng tâm sự. 

Trong những ca bệnh được chị động viên, thuyết phục có những người thoát khỏi trầm cảm, có người cố gắng cai nghiện heroin, có người bỏ rượu, có người hối hận sau khi bạo hành vợ con... Những trường hợp đó, chị đều lưu số điện thoại của họ hoặc thân nhân để biết lời khuyên của mình có hiệu quả đến đâu. 29 năm trong nghề, điều dưỡng Hồ Linh Duy nói rằng chị cám ơn cha mình - người đã động viên chị theo nghề với yêu cầu bắt buộc là phải làm người thật tốt. 

Và chị đã sống đúng với nhiệm vụ của mình: khoa tôi hồi sức cứu người... 

Hiếu Nguyễn

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(5)
  • Chung 23-02-2020 17:40:22

    Một người có Tâm có Tầm, yêu nghề, thương người, luôn tận tụy với công việc, tận tâm với người bệnh, đặc biệt là rất nhiệt tình cứu người, trên môi luôn nở nụ cười để trấn an tinh thần của người bệnh. Nhiều khi bệnh tật không đáng sợ mà bệnh lý đáng sợ hơn, Chị như là liều thuốc tinh thần cứu tinh cho tâm hồn người bệnh. Là một người Tốt giữa đời chông gai. Mong muốn có thêm nhiều anh, chị em điều dưỡng giống chị nữa. Sắp 27.2 rồi, chúc tất cả các "thiên thần áo trắng" thật nhiều, thật nhiều sức khỏe để giúp người, cứu người nhé. Love you Linh Duy

  • Nguyễn thị ngọc Thủy triều 22-02-2020 08:42:29

    Muốn tìm được một người giống như chị LINH DUY này thật không dễ chúc nào. Những bí mật riêng tư, thầm kín của mỗi người ai cũng có. Nhưng liệu để tâm sự cho một ai đó chuyện thầm kín của mình là không dễ chúc nào. Và chị đã làm được điều đó bởi khi tiếp xúc với chị họ có sự đồng cảm, gần gũi và dễ gần. E chúc chị Linh Duy có nhìu sức khỏe và gặt hái thành công trong công việc mình đang chọn.

  • Chuong Nguyen 20-02-2020 19:16:31

    Xã hội cần lắm những điều dưỡng tài đức như chị.

  • Lộc 20-02-2020 16:56:04

    Bài báo thật hay vì nó cho ta thấy được phẩm chất cao đẹp của người điều dưỡng . Một người điều dưỡng gỏi về chuyên môn vẫn chưa đủ. Mà nó đòi hỏi phải có cái tâm ở trong đó. Chính cái tâm đã làm nên cái tầm của người điều dưỡng. Ở chị Duy đã hội tụ đầy đủ cả 2 yếu tố đó. Duy ơi! Cuộc đời này cần lắm những người như Duy. Hãy sống bông hoa luôn toả hương cho đời nhé!! . Bài báo thật hay khi nó phản ánh đúng với sự thật. Và nếu ai đã từng 1 lần gặp chị sẽ chứng minh cho điều đó. Chúc chị có 1 ngày 27/2 vui tươi tràn đầy hạnh phúc nhé.

  • Huệ 20-02-2020 14:11:12

    Chị điều dưỡng này rất dễ thương không chỉ hoàn thành rất tốt công việc chăm sóc bệnh nhân mà còn quan tâm an ủi cảm thông và động viên bệnh nhân và người nhà của bệnh nhân, trên môi lúc nào củng nở nụ cười Vui vẻ
    Xin cám ơn chị

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI