Phòng cách ly áp lực âm cho bệnh nhân nhiễm COVID-19 hoạt động như thế nào?

18/02/2020 - 18:54

PNO - Phòng cách ly áp lực âm là phòng bệnh được sử dụng để điều trị cho các bệnh nhân nghi nhiễm hoặc nhiễm các bệnh nguy hiểm lây qua đường hô hấp.

Tại nhiều đơn vị y tế của Việt Nam đã có sự chuẩn bị rất kỹ lưỡng trong việc xây dựng hệ thống phòng cách ly áp lực âm cho các trường hợp nghi nhiễm và mắc bệnh COVID-19. Vậy, phòng cách ly áp lực âm là gì? Tại sao bệnh nhân nào nghi ngờ nhiễm cũng được đưa vào buồng này để cách ly?

Chia sẻ chuyên môn về phòng bệnh đặc biệt này, tiến sĩ - bác sĩ Hoàng Công Tình - Trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình - cho biết: Phòng cách ly áp lực âm (gọi tắt là phòng áp lực âm) là phòng bệnh được sử dụng để điều trị cho các bệnh nhân nghi nhiễm hoặc nhiễm các bệnh nguy hiểm lây qua đường hô hấp như: viêm phổi do cúm A/H5N1, H7N9, SARS-CoV, MERS-CoV và gần đây là bệnh COVID-19.

Phòng cách ly áp lực âm là tốt nhất cho bệnh nhân, cho thầy thuốc và cho môi trường xung quanh.
Phòng cách ly áp lực âm là tốt nhất cho bệnh nhân, cho thầy thuốc và môi trường xung quanh

Phòng cách ly áp lực âm chỉ cho không khí đi một chiều qua bộ lọc Hepafilter để lọc sạch virus trước khi thoát ra ngoài, nhằm mục đích ngăn chặn sự lây lan của virus ra môi trường xung quanh.

Phòng cách ly áp lực âm có cấu tạo gồm 2 phòng là phòng đệm và phòng chính. Không khí từ bên ngoài sẽ đi qua phòng đệm, được lọc sạch rồi đi vào phòng chính, sau đó thoát ra ngoài qua khu vực vệ sinh dành cho bệnh nhân.

Không khí trong phòng cách ly áp lực âm được thay đổi ít nhất 12 lần trong 1 giờ. Phương pháp đóng pano tường, sử dụng hệ thống kiểm soát áp suất, kiểm soát nhiệt độ, bộ lọc Hepafilter và hệ thống dẫn khí sẽ giúp duy trì áp lực trong phòng luôn âm và không khí đi theo một chiều. Bệnh nhân được điều trị tại phòng áp lực âm sẽ giảm được sự lây truyền các bệnh qua không khí, đặc biệt là các bệnh lý hô hấp do virus.

Các bệnh nhân nghi ngờ hoặc đã chẩn đoán xác định các bệnh nêu trên đều cần phải cách ly để điều trị và phòng áp lực âm là lý tưởng nhất.

Chỉ có nhân viên y tế có nhiệm vụ chăm sóc, điều trị bệnh nhân mới được vào phòng áp lực âm.
Chỉ những nhân viên y tế có nhiệm vụ chăm sóc, điều trị bệnh nhân mới được vào phòng áp lực âm.

Bác sĩ Tình nhấn mạnh: “Tất cả các trường hợp nghi nhiễm hoặc đã chẩn đoán xác định mắc bệnh COVID-19, hoặc một trong các bệnh do virus nêu trên đều phải cách ly để điều trị. Phòng cách ly áp lực âm là tốt nhất cho bệnh nhân, cho thầy thuốc và môi trường xung quanh. Hiện nay trên cả nước, số phòng cách ly áp lực âm mới được trang bị rất ít; tuy nhiên các phòng cách ly thông thường cũng đã đảm bảo cho việc điều trị các dịch bệnh hô hấp do virus. Hoặc người bệnh có thể được điều trị ở những phòng cách ly tại các khu vực cách ly đặc biệt của các bệnh viện. Các phòng cách ly phải đảm bảo khoảng cách, sự thông thoáng và dễ vệ sinh, khử trùng”.

Với bệnh nhân nghi ngờ nhiễm SARS-CoV-2 (trước đây tạm gọi là 2019-nCoV, hiện nay gọi là COVID-19) khi có kết quả âm tính thì được ra khỏi phòng áp lực âm. Nếu bệnh nhân dương tính, phải đợi sau thời gian điều trị và có kết quả xét nghiệm âm tính với COVID-19 thì mới được xuất viện.

Khi nằm theo dõi và điều trị trong phòng áp lực âm, bệnh nhân cần tuyệt đối tuân thủ hướng dẫn của thầy thuốc và chế độ điều trị. Chỉ nhân viên y tế có nhiệm vụ chăm sóc, điều trị bệnh nhân mới được vào phòng áp lực âm. Nhân viên y tế trước và sau khi vào phòng áp lực âm đều phải tuân thủ nghiêm ngặt công tác phòng, chống lây nhiễm đúng quy định. Người nhà bệnh nhân hoặc nhân viên y tế không có nhiệm vụ đều không được vào phòng áp lực âm.

Tiến sĩ - bác sĩ Hoàng Công Tình cho biết thêm, phòng cách ly áp lực âm rất tốt cho công tác điều trị các bệnh truyền nhiễm do virus, vi khuẩn. Đặc biệt, với các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như: H1N1, H5N1, H7N9, MERS-CoV, SARS-CoV, COVID-19 thì phòng cách ly áp lực âm có ý nghĩa rất quan trọng đối với việc hạn chế sự lây lan của bệnh cho nhân viên y tế và môi trường xung quanh.

An Bình

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI