Cúm gia cầm giết chết hàng chục ngàn con hải cẩu và sư tử biển

23/03/2024 - 07:49

PNO - Ở nhiều nơi khác nhau trên thế giới, cái chết của hải cẩu và sư tử biển do cúm gia cầm đang phá vỡ hệ sinh thái.

Hình ảnh: Xác những con hải cẩu voi nằm la liệt dọc bãi biển thuộc khu vực Punta Delgada, tỉnh Chubut, Argentina giữa đợt bùng phát cúm gia cầm vào tháng 10/2023  - Ảnh: AP/Ralph Vanstreels
Xác những con hải cẩu voi nằm la liệt dọc bãi biển thuộc khu vực Punta Delgada, tỉnh Chubut, Argentina giữa đợt bùng phát cúm gia cầm vào tháng 10/2023 - Ảnh: AP/Ralph Vanstreels

Đợt bùng phát cúm gia cầm trên toàn thế giới bắt đầu vào năm 2020 đã dẫn đến cái chết của hàng triệu con chim được thuần hóa và lây lan sang động vật hoang dã trên toàn cầu.

Chủng vi rút trên không được cho là mối đe dọa lớn đối với con người, nhưng sự lây lan của nó trong các hoạt động nông nghiệp và hệ sinh thái hoang dã đã gây ảnh hưởng đến kinh tế, môi trường trên diện rộng.

Các nhà khoa học cho biết hải cẩu và sư tử biển, ở những nơi xa xôi như đảo Maine và Chile, dường như đặc biệt dễ bị tổn thương trước căn bệnh cúm gia cầm.

Loại vi rút chết chóc đã được phát hiện ở hải cẩu tại bờ biển phía đông và phía tây nước Mỹ, dẫn đến cái chết của hơn 300 hải cẩu ở vùng New England và một số ít khác ở bang Washington.

Tình hình thậm chí còn nghiêm trọng hơn ở Nam Mỹ, nơi có hơn 20.000 con sư tử biển đã chết ở Chile, Peru và hàng ngàn con hải tượng đã chết ở Argentina.

Marcela Uhart - giám đốc chương trình Châu Mỹ Latinh tại Trung tâm Y tế Động vật hoang dã Karen C. Drayer, thuộc Đại học California - Davis (Mỹ) - cho biết, các nhà khoa học vẫn đang nghiên cứu làm thế nào hải cẩu nhiễm cúm gia cầm, nhưng rất có thể nguyên nhân là do tiếp xúc với các loài chim biển bị nhiễm bệnh.

Bà Uhart lưu ý rằng tỉ lệ tử vong cao do cúm gia cầm đã ảnh hưởng đến các loài động vật có vú ven biển Nam Mỹ, kể từ khi loại vi rút này xuất hiện vào cuối năm 2022 và giết chết hàng trăm ngàn con chim ở Peru, Chile. Vi rút vẫn đang lây lan và được phát hiện lần đầu tiên ở lục địa Nam Cực vào tháng 2/2024.

Hải cẩu giúp giữ cân bằng đại dương bằng cách ngăn chặn sự phát triển quá mức của các loài cá mà chúng ăn.

Các nhà khoa học nhận định cúm gia cầm có thể đóng vai trò trong cái chết của hàng trăm con hải cẩu Caspi có nguy cơ tuyệt chủng ở Nga vào năm 2023.

Chính phủ Mỹ xác định hải cẩu chết là một "sự kiện tử vong bất thường" do cúm gia cầm. Cơ quan Khí quyển và đại dương quốc gia Mỹ tuyên bố sự kiện này đã kết thúc, nhưng vẫn còn lo ngại về khả năng tái diễn.

Theo một bài báo trên tạp chí Nature Communications năm 2023, cái chết của các loài động vật có vú ở biển thậm chí còn đáng lo ngại hơn do sự đột biến của vi rút cúm gia cầm.

Nghiên cứu cảnh báo, các đột biến “cần được kiểm tra sâu hơn và nêu bật nhu cầu cấp thiết về giám sát tích cực tại địa phương để quản lý các đợt bùng phát và hạn chế sự lây lan sang các loài khác, bao gồm cả con người”.

Một nghiên cứu khác được công bố trên tạp chí Các bệnh truyền nhiễm mới nổi vào tháng 2/2024 cho thấy, vi rút cúm gia cầm đã thích nghi để lây lan giữa chim và động vật có vú. Nhóm tác giả đã tìm thấy các mẫu vi rút gần như giống hệt nhau ở sư tử biển, hải cẩu và chim biển.

Linh La (theo AP)

 

news_is_not_ads=

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEtulieuvi /strCate=tulieu

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEthegioilakyvi /strCate=thegioilaky
TIN MỚI

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEthegioivi /strCate=thegioi