COVID-19 đe dọa khủng hoảng dân số thế giới

18/08/2020 - 11:13

PNO - Cuộc khủng hoảng sức khỏe toàn cầu – đại dịch COVID-19 – không chỉ tàn phá các nền kinh tế, nó còn kéo theo một hệ lụy vô hình, nhưng lâu dài và nghiêm trọng: Tỷ lệ sinh giảm đến mức báo động trên toàn cầu khiến nhiều quốc gia lâm vào tình trạng suy giảm dân số, thiếu lực lượng lao động, một nhân tố trọng yếu để phát triển.

Trẻ em đeo khẩu trang tại Disneyland Thượng Hải (Trung Quốc) ngày 11/5 - Ảnh: Reuters
Trẻ em đeo khẩu trang tại Disneyland Thượng Hải (Trung Quốc) ngày 11/5 - Ảnh: Reuters

Báo Bưu Điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) hôm 17/8 cảnh báo về cuộc khủng hoảng dân số toàn cầu sau COVID-19 và nhận định, các khuyến khích tài chính và tiền tệ trong tương lai cần được điều chỉnh để xây dựng lại các điều kiện và động lực phù hợp cho sự tăng trưởng dân số toàn cầu bền vững.

Nguyên nhân giảm tỷ lệ sinh là gì? Có rất nhiều yếu tố, nhưng nỗi sợ hãi về tương lai có thể là lý do chính khiến các bậc cha mẹ chọn trì hoãn hoặc không sinh con vào thời gian này. Cuộc khủng hoảng COVID-19 có thể là phản đề đối với hiện tượng bùng nổ trẻ em từng giúp thúc đẩy kinh tế toàn cầu bước vào một kỷ nguyên tăng trưởng và thịnh vượng sau chiến tranh. Các nhà hoạch định chính sách không thể coi nhẹ hậu quả lâu dài của tình trạng giảm tỷ lệ sinh.

Nhân loại từng có thời lo lắng về việc tăng trưởng dân số toàn cầu vượt quá tầm kiểm soát và vượt quá nguồn tài nguyên của hành tinh. Giờ đây, nỗi lo là tốc độ tăng dân số đang suy giảm quá nhanh, cộng với tuổi thọ tăng không ngừng, nhân loại phải đối phó với những vấn đề khác hẳn.

Tuy nhiên, tỷ lệ sinh giảm trên quy mô toàn cầu cũng phản ánh sự giải phóng phụ nữ tăng lên. Ngày càng có nhiều phụ nữ đi làm và đi học, được hưởng phúc lợi tốt hơn, ngày càng sung túc và cải thiện các biện pháp tránh thai. Mặc dù chặng đường phía trước còn dài, nhưng cơ hội cải thiện cho phụ nữ đồng nghĩa với việc tỷ lệ sinh trên toàn cầu sẽ tiếp tục giảm.

Hai phụ nữ Nhật được đào tạo đầu bếp sushi ở Tokyo, một nghề về truyền thống vốn do nam giới thống trị. Khi cơ hội làm việc cho phụ nữ tăng lên, tỷ lệ sinh có thể còn giảm hơn nữa - Ảnh: AFP
Hai phụ nữ Nhật được đào tạo đầu bếp sushi ở Tokyo, một nghề về truyền thống vốn do nam giới thống trị. Khi cơ hội làm việc cho phụ nữ tăng lên, tỷ lệ sinh có thể còn giảm hơn nữa - Ảnh: AFP

Tỷ suất sinh toàn cầu - số con trung bình một phụ nữ sinh ra trong độ tuổi sinh đẻ - đang giảm ở mức đáng lo ngại. Theo các nhà nghiên cứu tại Viện Đo lường và Đánh giá Sức khỏe của Đại học Washington (Mỹ), tỷ lệ này đã giảm hơn một nửa từ mức trung bình 5 ca sinh cho mỗi phụ nữ vào năm 1960 xuống còn 2,4 ca vào năm 2018 và dự báo sẽ còn giảm nữa, có thể xuống mức 1,52 vào năm 2100.

Nếu tỷ suất sinh toàn cầu giảm xuống dưới 2,1, sẽ đạt “điểm quay đầu” giảm dân số thế giới.

Các quốc gia lớn như Nhật Bản, Ý, Tây Ban Nha và Hàn Quốc có thể chứng kiến dân số của họ giảm hơn một nửa vào cuối thế kỷ này. Khi tuổi thọ con người tăng lên, tác động có thể còn lớn hơn khi ngày càng ít lực lượng lao động trẻ trong một xã hội già.

Trung Quốc là quốc gia đông dân nhất thế giới hiện nay (1,405 tỷ người), nhưng nghiên cứu cho thấy dân số nước này có thể giảm đi một nửa – chỉ còn 732 triệu người - vào năm 2100, cuối thế kỷ này.

Tổng số người trên hành tinh có thể đạt đỉnh 9,7 tỷ người dự báo vào năm 2064 trước khi giảm xuống 8,8 tỷ vào cuối thế kỷ này, viễn cảnh này đặt ra thách thức rất lớn cho các nhà hoạch định kinh tế.

Những người lạc quan có thể nghĩ rằng khi dân số giảm, tài nguyên sẽ được phân phối tốt hơn cho ít người, nhưng thực tế tình trạng này làm phát sinh những rủi ro ở mặt trái. Để duy trì tăng trưởng toàn cầu ở mức tối ưu 3 đến 4%, sẽ cần nhiều công nhân hơn để xây dựng các nhà máy trong tương lai, vận hành máy móc, tiếp thị đầu ra và cung cấp các dịch vụ tuyến đầu để giữ cho nền kinh tế toàn cầu hoạt động hết công suất.

Việc tăng cường sử dụng trí tuệ nhân tạo và người máy có thể giải quyết một số thiếu hụt trong chuỗi cung ứng, nhưng đó không phải là câu trả lời, vì xu hướng chi tiêu của các thuật toán và máy móc là zero.

Các nền kinh tế như Hoa Kỳ và Trung Quốc cần lực lượng lao động lớn hơn và nhiều người tiêu dùng hơn để tăng cường nhu cầu trong nước. Một dân số năng động, lạc quan là yếu tố sống còn để tăng trưởng lành mạnh doanh số bán lẻ, nhà ở, du lịch, dịch vụ tài chính và sức chi tiêu của người tiêu dùng, vốn cần để duy trì nhu cầu kinh tế.

Đại dịch đã gây thiệt hại nặng nề đến niềm tin kinh tế ở tất cả các cấp độ. Các chính phủ cần suy nghĩ cẩn thận về những ảnh hưởng lâu dài đối với nhận thức và nguyện vọng của gia đình khi quyết định đưa con em vào một thế giới có nhiều bất ổn.

Cẩm Hà

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI