Con tôi, tôi có quyền?

01/06/2017 - 16:29

PNO - Chính tâm lý rằng “không ai thương con bằng mình” khiến phụ huynh tự ý chọn cách ứng xử với con.

Hè, mình định đưa bé về gửi nhà ngoại để bé được chơi đùa chốn thôn quê và mẹ cũng rảnh tay làm việc. Kế hoạch đã xong, đùng cái, bé không chịu đi rồi phản ứng: “Sao mẹ không hỏi ý con? Đi hay không, con có quyền quyết định chứ!”.

Trẻ thường nhắc đến quyền của mình khi có sự áp đặt từ người lớn. Là cha mẹ, bạn nổi giận cho rằng con hỗn láo, chống đối khi dám đòi quyền, hay bạn cho con biết quyền của con, sẵn sàng trao quyền và lắng nghe điều con muốn?

Con toi, toi co quyen?
Bé Trần Thu Hằng

Bé Trần Thu Hằng (10 tuổi, Q.Tân Bình, TP.HCM): Em rất ít khi bị mẹ đánh, nhưng mỗi lần bị đánh, em rất sợ và tức. Lúc đó, em chỉ muốn bỏ đi, muốn mẹ hối hận khi không tìm thấy em nữa. Sau trận đòn nào mẹ cũng giải thích cho em hiểu em đã sai ở đâu, vì sao em bị đòn, mà “vì thương em nên mẹ mới đánh”. Em hay nghe mọi người nói rằng ở nước ngoài, bố mẹ đánh con có thể bị đi tù, nhưng em không thích như vậy.

Bé Phạm Nguyên Thảo (4 tuổi, ngụ Q.7, TP.HCM): Con nghĩ là trẻ con thích có đầm đẹp, thích có đồ chơi, được đi chơi, đi học và được người lớn chơi cùng mỗi ngày. Nếu có đồ chơi mà không có người lớn chơi cùng, trẻ con không vui đâu.

Con toi, toi co quyen?
Bé Phạm Nguyên Thảo

Con cũng không thích đến trường vì bị cô giáo ép ăn hoài. Nếu không đến trường phải đi bán vé số giống các bạn nhỏ bán vé số thì buồn lắm. Con chỉ thích được người lớn chơi cùng nhiều hơn. 

Chị Nguyễn Thị Kim Mai (28 tuổi, Vinpearl Đà Nẵng): Mọi xử sự bấy lâu của tôi với con đều dựa vào tình thương, chưa bao giờ phải cân nhắc đến luật. Gần đây, khi dư luận xôn xao về Luật Trẻ em, tôi mới biết một vài chi tiết quen thuộc. Chuyện dùng luật pháp để dạy dỗ, ứng xử với con lâu nay vẫn giống như chuyện của… nước Mỹ.

Con toi, toi co quyen?
Chị Nguyễn Thị Kim Mai

Còn ở ta, chính tâm lý rằng “không ai thương con bằng mình” khiến phụ huynh tự ý chọn cách ứng xử với con. Bản thân tôi lắm khi cũng mắc phải tâm lý “con tôi, tôi có quyền”. Vậy nên, việc tuyên truyền rộng rãi quyền trẻ em giống như một sự thức tỉnh. Mỗi bậc cha mẹ cần xác định rằng mình không có “quyền” gì với con, ngoài việc ở cạnh, hỗ trợ con trưởng thành. Tôi nghĩ, điều này cần cả một “cuộc 
cách mạng”. 

Võ Diệu Trâm

Thạc sĩ - luật sư Võ Thị Anh Loan (Đoàn Luật sư TP.HCM):

Hãy giúp trẻ tự bảo vệ

Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em được đổi thành Luật Trẻ em nhìn về mặt hình thức thì phản ánh đầy đủ hơn nội dung và phạm vi của luật điều chỉnh. Điểm đáng chú ý trong Luật Trẻ em là điều 6 quy định về 15 hành vi bị nghiêm cấm nhưng không có quy định về chế tài để xử lý vi phạm là một vấn đề khó, không có sức răn đe mạnh mẽ và khó xử lý triệt để đối với các hành vi vi phạm. Công tác thực thi và giám sát thực thi kém hiệu quả là một rào cản trong nỗ lực giải quyết các vấn đề về trẻ em.

Tôi đặc biệt quan tâm công tác truyền thông, giáo dục kiến thức, kỹ năng bảo vệ, phòng ngừa bạo lực, xâm hại trẻ em đến các bậc cha mẹ, thành viên gia đình, giáo viên, người trực tiếp làm việc với trẻ em.

Đồng thời, chúng ta cần giáo dục, phổ biến cho trẻ em kiến thức, kỹ năng tự bảo vệ, tự phòng ngừa bạo lực, xâm hại mình. Đảm bảo được trẻ em từ cấp bậc mẫu giáo tới trung học phổ thông được giáo dục giới tính phù hợp với lứa tuổi. Đặc biệt, người lớn lắng nghe và tôn trọng quyền phát biểu ý kiến của trẻ, khuyến khích trẻ bày tỏ những khó khăn, mong muốn, thố lộ những nguy cơ đang đối mặt để được hỗ trợ kịp thời. 

Luật Trẻ em

Điều 6. Các hành vi bị nghiêm cấm 

1. Tước đoạt quyền sống của trẻ em.

2. Bỏ rơi, bỏ mặc, mua bán, bắt cóc, đánh tráo, chiếm đoạt trẻ em.

3. Xâm hại tình dục, bạo lực, lạm dụng, bóc lột trẻ em.

4. Tổ chức, hỗ trợ, xúi giục, ép buộc trẻ em tảo hôn.

5. Sử dụng, rủ rê, xúi giục, kích động, lợi dụng, lôi kéo, dụ dỗ, ép buộc trẻ em thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác.

6. Cản trở trẻ em thực hiện quyền và bổn phận của mình.

7. Không cung cấp hoặc che giấu, ngăn cản việc cung cấp thông tin về trẻ em bị xâm hại hoặc trẻ em có nguy cơ bị bóc lột, bị bạo lực cho gia đình, cơ sở giáo dục, cơ quan, cá nhân có thẩm quyền.

8. Kỳ thị, phân biệt đối xử với trẻ em vì đặc điểm cá nhân, hoàn cảnh gia đình, giới tính, dân tộc, quốc tịch, tín ngưỡng, tôn giáo của trẻ em.

9. Bán cho trẻ em hoặc cho trẻ em sử dụng rượu, bia, thuốc lá và chất gây nghiện, chất kích thích khác, thực phẩm không bảo đảm an toàn, có hại cho trẻ em.

10. Cung cấp dịch vụ internet và các dịch vụ khác; sản xuất, sao chép, lưu hành, vận hành, phát tán, sở hữu, vận chuyển, tàng trữ, kinh doanh xuất bản phẩm, đồ chơi, trò chơi và những sản phẩm khác phục vụ đối tượng trẻ em nhưng có nội dung ảnh hưởng đến sự phát triển lành mạnh của trẻ em.

11. Công bố, tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em mà không được sự đồng ý của trẻ em từ đủ 7 tuổi trở lên và của cha, mẹ, người giám hộ của trẻ em.

12. Lợi dụng việc nhận chăm sóc thay thế trẻ em để xâm hại trẻ em; lợi dụng chế độ, chính sách của Nhà nước và sự hỗ trợ, giúp đỡ của tổ chức, cá nhân dành cho trẻ em để trục lợi.

13. Đặt cơ sở dịch vụ, cơ sở sản xuất, kho chứa hàng hóa gây ô nhiễm môi trường, độc hại, có nguy cơ trực tiếp phát sinh cháy, nổ gần cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em, cơ sở giáo dục, y tế, văn hóa, điểm vui chơi, giải trí của trẻ em hoặc đặt cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em, cơ sở giáo dục, y tế, văn hóa, điểm vui chơi, giải trí của trẻ em gần cơ sở dịch vụ, cơ sở sản xuất, kho chứa hàng hóa gây ô nhiễm môi trường, độc hại, có nguy cơ trực tiếp phát sinh cháy, nổ.

14. Lấn chiếm, sử dụng cơ sở hạ tầng dành cho việc học tập, vui chơi, giải trí và hoạt động dịch vụ bảo vệ trẻ em sai mục đích hoặc trái quy định của pháp luật.

15. Từ chối, không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ, không kịp thời việc hỗ trợ, can thiệp, điều trị trẻ em có nguy cơ hoặc đang trong tình trạng nguy hiểm, bị tổn hại thân thể, danh dự, nhân phẩm.

Thêm dự án giúp trẻ phòng tránh “yêu râu xanh”

Ngày 30/5, Dự án Giáo dục phi lợi nhuận Anna ra đời tại TP.HCM với tiêu chí “khơi dậy sức mạnh của truyền thông và giáo dục” về vấn đề chống xâm hại thân thể trẻ em trong gia đình và nhà trường. Anna sử dụng nguồn lực truyền thông từ các kênh truyền hình, nhà xuất bản, triển khai bộ giáo trình điện tử sử dụng các câu chuyện, tình huống hoạt hình nhằm giúp trẻ ý thức việc bảo vệ bản thân. Dự kiến, dự án sẽ được thí điểm giảng dạy tại một số trường tiểu học ở TP.HCM năm học 2017-2018, sau đó nhân rộng cả nước.

Ông Nguyễn Tiến Huy - đồng sáng lập Dự án Anna cho biết, trang web http://projectanna.vn/ và fanpage http://www.facebook.com/projectannavn/ sẽ là nơi chào đón tất cả mọi người tham gia bàn luận, trao đổi, cung cấp kiến thức hướng đến tìm kiếm những giải pháp gốc rễ cho vấn nạn nhức nhối này. Song song đó, video nhạc Xin lỗi con được góp giọng bởi rất nhiều ca sĩ tên tuổi cũng ra mắt dịp này, như một món quà gửi gắm, kêu gọi phụ huynh quan tâm, chăm lo sức khỏe giới tính cho con em.

Tuyết Dân

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI