Con muốn ở riêng: “Trăng đến rằm trăng tròn”

09/06/2022 - 13:02

PNO - Khi quyết định ra ở riêng, việc đầu tiên con phải làm được là tự chủ về tài chính, chứ không phải tiếp tục mong chờ sự chu cấp từ cha mẹ.

Từ khi con mới chỉ 11, 12 tuổi, tôi đã luôn được nghe mọi người nói: Ở nước ngoài, con đủ 18 tuổi là bố mẹ “vứt” ra khỏi nhà, tự sống, tự học, tự trưởng thành… Qua 18 tuổi mà còn sống ở nhà với bố mẹ là một… nỗi nhục với đứa trẻ, là chứng tỏ sự bảo thủ của bố mẹ.

Tôi cũng nghe tràn đầy những lời kiểu như cha mẹ Việt Nam luôn úm con, bao bọc con, không cho con phát triển. Rằng trẻ con Việt Nam lớn lên là những con gà công nghiệp, không biết tự lo cho mình vì cha mẹ không dám quăng con ra đời khi con đủ tuổi trưởng thành…

 “Trăng đến rằm trăng tròn”, con cái rồi cũng đến lúc phải lớn lên và tự trưởng thành (Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK
“Trăng đến rằm trăng tròn”, con cái rồi cũng đến lúc phải lớn lên và tự trưởng thành (Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK)

1. Tất cả những điều đó khiến tôi vô cùng lo lắng. Tôi luôn nhìn ngó xung quanh, quan sát cuộc sống và sợ hãi nghĩ tới ngày con mình đòi bước ra cuộc sống kia. Tôi nhìn thấy ở đó toàn cạm bẫy nguy hiểm, toàn những bất an lo lắng.

Điều đầu tiên tôi nghĩ là khi con sống một mình, cửa nẻo chỉ cần không cẩn thận là sẽ bị cướp, giết. Rồi tôi lo bạn bè xấu rủ rê con tụ tập tự do ở nhà, để gài nó hút xách này kia. Chưa hết, tôi lo thực phẩm bẩn, con tôi lại lười nấu ăn, suốt ngày cơm hàng cháo chợ sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe…

"Điều đầu tiên tôi nghĩ là khi con sống một mình, cửa nẻo chỉ cần không cẩn thận là sẽ bị cướp, giết. Rồi tôi lo bạn bè xấu rủ rê con tụ tập tự do ở nhà, để gài nó hút xách này kia. Chưa hết, tôi lo thực phẩm bẩn, con tôi lại lười nấu ăn, suốt ngày cơm hàng cháo chợ sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe…"

Nói chung, tôi quan sát, nghe ngóng và rồi trăm ngàn nỗi lo xuất hiện. Tôi ra sức lý luận với bạn bè rằng, ở nước ngoài chuyện ra riêng khi 18 tuổi không vấn đề vì xã hội họ có kỷ cương nền nếp và luật pháp họ chặt chẽ, đủ để bảo vệ con trẻ. Còn ở ta, mọi thứ còn đang trong quá trình hoàn thiện, làm sao có thể cho con ra ở riêng khi nó không đủ bản lĩnh và kinh nghiệm sống.

Thế nhưng chồng tôi, một người từng đi du học, có cái nhìn thoáng hơn về chuyện ra ở riêng từ kinh nghiệm của chính bản thân anh ấy và bạn bè thì lại nói với tôi rằng ông bà ta có câu “Trăng đến rằm trăng tròn”, con cái rồi cũng đến lúc phải lớn lên và tự trưởng thành. Chúng sẽ trưởng thành tốt hơn nếu có được sự chuẩn bị, huấn luyện của cha mẹ từ nhỏ. Chúng sẽ vấp váp và đau khổ nhiều hơn nếu không đủ bản lĩnh và không có sự trợ giúp nào. Nhưng rồi chúng cũng sẽ trưởng thành. Sớm hay muộn chính là do thời điểm chúng bước ra cuộc sống riêng.

Ảnh mang tính minh họa - Tirachardz
Ra riêng, con có đời sống mới khác hẳn thời kỳ chúng còn trong "tổ" (Ảnh mang tính minh họa - Tirachardz)

2. Anh kể cho tôi nghe về những người bạn gái của anh, cùng khóa đi học nước ngoài năm đó. Họ đều là con của những gia đình tử tế. Thế nhưng, trong hai người có một cô được cưng chiều hơn. Cô không biết nấu ăn, không biết ủi áo quần và điều quan trọng là cô không biết gì về việc yêu đương, quan hệ nam nữ, làm sao để bảo vệ bản thân, làm sao để nhận biết được người tốt, người xấu…

Thời gian đầu của cuộc sống nơi xứ người, cô vô cùng vất vả, từ chuyện lo cho mình bữa ăn hằng ngày đến tổ chức cuộc sống với số tiền học bổng khiêm tốn. Hồi đó, bạn bè ký túc xá cứ cười lăn cười bò về những câu hỏi muôn phần ngớ ngẩn của cô, kiểu như: nấu cơm thì cho gạo vào nước sôi hay nước nguội, luộc rau đến khi nào thì biết rau chín… Giai thoại khiến họ cười nhiều nhất về cô chính là câu hỏi: “Làm sao để biết nước đã sôi?”.

Mong manh, cô đơn, cô không chia sẻ với bạn bè mà lại bám víu vào mối quan hệ với một nghiên cứu sinh đã có gia đình ở Việt Nam. Cuộc sống của cô trượt dài trong vũng lầy của đau khổ, hoang mang, sợ hãi. Điều làm bạn bè xót xa nhất là do không biết cách giữ gìn, tự bảo vệ bản thân, lại sợ hãi tai tiếng, cô để cho mình dính bầu hết lần này đến lần khác. Cho đến khi kiệt sức vì các cuộc phá thai, cô bỏ học về nước, quay trở lại với sự che chở của bố mẹ.

Trong khi đó, dù cùng hoàn cảnh, cùng lứa tuổi, thậm chí cùng gặp phải không ít khó khăn, vấp váp, sai lầm nhưng nhiều người bạn khác lại vượt qua, vươn lên được nhờ bản lĩnh, ý chí. Bản lĩnh, ý chí, sự sáng suốt đó một phần nhờ những gì họ được chuẩn bị từ gia đình, một phần khác nhờ họ luôn tin vào tình yêu thương, sự dang tay che chở tinh thần của gia đình và nhờ họ tin vào bạn bè, tìm đến với tập thể bạn bè tốt những khi gặp khó khăn. 

Chồng tôi kể cho tôi nghe khá nhiều câu chuyện về cuộc sống của những đứa trẻ 17-18 tuổi ngày ấy, lần đầu xa gia đình, sống đời tự lập. Những người bạn đó giờ vẫn còn đây. Họ thân thiết, gắn bó với nhau như anh em ruột thịt, hỗ trợ nhau khi gặp khó khăn và chắc chắn họ vẫn sẽ tiếp tục đồng hành cùng nhau trong cuộc sống.

 

3. Điều chồng tôi nói phần nào thuyết phục được tôi trong việc chuẩn bị sẵn tinh thần để cho “con cò con” của mình bay ra khỏi tổ vào một ngày không xa. 

Việc ra ở riêng của con cái phải có quá trình chuẩn bị và đồng thuận của cha mẹ, con cái. Việc ra riêng không thể đột phát từ những mâu thuẫn, áp lực, khó chịu của thế hệ, của cha mẹ con cái khi cùng sống trong một không gian gia đình. Đó là khi các con cần được chứng minh khả năng sống tự lập của bản thân chứ không phải để “muốn làm gì thì làm, không bị ai ngăn cản, quấy rầy, cấm đoán”.

Khi quyết định ra ở riêng, việc đầu tiên con phải làm được là tự chủ về tài chính, chứ không phải tiếp tục mong chờ sự chu cấp từ cha mẹ. Cứng rắn yêu cầu ở con điều đó cũng là một vấn đề không kém phần khó khăn với các bà mẹ, khi họ nhìn thấy con vất vả xoay xở, thiếu thốn…

Ảnh mang tính minh họa - Jcomp
Những đứa trẻ càng được ủ bọc càng khao khát tự do (Ảnh mang tính minh họa - Jcomp)

4. Có một điều đáng ngạc nhiên: khi chấp nhận cho con ra ở riêng, bạn thường lo sợ tình cảm của con với gia đình phai nhạt. Tuy nhiên, trong tình huống này, tôi lại thấy tình cảm của con với cha mẹ sẽ đằm hơn, thắm thiết hơn và đầy trách nhiệm hơn. 

"Ra riêng là khi các con cần được chứng minh khả năng sống tự lập của bản thân, chứ không phải để muốn làm gì thì làm, không bị ai ngăn cản, quấy rầy, cấm đoán”.

Tôi từng thấy đứa cháu của mình, từ một cậu bé ích kỷ, chỉ muốn được tự do thoải mái một mình, từ khi ra ở riêng lại thường gọi điện nhắc mẹ uống thuốc, nghỉ ngơi, chăm sóc bản thân. Dường như từ khi tự lập, cháu cảm thấy mình là một người lớn, một người đủ khả năng và trách nhiệm để lo lắng cho mẹ.

Mẹ của cháu, thay vì đưa tiền cho con, thỉnh thoảng lại nấu những món ăn ngon, mang qua nhà trọ hay gọi con về nhà ăn. Nhìn thấy sự trân trọng của con với những “món ngon mẹ nấu”, chị cảm thấy như hạnh phúc hơn.

Cái thời của cuộc sống “tam đại đồng đường” đã qua. Ngày nay, nhiều thế hệ rất khó để có thể sống chung dưới một mái nhà khi đã trưởng thành. Tự do cá nhân được đề cao, được tôn trọng là một trong những lý do quan trọng nhất cho việc tổ chức gia đình ngày càng chia nhỏ. Vì vậy, chuẩn bị tinh thần để các con đủ sức, đủ kinh nghiệm, đủ kiến thức, đủ bản lĩnh bước vào cuộc sống riêng là điều vô cùng cần thiết. 

Thúy Trâm

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI