Còn mãi di sản Bác Hồ

19/05/2023 - 06:54

PNO - Tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh sẽ mãi là di sản quý giá cho đời sau; những bài học giá trị Người để lại cho nhân dân ngời sáng muôn đời.

Nhân dịp kỷ niệm 133 năm ngày sinh Bác Hồ, Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM phối hợp với các đơn vị xuất bản tổ chức triển lãm sách, tư liệu, hình ảnh về chủ đề học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cáchHồ Chí Minh, từ ngày  19 - 21/5, tại Đường sách TPHCM. Có thể thấy Bác luôn sống mãi với quê hương đất nước, trong trái tim bao thế hệ. Tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh sẽ mãi là di sản quý giá cho đời sau; những bài học giá trị Người để lại cho nhân dân ngời sáng muôn đời. 

Một số tựa sách về Bác vừa được Nhà xuất bản Trẻ phát hành trong năm 2023 - ẢNH: NHÀ XUẤT BẢN TRẺ
Một số tựa sách về Bác vừa được Nhà xuất bản Trẻ phát hành trong năm 2023 - ẢNH: NHÀ XUẤT BẢN TRẺ

Học Bác từ những điều giản dị 

Chiều 18/5, Bảo tàng Hồ Chí Minh vừa nhận Tủ sách Di sản Hồ Chí Minh do Nhà xuất bản (NXB) Trẻ trao tặng. Trong số hơn 50 tựa sách thuộc tủ sách, có nhiều tựa vừa được phát hành: Nhật ký hành trình của Hồ Chủ tịch - Bốn tháng sang Pháp, Khắc sâu lời Bác, Bác Hồ với văn hóa phương Đông, Hồ Chí Minh bàn về quân sự, Học và làm theo Bác

Sách do Bác viết và các tác phẩm viết về Bác vẫn thường xuyên được xuất bản trong năm (gồm in mới lẫn tái bản). Các tác phẩm đa dạng thể loại: chính luận, nghiên cứu, ghi chép, văn học. Những câu chuyện về Bác, học Bác được đúc kết từ nhiều lĩnh vực: xây dựng Đảng, cán bộ, quân đội, ngoại giao, thanh thiếu niên, mặt trận, quốc hội… Ở khía cạnh nào, tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh cũng ngời sáng, để lại những bài học quý giá.

Với đối tượng thiếu nhi/thanh thiếu niên, các tựa sách phù hợp, ý nghĩa các em có thể tìm đọc: Búp sen xanh, Thầy giáo Nguyễn Tất Thành ở trường Dục Thanh, Từ làng Sen, Cha và con, Kể chuyện Bác Hồ, Suốt đời học Bác... (NXB Kim Đồng). 

Những năm qua, thực hiện đề án “Chiến lược phát triển ngành văn hóa TPHCM giai đoạn 2020-2035”, nhiều Không gian văn hóa Hồ Chí Minh đã được xây dựng tại nhiều cơ quan, đơn vị sở, ngành. Đại diện NXB Trẻ cho biết, đơn vị đã phát hành sổ tay Không gian văn hóa Hồ Chí Minh (gồm những câu nói đáng nhớ của Bác Hồ, hình ảnh về cuộc đời hoạt động của Bác cùng danh mục sách kèm giới thiệu tóm tắt, link đọc thử sách điện tử) nhằm hỗ trợ các cơ quan, tổ chức trong việc xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh và lan tỏa tinh thần học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.   

Trong khuôn khổ triển lãm sách, tư liệu, hình ảnh về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, NXB Chính trị quốc gia Sự thật tổ chức buổi tọa đàm, giới thiệu tác phẩm Từ làng Sen đến Bến Nhà Rồng của giáo sư, tiến sĩ Trình Quang Phú (sáng 19/5). Bên cạnh các ấn bản sách, NXB Trẻ cũng trưng bày bản đồ đặc biệt: Hành trình 30 năm tìm đường cứu nước của Bác Hồ, tái hiện ngắn gọn nhưng đầy đủ, cụ thể và xúc động qua từng dấu mốc hoạt động cách mạng của Người ở nước ngoài (từ ngày 5/6/1911 đến ngày 28/1/1941).

Từ các không gian này, những chương trình “Kể chuyện Bác Hồ” cũng đã được tổ chức trong khuôn khổ các cơ quan, đoàn thể. Nhớ Bác từ những câu chuyện nhỏ. Học Bác từ tầm vóc, tư tưởng lớn lao nhưng cũng có thể từ những điều giản dị, trong cách đối nhân xử thế, đạo đức trong sáng, sống tử tế, yêu thương con người...

Tinh thần học Bác suốt đời

Trong hồi ký Những chặng đường lịch sử (NXB Chính trị quốc gia, 2018), Đại tướng Võ Nguyên Giáp - người học trò xuất sắc của Bác Hồ đã kể lại ấn tượng đầu tiên của ông về Bác: “Ngay từ phút đầu, tôi đã cảm thấy như mình được ở rất gần Bác, được quen biết Bác từ lâu rồi. Con người của Bác toát ra một cái gì rất trong sáng, giản dị…”. Đó là cuộc gặp mặt lần đầu tiên giữa Đại tướng và Bác tại Thúy Hồ (Trung Quốc, vào năm 1940). Lúc ấy Người “gầy gò có đôi mắt sáng, mặc một bộ quần áo Tôn Trung Sơn màu xám, đội mũ phớt…”. 

Sự giản dị và thân thuộc cũng là cảm giác của rất nhiều vị tướng lĩnh, các chiến sĩ cũng như văn nghệ sĩ và nhân dân khi được gặp mặt Bác Hồ. Nhưng phía sau sự giản dị ấy là một sức mạnh ý chí phi thường, một tầm vóc và nhân cách vĩ đại. Cả dân tộc Việt Nam noi theo gương Bác mà đi tới, từ sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc cho đến công cuộc xây dựng xã hội chủ nghĩa; cùng kiến tạo, phát triển đất nước phồn vinh và sánh vai với các cường quốc 5 châu.

Nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thiện khi nhớ về năm tháng ông cùng đồng đội tham gia lực lượng thanh niên xung phong, đã nhắc về Bác như “một người đứng lên trên tất cả dẫn đường, soi lối cho thế hệ sau sống và tiếp nối, dựng xây, phát triển đất nước”. Mỗi điều Bác làm, mỗi lời Bác nói đều để lại giá trị cho muôn đời sau, có ý nghĩa với mọi tầng lớp nhân dân. Trẻ thơ học Bác từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường với “5 điều Bác Hồ dạy”. Đoàn viên và thanh thiếu niên là lực lượng được Bác đặc biệt dành nhiều kỳ vọng trong Di chúc Người để lại…

“Hành trình theo chân Bác” từ những trang sách cũng là hành trình để mỗi người tự tìm thấy cho riêng mình những giá trị soi sáng. Sinh thời, Bác từng có lời căn dặn: “Mỗi người tốt, mỗi việc tốt là một bông hoa đẹp, cả dân tộc ta là một rừng hoa đẹp”. Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh cần là tinh thần học tập, rèn luyện và nhớ ơn suốt đời của mỗi người con nước Việt. Di sản Hồ Chí Minh còn mãi trên những trang sách, trong trái tim bao thế hệ và sẽ tiếp tục được trao truyền cho thế hệ mai sau.

Lục Diệp

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI