Con lừa chiếm nhà của mẹ, hay mẹ ép con trả nợ thay?

17/06/2022 - 06:00

PNO - Vào tháng 5/2022, qua tài khoản Facebook, bà Ngô T.L., 58 tuổi, đăng bài viết tố hai con trai Trương L.H. và Trương L.C. chiếm đoạt căn nhà ở Q.10, TP.HCM. Tựa đề bài viết là “Đạo đức làm người” thể hiện tâm trạng phẫn uất, chua chát cho phận già, bị con đẩy vào cảnh sống vô gia cư, nợ nần vây bủa.

 

Người mẹ nói rằng con cái lừa lấy nhà của bà (Ảnh minh họa)
Người mẹ nói rằng con cái lừa lấy nhà của bà (Ảnh minh họa)

Tố con trên mạng, tạo áp lực để trả nợ dùm

Bà T.L. khẳng định không muốn phải lên mạng tố cáo con, nhưng bà đã không còn cách nào nữa. Kể về bi kịch gia đình, đến những đoạn uất ức về chồng con, bà bật khóc. Khoảng năm 2015, bà có những sự cố trong cuộc sống nên phải vay mượn tiền và dẫn đến những sai lầm không đáng có.

Bà cũng thổ lộ rằng chồng bà góp phần vào món nợ nhưng hai con trai không tin. Hai con trai đã bảo bà chuyển chủ quyền nhà để khỏi bị ai lừa lấy mất căn nhà (căn nhà này trước đây em gái bà mua tặng và bà đứng tên). Đổi lại, hai con trai sẽ xin em gái bà giải quyết số nợ đó dùm. Bà tin lời con nên chuyển chủ quyền nhà. 

Điều khiến bà T.L. bức xúc là sau khi sang tên một thời gian, hai con bán nhà nhưng không giải quyết hết số nợ cho bà. Bà phỏng tính, hai con chỉ trả được khoảng vài ba tỷ đồng trong khi giá trị căn nhà rất lớn. Vì sợ bị chủ nợ đòi, bà phải trốn chui trốn nhủi. Viết bài đưa lên mạng, bà mong cộng đồng chia sẻ để con chấp nhận trả dứt nợ hiện tại của bà (khoảng hơn 2 tỷ đồng) từ số tiền bán nhà.

Anh L.H. - L.C. trình bày bi kịch gia đình tại Báo Phụ Nữ TP.HCM - ẢNH: V.P.A.
Anh L.H. - L.C. trình bày bi kịch gia đình tại Báo Phụ Nữ TPHCM - Ảnh: V.P.A.

Không khó khăn gì để liên lạc với anh L.H. và L.C. vì trong bài viết của bà T.L. thể hiện đầy đủ, chi tiết về họ tên, địa chỉ, số điện thoại. Trước khi người viết bài liên hệ, có nhiều người lạ đọc bài viết của bà T.L., đã gọi điện thoại nói chuyện, thậm chí có người còn nặng lời chê trách, miệt thị hai anh rằng “bất hiếu như thế sao tránh khỏi nghiệp báo”.

Trong cuộc phỏng vấn tại Báo Phụ Nữ TPHCM, câu đầu tiên anh L.C. hỏi ngỡ khá… “lạc đề”: “Chị làm báo lâu chưa?”. Nghe người viết bài trả lời, anh L.C. đỏ mắt nói tiếp: “Chị làm lâu như thế nhưng chưa chắc chị đã tiếp cận được sự việc gia đình nào đau lòng như chuyện của chúng tôi. Chị có từng thấy ai mà ngày 30 tết thay vì chuẩn bị trang hoàng nhà cửa đón xuân lại phải cầm số tiền thưởng tết của mình đi trả cho từng chủ nợ? Họ là bà con, hàng xóm, là đồng nghiệp, bạn bè của mẹ, thậm chí cả người bán rau, vé số… Không phải ai cũng có giấy tờ đã cho mẹ tôi mượn nợ, họ cho mượn bằng niềm tin và họ khổ như vậy, đâu thể không trả”.

“Cấp cứu” tình thâm

Theo trình bày của hai anh L.H. và L.C., sau khi người dì chỉ định sang tên từ mẹ qua hai anh em, căn nhà Q.10 cũng phải bán đi. Phần lớn số tiền này dùng vào việc trả toàn bộ số nợ của mẹ. Phần còn lại, hai anh em hoàn trả hết cho dì.

Không lâu sau, dì thương tình nên đã mua căn nhà nhỏ tại Q.6, TP.HCM để gia đình có chỗ sinh sống. Nhưng bà T.L. tiếp tục gây nợ nhiều lần nên hai anh em lại bán nhà Q.6 để trả. Số tiền đã trả nợ cho bà lên đến 9-10 tỷ đồng. 

Hai anh em giở những mảnh giấy mới in vài ngày nhưng đã ố màu, nhàu nhĩ và cho rằng mẹ đã đưa bài viết này lên mạng cũng như đem dán ở gần chỗ các anh làm việc với mục đích vu khống, bôi nhọ.

“Mẹ dồn chúng tôi vào đường cùng khi liên tục đến công ty, nhà thuê, nhà bên sui gia, nhà ở của dì để quấy rối. Mẹ còn tiếp tay cho chủ nợ gọi đến công ty chửi bới, nhục mạ cũng như cung cấp thông tin hình ảnh của mọi người thân trong đại gia đình để chủ nợ đến nhà dì quấy rối và thường xuyên gọi điện thoại nhiều lần lúc nửa đêm (ông bà ngoại già yếu cũng không được yên).

Nếu sếp, đồng nghiệp không thông cảm cho hoàn cảnh thì chúng tôi đã bị thôi việc từ lâu. Nhưng sự cảm thông nào cũng phải có giới hạn...” - anh L.C. hoang mang nói.

Cuộc phỏng vấn ngắt quãng vì anh L.C. có điện thoại. Anh vừa bấm nghe, người bên kia hỏi tới tấp: “Vụ tiền nợ tính sao?”. Dù trả lời từ tốn, nhẹ nhàng nhưng anh L.C. vẫn không giấu được vẻ chán chường, bất mãn. Quả đúng như dự đoán: chính mẹ anh gọi. 

Với gương mặt buồn rầu, mệt mỏi không kém gì em mình, anh L.H. tiếp lời: “Chúng tôi không kể xiết bao nhiêu lần mẹ khóc lóc van xin, gây áp lực, đòi tự tử… để chúng tôi trả nợ dùm và năn nỉ dì giúp đỡ. Lý do, khi thì mẹ nói mượn cho vợ chồng con gái út kinh doanh, khi thì nói chúng làm ăn thua lỗ lại mượn người ta để đắp vào, khi thì nói chúng gây tai nạn phải đền tiền, khi thì nói mượn để trả nợ ngân hàng. Kể cả “kịch bản” con gái của chúng (tức cháu ngoại của mẹ) bị bắt cóc tống tiền cũng được dựng lên để vòi tiền chúng tôi. Cả nhà đã quá thất vọng, không còn tin lời mẹ nữa”.

Khuất tất, rối rắm, phức tạp là cảm giác của tôi khi nghe câu chuyện từ phía bà T.L. và hai con ruột của bà. Chứng kiến cảnh mẹ con cùng xất bất xang bang “vì nhau”, thật khó tưởng tượng được họ là người một nhà; từng ẵm bồng, ru ngủ, ăn cùng mâm cơm gia đình và dõi theo nhau trên mọi bước đường an nguy của cuộc sống. Trong câu chuyện này, có phải thứ thiếu duy nhất chỉ là tiền? 

 

Phóng viên: Giải pháp nào để tháo gỡ tình trạng nợ nần, tình mẫu tử chia cắt như hiện nay?

Anh L.H. và anh L.C.Hiện tại thu nhập làm công ăn lương chỉ đủ chăm lo cho vợ con, nhưng chúng tôi cũng đã thống nhất hằng tháng sẽ đưa cho mẹ 10 triệu đồng để trả góp nợ của mẹ. Chúng tôi không thể xin dì giúp mẹ trả nợ thêm nữa, vì lần nào mẹ cũng nói là… “lần cuối cùng”. Nếu tiếp tục như thế thì biết đến bao giờ mới chấm dứt.

Bà T.L.Hai con trai phải đưa cho tôi hơn hai tỷ đồng để trả dứt nợ một lần. Tôi không tiếp tục gây nợ mới. Số nợ hiện tại là nợ cũ mà trước đây tôi không dám khai hết.

 

 

 

 

Tô Diệu Hiền

 

Thay vì đưa lên mạng, mẹ con cần gặp gỡ, “đối chất”!

Vấn đề quan trọng cần làm rõ, số nợ của bà T.L. thực tế là bao nhiêu? Trả lời câu hỏi này, ba mẹ con cần có sự gặp gỡ, “đối chất” trên nguyên tắc thẳng thắn, trung thực và cảm thông, chia sẻ. Lúc đó, hàng loạt câu hỏi sẽ đặt ra: mẹ nợ ai, vì sao nợ, nợ bao nhiêu người (có giấy tờ, không giấy tờ)? Rồi hai con trả nợ bao nhiêu? Cho ai? Chứng minh bằng gì?... Các bên cùng bàn bạc tìm giải pháp khả thi.

Nếu mâu thuẫn không giải quyết được thì một trong hai bên có quyền khởi kiện bên kia ra tòa để nhờ phán xử. Tuy nhiên, như người xưa nói “vô phúc đáo tụng đình”, mẹ con kiện nhau thì tình cảm xem như đổ vỡ, để hàn gắn cần nhiều thời gian và thực sự mở lòng. 

Câu chuyện gia đình là đề tài muôn thuở, tùy theo từng trường hợp mà đánh giá ai lỗi nhiều hơn. Muốn đánh giá đúng vụ việc, điều kiện cần là bạn phải lắng nghe ý kiến của hai bên và người liên quan khác để có cái nhìn đa chiều, toàn diện còn điều kiện đủ là ngoài kiến thức pháp lý vững, bạn phải có vốn sống để có thể lắng nghe, thấu hiểu và đưa ra những lời khuyên hữu ích, giải pháp khả thi… 

Luật sư Trần Hoài Nhân  
(Công ty Luật TNHH Unibros Việt Nam,

220/24 Nguyễn Trọng Tuyển, Q.Phú Nhuận, TPHCM)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI