Con bạn có “mỏng manh”?

27/08/2023 - 06:11

PNO - Những đứa trẻ đó đã chọn bỏ cuộc khi đối mặt với khó khăn, rắc rối của chúng. Chúng không chấp nhận được một khó khăn nào đó.

Sự “mỏng manh” của những đứa trẻ đang trưởng thành không chỉ nằm ở thể chất mà còn trong tâm hồn, trong ý chí. Liệu con bạn có dễ vỡ trước những tình huống trái ý trong cuộc sống không? Con bạn có dễ sụp đổ trước khó khăn hay thử thách nào đó trong cuộc sống?

Trong cuốn Sự sụp đổ của nghề làm cha mẹ, tiến sĩ, bác sĩ Leonard Sax đã viết về những đứa trẻ mỏng manh ở Bắc Mỹ. Đó là Julia - cô bé 15 tuổi, sống cùng ba mẹ ở Mỹ. Julia lúc nào cũng hiếu thắng, luôn muốn giành vị trí số 1 trong lớp. Julia đã phải dùng đến thuốc an thần chỉ vì không thể chịu được số điểm trung bình kết quả kỳ thi môn vật lý ở trường.

Cô bé đã khóc vật vã suốt mấy ngày từ khi biết điểm. Dù cha mẹ có nói gì đi nữa, cô bé cũng không chấp nhận. Julia đã tự trách móc bản thân, không ngủ được trong nhiều ngày. Cuối cùng, ba mẹ Julia phải nhờ bác sĩ can thiệp.

Ảnh mang tính minh họa - Our-Team
Ảnh mang tính minh họa - Our-Team

Cha của Aaron dẫn cậu đến gặp bác sĩ trong tình trạng béo phì. Bác sĩ đề xuất Aaron nên đến sân vận động để đá bóng như bao chàng trai khác. Nhưng khi bước vào bài sát hạch chạy 1 dặm của huấn luyện viên, Aaron đã không thể vượt qua. Đó là lần thử sức duy nhất và cuối cùng của Aaron. “Con không phải là vận động viên. Con sẽ không bao giờ và con không muốn trở thành vận động viên. Con là một game thủ” - Aaron tuyên bố với cha và đưa cho cha cậu những tờ tạp chí vinh danh chiến thắng của các game thủ.

Cậu cũng nhanh chóng hạ gục cha trong trận đấu game. Cha của Aaron chấp nhận việc đó như là cách tôn trọng đam mê của con. 

Những đứa trẻ như Julia hay Aaron ở Việt Nam không ít. Chúng được nuôi dạy với tâm thế của những người chiến thắng ngay từ nhỏ. Chúng luôn nỗ lực để không phải thua bất kỳ ai, dù là món đồ chơi, áo quần hay các chương trình học chính khóa, phụ đạo. 

Dưới 6 tuổi, bọn trẻ chỉ cần lớn lên khỏe mạnh, xinh xắn, vui vẻ, mọi thứ đã được chuẩn bị sẵn sàng. Thức ăn được bày ra đúng sở thích và đưa đến tận nơi. Nếu không muốn ăn, chúng cũng sẽ được ép ăn cho đủ no. Niềm vui của trẻ cũng không cần đi đâu xa hay nhọc công tìm kiếm, chỉ cần ngồi một chỗ bấm ti vi hoặc smartphone. 

Trên 6 tuổi, việc học hành khó khăn hơn nên ba mẹ phải tìm thầy cô dạy trước chương trình. Bài tập khó đã có gia sư hướng dẫn ở nhà hoặc đến lớp học phụ đạo buổi tối để thầy cô giúp đỡ. Trẻ không cần nỗ lực quá nhiều để hiểu những điều trong sách vở. Chúng cũng không cần nỗ lực để tìm niềm vui hay tìm kiếm đồ ăn, thức uống. Tất cả đã sẵn sàng, chỉ cần chúng có nhu cầu. Đó là tiện ích của cuộc sống hiện đại. Nhưng đó cũng là mặt trái của sự tiện nghi. 

Khi trẻ không phải nỗ lực để làm bất cứ điều gì, ý chí, nghị lực, sự kiên cường trong trái tim, trong cơ thể của trẻ cũng mất đi. Những đứa trẻ ấy, vì thế, chỉ cần gặp khó khăn nào đó, chúng sẽ bỏ cuộc và chọn thứ dễ dàng hơn. Những đứa trẻ ấy, khi gặp thách thức nào đó, chúng sẽ dễ dàng trở nên tiêu cực.

Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

Tỉ lệ trầm cảm ở trẻ em, đặc biệt là trẻ ở lứa tuổi dậy thì, vị thành niên ngày càng tăng, phải chăng một phần là bởi những rủi ro trong cuộc sống ngày càng nhiều mà khả năng chống chịu nghịch cảnh của trẻ lại giảm?

Không ai hiểu nổi vì sao những đứa trẻ 14, 15, 16 tuổi lại dễ dàng chọn cái chết đến như thế. Nhưng có một điều chúng ta phải thừa nhận: những đứa trẻ đó đã chọn bỏ cuộc khi đối mặt với khó khăn, rắc rối của chúng. Chúng không chấp nhận được một khó khăn nào đó. Chúng không vượt qua được một thử thách nào đó. Và chúng chọn bỏ cuộc. 

Sự mỏng manh về thể xác cũng thật quan trọng. Nhưng sự mỏng manh về tâm hồn, về ý chí có lẽ đáng sợ hơn. Những đứa trẻ của bạn có mỏng manh không? Nếu có, hãy xem lại chiến lược nuôi dạy của bạn, liệu bạn có đang tạo ra sự tiện nghi quá đà cho con? 

Lê Hải

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI