Coi chừng mù lòa do... bỏ tái khám

13/01/2022 - 08:38

PNO - Do đại dịch COVID-19, người dân tự ý bỏ tái khám. Điều này khiến tình trạng bệnh trở nên phức tạp hơn...

Ngoài các hậu quả trực tiếp, đại dịch COVID-19 còn gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng đối với nhiều nhóm bệnh khác cho người dân vì lý do khách quan hoặc chủ quan đã tự ý bỏ tái khám. Trong số đó, có nhiều trường hợp mắc bệnh lý mắt mạn tính hoặc các vấn đề của mắt cần được theo dõi định kỳ. Chính điều này vô tình tạo gánh nặng điều trị cho bác sĩ chuyên khoa mắt, đồng thời khiến tình trạng bệnh trở nên phức tạp hơn. 

Nguy cơ mù lòa

Thạc sĩ - bác sĩ Trần Đình Minh Huy, giảng viên bộ môn mắt, Đại học Y Dược TP.HCM, cảnh báo về tình trạng bỏ tái khám và tự ý ngưng điều trị các bệnh lý nhãn khoa kể từ khi dịch COVID-19 bắt đầu bùng phát ở TP.HCM. Gần đây, ông đã khám cho bệnh nhân P.T.Đ. (69 tuổi, ngụ Q.Bình Thạnh, TP.HCM). Trước đây, bà Đ. đang được điều trị phù hoàng điểm trên nền bệnh lý võng mạc đái tháo đường với phác đồ chích nội nhãn bằng anti-VEGF và yêu cầu tái khám định kỳ. Tuy nhiên, vì dịch bệnh, suốt sáu tháng qua, bệnh nhân này không tới phòng khám mắt để được thăm khám và điều trị.

Bên cạnh việc tái khám theo đúng lịch, bệnh nhân nhãn khoa cần bổ sung những thực phẩm tốt cho mắt vào thực đơn hằng ngày - ẢNH: INTERNET
Bên cạnh việc tái khám theo đúng lịch, bệnh nhân nhãn khoa cần bổ sung những thực phẩm tốt cho mắt vào thực đơn hằng ngày - ẢNH: INTERNET

Lần khám gần đây nhất của bà Đ. là vào cuối tháng 12/2021. Lúc này, bác sĩ Huy ghi nhận tình trạng mắt của bà Đ. diễn tiến rất xấu. Cụ thể, thị lực bệnh nhân giảm rất nhiều, gây khó khăn trong sinh hoạt cá nhân. Bên cạnh đó, bà Đ. có diễn tiến phù hoàng điểm nặng, gây co kéo bề mặt võng mạc nhiều. Không chỉ thế, bệnh nhân còn có nguy cơ đáp ứng kém với điều trị chích nội nhãn bằng anti-VEGF so với các lần điều trị trước đây, do tình trạng võng mạc diễn tiến nặng. Bên cạnh đó, tình trạng đái tháo đường của bệnh nhân cũng không được kiểm soát tốt trong giai đoạn giãn cách xã hội. Như vậy, quá trình điều trị cho bà Đ. sẽ khó khăn hơn và có nhiều nguy cơ kết quả sẽ không như kỳ vọng.

Không chỉ bà Đ., cách đây vài ngày, bác sĩ Huy còn ghi nhận một trường hợp tương tự ở một bệnh nhân nam 73 tuổi, ngụ Q.Tân Bình, TP.HCM. Cụ ông được chẩn đoán đục thủy tinh thể và có chỉ định phẫu thuật vào giữa tháng 5/2021. Khi ấy, tình trạng đục thủy tinh thể của bệnh nhân này nâu đen, mức thị lực rất thấp, chỉ còn thấy bóng bàn tay. Tuy nhiên, vì dịch bệnh và những lo ngại trong việc đi lại, đến cuối tháng 12/2021, bệnh nhân mới đi khám. Mức độ đục thủy tinh thể lúc này trầm trọng do dấu hiệu rung mống rõ hơn. Ngoài ra, bệnh nhân còn phải đối mặt với nhiều nguy cơ tăng nhãn áp, phù giác mạc sau đó. Bác sĩ còn tiên lượng sau phẫu thuật, thị lực của cụ ông rất chậm hồi phục, thậm chí còn cần sự phối hợp của phẫu thuật dịch kính - võng mạc để hỗ trợ điều trị nhằm cứu vãn thị lực.\

Trong số những bệnh lý về mắt, phù hoàng điểm ở bệnh nhân đái tháo đường và đục thủy tinh thể ở người lớn tuổi là nghiêm trọng hơn cả bởi nếu không được can thiệp kịp thời, bệnh nhân có nguy cơ mù lòa vĩnh viễn. Phù hoàng điểm hay xảy ra ở bệnh nhân đái tháo đường. Bệnh đái tháo đường khiến tổn thương mạch máu (trong đó có hệ mạch võng mạc) gây tắc nghẽn vi mạch và rò rỉ dịch. Chính điều này làm tích tụ dịch tại hoàng điểm, dẫn đến phù hoàng điểm.

Bệnh nhân đái tháo đường càng không kiểm soát được đường huyết thì tình trạng phù hoàng điểm càng trầm trọng. Hiện nay, các phương pháp điều trị phù hoàng điểm là laser, tiêm thuốc nội nhãn và phẫu thuật cắt dịch kính. Nếu được điều trị kịp thời và theo dõi kỹ, bệnh diễn tiến chậm hơn. Tương tự, bệnh đục thủy tinh thể cũng được xếp vào nguy cơ hàng đầu gây mù lòa. Bệnh xảy ra có thể do quá trình lão hóa tự nhiên, bẩm sinh hoặc chấn thương mắt… Đục thủy tinh thể có thể chữa khỏi và phòng ngừa nếu được phát hiện và lựa chọn đúng phương pháp điều trị.

Tốc độ cận thị tăng nhanh ở trẻ em

Tình trạng chậm tái khám, bỏ điều trị không chỉ gây hệ lụy đối với bệnh lý nhãn khoa ở người cao tuổi mà còn với cả trẻ em. Bác sĩ Huy vừa khám cho nhiều bệnh nhi vì lý do dịch bệnh đã bỏ tái khám định kỳ, điển hình là trường hợp bé trai N.Đ.T. (10 tuổi, ngụ Q.10, TP.HCM). Trước đó, cháu T. được chẩn đoán và theo dõi cận thị định kỳ. Thế nhưng, do dịch bệnh, bệnh nhi không được đưa đi thăm khám mắt như chỉ định. Chỉ từ tháng 4 - 12/2021, mắt bé tăng đến 1.5 độ. Theo bác sĩ Huy, độ cận của mắt tăng như vậy là quá nhanh so với tốc độ tăng trung bình của lứa tuổi. Điều này dẫn đến những khó khăn trong việc kiểm soát cận thị theo phác đồ điều trị cho trẻ.

Thạc sĩ - bác sĩ Trần Đình Minh Huy đang thăm khám cho một trường hợp bị phù hoàng điểm trở nặng do bỏ tái khám một thời gian dài
Thạc sĩ - bác sĩ Trần Đình Minh Huy đang thăm khám cho một trường hợp bị phù hoàng điểm trở nặng do bỏ tái khám một thời gian dài

Giai đoạn hậu COVID-19, những khó khăn chủ yếu nằm ở chỗ lịch theo dõi, chăm sóc mắt định kỳ của bệnh nhân bị đảo lộn và các bệnh lý mạn tính thường diễn tiến nặng hơn do không được kiểm soát tốt. Ngoài ra, các bệnh lý toàn thân mạn tính như đái tháo đường, tăng huyết áp, suy thận… cũng có những diễn tiến bất thường do bệnh nhân không thể đi tái khám và được theo dõi. Các bệnh lý này cũng có những biểu hiện nặng hơn tại mắt vì lý do kể trên.

Đối với những vấn đề liên quan các bệnh lý mạn tính toàn thân, bác sĩ sẽ khám kỹ lưỡng và tư vấn đầy đủ cho bệnh nhân kế hoạch, chiến lược điều trị mới phù hợp với tình trạng bệnh hiện tại của họ.

Còn đối với cận thị ở trẻ em, bác sĩ Huy khuyến cáo phụ huynh nên sắp xếp cho con có thêm thời gian sinh hoạt ngoài trời, ở không gian rộng để góp phần hỗ trợ tối đa việc điều trị kiểm soát tốc độ tăng độ cận thị nơi trẻ. Hiện nay, việc liên tục học online và thiếu thời gian sinh hoạt ngoài trời vẫn là những yếu tố nguy cơ thúc đẩy tốc độ cận thị của trẻ tăng nhanh hơn bình thường. Việc theo dõi sát, tái khám định kỳ sẽ giúp kiểm soát tốc độ tăng cận, hạn chế ảnh hưởng thị lực của trẻ.

Tại Phòng khám mắt Hải Yến, hiện nay, khoảng 50% bệnh nhân đến khám bị các ảnh hưởng do không tái khám định kỳ và duy trì điều trị. Hầu hết đều liên quan tới dịch COVID-19. Độ tuổi bị ảnh hưởng nặng nề nhất chủ yếu từ 60 trở lên và dưới 15 do các đối tượng này thường ngại đến các cơ sở y tế.

Những ảnh hưởng tại mắt của bệnh nhân được ghi nhận bao gồm cả những tổn thương thoáng qua lẫn lâu dài. Do đó, việc cần làm nhất với các bệnh nhân nhãn khoa là nhanh chóng đến kiểm tra mắt tại các cơ sở y tế chuyên khoa uy tín để can thiệp kịp thời, tránh để tình trạng mắt trở nên nặng nề. 

Những dấu hiệu bệnh lý về mắt cần đi khám
- Mắt khô, chảy nước mắt, nhức mắt.
- Mắt nhìn mờ, bị chói khi nhìn trực tiếp vào ánh sáng, nhìn thấy chấm đen trước mắt, khó phân biệt màu sắc.
- Nhìn một thành hai (song thị), hình ảnh nhìn thấy bị méo mó.
- Chảy nước mắt, sưng mắt, mắt có ghèn mủ.
- Liếc hoặc chớp mắt mới nhìn rõ (dù đang đeo kính cận), nhức đầu, 
nhìn mờ…
Các bệnh lý về mắt các bác sĩ hay ghi nhận thời gian gần đây là tình trạng phù hoàng điểm (ở bệnh nhân đái tháo đường không kiểm soát đường huyết tốt), đục thủy tinh thể (người già), gia tăng độ cận thị ở trẻ em và những người làm công việc văn phòng. Bên cạnh đó còn có những bệnh lý khác như: tắc tuyến lệ, mắt bị nhức mỏi do điều tiết quá mức…

 

Thanh Huyền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI