Có thể chúng ta đều thay đổi sau đại dịch...

13/02/2020 - 05:33

PNO - Trước bệnh tật và cách ly, ai cũng chỉ muốn ngày mai thức giấc được khỏe mạnh trở lại, để được sống những ngày bình thường.

 

Tôi thẫn thờ khi xem clip mới đây, cảnh quay về những người trong một căn hộ ở thành phố Vũ Hán (Trung Quốc) ném tiền qua cửa sổ nhà - khi cả gia đình họ đều bị nhiễm virus Covid-19.

Tôi rơi nước mắt khi nghe người mẹ dắt con gái bị ung thư đi bộ hai tiếng qua cầu Trường Giang và khẩn cầu xin cảnh sát cho con gái bà được rời thành phố đi chữa bệnh. Các bệnh viện Vũ Hán đã quá tải rồi.

Tôi lặng lẽ nghe lời bài hát Năm tháng bình an của Lý Vũ Xuân - ca khúc viết trong cơn đại dịch của loài người, đánh thức những điều giản dị quen thuộc mà đẹp đẽ về sự sống.

Những ngày cả thế giới chìm trong bất an dịch bệnh. Ảnh minh hoạ
Những ngày cả thế giới chìm trong bất an dịch bệnh. Ảnh minh hoạ

Năm 2020, quả thật là một năm biến động, từ giáp tết đến giờ, cả thế giới không ngày nào không liên tục cập nhật những tin tức mới về virus corona. Một biến động lớn để tác động vào mọi nhận thức của con người.

Rửa tay và ăn chín uống sôi, tập thể dục và chú ý giữ gìn sức khỏe, tăng sức đề kháng cho cơ thể. Những thói quen được dạy và rèn từ lúc chúng ta học mầm non ấy, cần phải chú trọng ngay cả khi không có bệnh dịch. Cơ thể khỏe mạnh sẽ có hệ miễn dịch mạnh khoẻ, sẽ tự đề kháng chống lại những virus gây hại. Cơ thể yếu thì không đủ sức kháng lại nhiều loại virus bệnh, đâu riêng gì "con" corona.

Hôm qua, tôi đọc tin cơ quan chức năng sẽ bắt đầu mạnh tay xử lý, dẹp bỏ chợ chim trời. Phải đến thời điểm này, con người mới để tâm đến điều đó. Tôi mừng, không phải vì sẽ sớm ngăn chặn một mầm mống virus nào đó biết đâu xuất phát loài vật này, mà mừng vì rồi đây, sẽ không còn “địa ngục trần gian” đối với những giống loài được thượng đế sinh ra đã cho đôi cánh tự do... Một hình ảnh khiến tôi cay mắt là trong chiếc tổ chim, có những bộ xương đã chết khô của chim non - do chúng mất mẹ. Chim mẹ có thể đã bị bắn chết, bị giết mổ, ăn thịt. 

Có câu chuyện về loài dơi được kể, cũng rất đáng suy ngẫm. Rằng, chúng là giống loài được tạo ra vì sứ mệnh của chúng, chúng cũng là một thực thể giúp cân bằng hệ sinh thái, chúng sống cách xa nơi cư trú của con người và hoàn toàn không làm hại đến cộng đồng loài người. Nhưng con người vẫn tận diệt vì “cái miệng không đáy” của mình.

Bệnh, họa cũng đều từ miệng mà ra. 

Chim trời cần tự do
Chim trời cần tự do

Có lẽ nhiều người sẽ thay đổi, sau đại dịch, khi nhận ra rằng, trước lằn ranh sống chết, có tiền nhiều, thật sự cũng không thể làm gì được cả. Trước bệnh tật và cách ly, ai cũng chỉ muốn ngày mai thức giấc được khỏe mạnh trở lại, để được sống những ngày bình thường. Trước những nhận diện nông sâu, chúng ta dễ thấy được nhân quả của đời này. Mọi thứ đều có quy luật. Con người có thể làm chủ được mọi thứ trong thế giới văn minh, nhưng không thể làm chủ được “mệnh trời”.

Nếu mọi thứ đến trong đời đều có lý do, thì có thể trả lời cho lý do của đại dịch lần này là một lần nữa cảnh tỉnh con người, về thói quen sống, sinh hoạt, ăn uống, về cả nhận thức mối quan hệ giữa con người và tự nhiên. Cảnh tỉnh và yêu cầu con người biến tôn trọng các giống loài và gìn giữ môi trường sống, biết cách giao hoà...

Thế giới đang cùng nhau gồng mình ngăn chặn dịch bệnh - như đã từng của hơn 10 năm, trăm năm trước. Năm tháng vẫn xoay vần theo những vòng quay của luân hồi, của ngày và đêm, giữa hữu hạn và vô hạn. Rồi mọi thứ sẽ qua cả thôi, dù qua đi trong ám ảnh của người ở lại về hàng ngàn người bệnh đã  chết, qua đi bằng những tuyệt vọng và đau xót. Không thể lãng quên...

Lục Diệp 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI