Đừng cô lập Vĩnh Phúc bằng lòng hẹp hòi

12/02/2020 - 16:17

PNO - Kỳ thị là thái độ còn rất xa văn minh. Hãy cẩn trọng, bởi mọi chuyện của ngày hôm nay rồi sẽ lùi vào quá khứ, dịch bệnh rồi sẽ qua đi, nào ai biết các biến cố cuộc đời rồi có lúc đẩy ta vào vùng cô lập và bị kỳ thị? Lúc ấy ta biết dựa vào đâu để đứng lên?

Rồi ngày ấy cũng đến. 8 chốt chặn kiểm soát lập ra trên đường giao thông nằm khắp nẻo đường Bình Xuyên (Vĩnh Phúc). 

Bí thư Huyện ủy Bình Xuyên, ông Nguyễn Duy Đông cho biết các chốt này sẽ kiểm tra thân nhiệt người ra, vào vùng đã phát hiện dịch bệnh; tuyên truyền, nhắc nhở người dân cách phòng, chống dịch. Nếu ai không đeo khẩu trang phòng dịch, sẽ được lực lượng chức năng nhắc nhở, cung cấp khẩu trang miễn phí…

Chốt kiểm tra ở Bình Xuyên, Vĩnh Phúc
Chốt kiểm tra ở Bình Xuyên, Vĩnh Phúc

Những tấm ảnh trên báo cho thấy, các nhóm cán bộ ở chốt gác chưa có đồ phòng hộ, chưa chuyên nghiệp. Và cũng thật khó mà kiểm soát những ai chưa phát bệnh khi trong tay họ chỉ có chiếc máy đo thân nhiệt. Nhưng rõ ràng, có còn hơn không. 

Chống dịch như chống giặc. Nếu ai đó có cảm giác đau xót như trở lại thời chiến tranh, thời phải ngăn sông cấm chợ để kiểm soát sự bất ổn, thì hãy hiểu: Những quyết sách kịp thời sẽ giúp khoanh vùng để “giữ chân” dịch bệnh. Dù chắc chắn sự khoanh vùng có thể gây ra những hệ lụy về xã hội, xáo trộn cuộc sống của người dân. 

Tuy vậy, những hình ảnh chốt gác ở Bình Xuyên - Vĩnh Phúc lại bị phóng đại thành nỗi hoang mang lo lắng. Trong đó, những người có sẵn sự nhạy cảm thái quá với thời cuộc vội tung trăm hướng suy luận quá đà. 

Họ không chịu hiểu rằng Vĩnh Phúc chưa hề bị đóng cửa như Vũ Hán của Trung Quốc. Chốt chặn là để giám sát thân nhiệt, kiểm soát để phát hiện đối tượng di chuyển từ vùng dịch bệnh vào địa phương, hoặc ngăn đối tượng cách ly đào thoát khỏi địa phương. Quan trọng hơn, việc lập chốt phần nào nhắc người dân đừng cho rằng dịch bệnh ở đâu xa lắm, rằng "trời kêu ai nấy dạ" rồi phòng chống qua loa, sơ sài.

 Phun khử trùng ở nhà dân xã Sơn Lôi - Bình Xuyên
Phun khử trùng nhà dân ở xã Sơn Lôi - Bình Xuyên

Vậy mà, cách Vĩnh Phúc chỉ vài chục km, một khách sạn tại đường Trần Duy Hưng (quận Cầu Giấy, Hà Nội) đã "nhanh nhảu" trưng ra tấm bảng không nhận khách Vĩnh Phúc. Khi tấm ảnh này xuất hiện trên các nhóm cộng đồng người Vĩnh Yên, người Bình Xuyên (Vĩnh Phúc), cảm giác chung của dân cư Vĩnh Phúc là nỗi tổn thương vì bị chính người Việt kỳ thị. 

Không khí kỳ thị người Vĩnh Phúc còn lan khắp các trang bán hàng trực tuyến. Hàng loạt đơn hàng online bị hủy do shipper không chấp thuận đi giao hàng vào vùng dịch. Người thì thông cảm, cũng có kẻ nhảy vào lên giọng dạy đời hay chửi bới, bắt người Vĩnh Phúc không được di chuyển hay “ngọ nguậy” giao lưu, thông thương mà gieo rắc nỗi bất an cho cộng đồng. 

Có ai đó lạc lõng thốt lên trong một câu còm: “Người Vĩnh Phúc vẫn chưa bị kỳ thị bằng người Thanh Hóa chúng tôi lâu nay”. Rõ ràng, cảm giác tổn thương ấy rất khó để một người chưa từng bị dồn vào nhóm bị kỳ thị thấu cảm.

Nó là sự khoét sâu đau đớn trong lòng những ai từng bị kỳ thị vì HIV/AIDS, vì đồng tính, thậm chí chỉ vì sinh ra ở nông thôn, chỉ vì nghèo… Xa xưa hơn nữa, những làn sóng kỳ thị từng đẩy người bệnh phong ra những bờ biển hoang vu, cô độc và họ chỉ còn cách dựa vào nhau để sống, buộc phải rũ bỏ suy nghĩ rằng thế giới loài người ngoài kia có thể cho họ chút tình thương, chút lòng nhân ái.

Tấm bảng của một khách sạn ở Cầu Giấy
Tấm bảng của một khách sạn ở Cầu Giấy

Kỳ thị là thái độ còn rất xa văn minh. Người Vĩnh Phúc có thể không cần đến phố Trần Duy Hưng, quận Cầu Giấy để dùng phòng nghỉ khách sạn. Nhưng là địa phương sát bên Hà Nội với vô số hoạt động cộng sinh của cư dân, ai dám nói sự kỳ thị nếu kéo dài sẽ không thiệt hại về kinh tế cho cả hai vùng? Những đứa trẻ trong các hội nhóm người Vĩnh Phúc đang kêu gọi đánh dấu "1 sao" cho cái khách sạn phát ra tấm bảng kỳ thị. Có thể bọn trẻ nông nổi, nhưng đấy cũng là một quyền của họ. Còn bạn, giả sử, người Vĩnh Phúc trước mặt, bạn có sợ hãi, kỳ thị không?

Hay bạn sẽ bình tĩnh xem họ như một người trong nhà chẳng may mắc bệnh lây nhiễm. Bằng kiến thức khoa học, bạn hành xử khéo léo, giao tiếp tinh tế để tránh gây tổn thương, tránh dồn người ta vào tuyệt vọng?

Hãy cẩn trọng, bởi mọi chuyện của ngày hôm nay rồi sẽ lùi vào quá khứ, dịch bệnh rồi sẽ qua đi, nào ai biết các biến cố cuộc đời rồi có lúc đẩy ta vào vùng cô lập và bị kỳ thị? Lúc ấy ta biết dựa vào đâu để đứng lên?

Hoàng Hương

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(18)
  • Lê xê 22-02-2020 05:47:06

    Nhà nước có luật cấm phân biệt đối xử chưa nhỉ, nếu có thì cần làm nghiêm nếu chưa có thì cân vận động xử lý căng sớm càng tốt tránh thành phong trào. Mong người Vĩnh phúc mạnh mẽ và đồng lòng cùng chính quyền dập dịch. Vĩnh phúc cố lên

  • Trần Văn Tuyến 17-02-2020 14:00:45

    Thời chiến tranh cùng nhau chống quân xâm lược để ngày nay đất nước hòa bình .Vĩnh phúc cũng là một trong những quê hương biêts bao nhiêu anh hùng tài giỏi góp công cho tổ quốc và nhân dân cả nước .
    Vậy trong thời bình chỉ vì dịch bệnh mà bao nhiêu công nhân vì cuộc sống và công việc nên được đi học hỏi kinh nghiệm về để nâng cao tay nghề và nền kinh tế nước nhà để mang lại nguồn thu cho gia đình và, công ty và thuế cho tỉnh và nhà nước, chỉ vì cái đại dịch nó đến mà không ai mong muốn mình bị bệnh hay, mang dịch bệnh về quê để gây ảnh hưởng đến cuộc sống cả. Khi sự cố xảy ra, chúng ta phải cùng nhau chia sẻ khắc phục đẩy lùi dịch bệnh, cùng là người việt Nam mà còn sống kiểu kỳ thì đẩy con người ta vào vô vọng cô lập và đối xử với nhau như vậy thì không nên. Cuộc sống không ai nói trước được điều gì cả, bạn không đặt thân mình vào vì trí như người ta đi thì bạn mới hiểu được sự kỳ thị nó buồn và vô vọng như thế nào, không đặt mình vào vị trí của người ta mà cũng ngồi kinh bị lẫn truyền tụng tin xã lánh một cách thái quá như thế ,đừng sống như kiểu ngày xưa địch nó dùng người mình đánh người mình như vậy, thì thực sự bất công lắm. Sống phải biết chia sẻ với nhau khi khó khăn chứ đừng lợi dụng dịch bệnh mà đối xử với nhau một cách không chút lương tâm và vô nhân đạo như vậy, vơ đũa cả nắm như vậy các bạn vui lắm à .
    Người nhà các bạn không mấy mà mắc phải bệnh hiểm nghèo thì bạn thì người khác cũng kỳ thị cô lập xã lánh giá bạn như bạn đang làm với dân vĩnh phúc như vậy bạn có vui vẻ sung sướng được không?
    Còn người và dư luận độc ác quá.

  • Nguyênanh 14-02-2020 10:01:43

    Cảm ơn bạn Hoàng Dương. Thay mặt toàn bộ người dân Vĩnh Phúc tôi xin tri ân câu nói của bạn. Cùng là con dân nước Việt tại sao phải kì thị chúng tôi? Chúng tôi có làm gì sai đâu? Bệnh dịch mà. Biết bao nhiêu con người trong tỉnh chúng tôi đã khốn khổ vì bệnh dích lắm rồi. Chúng tôi chưa đủ khổ sao? Làm ơn đừng xát muối vào vết thương nữa. Chủ khách sạn có từng nghĩ nếu quê hương bạn bị bệnh dịch mà có người khác hắt hủi bạn sẽ nghĩ sao. Tôi cần chủ khách sạn này 1 lời xin lỗi trước toàn thể dân 88 chúng tôi!!!

  • Người vĩnh phúc 88 13-02-2020 19:46:49

    Nói thật. Những con người lợi dụng thời cơ dịch bệnh. Để tạo tin giả nói về quê hương tôi 88. Và những người nói vĩnh phúc là một lũ vô nhân đạo. Tôi hỏi mọi người. Cả tỉnh tôi làm gì các bạn. Cả tỉnh tôi vô nhân đạo mà mang lại miếng cơm manh áo cho mn từ khắp nơi về nhập cư vĩnh phúc làm ăn à. Rồi những con người nói cô lập vĩnh phúc. K cho ng vĩnh phúc ra khỏi cái chuồng dịch. Chúng tôi là con người . Chứ k phải động vật. Lên các bạn ăn nói lên suy nghĩ kỹ. Nói dân tôi vậy trong khi các bạn vẫn đâm đầu vào vĩnh phúc đi du lịch tam đảo. Tây thiên. Làm ăn ở vĩnh phúc. Thời gian qua. Nghe và đọc những tin nói về vĩnh phúc . Giới trẻ chúng tôi k kìm nổi cảm xúc về các bạn ở xa đã nghĩ về quê hương. Những bạn ở các tỉnh động viên vĩnh phúc. Và cũng k kìm nổi nỗi căm hận về những loại nói vĩnh phúc vô nhân đạo. Cách ly cô lập. Nói ra thì bảo giới trẻ chúng tôi láo. K có học. Nhưng chính các bạn đã đẩy chúng tôi vào con đường cùng. Và tôi cũng khẳng định. K có j nó tồn tại được mãi mãi. Dịch có thể 1 tháng 1 năm rồi cũng xẽ có các bác sĩ chữa khỏi. Nhưng xong dịch. Các bạn vào vĩnh phúc. Gặp dân vĩnh phúc. Lúc đó các bạn có giám đối mặt với chúng tôi k. Đừng làm quá lên . Cùng là ng vn . Thì đừng dìm nhau. Đừng đẩy nhau vào con đường cùng. Thay mặt ae vĩnh phúc. Cảm ơn bạn HOÀNG DƯƠNG đã lên tiếng về việc này. Vĩnh phúc chúng tôi xẽ k gục ngã vì những chuyện vừa qua . Yêu quê hương 88

  • nguyễn cao Thảo 13-02-2020 14:44:47

    Cám ơn Hoàng Hương, tôi là người con của Vĩnh phúc, đọc bài viết mà thấy nhói lòng vì sự vô cảm đến khó chấp nhận của một vài con sâu, rất buồn vì họ quên đi cái câu mà từ khi mới lọt lòng đến khi trưởng thành họ sống cùng lời du để hình thành nhân cách một con người thuần Việt" Bầu ơi thương lấy Bí cùng"
    Chúng tôi không đơn độc, chỉ có những xuy nghĩ, cách hành sử của những người kém hiểu biết mới là đơn độc, chúng tôi là con Lạc cháu Hồng và là đồng bào của dân tộc Việt Nam, và chúng tôi là dân Vĩnh Phúc quê hương của 2 Bà Trưng, tướng Trần Nguyên Hãn, Bí thư Kim Ngọc, anh hùng Nguyễn Viết Xuân với câu nói nổi tiếng" Nhằm thẳng quân thù mà bắn", quê hương của Quốc Mẫu Tây Thiên, nơi Bác Hồ đã 8 lần về thăm, và chúng tôi sẵn sàng đối mặt với mọi tai ương, dịch bệnh và rất bình tĩnh để giải quyết mọi vấn đề cho cuộc sống người dân ngày càn tốt lên, và chúng tôi đã xiết chặt đội ngũ để chống dịch như chống giặc, mọi việc rất bình thường song hiệu quả một khi cả hệ thống chính trị vào cuộc, người dân đoàn kết đồng lòng, còn ba cái truyện vặt vãnh của kẻ ích kỷ hại nhân người dân Vĩnh Phúc coi như không có và coi đó là những hành sử từ âm hồn vọng về. Cuộc sống còn dài chúng tôi sẽ chiến thắng và luôn sống tố,t nghĩa tình vì chúng tôi có lòng tin, lòng tin vào Đảng, lòng tin Bác lúc nào vẫn đi cùng chúng tôi và lòng tin vào Mẫu và vì cuộc đời có thuyết nhân quả.

  • ẩn danh 13-02-2020 12:49:09

    nói chung đều là con người cả họ vậy các bạn không thương sao còn kỳ thị, nếu bạn là họ bạn sẽ thế nào nên đặt mình vào họ đi rồi muốn kỳ ai thì kỳ

  • gia danh 13-02-2020 11:53:27

    chống dịch như chống giặc, không kì thị nhưng cũng không chủ quan, phòng bao giờ cũng tốt hơn chống , đoàn kết để đẩy lùi dịch bệnh chứ không nên đoàn kết bị bệnh cùng nhau, moi người nên đọc cho kỉ những kiến thức về bệnh và trang bị cho mình làm sao phòng bệnh tốt nhất, tỉnh nào cũng nên như vậy thì tốt hơn. chúng ta nên bao vệ cho những người xung quanh nữa không chỉ riêng bản thân mình cho nên ý thức mỗi người mới quan trọng nhất .

  • lelong 13-02-2020 11:50:27

    Hãy cẩn trọng, bởi mọi chuyện của ngày hôm nay rồi sẽ lùi vào quá khứ, dịch bệnh rồi sẽ qua đi, nào ai biết các biến cố cuộc đời rồi có lúc đẩy ta vào vùng cô lập và bị kỳ thị? Lúc ấy ta biết dựa vào đâu để đứng lên?
    TÁC GIẢ CHẮC HẲN LÀ NGƯỜI RẤT NHÂN VĂN, TỪ BI VÀ TIN VÀO NHÂN QUẢ

  • quan nguyen ngoc 13-02-2020 11:26:26

    khi cách ly một vùng { xã }thuộc tỉnh vĩnh phúc để phòng chống dịch bệnh , chính quyền địa phương đã sử lý rất tình người và trách nhiệm theo đúng nghĩa ĐỒNG BÀO còn hỗ trợ vật chất đến từng nhân khẩu , hỏi rằng còn có chế độ lào ưu việt hơn không ...... đừng để những kẻ mượn danh đồng bào bôi đen nghĩa cử này .

  • Phước 13-02-2020 11:14:25

    Mình nên đùm bọc nhau những lúc khó khăn như thế này , hạn chế lây nhiễm , chỉ khi nào bùng phát dịch không thể cứu vãn được tình thế thì mới cách ly cô lập

  • Vuhoa 13-02-2020 09:13:43

    Hiện nay ,chưa phải cô lập ,chỉ cách ly thôi là được !

  • Nguyễn Gia Thuyết 13-02-2020 08:57:41

    DÙ sao thì các bạn nên nhớ rằng Mình là người VIệt Nam. Dù trong bất cứ hoàn cảnh nào người Việt luôn nêu cao tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái cùng nhau vượt qua mọi khó khăn. Có rất nhiều vùng cách ly trên đất nước này, nhưng tại các vùng cách ly đó đã có nơi nào phản đối việc tiếp nhận những người nghi nhiễm NcoV đâu. Nếu là người Việt Nam thì hãy chung tay đẩy lùi bệnh dịch.

  • Hoale 13-02-2020 08:43:49

    Người Vĩnh Phúc cũng như người Vũ Hán, họ và chúng ta cùng dòng máu đỏ và da vàng. Xin hãy chung tay góp sức để cùng họ chống đỡ và vượt qua bệnh dịch!!! Họ khỏe mạnh thì chúng ta cũng mạnh khỏe và hạnh phúc, đúng không??
    Chủ khách sạn này thật là nông nổi, thiếu hiểu biết và thiếu tình người!

  • Thiện Nguyện - Long An 13-02-2020 08:40:31

    Đọc trong bài viết với câu: Có ai đó lạc lõng thốt lên trong một câu còm: “Người Vĩnh Phúc vẫn chưa bị kỳ thị bằng người Thanh Hóa chúng tôi lâu nay”.
    Nước Việt Nam ta, dân tộc ta có câu " bầu ơi thương lấy bí cùng, tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn". Câu nói ấy thể hiện tình đoàn kết, gắn bó, yêu thương, giúp đỡ nhau trong suốt chiều dài lịch sử của dân tộc.
    Các bạn ạ. Chúng ta đang sống trong thời buổi hiện đại, công nghệ 4.0 rồi 5.0. Sự tiếp cận thông tin giúp chúng hiểu biết nhiều hơn, học hỏi nhiều hơn. Và điều chúng ta cần nhất trong lúc này chính sự chia sẽ, thông hiểu và đoàn kết. Liệu rằng hôm nay bản thân có điều kiện, mạnh khỏe, nhưng chắc rằng sẽ mãi mãi như vậy không. Một người lực sĩ Trung Quốc không bao giờ mắc bệnh nhưng bệnh dịch Corona này có tha cho ông ấy đâu.
    Đảng, Nhà nước và tất cả những người con Việt Nam đang ít nhiều chung tay chống dịch với tâm quyết và sự nhiệt tình vì cộng đồng. Còn giữa vùng dịch, các bạn có hiểu không, họ chia sẽ nhau từng chiếc khẩu trang, từng lọ thuốc để vượt qua. Những lời động viên, chia sẽ lúc này đối với họ là tinh thần, là động lực vượt qua. Cho nên tôi hy vọng rằng một ai đó hãy suy nghĩ cho chính chắn trong cách nói và hành động của mình để đừng để tổn thương cho người khác và có thể sẽ là chính mình.
    Tất cả chúng ta chứ không chỉ riêng bà con Vĩnh Phúc, hãy vững tin, cố gắng và cùng nhau chứng tỏ rằng tình đoàn kết, sự quyết tâm sẽ ngăn chặn và đẩy lùi dịch bệnh.
    Thiện Nguyện - Long An

  • Nguyễn văn Sang 13-02-2020 08:40:28

    có ai muốn đâu, vì cuộc sống mưu sinh những gia đình có con em làm ăn bên TQ nay không mai nhiểm bệnh thì minh phải cảm thông chia sẽ, Nhà nước đã chủ động tuyên truyền, hướng dẩn cách phòng chống và cách xử lý khi nhiểm bệnh rồi mà....đề nghị người dân Vĩnh Phúc Vô Miền nam sống.... bao hết.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI