Cô phục vụ “đặc biệt” ở quán cơm người nghèo

24/12/2020 - 06:00

PNO - Cầm đĩa cơm 2.000 đồng đầy đủ thịt cá trên tay do chính cô gái bị bệnh ung thư phục vụ, nhiều bệnh nhân nghèo cảm động đến ngấn lệ, nhen nhóm thêm nghị lực tiếp tục chiến đấu với bệnh tật như chính cô gái này.

Nhập viện để... nghỉ ngơi

Xế trưa, góc phố nhỏ ở đường Phùng Khắc Khoan (TP.Vinh, tỉnh Nghệ An) trở nên nhộn nhịp, tấp nập người xếp hàng dài chờ vào quán ăn cơm trưa. Phía bên trong quán ăn, bàn ghế được sắp xếp gọn gàng, ngăn nắp. Mọi thứ đều đã sẵn sàng phục vụ bệnh nhân nghèo. Chỉ vào tấm biển “Hôm nay có cá biển nướng, thịt bò xào, gà chiên mặn ngọt, bắp cải xào…” đặt ngay góc cửa chính, nữ nhân viên đặc biệt có cái đầu bóng loáng tươi cười, liên tục hỏi: “Các cô, các bác chọn món nào?”.

Khi khách đã ngồi kín bàn, nữ nhân viên này lại nhanh chóng mang từng đĩa cơm đầy đủ thịt cá đến tận tay khách, không quên nở nụ cười: “Chúc bác ăn ngon miệng nhé. Gắng ăn lấy sức ta cùng tiếp tục chiến đấu”. Đằng sau nụ cười tươi rói ấy, ít ai biết rằng chị Nguyễn Thị Hiền (36 tuổi, trú tại thị trấn Quán Hành, H.Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An) đã phải mất nhiều tháng trời đấu tranh tư tưởng, nhen nhóm lại nghị lực để tiếp tục cuộc sống.

Hoàn cảnh khó khăn, chồng lại không có việc làm ổn định, chị Hiền phải bươn chải bán thịt ở khu chợ gần nhà để lo cho năm miệng ăn. Cuộc sống chẳng mấy khấm khá, song ngôi nhà nhỏ này vẫn luôn đầy ắp tiếng cười bởi khiếu hài hước, dí dỏm của chị. Nhưng rồi những nụ cười lạc quan ấy cũng bị dập tắt, khi chị nhận tin mình bị ung thư vú.

“Tôi nghĩ mọi thứ đến đây là hết. Giờ mà nhập viện điều trị thì tiền đâu, rồi ai sẽ kiếm tiền nuôi các con. Chúng còn quá nhỏ...” - chị Hiền nghẹn ngào bỏ dở câu nói. Hướng mắt về tuyến phố đang tấp nập xe cộ, chị Hiền cho hay không ít lần chị định buông xuôi tất cả. Nhưng nhìn đàn con nheo nhóc, chị lại phải xóa bỏ ý định kia ra khỏi đầu.

Chị Hiền ngày càng thêm hốc hác sau nhiều tháng trời trằn trọc suy nghĩ. “Có lẽ đây là ý trời. Bao năm nay mình đã làm trụ cột gia đình, giờ đến lúc mình cần nghỉ ngơi một thời gian”, với suy nghĩ đó, chị nhanh chóng xốc lại tinh thần, bàn với chồng vay tiền nhập viện để trị bệnh. 

Làm việc để truyền nghị lực cho bệnh nhân

Mỗi ngày điều trị ngốn cả triệu đồng, chị Hiền phải chắt bóp các khoản chi tiêu, ăn uống để có tiền trả viện phí. “Ăn uống tốn kém nên tôi phải nói chồng con tranh thủ mang cơm ở nhà vào để đỡ thêm một khoản. Khi biết tin có quán cơm 2.000 đồng phục vụ bệnh nhân, tôi liền đăng ký ngay” - chị Hiền cho hay. Cảm nhận được sự ấm áp của tình người nơi đây, chị lập tức xin chủ quán một chân phục vụ không lương ngay sau khi ăn đĩa cơm đầu tiên. 

“Em ơi, em đã có người yêu chưa?”, một nam bệnh nhân hỏi đùa khi chị Hiền mang cơm đến. Nghe vậy, chị cởi bỏ chiếc mũ len để lộ cái đầu bóng loáng, cười: “Em làm gì đã có người yêu, chồng với ba con đang chờ em hết bệnh ở nhà kìa”, khiến cả quán ăn ồ lên cười. Chẳng còn xa lạ với cô phục vụ đầu trọc này, nhiều người ghé quán ăn vẫn thường đùa vui để tạo thêm không khí, khích lệ chị.

Chị Hiền cùng nhân viên quán cơm 2.000 đồng chuẩn bị cơm trưa cho  bệnh nhân
Chị Hiền cùng nhân viên quán cơm 2.000 đồng chuẩn bị cơm trưa cho bệnh nhân

Hơn tám tháng chấp nhận sống chung với căn bệnh ung thư, chị Hiền đã xem bệnh viện như ngôi nhà thứ hai của mình. “Nói rứa chứ giờ về nhà lại nhớ bạn bè trong viện” - chị Hiền nói, cũng vì chị từng rơi vào cảnh tuyệt vọng, mất phương hướng, nên không thể ngồi yên khi nhìn thấy những người cùng cảnh ngộ.

“Nhiều người ôm mặt khóc nức nở những ngày đầu nhập viện. Những lúc đó, tôi lại qua trò chuyện động viên họ. Có lẽ vì cùng cảnh ngộ nên chúng tôi dễ bắt chuyện với nhau hơn, cùng động viên nhau chấp nhận số phận để chiến đấu với nó”. Rồi chị bày đủ trò múa hát để gắn kết các bệnh nhân với nhau, không để họ có thời gian trống để nghĩ những chuyện tiêu cực.

Trở về với chiếc giường trắng quen thuộc, chị nói: “Quán đông khách nên chạy cả buổi cũng mệt thật. Ấy vậy mà từ ngày làm ở đây, tôi lại thêm yêu cuộc sống, cảm nhận được tình người đầy ấm áp”. Cho rằng đây là một công việc rất ý nghĩa, không chỉ giúp đỡ được bệnh nhân nghèo mà còn có thể tiếp thêm nghị lực sống cho những người đang mất phương hướng vì gặp bệnh nan y, chị Hiền đang lên kế hoạch thuyết phục một vài người bạn cùng cảnh ngộ có đủ sức khỏe cùng tham gia.

Rưng rưng cầm lấy đôi tay chị Hiền, bà Nguyễn Thị Phương (68 tuổi, quê H.Thanh Chương, tỉnh Nghệ An) vỗ về “mong con mãi lạc quan như vậy nhé”. Gia đình khánh kiệt sau hơn chục năm bám Bệnh viện Ung bướu Nghệ An điều trị bệnh, bà Phương hiểu quá rõ cuộc sống của những người sống chung với bệnh viện. “Để lo cho mình đã cực lắm rồi, đâu phải ai cũng dám lao vào chuyện xã hội nữa đâu” - bà Phương chia sẻ.

Anh Phan Hùng Sơn - chủ quán cơm 2.000 đồng - cho biết nhóm thiện nguyện của anh thành lập được 14 năm, chủ yếu là những người lao động tự do, làm ăn, buôn bán ở TP.Vinh. Trước đây nhóm chủ yếu làm từ thiện bằng cách mua quần áo, đồ đạc… rồi đến vùng sâu vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số để trao tặng; nấu cháo mang đến các bệnh viện… Sau khi tìm hiểu và nghiên cứu, anh em trong nhóm quyết định mở quán cơm phục vụ bệnh nhân và người lao động nghèo.

“Chị bảo không biết mình sống được bao lâu nữa nên muốn góp sức cùng anh em để truyền cảm hứng cho bệnh nhân cố gắng chống chọi với bệnh ung thư. Không chỉ bệnh nhân, tôi cũng mong tấm gương của chị Hiền sẽ truyền thêm cảm hứng cho nhiều bạn trẻ trong công tác thiện nguyện, giúp những mảnh đời bất hạnh” - anh Sơn nói. 

Phan Ngọc

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI