Có những người đàn bà thèm vất vả

16/06/2021 - 05:58

PNO - Mùa dịch, có nhiều điều tiếc nuối lắm, người tiếc ngày công phải nghỉ, người tiếc vì dở dang dự định, người lo phá sản. Nhưng an toàn chống dịch là trên hết. Chúng tôi động viên nhau: còn sức khỏe là còn hy vọng.

Tháng này ở công ty tôi mỗi người đều bị giảm 50% tiền lương. Một tuần tôi đi làm chỉ 2 -3 ngày, thời gian còn lại ở nhà, giãn cách nhiều nhất có thể.

Quy định của công ty là thế, toàn dân đang gồng mình chống dịch. Ai ai cũng nên có trách nhiệm, ý thức từng chút một. Thế nhưng, không ít những nỗi niềm ẩn dưới câu đùa vui, hay hiển hiện trong những dòng thở than trên Facebook bạn bè tôi.

Ở tuổi của những người trưởng thành, áp lực kinh tế luôn đè nặng. Trong những tin nhắn thăm hỏi nhau, chị em vẫn bày tỏ sự nuối tiếc. Khi thì về số tiền lương tháng bị giảm, khi thì một cửa hàng của ai đó bị đóng cửa, khi thì số tiền đầu tư bay đi sạch sẽ… 

Có rất nhiều nỗi niềm tiếc nuối trong những ngày dịch bệnh - Ảnh minh họa

Có rất nhiều nỗi niềm tiếc nuối trong những ngày dịch bệnh - Ảnh minh họa

Chị Thùy - bạn tôi, đã giảm bớt ngày làm trên công ty hai tuần nay. Số tiền cắt giảm khiến chị lo lắng. Hồi đầu năm, chồng chị tập tành kinh doanh, nên bao nhiêu tiền tiết kiệm, vốn liếng rót cả vào đó. Giờ, công ty của chồng chưa có lợi nhuận, lại phải đối đầu với dịch.

Bấy nay chỉ còn mình chị mang thu nhập về nhà, mà lương lại giảm khiến chị thấp thỏm, lo âu, chỉ mong đừng nghe thêm ca nhiễm nào nữa.

Giãn cách lần một được vài hôm, chị nhận thêm việc ở nhà, buổi tối chị làm ít đồ ăn, bán qua mạng cho người quen. Ban đầu, chồng chị không phản đối, nhưng về sau, anh thấy chị quá mệt nhọc, cộng thêm việc buôn bán chẳng dễ dàng. Mùa này mà chị ra ngoài giao đồ ăn, anh không yên tâm chút nào. 

Nhiều hôm, cả nhà đi ngủ, chị vẫn lọ mọ với mớ việc nhận thêm, xếp đồ ăn vào tủ lạnh, rồi dọn dẹp tới phờ người. Hễ anh bảo chị nghỉ ngơi, chị lại tặc lưỡi cho qua rồi bảo để làm nốt không lại tiếc, mùa này ai chẳng kiếm tiền khó khăn.

Mấy tối liền, anh phụ vợ cho xong sớm, rồi thủ thỉ bảo chị dừng chuyện bán buôn. Tất nhiên chị giãy nảy: "Không làm thì thu nhập ở đâu ra". Nhưng nghe anh phân giải, chị cũng thấy lọt tai.

Anh nói chị đừng tiếc nữa. Ăn ít ngon một chút không sao, tiết kiệm chi phí một chút không sao. Đừng vì tiếc ít tiền sinh hoạt mà lăn xả ra ngoài kia, dịch thì đang căng, kiếm thêm chưa chắc đã đủ tiền đi chữa bệnh.

Chị thở dài vì đang muốn thử bán buôn thêm chút nữa, nhưng anh nói thế thì thôi, chị nghe anh để giữ an toàn trước hết.

Chẳng phải mình chị Thùy. Có rất nhiều những bà, những mẹ, những chị vẫn ham công tiếc việc. Quanh năm suốt tháng vất vả mưu sinh, thu nhập thiếu ngày nào, hụt chi tiêu ngày đó, giãn cách xã hội hai đợt liên tiếp là cả vấn đề không nhỏ.

Như chị Bình hàng xóm tôi, chị bán hàng ở một khu chợ, mấy nay cửa hàng của chị buộc phải đóng cửa. Hàng hóa chị bán thuộc nhóm thiết yếu, nhưng chị được khuyên nên nghỉ bán, hạn chế tiếp xúc với người khác vì trong phường đã có ca nghi nhiễm.

Chị đem nào bầu, bí, mướp, trứng gà… về chia bớt cho bà con quanh xóm. Nói với tôi "từ mai cũng được nghỉ tết, ăn tết giống mọi người" mà giọng chị như muốn khóc. 

Buồn tiếc lắm chứ, vì đồ khô còn để được, chứ đồ tươi chỉ có cách đem tặng, bán rẻ. Xóm giềng vui và tình cảm lắm, nhưng cũng đồng nghĩa chị cầm chắc phần thiếu hụt trong tay.

Đừng tiếc khi bạn vẫn còn khỏe, còn nhiều hi vọng phía trước - Ảnh minh họa

Hãy cứ hy vọng vào phía trước - Ảnh minh họa

Mấy ngày không ra chợ, chị Bình cũng buồn. Chị tiếc và thèm cái cảnh tấp nập mỗi sớm mai, cảnh chồng chị tất tả ra phụ vợ xếp mớ rau, gói bánh. Ở nhà, vợ chồng quanh đi quẩn lại trong bốn bức tường. Nhà không rộng, hai đứa con cũng nghỉ học, anh chị đều bức bối, buồn chân buồn tay.

Tháng này chị Bình xin khất tiền hàng của mối lái, đa số người ta cũng cảm thông. Nghỉ dịch như thế, tiền lãi bán hàng không có, mà sinh hoạt phí tăng cao. Thôi thì nương nhau mà sống.

Những ngày này, có không ít những người đàn bà ngồi yên trong nhà, nhưng thèm lắm cảm giác được tất bật, vất vả. Nỗi lo toan chỉ dịu đi khi nghĩ đến an toàn trên hết, còn sức khoẻ thì còn cơ hội làm lại.

Trong group của các đồng nghiệp tôi xôn xao dòng động viên của ai đó: "Sẽ ra sao nếu phải xét nghiệm, cách ly, điều trị? Cứ cùng nhau hy vọng ở những tháng ngày phía trước, có phải hơn không?"...

Xuân Thanh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI