Có nên cho học sinh đi học lại vào đầu tháng Ba?

24/02/2020 - 08:07

PNO - Khi không ai có thể khẳng định trong số 23,5 triệu học sinh sinh viên không tiếp xúc với nguồn bệnh, việc tổ chức học hành, hệt như một trò may rủi đối với sức khỏe và sinh mạng.

Chiều 23/2, UBND thành phố Hà Nội họp khẩn để lên phương án trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 tại Hàn Quốc, Nhật Bản, Iran... Số người Hàn Quốc tại Hà Nội trên chục ngàn, số người Việt sinh sống và làm việc ở Hàn Quốc cũng lên tới vài chục ngàn, nên nguy cơ lây nhiễm rất cao, phải nhanh chóng có kịch bản ứng phó.

Trước đó một ngày, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam yêu cầu các địa phương tổ chức cho học sinh trở lại trường từ ngày 2/3. Từ đây, mọi chú ý của phụ huynh dồn về phía chính quyền. Mỗi quyết định vội vàng thiếu cẩn trọng của địa phương sẽ không chỉ là chủ quan, "khinh dịch" mà còn liều lĩnh. 

Đơn cử Nhật, quốc gia xa về địa lý, ít giao thương hơn với người Trung Quốc so với Việt Nam, vì không quyết liệt chống dịch từ đầu mà nay nằm trong top 3 các nước có ca nhiễm dịch đứng đầu thế giới. Trong số đó có 3 học sinh và một giáo viên đã nhiễm COVID-19. Ở Ý, người đàn ông 38 tuổi nọ chỉ gặp gỡ ngắn một người bạn từ Trung Quốc về và lây nhiễm cho nhiều người khác, một thành phố náo nhiệt nay đã thành địa chỉ tử thần, đường sá vắng tanh.

Ở Hàn Quốc, bệnh nhân số 31 là một phụ nữ chỉ tới tắm tại một nhà tắm công cộng từng có nhóm khách Trung Quốc. Sau đó, bà đã vô tư đi lễ cùng cả ngàn người trong một giáo phái, vô tư sử dụng các phương tiện công cộng… Ngày 23/2, một em bé Hàn Quốc 4 tuổi dương tính với COVID-19 nghi lây từ cô giáo của em. Trước đó, cô giáo này từng dự lễ tại một nhà thờ cùng giáo phái với bệnh nhân số 31.

Thế giới mỗi lúc thêm khiếp sợ COVID-19, Tổ chức Y tế thế giới thừa nhận cánh cửa kiểm soát dịch mỗi lúc một khép lại. Có chuyên gia còn dự báo đỉnh dịch có thể là cuối tháng Tư, dịch đang diễn biến khó lường, bởi mỗi nhân tố như bệnh nhân số 31 Hàn Quốc có thể gieo rắc virus khắp những nơi bà đi qua, khắp giáo đường nơi bà tới cầu nguyện. Giáo viên đứng lớp sẽ lại tiếp tục phát tán COVID-19 trong vô thức…

Trở lại chuyện học sinh Việt Nam phải tới trường để học hành vào tuần tới. Phụ huynh hoang mang hỏi nhau: có bao nhiêu học sinh hay giáo viên sẽ là bệnh nhân chưa đánh số trong số 23,5 triệu học sinh? Mỗi trường học cả ngàn học sinh và giáo viên, mức độ tập trung và va chạm không kém gì cái giáo đường đang đầy rẫy người bị lây bệnh ở Hàn Quốc.

Suốt bốn tuần nghỉ sau tết, cộng với từ hai tới ba tuần nghỉ tết tùy địa phương và cấp học, trẻ đã di chuyển khắp nơi. Khi cha mẹ đi làm trở lại và trẻ nghỉ học tránh dịch, nhiều bé phải về quê với ông bà. Không ít trẻ đi du lịch qua nhiều điểm tàu xe, sân bay, bến phà... Chưa kể, hằng ngày cha mẹ trẻ vẫn phải tham gia giao thông, lao động tại các cơ quan, doanh nghiệp... nơi mà mỗi đồng nghiệp cũng đều là ẩn số. Họ hoàn toàn có thể là bệnh nhân số n, hay nhân tố bí ẩn, chuyển phát virus qua các vật dụng có tiếp xúc, mà chính họ không có biểu hiện sốt hay viêm phổi. 

Khi mà không ai có thể khẳng định trong 23,5 triệu học sinh sinh viên không tiếp xúc với nguồn bệnh, việc tổ chức học hành, hệt như một trò may rủi, mà sự rủi ro ở đây, chính là sức khỏe, là sinh mạng.

Chúng ta nói, cho trẻ tới trường vì không còn bệnh nhân nào nhiễm virus tại Việt Nam. Nước ta "cầm chân" được dịch sớm, thực hiện cách ly tốt. Nhưng chẳng ai lường hết được diễn tiến của dịch bệnh. Cần nhớ lại, đã có bệnh nhân Trung Quốc được chữa khỏi, sau 14 ngày cách ly tại nhà bỗng dương tính trở lại. Hãy nhớ lại, đã có bệnh nhân ủ bệnh tới 27 ngày, thậm chí là 34 ngày. Trong khi chúng ta còn đang áp dụng quy tắc cách ly sau điều trị và cách ly đối tượng nguy cơ chỉ 14 ngày. 

Chúng ta nói hãy cho trẻ đi học, vì sợ học sinh cuối cấp ảnh hưởng thi cử, vì học sinh mầm non ở nhà không ai trông. Nhưng, trường chỉ có thể khử trùng bàn ghế và trang bị dung dịch rửa tay, còn phụ huynh lâu nay vẫn xếp hàng cả ki-lô-mét không thể mua được khẩu trang. Vậy, lấy gì trang bị cho con em đi học đây? 

Để học sinh đi học trở lại trong thời điểm dịch bệnh đang diễn ra là hết sức liều lĩnh
Để học sinh đi học trở lại trong thời điểm dịch bệnh đang diễn biến phức tạp là hết sức liều lĩnh

Mỗi học sinh, mỗi ngày phải dùng bao nhiêu chiếc khẩu trang? Tám tiếng vừa học, vừa chơi và ăn trưa, ngủ… Nếu chỉ dùng một chiếc thì không đảm bảo an toàn. Nếu mỗi học sinh dùng ít nhất 3 chiếc mỗi ngày, thì chỉ riêng thành phố 2 triệu học sinh như TPHCM cần ít nhất 6 triệu khẩu trang. Điều này là không thể.

Thị trường vỡ trận khẩu trang y tế do nguyên liệu sản xuất khẩu trang xưa nay nhập từ Trung Quốc. Khẩu trang vải đang hối hả được sản xuất, dù vậy, ngay nguyên liệu ngành dệt vải cũng dự báo sẽ chỉ trụ được ít hôm, do đứt nguồn cung Trung Quốc. Đó là một sự thật phải đối diện.

Chỉ hai quận Nam Từ Liêm và Thanh Xuân của Hà Nội đã hơn 10.000 người Hàn Quốc cư trú. Suốt những ngày chống dịch vừa qua, chúng ta chú ý tới người Trung Quốc, thì người Hàn làm việc và sinh hoạt bình thường. Đồng thời, một lượng rất lớn người Việt ở Hàn Quốc và các vùng có dịch mới phát hiện, sẽ không thể đủ giường bệnh cách ly nếu họ trở về.

Hãy tạm ngừng lo chuyện sách vở, những cuộc thi cử đi, những thứ đó chẳng có nghĩa lý gì so với việc gấp như lửa là phòng dịch và kìm chân dịch. Ngành giáo dục Hàn Quốc đã đóng cửa trường, ở mọi cấp học cho tới ngày 9/3, dù ngay trước đó hai ngày, họ đã ban bố quyết định cho học sinh đi học lại vào ngày 2/3. Chống dịch như chống giặc, mọi quyết sách phải linh hoạt và nhanh chóng tới từng phút, bởi nếu khinh suất sẽ phải trả giá bằng sự an nguy của cả cộng đồng.

T. Minh

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(52)
  • Nguyễn thị thanh Vân 26-02-2020 06:32:09

    Bài viết quá đúng. Dịch bệnh nguy hiểm ở chỗ kg ai lường trước được. Vậy cần chọn giải pháp an toàn nhất, kg khinh xuất, kg mạo hiểm . Sức khỏe mạng sống con người phải đặt lên hàng đầu. Kg dc đưa con trẻ làm thí điểm.

  • hùng 25-02-2020 19:53:17

    Thà chết đói còn hơn chết vị bệnh hoạn, ảnh hưởng muôn đời sau. Có người mới có của.

  • Đức Vân 25-02-2020 10:19:39

    Tôi đồng ý với tác giả, cá nhân tôi cứ suy nghĩ: Hàng vạn sinh viên trở lại Thủ đô, nói không vui nếu phát hiện 1 trường hợp nào đó bị nhiễm ở 1 trường nào đó thì cả trường sẽ "náo loạn" đúng nghĩa, nguồn lực nào bảo đảm sự cách ly hiệu quả. Vậy thì có thể cho nghỉ tiếp và bớt nghỉ hè đi không sao còn hơn đi học mà cứ nơm nớp lo ngại.

  • Nguyễn Thị Mẫu Đơn 25-02-2020 10:00:13

    Bài viết quá hay! Phòng bệnh hơn trị bệnh. Phải rút kinh nghiệm của các nước bạn nhất là Hàn Quốc để quyết định đến sức khỏe của người dân. Chúng ta đã làm tốt rồi thì không được chủ quan. Rất mong lãnh đạo các cấp xem xét để ra quyết định về việc học sinh đi học trở lại vào tháng 3 tới.

  • Phó Đức Hồng 25-02-2020 09:18:11

    Học là cả đời đâu chỉ dăm ba tháng. Tại sao lại phải mạo hiểm tính mạng con trẻ.

  • Mơ Nguyễn 25-02-2020 09:11:11

    Cho học sinh nghỉ hết tháng 3. Giờ đi học trở lại dịch bệnh đang bùng phát rất nguy hiểm .Việt Nam đang chờ học sinh nghỉ là giải pháp an toàn cho tính mạng con người chúng ta.Nhà nước xem xét kĩ cho học sinh nghỉ hết tháng 3

  • Thanglong 25-02-2020 07:56:40

    Bài báo nói đúng!

  • Thanh Sơn 25-02-2020 00:54:36

    Nhật bản, Hàn quốc và Singapo...những quốc gia có điều kiện về kinh tế, kỹ thuật và y tế tốt còn khó đối phó với dịch.

  • DAMHOA 24-02-2020 22:55:34

    Cho hàng chục triệu học sinh đi học trở lại trong khi dịch bệnh có diễn biến phức tạp khó lường là một sai lầm. Học sinh THPT có thể chỉ xét tốt nghiệp mà không cần thi, mọi Quyết định đều do ta cả, có ảnh hưởng đến thế giới đâu? Cứ cho học sinh nghỉ học đi, năm học sau khai giảng tháng 11 hay 12 cũng được chứ sao? An toàn là trên hết.

  • Phạm Vũ 24-02-2020 22:16:50

    Học hành thi cử chậm lại 1 năm cũng chẳng sao. Tính mạng mới quan trọng. Học để tăng nguy cơ mất mạng thì học để làm gì khi mạng không còn.

  • Nguyễn Thị Mai 24-02-2020 20:52:23

    Cho nghỉ tiếp đi cho an toàn

  • Hoai An 24-02-2020 20:42:49

    Chúng ta thấy trước mắt rồi đấy, bên Trung Quốc. Ta đừng lặp lại vết xe đổ ấy!

  • Phạm Ly 24-02-2020 19:57:30

    Sao không cho nghỉ thêm 2 tuần của tháng ba xem dịch ra sao. Con đi học thấy bất an quá. Ngày 2.3 đi học mà hồi hộp lo lắng

  • Tuan 24-02-2020 19:20:40

    Một quyết định có thể sẽ lưu danh sử sách, một quyết định có thể hối hận đời đời.

  • hoa trang 24-02-2020 18:58:49

    Bài nói lên sự lo lắng nghiêm chỉnh của phụ huynh HS. Sự thật về mạng sống con người là trên hết... Nếu dịch xảy ra ai sẽ chịu trách nhiệm với toàn xã hội?

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI