Có một “đôi mắt” ở ngoài đường

16/10/2022 - 08:35

PNO - Cuộc sống đã quá nhiều thứ ngoài ý muốn có thể khiến tinh thần chúng ta căng thẳng. Liệu có nên kiểm soát người khác bằng các ứng dụng thông minh?

Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

Ông chồng đi đâu, biết liền! 

Giữa sự phát triển như vũ bão của công nghệ và các ứng dụng, thật dễ dàng để chọn một hình thức theo dõi người khác. Ngoài việc sử dụng hình thức xưa cũ nhất là thuê người theo dõi vẫn còn được cánh đàn bà ưa thích vì tính linh hoạt và “bằng chứng” đáng tin cậy, công nghệ đã góp sức rất nhiều khi cho ra đời hàng loạt các ứng dụng theo dõi định vị.

Hiện nay có nhiều ứng dụng được cung cấp miễn phí với các tính năng được quảng cáo rất kiêu như Zenly, Life360, GPS Phone Tracker, ứng dụng theo dõi số điện thoại…

Tôi tải ứng dụng có tên gọi mSpy với những lời miêu tả tính năng rất hấp dẫn: có thể kiểm tra vị trí GPS theo thời gian thực, mỗi 20 phút một lần cập nhật mới. Đặc biệt là “xem những người thân yêu của bạn đã đi đâu trong ngày”. Ứng dụng có cả bảng liệt kê dữ liệu chi tiết của người mình cần theo dõi trong ba tháng. 

Những tính năng này có thể khiến chúng ta rùng mình. Trong ngày, mọi nhất cử nhất động của mình được giám sát dưới một con mắt khác, con mắt mang danh nghĩa của yêu thương. Ngoài những tính năng đó, ứng dụng này còn giúp cho ta giám sát mọi thứ mà người kia truy cập và nhận trên thiết bị di động, từng tin nhắn, từng cuộc gọi, từng lời nhắn trên trang cá nhân. Nói chung là biết bên kia đang làm gì, bất kể khi nào.

Tôi gọi điện thoại vào số 0909… hỏi mua một thiết bị định vị xe ô tô, thật bất ngờ khi được báo giá rẻ đến khó tin. Chỉ từ 900.000 đến 1,5 triệu đồng là có thể mua một thiết bị theo dõi xem chiếc xe và người dùng nó đang ở đâu. “Nhỏ bằng bao thuốc lá, có thể bỏ vào túi xách, vào cặp của người mình muốn theo dõi là được, ít bị phát hiện lắm” - nhân viên tư vấn nói với tôi. 

Qua một lời giới thiệu, tôi nhắn tin vào fanpage của một doanh nghiệp nhờ tư vấn về các thiết bị có thể theo dõi chồng. Ở đó, họ có mọi thứ, định vị xe máy, định vị xe ô tô. Chỉ cần một đêm nào đó, chúng ta lén gắn thiết bị theo dõi lên xe của chồng, sau đó bên bán hàng sẽ hướng dẫn cài một phần mềm lên máy tính hoặc điện thoại của mình. “Miễn là chúng có kết nối internet để chị theo dõi toàn bộ lộ trình di chuyển của anh. Thế là từ thời điểm đó, có một đôi mắt giúp chúng ta giám sát lịch trình hằng ngày của chồng” - nhân viên tư vấn cho biết. 

“Bất kể lúc nào, bất kể ngày đêm, bạn chỉ cần mở phần mềm là sẽ xác định được: lộ trình di chuyển, vị trí hiện tại, tốc độ di chuyển hiện tại của xe. Tương ứng với đó chính là vị trí của chồng bạn” - là nội dung một bài quảng cáo trên internet.

Những nhà cung cấp thiết bị theo dõi dường như đọc thấu tâm can những người đàn bà, khi viết: “Sao lại sống trong nghi ngờ, bạn cần phân định trắng đen để có thể trả lại sự trong sạch cho chồng”. Một câu đánh trúng tâm lý hầu hết đàn bà đang ngờ vực chồng, ai cũng mong cầu mình có bằng chứng nào đó, nói rằng chồng mình không có gì, chỉ là nghi ngờ mà thôi. 

Sau định vị, rồi sao nữa? 

Tôi nhớ câu chuyện ly hôn của Hà, một cô bạn thân từ thuở nhỏ của tôi, rất phi lý và mắc cười. Chỉ là trong một lần đi họp lớp, khi các bạn nam ngồi khoe chiến tích ngoại tình của mình, có bạn nói: “Giờ hành chính thôi, lúc đó ai cũng nghĩ mình ở cơ quan mà”. 

Đang yên đang lành, Hà đâm ra nghi ngờ chồng. Sau này, khi mọi chuyện vỡ lở, mọi người mới biết Hà đặt thiết bị theo dõi chồng và cài phần mềm theo dõi trên máy tính. Chẳng biết vụng về lụp chụp thế nào, mà Hà lại phát lại qua video trong phòng họp khiến cả phòng họp đứng hình khi thấy chồng Hà trong đó. Mọi người cười ồ, nhưng chuyện chẳng có gì khi đến tai chồng Hà. Mặc Hà giải thích năn nỉ kiểu nào anh ấy cũng nhất quyết ly thân, bỏ về nhà ba mẹ sống. Một cuộc hôn nhân đang bình thường bỗng trở thành bất thường. Hai năm sau sự lạnh nhạt đó của chồng, Hà xin ly hôn, mang theo trong lòng bao nhiêu là nỗi ấm ức…

Khi ra tòa ly hôn, trong cuộc chiến tranh giành tài sản của vợ chồng, Loan và luật sư trưng ra hàng loạt các bằng chứng ngoại tình của Vũ. Mọi thứ được thu thập bởi thám tử tư và các thiết bị theo dõi gắn trên xe Vũ, trên điện thoại. Vũ há hốc vì kinh ngạc bởi đời tư của mình đã được theo dõi như tới cả từng hơi thở. 

Sau ly hôn, Vũ có cảm giác mình rơi vào trầm cảm, vì anh cứ ngỡ ai đó đang rình mò mình, đến đâu Vũ cũng lặng lẽ nhìn ngắm quan sát trước sau. Điều mà Vũ thấy đáng sợ nhất, chính là việc anh có thể dễ dàng bị người ta theo dõi lâu như thế mà không phát hiện ra, ít nhiều lòng tự tôn của Vũ bị tổn thương. 

Rất nhiều câu hỏi đặt ra trong câu chuyện định vị: Chúng ta dõi theo nhau dễ dàng như thế, nhưng sau đó thì sao? Trái tim đàn bà vốn dĩ mong manh, nên có lẽ đau đớn nhất chính là những vết thương lòng. Chẳng gì khó chịu hơn khi nhìn người đàn ông của nhà mình nói cười âu yếm với người khác, khi thấy rõ chồng mình nói dối… 

Mọi người vẫn hay khuyên nhủ nhau, rằng mắt không thấy thì tim không đau, nhưng có mấy người cưỡng lại được sự hấp dẫn nhuốm màu đớn đau, vì với phụ nữ, dù có ra sao đi nữa, họ vẫn muốn sự thật, muốn “bắt tận tay”. Họ chỉ muốn chứng minh cho bạn đời biết rằng chẳng có gì là giấu mãi dưới ánh mặt trời. Đó là lý do rộng đất sống cho các ứng dụng, thiết bị theo dõi định vị. 

Hằng ngày, bủa vây chúng ta là những câu chuyện ngoại tình, những chiêu trò lén lút của đàn ông. Thậm chí, dân mạng không biết lấy từ đâu, còn đưa ra “thống kê”: “Mỗi giờ có khoảng 600 tin nhắn của những người ngoại tình gửi cho nhau. Vào giờ cao điểm sáng thứ Hai, lượng tin nhắn này tăng gấp ba lần, lên 1.900 tin một giờ”. Những thông tin này càng khiến chị em khát khao muốn biết chồng mình làm gì, nhắn gì…

Đời sống hôn nhân là những ngày dài, để vui vầy đầm ấm mới khó, chứ bóc phốt lật tẩy tìm chứng cứ nhau thì dễ vô cùng. Công nghệ ngày càng phát triển, mọi thứ càng dễ tiếp cận hơn bao giờ hết. Nhưng rốt cục vẫn là câu hỏi: Cuối câu chuyện kiểm soát định vị, điều mình muốn là gì? Chúng ta chọn tin tưởng để đi tiếp đoạn đường dài của đời sống vợ chồng, hay chọn dừng lại? Và nếu chúng ta chọn dừng lại, thì có phải việc thêm những “phát hiện” chỉ khiến mọi thứ bẽ bàng hơn? 

Lan Khôi

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI