Cơ chế chính sách đặc thù cho TPHCM: Ý nghĩa đặc biệt với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và đất nước

26/05/2023 - 10:14

PNO - Cơ chế chính sách vượt trội không chỉ có ý nghĩa với TPHCM mà còn đặc biệt quan trọng với cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và đất nước.

 

Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách đánh giá cao sự cần thiết có cơ chế, chính sách vượt trội cho TPHCM

Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách đánh giá cao sự cần thiết có cơ chế, chính sách vượt trội cho TPHCM

Ý nghĩa lan tỏa

Sáng 26/5, trình bày báo cáo thẩm tra Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Lê Quang Mạnh tán thành về sự cần thiết ban hành Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM.

“TPHCM là đô thị đặc biệt quan trọng, với vị thế đầu tàu, trung tâm kinh tế, thương mại, tài chính lớn nhất cả nước, có số người lao động lớn nhất toàn quốc, điều tiết số thu về ngân sách trung ương cao nhất, hiện đang đóng góp khoảng 27%. Vì vậy, việc có chính sách vượt trội tạo bước đột phá theo đúng tinh thần Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị là cần thiết, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng không chỉ đối với TP mà cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả đất nước”, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách nói.

Ngoài ra, có ý kiến đề nghị nghiên cứu, xây dựng Luật về phát triển TPHCM với các chính sách đặc thù, đặc cách, đặc biệt, xứng đáng với vị thế, vai trò, ý nghĩa của thành phố mang tên Bác.

Uỷ ban Tài chính - Ngân sách cũng bày tỏ quan điểm nhất trí với nhiều cơ chế chính sách đã được đánh giá là hiệu quả và cần tiếp tục kế thừa tại Nghị quyết 54. Tuy nhiên, ông Lê Quang Mạnh đề nghị rà soát từng chính sách thuộc nhóm này, theo đó cần phân tích tính phù hợp với đặc thù của TP, đã phát huy tác dụng ở mức độ nào, có thật sự cần thiết áp dụng tiếp hay không...

Liên quan tới những chính sách đang được quy định tại các dự thảo Luật trình Quốc hội, đa số ý kiến tán thành với quy định về quản lý đô thị và tài nguyên môi trường như hệ số điều chỉnh giá đất, nguyên tắc bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi đất; cho phép các tổ chức kinh tế được Nhà nước cho thuê đất thu tiền thuê đất hàng năm, mà tiền thuê đất không có nguồn gốc từ NSNN thì có quyền thế chấp, chuyển nhượng hoặc cho thuê quyền thuê trong hợp đồng thuê đất; thanh toán hợp đồng BT…

Mô hình TOD – bước đổi mới năng động

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày Tờ trình của Chính phủ về Nghị quyết

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày Tờ trình Dự thảo Nghị quyết thay thế Nghị quyết 54

Liên quan tới nhóm chính sách mới, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách cho biết, nhiều ý kiến tán thành về thí điểm mô hình phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông (TOD), đa số ý kiến tán thành với việc áp dụng thí điểm mô hình trên.

Đây là chủ trương, cách làm đúng đắn, tuân thủ Nghị quyết 31, theo đó đặt ra nhiệm vụ là phát triển:“các khu đô thị mới, xung quanh các nhà ga Metro theo mô hình phát triển đô thị gắn kết với giao thông công cộng (TOD)”. Đây cũng là bước đổi mới năng động, tiệm cận và vận dụng kinh nghiệm quốc tế trong phát triển đô thị gắn kết với giao thông công cộng.

Ông Lê Quang Mạnh khẳng định, chính sách này góp phần huy động nguồn lực đầu tư các dự án, tạo đồng bộ trong phát triển đô thị và giao thông; làm tăng nguồn thu cho NSNN từ chênh lệch địa tô của các khu đất đem lại. Cơ chế chính sách này cũng góp phần tháo gỡ khó khăn trong tạo quỹ đất sạch triển khai các dự án phát triển đô thị.

Tuy nhiên, Ủy ban Tài chính – Ngân sách lưu ý, để bảo đảm lợi ích người có đất bị thu hồi, đề nghị trong tổ chức thực hiện cần chặt chẽ, công khai, minh bạch.

Về các dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư PPP, đa số ý kiến nhận thấy, mặc dù theo quy định tại Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (Luật PPP), các dự án đầu tư trong lĩnh vực thể thao, văn hóa không thuộc phạm vi của Luật, song để đáp ứng yêu cầu thực tế, để thực hiện chủ trương xã hội hóa thì có thể nhất trí với quy định cho phép áp dụng PPP đối với lĩnh vực này.

Một số ý kiến đề nghị cân nhắc không thực hiện PPP đối với các di tích, di sản văn hóa vì đây không phải là điểm nghẽn cần phải được tháo gỡ để mang tính lan tỏa. Hơn nữa đây là lĩnh vực thiêng liêng và có tính nhạy cảm; những công trình này cân được quản lý, gìn giữ gắn với trách nhiệm Nhà nước. Một số ý kiến đề nghị áp dụng PPP đối với cả lĩnh vực giáo dục, y tế, khoa học, công nghệ.

Đối với đề xuất áp dụng hợp đồng BOT đối với dự án đầu tư xây dựng nâng cấp, mở rộng, hiện đại hóa công trình đường bộ hiện hữu đa số ý kiến nhất trí với đề xuất của Chính phủ vì cần có cơ sở pháp lý để huy động thêm nguồn lực cải tạo, nâng cấp, mở rộng các công trình giao thông trên địa bàn TP.

Sáng 26/5, thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trình bày Tờ trình về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM. Nội dung chính của dự thảo Nghị quyết có 7 nhóm cơ chế, chính sách. Tuy nhiên, xét về tính mới và kế thừa, dự thảo Nghị quyết chia thành 4 nhóm cơ chế. Cụ thể:

Nhóm 1 gồm các cơ chế chính sách được kế thừa từ Nghị quyết số 54 (gồm 7 chính sách).

Nhóm 2 gồm các cơ chế, chính sách được quy định tại các Nghị quyết đặc thù của các địa phương khác (gồm 4 cơ chế chính sách).

Nhóm 3 gồm các cơ chế, chính sách được quy định tại các dự thảo Luật đang trình Quốc hội cho ý kiến (gồm 6 CCCS).

Nhóm 4 gồm các cơ chế, chính sách mới, đột phá, có tác động lan tỏa (gồm 27 cơ chế chính sách).

Trong nhóm chính sách mới, đột phá có thể kể đến một số cơ chế chính sách như: trường hợp TP dự kiến có nguồn thu ngân sách địa phương để bố trí tăng chi đầu tư phát triển trong kế hoạch đầu tư công trung hạn thì TP được thực hiện trước việc phân bổ nguồn thu này cho các dự án mới, bổ sung vào Kế hoạch đầu tư công trung hạn, làm cơ sở bố trí vốn hằng năm và báo cáo Quốc hội vào năm cuối kỳ kế hoạch đầu tư công trung hạn.

TP được áp dụng thí điểm mô hình phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông (TOD). Quy định về các điều kiện cần đáp ứng đồng thời để tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất. TP được mở rộng lĩnh vực áp dụng đầu tư theo phương thức PPP đối với các dự án đầu tư trong lĩnh vực thể thao và văn hóa và được chủ động quy định quy mô tổng mức đầu tư tối thiểu của các dự án PPP này…

Minh Quang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI