Chuyến xe diệu kỳ

09/08/2020 - 10:30

PNO - Chương trình Wheels for Life - dịch vụ xe cứu thương miễn phí cho các bà mẹ chuyển dạ sau khi trời tối tại Kenya được nhiều người ủng hộ.

Kenya là một nước nghèo và phụ nữ mang thai ở nước này càng có nguy cơ tử vong cao trong giờ giới nghiêm từ khi dịch COVID-19 hoành hành.

Veronica Atieno (23 tuổi) nhớ lại cảm giác khi băng qua những con hẻm tối tăm, hôi hám giữa các lán trại của khu ổ chuột ở Nairobi. Những cơn đau chuyển dạ của cô bất chợt kéo đến trong giờ giới nghiêm và không có phương tiện giao thông công cộng hay tư nhân nào để đưa cô đến bệnh viện. Mặc dù rất nhiều người muốn giúp cô nhưng nỗi sợ hãi sự quyết liệt đến tàn bạo của cảnh sát thực thi lệnh giới nghiêm đã khiến họ… tránh xa cô. Không còn cách nào khác, Veronica Atieno đành đến nhà của một bà hộ sinh gần đó với nhiều nỗi sợ.

Chương trình Wheels for Life đang được lên kế hoạch để hướng đến những người có thu nhập thấp
Chương trình Wheels for Life đang được lên kế hoạch để hướng đến những người có thu nhập thấp

“Tôi đã rất lo lắng. Nếu tôi sinh theo kiểu chăm sóc truyền thống thì liệu có an toàn? Bà ấy có dụng cụ bảo vệ cá nhân để ngăn chặn sự lây lan của COVID-19 không? Nếu tôi cần phẫu thuật thì sao? Tôi lo lắng và vật vã khi các cơn co thắt tăng lên. Cuối cùng, tôi đã sinh con ở nhà bà mụ nhưng bị chảy máu rất nhiều, đến mức tôi nghĩ mình sẽ chết. Sáng hôm sau, tôi được đưa đến bệnh viện. Ơn trời, tôi còn sống”, Veronica Atieno tâm sự.
Hoàn cảnh tương tự Veronica Atieno đã và đang diễn ra hằng đêm đối với những phụ nữ mang thai trên khắp Kenya, khiến số người tử vong ngày càng nhiều. Điều đó đã thôi thúc một nữ bác sĩ trẻ tạo ra một dịch vụ khẩn cấp - Wheels for Life.

Kenya là một trong những nước có tỷ lệ các bà mẹ tử vong trước và sau khi sinh tồi tệ nhất thế giới. Mặc dù chưa có những số liệu chính xác về tác động của lệnh giới nghiêm mới, các chuyên gia tin rằng số phụ nữ và trẻ sơ sinh chết trong khi sinh đã tăng đáng kể, từ khi lệnh này được áp dụng vào cuối tháng Ba vừa qua do dịch COVID-19 bùng phát. Theo lệnh giới nghiêm ở Kenya, tất cả người dân không được ra đường từ 19g đến 6g mỗi ngày.

 

Những lo ngại này đã khiến bác sĩ sản phụ khoa Jemimah Kariuki tại Bệnh viện Quốc gia Kenyatta thử tìm một giải pháp. “Khi giới nghiêm bắt đầu, chúng tôi ở bệnh viện nhưng không có bệnh nhân. Để rồi mỗi sáng khi chúng tôi đến bệnh viện, số lượng người sinh ít hơn nhưng nhiều ca biến chứng hậu sản hơn... Chúng tôi nghe những báo cáo về việc phụ nữ sinh con tại nhà với hậu quả rất thảm khốc: có người mẹ được thông báo đã chết trong khi chuyển dạ. Hoặc một phụ nữ đến vào buổi sáng với tình trạng tử cung bị vỡ và con của họ đã chết trong đêm. Thậm chí, có một số bà mẹ cố gắng vật lộn với các cơn đau và đến bệnh viện vào buổi sáng, chỉ để chết.

Lệnh giới nghiêm đã làm nhiều phụ nữ chết một mình khi sinh con ở nhà hoặc những biến chứng của sản phụ xảy ra trong đêm khiến họ nguy kịch, những đứa trẻ cũng không thể sống nổi. Đứng trước những nỗi đau đó, tôi tự hỏi tại sao đến năm 2020 rồi mà vẫn còn nhiều cái chết vô lý như thế. Xót xa thay khi những người phụ nữ một mình chống chọi với cơn đau chuyển dạ rồi chết dần chết mòn trong đêm vì lệnh cấm”, nữ tiến sĩ Kariuki cho biết.
Kariuki quyết tâm không để điều đó tiếp tục xảy ra dù thực tế cảnh sát đã đánh một người lái xe mô tô đến chết sau khi anh ta chở một phụ nữ chuyển dạ đến bệnh viện sau giờ giới nghiêm và cô biết tại Kenya cũng như hầu hết các quốc gia châu Phi không có dịch vụ xe cứu thương công cộng.

Bác sĩ Jemimah Kariuki
Bác sĩ Jemimah Kariuki

Ban đầu, Kariuki chia sẻ số điện thoại của mình trên Twitter, đề nghị những thai phụ cần được tư vấn có thể liên hệ. Thông tin của cô nhanh chóng được mọi người chia sẻ. “Trong một tuần, tôi nhận được hàng trăm cuộc gọi với cùng nội dung: “Tôi đang chuyển dạ và tôi không biết phải làm gì”, cô kể tiếp.

Kariuki bắt đầu theo dõi tình hình để cung cấp phương tiện vận chuyển đến các cơ sở y tế nhưng rất ít người hưởng ứng vì sự tàn bạo của cảnh sát từ khi thi hành lệnh giới nghiêm. Cuối cùng, Kariuki đã liên hệ với các công ty và tổ chức nhà nước để được hỗ trợ cung cấp các dịch vụ miễn phí và bất ngờ nhận được sự hưởng ứng rất lớn. Từ đó, chương trình Wheels for Life - dịch vụ xe cứu thương miễn phí cho các bà mẹ chuyển dạ sau khi trời tối - dần dần hình thành. Wheels for Life có số điện thoại miễn phí mà các phụ nữ mang thai gọi đến sẽ được xử lý ngay và kết nối với bác sĩ. Nếu người phụ nữ cần chăm sóc y tế nhưng đó không phải là trường hợp khẩn cấp, một chiếc taxi sẽ đến và chở họ tới bệnh viện. Nếu đó là trường hợp khẩn cấp, xe cứu thương sẽ cấp tốc đến nơi, nhân viên y tế sẽ vừa chăm sóc, xử lý vừa đưa họ đến bệnh viện.

“Thật tuyệt vời khi bạn có thể thấy rằng mọi người sẵn sàng vượt qua lợi ích kinh tế để giúp đỡ những người ít đặc quyền hơn trong xã hội, đặc biệt vào thời điểm này, khi mọi người thường nghĩ đến việc cắt giảm chi phí”, Kariuki nói. Wheels for Life đã xử lý hơn 11.000 cuộc gọi trong gần 4 tháng qua và đã có trên 900 phụ nữ đã được đưa đến bệnh viện vì nhiều vấn đề khác nhau khi mang thai.

Nữ bác sĩ 30 tuổi đang lên kế hoạch cho dịch vụ này tiếp tục vượt ra ngoài giờ giới nghiêm, nhắm đến những người có thu nhập thấp. “Tôi nhận được các cuộc gọi từ khắp mọi miền đất nước. Chúng tôi còn nhận được các cuộc gọi vào ban ngày. Họ hầu hết là những người từ khu định cư không chính thức hoặc khu vực thu nhập thấp”, Kariuki nói thêm và cô hy vọng chương trình của họ sẽ được các nhà tài trợ doanh nghiệp ủng hộ lâu dài. 

Thảo Nguyễn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI