Chuyện Bố Cái đại vương một ngày lấy hai vợ

05/11/2015 - 09:05

PNO - Chính sử thường nhắc tới Phùng Hưng với công lao lật đổ ách thống trị ngoại bang, còn dã sử lại cho biết về chuyện hôn nhân lý thú của vua.

Vua là cha mẹ của muôn dân

Phùng Hưng tên tự là Công Phấn, xuất thân trong gia đình nhiều đời làm hào trưởng đất Đường Lâm (nay thuộc làng Đường Lâm, TX. Sơn Tây, Hà Nội), cha là Phùng Hạp Khanh, mẹ là Sử Thục Nương.

Khoảng năm Bính Ngọ (766), Phùng Hưng và em là Phùng Hải, Phùng Dĩnh dấy binh khởi nghĩa, làm chủ vùng Đường Lâm rồi đánh chiếm được cả một miền rộng lớn quanh vùng thuộc Phong Châu, xây dựng thành căn cứ chống giặc. Phùng Hưng xưng là Đô Quân, Phùng Hải xưng là Đô Bảo và Phùng Dĩnh xưng là Đô Tổng, chia quân đi trấn giữ những nơi hiểm yếu. Tướng giặc Cao Chính Bình giữ quyền ở phủ đô hộ Tống Bình (nay thuộc Hà Nội) nhiều lần đem quân đi đàn áp nhưng không dập tắt được cuộc khởi nghĩa.

Chuyen Bo Cai dai vuong mot ngay lay hai vo
Tượng Phùng Hưng ở đền Cam Lâm (Sơn Tây, Hà Nội)

Đến tháng 4 năm Tân Mùi (791) Phùng Hưng cùng hai người em và các tướng Bồ Phá Cần, Đỗ Anh Hàn… đánh thành Tống Bình, tên quan đô hộ Cao Chính Bình sợ hãi phát ốm rồi chết, quân giặc không đánh mà tan phải xin hàng, Phùng Hưng chiếm lĩnh phủ thành, rồi thiết lập chính quyền độc lập do ông đứng đầu.

Khi lên ngôi, ông không đặt niên hiệu hay vương hiệu nhưng quân dân đã dâng tôn hiệu là Bố Cái Đại Vương, "Bố Cái" là từ cổ để gọi "Cha Mẹ", theo tiếng Nôm cũng có nghĩa là "Vua Lớn". Nhiều tư liệu thì cho rằng tôn hiệu này được con ông là Phùng An truy tôn cho cha sau khi Phùng Hưng mất, chính vì vậy sách Tây Hồ chí có viết: “Tục nước ta lúc bấy giờ gọi cha là bố, mẹ là cái vậy, dân nhớ ơn đức của ông mà gọi là Bố Cái Đại Vương. Sách cũ cho rằng con ông truy tôn làm vậy, đem ghi vào sử văn là sai”. Có câu đối rằng:

Vi dân phụ mẫu di đa phúc,

Tạo thế anh hùng hách trạc thanh.

(Cha mẹ vì dân cho nhiều phúc,

Anh hùng mở nước tiếng lừng vang.)

Sách Việt giám thông khảo tổng luận đánh giá: “Phùng Bố Cái là người anh hào ở Đường Lâm, ghét sự tàn ngược của Chính Bình, anh em thừa cơ nổi dậy, cứu dân dẹp loạn, ban đức lập công, có thể gọi là bậc vua nhân hậu”.

Một ngày lấy hai mỹ nhân làm vợ

Về đời tư của Phùng Hưng, theo truyền tụng tại vùng Sơn Nam Hạ (nay là xã Việt Hùng, huyện Vũ Thư, Thái Bình), một lần Phùng Hưng ngự giá đến thôn Lộc Điền (nay thuộc xã Việt Hùng), nghe đồn trong vùng có gia đình họ Nguyễn sinh được hai con gái là Nguyễn Thị Hồng Loan và Nguyễn Thị Ngọc Nhị, đều là người thông minh, hiền thục, dung mạo đoan trang, phẩm hạnh đứng đắn, tài hoa đa nghệ nên lấy làm yêu mến bèn xa giá đến tận nhà, mang theo lễ vật hỏi cưới rồi phong cô chị làm Đệ nhất vư ?ơng phi, cô em làm Đệ nhị vương phi.

Chuyen Bo Cai dai vuong mot ngay lay hai vo
Hai nàng mỹ nữ tài hoa (Tranh minh họa)

Ông còn lập cho mỗi nàng một phủ đệ riêng tại quê hương, Đệ nhất vương phi phủ đệ ở thôn Lộc Điền, Đệ nhị vương phi phủ đệ ở làng Phú Chử. Thật là:

Duyên kim phận cải xe vương,

Những mừng dây sắn được nương bóng tùng.

Các đế vương xưa không chỉ “năm thê bảy thiếp là thường” mà có người có tới cả nghìn mỹ nữ trong hậu cung, nhưng một đế vương đến trực tiếp xin hỏi cưới và lấy cùng lúc hai chị em về làm vợ thì có lẽ trong lịch sử chỉ có một người, đó là Bố Cái Đại vương Phùng Hưng.

Không rõ một trong hai bà có phải là mẹ đẻ của Phùng An, người nối nghiệp Phùng Hưng hay không, chỉ biết rằng sau khi Bố Cái đại vương Phùng Hưng qua đời, hai vương phi trở về làng thủ tiết, càng dốc lòng chăm lo cho dân, khuyến khích cấy trồng, khai hoang mở đất.

Sau hai vương phi đều mất tại phủ đệ khiến cả vùng khóc than, thương tiếc:

Vật vờ gió thảm mưa sầu,

Mảnh trăng đỉnh núi, nhịp cầu tà dương.

Người dân nhớ công đức của hai bà đã sửa sang phủ đệ thành miếu thờ, hương khói quanh năm, ngày nay hai miếu thờ vẫn tọa lạc tại xã Việt Hùng, huyện Vũ Thư ?, tỉnh Thái Bình.

 Lê Thái Dũng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI