Chương trình giao lưu Khát vọng sống lần II/2017: Không có con đường nào là ngõ cụt!

05/04/2017 - 16:34

PNO - “Bác sĩ (BS) ơi! Em mừng quá! Tay em giơ lên được rồi đây! Đã giơ tay được rồi BS ơi!”, chị Vũ Thị Loan - nạn nhân bị tạt axit vui mừng thông báo khi gặp lại người bác sĩ điều trị cho mình.

Nhìn chị Vũ Thị Loan (ngụ tại P.13, Q.Tân Bình, TP.HCM, bị người lạ tạt axít phỏng toàn thân rất nặng vào năm 2013) tái hiện nỗi vui mừng sau ca phẫu thuật phần nách thành công, cả khán phòng nín lặng, nghẹn lòng với thứ hạnh phúc không thể đơn sơ hơn được nữa của chị. 

Chuong trinh giao luu Khat vong song lan II/2017: Khong co con duong nao la ngo cut!
Họ đã truyền năng lượng tích cực cho những người tham gia chương trình Khát Vọng Sống.

Đã qua rồi mấy bận chị đập bể chiếc gương và thét lên “đây không phải là tôi”, đã qua rồi những đêm chị khóc ngất trong nhà tắm hoặc vừa khóc vừa ngậm chiếc khăn như là cách giảm âm lượng kẻo người thân nghe được. 

Cảm giác đơn độc, đớn đau cùng cực ấy, chị đã bỏ lại bên ngoài ngạch cửa hội trường của chương trình giao lưu Khát vọng sống lần II vào sáng ngày 4/4 (do báo Phụ Nữ TP.HCM tổ chức tại trường đại học Tôn Đức Thắng) - nơi có bao người đồng cảnh, bao người quan tâm và chia sẻ từng cung bậc cảm xúc mà chị bày tỏ. 

Bởi đầu hàng là ích kỷ

Sốc và bế tắc khi vốn là trụ cột gia đình, chăm sóc người chồng bị liệt và con trai còn nhỏ tuổi, giờ bỗng chốc lại là người tàn phế với những tảng sẹo dày cộp khắp người, tay co rút, không xoay mặt được, chị Loan đã nhiều lần toan giã từ cuộc sống. Nếu không nhờ một cậu bé bán vé số òa khóc, kêu “mẹ ơi” đánh thức tình mẫu tử ngay giây phút ấy, có lẽ chị Loan đã kết liễu đời mình ở kênh Nhiêu Lộc trong một khuya trốn nhà. 

Hoảng hốt chạy về ôm hôn con đang say ngủ, chị nhận ra mình thực sự còn sống, nhận ra chết không phải là một cuộc giải thoát mà là đầu hàng. Và, mình không thể ích kỷ, gieo thêm nỗi đau cho những người ở lại. Cũng nhờ nhịp cầu truyền thông, trong đó có báo Phụ Nữ, chị Loan đã được Bệnh viện (BV) Quận 2 nhận phẫu thuật, phục hồi chức năng, tái tạo gương mặt miễn phí. 

Tại cuộc giao lưu, chị bất ngờ, không thể ngồi yên trên hàng ghế giao lưu khi gặp lại những vị ân nhân của đời mình - BS Trần Văn Khanh - Giám đốc BV Quận 2, BS Phan Minh Hoàng - Trưởng khoa Tạo hình phẫu thuật thẩm mỹ BV Quận 2, người đã tận tâm tận lực đồng hành với chị qua mười mấy ca mổ. Một cái bắt tay, một cái ôm, một bó hoa không lột tả hết lòng tri ân của chị đối với những người đã tái sinh đời mình. 

Lạ là các BS chữa trị hàng ngàn bệnh nhân nhưng vẫn nhớ vanh vách tên chị, tình trạng phỏng và những giai đoạn phục hồi như thể chị là người nhà. Càng vui hơn khi các BS hẹn chị trở lại BV tiếp tục phẫu thuật. Chị hứa sẽ vào viện ngay khi con trai nghỉ hè, có thể đỡ đần săn sóc và bơm vá xe đạp thay chị, kẻo mất mối. 

“Tôi mong muốn lấy lại hình dáng, gương mặt của mình. Hiện giờ đã phục hồi đến 90%, nhưng nếu được tiếp tục phẫu thuật, sẽ phục hồi hơn nữa. Khi đó, tôi sẽ tự tin, mạnh dạn bỏ khẩu trang, tha hồ hít thở không khí thoáng đãng mà không sợ ai đó thét lên “eo ơi, kinh thế!”. Tôi sẽ được mặc áo kiểu ngắn tay, thay cho chiếc áo sơ mi dài tay kín cổ mà mình phải mặc ngay  cả khi oi bức” - chị vồn vã chia sẻ ước nguyện rất đơn sơ, rất phụ nữ của mình. 

Cuộc sống có những khúc quanh thử thách ý chí kiên cường. Nói như bà Lê Huyền Ái Mỹ - Tổng biên tập báo Phụ Nữ TP.HCM - ở phần mở đầu chương trình, trong những cú va đập khắc nghiệt ấy, mỗi người thực sự là một “chiến binh” với đầy đủ ý nghĩa của từ này. Khi người dẫn chương trình hỏi: “Có bao giờ anh buông xuôi?”, anh Phùng Thanh Liêm (31 tuổi, ngụ tại Đăk Nông) gật đầu, quay sang trìu mến nhìn BS Phan Minh Hoàng, người đã cứu giúp anh nhiều năm qua. 

Tai nạn xảy ra với Liêm thật hy hữu. Năm 29 tuổi, khỏe mạnh, là trụ cột của gia đình, bỗng chốc anh trở thành “đuốc sống” khi con gà làm đổ can xăng, bén lửa. Bỏng sâu với diện tích 75% cơ thể, thân hình co quắp vì những vết sẹo co rút khắp người, Liêm ngày càng suy kiệt vì suy dinh dưỡng và không vận động được, không giữ được thăng bằng, cứ như con lật đật. 

Chuong trinh giao luu Khat vong song lan II/2017: Khong co con duong nao la ngo cut!

Tìm đến đoàn BS TP.HCM đang khám chữa bệnh từ thiện ở quê nhà Đăk Nông, vợ Liêm thắp một tia hy vọng mong manh cho chồng và điều kỳ diệu đã xuất hiện khi anh được các BS BV Quận 2 dang tay cứu chữa. 

Sau ca phẫu thuật kéo chi thành công, đến đoạn tập vật lý trị liệu, không chịu nổi đau đớn, Liêm đột ngột xin phép BS Hoàng để xuất viện. Vừa thương, vừa giận Liêm sớm buông xuôi, BS Hoàng nói: “Nhiệm vụ của anh là kéo chi cho em đã hoàn thành, giờ đến phần công việc của em là tập luyện. Nếu em đau quá thì anh cho tạm nghỉ một hai ngày rồi trở lại tập. Em có thể tựa vào anh đứng lên chứ không thể nào anh đứng thay cho em được. Tùy em chọn…”. 

Được vợ động viên và nhất là lời phân tích nhẹ nhàng nhưng thấm thía của BS Hoàng tác động, Liêm quyết tâm ở lại tập luyện với hành trình trải dài đến một năm tám tháng. Kết quả vượt quá sức tưởng tượng, mong mỏi của BS là Liêm có thể tự chăm sóc bản thân và  hiện tại, Liêm có thể làm cả những việc nội trợ, lên nương rẫy và đưa rước con đi học. 

Sự gắn kết giữa BS và bệnh nhân không chỉ ở cái bàn mổ mà ở chính tình thương. Tình thương luôn hiện hữu trên chuỗi quy trình phẫu thuật - đau đớn - phục hồi ấy để cùng giành lại cho bệnh nhân sức khỏe, nụ cười và niềm tin cuộc sống. 

Tương lai hoàn hảo 

Với Phạm Văn Thịnh (quê ở Nam Định, do nhiễm chất độc da cam nên khuyết tật nặng, gù lưng, gầy yếu), lúc muốn buông xuôi, em may mắn nhận được lời động viên của gia đình, thầy cô, bạn bè. 

“Có những hoàn cảnh tưởng chừng không thể vượt qua mà họ còn vượt qua được. Nghĩ đến ngày cha mẹ già yếu, nghĩ đến bản thân và mong muốn mai sau giúp đỡ những người đồng cảnh, em không còn cách nào khác là phải cố gắng mỗi ngày. Cuộc sống không cho mình cơ thể hoàn hảo nhưng tương lai hoàn hảo hay không là do chính nơi mình quyết định” - Thịnh khẳng định chắc nịch. 

Đó không phải là lối nói hoa mỹ mà đích thực là cách Thịnh đã và đang sống, nỗ lực. Thịnh hiện là sinh viên khoa Công nghệ thông tin của trường đại học Tôn Đức Thắng, với nhiều dự định cháy bỏng.

Cũng vì “tương lai hoàn hảo” ấy, bé Bùi Hà Minh Anh (tám tuổi, ngụ tỉnh Bình Thuận, người bé xíu như đứa trẻ lên bốn, khuôn mặt biến dạng, đôi mắt lồi to) vẫn ngày ngày viết bài bằng bàn tay ba ngón, chăm chỉ học hành, dệt ước mơ làm cô giáo; Huỳnh Tấn Mạnh (17 tuổi, Long An) bị suy thận giai đoạn cuối, liệt dây thần kinh bàng quang, phải mổ đặt ống thông tiểu và chạy thận suốt đời, vẫn trở thành một anh thợ đan bút, kiếm tiền lo cho gia đình.

Chuong trinh giao luu Khat vong song lan II/2017: Khong co con duong nao la ngo cut!
Huỳnh Tấn Mạnh trả lời câu hỏi giao lưu của sinh viên.

Phan Trọng Hiếu (13 tuổi, ngụ tỉnh Quảng Nam) bị mìn nổ cướp mất chân tay, phải gắn ống nhựa vào cánh tay để viết bài nhưng quyết không để cánh cửa tri thức đóng sầm trước mắt… Cầm micrô suốt phần giao lưu giúp cho Hiếu, BS Trần Duy Tâm (BV Tâm thần TP.HCM) cảm kích nghị lực của Hiếu nói riêng và các nhân vật nói chung. 

BS Tâm cho rằng, những việc làm phi thường của các em là minh chứng sinh động cho một thuật ngữ y học “cơ chế phòng vệ tâm lý” - là sự thăng hoa để có thể làm được những điều tưởng không thể làm được trong cơ thể bất toàn của họ. Tất nhiên, trong từng bước tiến đó, không thể thiếu vắng sự hỗ trợ, tiếp sức về nhiều mặt của cha mẹ, người thân, BS… 

Đối với Trần Thị Huyền Trang (ngụ tỉnh Phú Thọ), nguồn trợ lực của mẹ cha có còn chăng chỉ là trong tiềm thức. Trước giờ lâm chung vì bệnh ung thư, mẹ nắm tay Trang dặn dò: “Nếu mẹ có sớm nhắm mắt xuôi tay, con cũng cố gắng đừng từ bỏ ước mơ làm BS của mình con nhé!”. 

Kể lại quãng đời suy sụp, trầm cảm, lo âu, sợ hãi, tự ti, Trang dồn tất cả cung bậc cảm xúc ấy vào hai dòng nước mắt. “Khóc chán thì thôi!” - lời chân thật của Trang khiến cả hội trường nín bặt, đồng cảm. Họa vô đơn chí, mẹ bệnh nan y và qua đời khiến căn bệnh tâm thần của bố Trang bộc phát. Nghịch cảnh chừng như muốn dìm chết cô gái bé nhỏ khi bố rồi cũng theo mẹ về cõi xa xăm chỉ vài tháng sau đó. 

Sau bão táp cuộc đời, Trang từng có ý định bỏ học, đi làm nhưng nghĩ đến ước nguyện của cha mẹ đã khuất, Trang không thể đi theo ngã rẽ ích kỷ đó. Hiện Trang đã là sinh viên năm thứ sáu của trường đại học Y Thái Nguyên và đạt học lực xuất sắc. 

Trang nhún nhường: “Không phải em học giỏi mà vì hoàn cảnh thúc đẩy, phải phấn đấu hết sức để “cày học bổng”. Nghịch cảnh cay nghiệt nhưng không lấy hết của em, em vẫn còn được dựa nhờ vào người bác cùng gia cảnh khó khăn nhưng luôn yêu thương và cưu mang cho chị em. Và nhiều tấm lòng nữa…”. 

Bùi ngùi chia tay, những lời chúc lành, những cái ôm siết trao nhau thay lời hẹn ngày 
gặp lại…

Tô Diệu Hiền

Tại buổi giao lưu, báo Phụ Nữ TP.HCM phối hợp với Công ty Hòa Bình (Quỹ học bổng Lê Mộng Đào) dành tặng học bổng 10 triệu đồng/suất cho bốn học sinh, sinh viên tham dự chương trình
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI