Chúng tôi, những người làm báo - Thấy niềm vui, nỗi buồn trong đôi mắt y, bác sĩ…

05/07/2021 - 07:17

PNO - Là một trong số ít nữ nhà báo “nằm vùng” tại Bắc Giang trong giai đoạn dịch COVID-19 phức tạp nhất, Phạm Ngọc Mai - phóng viên báo Gia đình và Xã hội - để lại dấu ấn khi liên tục khai thác những thông tin nóng hổi từ tâm dịch. Trong suốt cuộc trò chuyện, chúng tôi như bị cuốn theo những câu chuyện đầy cảm xúc về đội ngũ chống dịch cũng như sự đam mê, nhiệt huyết mà Ngọc Mai đã dành trọn cho nghề…

Không còn thời gian để sợ hãi

Trở về nhà sau một ngày làm việc, chưa kịp lo bữa tối, Ngọc Mai bất ngờ nhận được thông tin tòa soạn cần tăng cường một phóng viên tác nghiệp tại Bắc Giang sau khi tỉnh này trở thành “tâm dịch” của cả nước với số ca mắc lên tới hơn 100 người mỗi ngày. Cô gái sinh năm 1989 không chút đắn đo, đăng ký “xung trận”. Ngay trong đêm, Ngọc Mai xếp đồ đạc, chuẩn bị thuốc men phòng thân để kịp cho chuyến công tác sớm.

Trong cuộc điện thoại vội vã trước khi lên đường, Mai nhớ như in những lời dặn dò ấm áp của bố: “Con cứ yên tâm đi công tác, bố mẹ sẽ ở nhà cầu nguyện cho con luôn bình an”.

Ngọc Mai (đứng thứ bảy từ phải qua) chụp hình lưu niệm cùng đội ngũ y, bác sĩ điều trị bệnh nhân COVID-19  tại Bệnh viện Phổi Bắc Giang
Ngọc Mai (đứng thứ bảy từ phải qua) chụp hình lưu niệm cùng đội ngũ y, bác sĩ điều trị bệnh nhân COVID-19 tại Bệnh viện Phổi Bắc Giang

Mai chia sẻ: “Tôi là phóng viên mảng văn hóa - giải trí, khi ở Hà Nội, bản thân cũng không đánh giá được tình hình tại Bắc Giang lại “căng” đến thế. Chỉ đến lúc vào vùng dịch, trực tiếp chứng kiến, nghe số liệu ca bệnh từng ngày… mới thấy hết sự phức tạp. Tuy nhiên, lúc này, guồng quay công việc cứ cuốn mình đi, không còn thời gian để lo sợ, thay vào đó là những điều thúc giục làm sao truyền tải thông tin về thật nhanh và chính xác nhất”.

Một ngày làm việc của Mai thường bắt đầu từ sáng sớm, liên tục di chuyển từ những cuộc họp của Ban Thường trực chống dịch COVID-19 của Bộ Y tế tại Bắc Giang tới các bệnh viện, khu lưu trú của bệnh nhân COVID-19.

Nếu trước đây Mai luôn thoa kem dưỡng da, kem chống nắng mỗi khi ra đường thì giờ cô bảo, không còn thời gian, tâm trí cho việc làm đẹp ấy.

Lịch trình dày đặc khiến Mai phải tranh thủ gõ tin bài vào giờ ăn trưa hay thức dậy từ 3-4 giờ sáng để kịp tiến độ… “Những ngày đầu đặt chân đến Bắc Giang, tôi có cảm giác choáng ngợp vì những cuộc họp liên tiếp gối đầu. Có nhiều hôm, các đoàn làm việc liên tục, thậm chí bắt đầu giờ họp lúc 11 giờ đêm”, Mai chia sẻ.

Bên cạnh tần suất công việc dày đặc, vấn đề chuyên môn cũng khiến một phóng viên văn hóa - giải trí gặp khó khăn. Mai kể, cô vốn xa lạ với các từ ngữ chuyên ngành như ICU, thở HFNC, nồng độ Sp02 trong máu… chỉ cần một sai sót cũng có thể gây hậu quả khôn lường khi bản tin của Mai được bộ phận truyền thông của Bộ Y tế dùng để cập nhật tình hình dịch bệnh tại Bắc Giang trên kênh thông tin chính thức.

Ngoài việc phải tự học, Mai cho biết cô may mắn khi gặp được những y, bác sĩ nhiệt tình, tận tâm đã chỉ dẫn cô trong quá trình tác nghiệp.

Những vất vả của mình trở nên thật nhỏ bé…

Với Mai, những ngày tác nghiệp “dã chiến” như kỷ niệm khó phai trong hành trình làm báo. Cô phóng viên trẻ chia sẻ, điều cô gặt hái được nhiều nhất trong chuyến đi là những trải nghiệm thực tế mà nếu không bước chân vào, có lẽ sẽ không bao giờ mường tượng và cảm động đến thế.

Mai kể lúc mới tới Bắc Giang, tình hình dịch bệnh “ngổn ngang” là điều cô có thể cảm nhận khi tới từng cơ sở điều trị, từng cuộc họp, cũng như trong ánh mắt của y, bác sĩ. “Lúc đó tôi nghĩ, có lẽ phải tới tháng Bảy dịch mới yên. Tuy nhiên, với sự quyết liệt, không kể ngày đêm của đội ngũ chống dịch, sau khoảng một tuần từ thời điểm tôi tới Bắc Giang, tình hình đã chuyển biến tích cực”, Mai nhấn mạnh, đó không phải là những lời “tâng bốc”, “tô màu” mà là những gì cô trực tiếp chứng kiến.

Minh chứng là cuộc họp lúc nửa đêm do Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn điều hành. Đại diện Bộ Y tế đề nghị Bắc Giang thay phương thức xét nghiệm, chuyển sang test nhanh để bắt kịp với số lượng mẫu phải kiểm tra. Ngay trong đêm, Bắc Giang đã họp khẩn cùng đội ngũ chuyên gia và lập tức triển khai phương thức xét nghiệm này cho các công nhân ở huyện Việt Yên vào sáng hôm sau. 

Ngày 10/6, Mai cùng một số đồng nghiệp đã trở về Hà Nội sau 17 ngày tác nghiệp.

Hình ảnh của những “chiến sĩ áo trắng” chiến đấu với bệnh tật trong điều kiện thời tiết nóng bức, khắc nghiệt cũng khắc sâu trong tâm trí nữ phóng viên. “Môi trường điều trị bệnh nhân COVID-19 không có điều hòa, đội ngũ y, bác sĩ và hậu cần phải mặc đồ bảo hộ cấp 6. Nhìn hình ảnh những đôi bàn tay ướt đẫm, dáng vẻ mệt lả mỗi lúc giải lao… tôi thực sự xót xa. Trước đây xem trên ti vi, báo đài, có xúc động cũng chỉ là cảm giác thoáng qua, còn khi trực tiếp chứng kiến mới thấy cảm thương, trân quý. Khi ấy, những vất vả của mình trở nên thật nhỏ bé”, Mai trải lòng.

Cô nhớ cuộc phỏng vấn với một nữ bác sĩ của Bệnh viện Việt Nam Thụy Điển Uông Bí, đơn vị đầu tiên tăng cường hỗ trợ Bắc Giang xét nghiệm virus SARS-CoV-2: “Chị nói về công việc với quyết tâm mạnh mẽ, nhưng khi nhắc đến “gia đình”, dường như người phụ nữ “thép” trước mặt tôi trở thành một con người khác. Chị chùng xuống, cố ngăn dòng nước mắt trong nỗi nhớ nhà, nhớ con nhỏ”.

Phóng viên Ngọc Mai trong một bức ảnh hiếm hoi ghi lại quá trình tác nghiệp tại tâm dịch Bắc Giang
Phóng viên Ngọc Mai trong một bức ảnh hiếm hoi ghi lại quá trình tác nghiệp tại tâm dịch Bắc Giang

Lần đầu tiên gặp gỡ bác sĩ Trần Thanh Linh của Bệnh viện Chợ Rẫy - vốn quen thuộc với tên “bác sĩ 91” do đã điều trị thành công cho phi công người Anh (BN91) - Mai lặng người khi thấy sự phờ phạc, mệt mỏi trong đôi mắt anh.

Đó là thời điểm đội phản ứng nhanh của Bệnh viện Chợ Rẫy mới đến hỗ trợ tại Bệnh viện Phổi Bắc Giang. Đơn vị này tiếp nhận tới 56 bệnh nhân nặng, trong đó có sáu trường hợp phải thở máy và ba bệnh nhân chạy ECMO. Nhiều người trẻ cũng có diễn biến xấu rất nhanh khiến các y, bác sĩ phải tìm mọi cách để giành giật lại tính mạng của họ. Nhưng, vẫn đôi mắt ấy, trong ngày bệnh nhân hồi phục, rút máy thở lại rạng rỡ, tràn đầy sinh khí.

“Tôi nhớ những lời của bác sĩ Linh trong ngày một bệnh nhân nặng xuất viện. Anh từ chối món quà từ gia đình bệnh nhân và chia sẻ chân thành: “Sức khỏe, sự hồi phục của họ chính là phần thưởng lớn nhất đối với bác sĩ điều trị”, Mai kể lại bằng sự cảm kích, đầy ngưỡng mộ. 

Hạnh phúc khi được lựa chọn con đường dành cho mình

Ra trường gần 10 năm, Mai vẫn tự nhận mình còn là cây bút non trẻ bởi mới gắn bó ba năm với nghề báo. Từ thực tập viên, Mai trở thành cộng tác viên báo Gia đình và Xã hội. Tuy nhiên, thời điểm này, em gái của Mai cũng vào đại học. “Vì trách nhiệm nuôi em, tôi tìm công việc ổn định và thu nhập tốt hơn”, Mai ôn lại chuyện cũ và cho hay, trong suốt sáu năm “bỏ nghề”, cô chưa bao giờ thôi mơ ước quay trở lại làm báo.

Năm 2018, Mai nhận được tin báo Gia đình và Xã hội tuyển phóng viên. Cô quyết đi theo tiếng gọi của trái tim.

Ba năm làm phóng viên, Mai luôn sẵn sàng “lên đường” bất cứ khi nào có sự kiện nóng. Dù xã hội hiện nay có không ít ánh mắt thiếu thiện cảm dành cho những người làm báo nhưng với Mai, “từ những điều tử tế mà mình cố gắng mang lại cho bạn đọc mỗi ngày, tôi tin còn rất nhiều sự ủng hộ, yêu thương dành cho mình và đồng nghiệp”. 

Huyền Anh

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI