Chồng ngã ngựa: Hai phản ứng

17/11/2017 - 11:30

PNO - Cú ngã ngựa trong sự nghiệp, cảnh tán gia bại sản là cơn ác mộng với bất cứ ai, nhưng đặc biệt có thể đốn gục một người đàn ông, dù đó là người đàn ông mạnh mẽ nhất.

Cơn “sóng thần” này không chỉ cuốn phăng tiền bạc, của cải ta đã dày công gầy dựng mà đau đớn nhất là có thể hủy hoại tổ ấm gia đình.

Mỗi lần báo chí đưa tin một vụ án kinh tế bị phanh phui, vài “ông lớn” dính vào vòng lao lý, tôi thường hỏi bạn không biết vợ con họ sẽ như thế nào. Tôi hỏi thế, vì chồng bạn đang là giám đốc một công ty xây dựng, bạn nghiễm nhiên là vợ sếp nên dễ đồng cảm hơn, bạn tôi trả lời nhẹ bẫng: “Tiếp tục sống chứ sao. Không sung sướng như xưa, nhưng chẳng thể chết được”. Tất nhiên, tôi biết họ sẽ vẫn sống. Điều tôi quan tâm là họ sẽ đối xử như thế nào với người chồng bị “ngã ngựa”.

Chong nga ngua: Hai phan ung
 

Tuy nói mạnh mẽ là thế, khi chồng bị bắt vì dính tới một đường dây tiêu thụ vật liệu ăn cắp, bạn tôi đã suy sụp hoàn toàn, mấy lần đòi tự tử. Cái thực tế chồng từ một người đàn ông lịch lãm, thành đạt, có quyền, có tiền trở thành kẻ ăn cơm tù, bị mọi người khinh rẻ đâu phải dễ chấp nhận. Ra đường, bạn bịt khẩu trang kín mặt; gặp người quen cố bước thật nhanh, sợ có ai hỏi han về chồng mình. Những lần lên thăm nuôi chồng, bạn nước mắt ngắn dài, nói: “Khi nào anh về, mình về quê sống nghe anh. Giờ em chỉ muốn bình yên thôi”.

Bao nhiêu tài sản từng tích cóp, bạn bán hết để lấy tiền khắc phục hậu quả cho chồng. Tôi biết, bạn đang gồng mình chống chọi với bão đời, che chở cho hai đứa con. Đáng quý nhất là chưa bao giờ bạn có ý định bỏ rơi chồng để tìm con đường khác.  

Cuộc sống hào nhoáng, giao thiệp rộng trước đây của bạn giờ thu bé lại thành chuyện làm món gì để đưa vào cho chồng, làm sao động viên chồng cải tạo tốt để sớm trở về. Tôi khâm phục bạn, bởi đâu phải ai cũng đủ dũng cảm, tình yêu, sự bao dung, chấp nhận cô đơn, buồn tủi để kề vai sát cánh bên chồng trong giai đoạn khó khăn đó. Khi anh mãn hạn tù, gia đình bạn chuyển về quê sống. Cuộc sống khó khăn hơn nhưng tình nghĩa thêm bền chặt, chồng biết ơn bạn đã giữ trọn nghĩa vợ chồng.

Trong hoàn cảnh tương tự, có mấy người phụ nữ làm được như bạn tôi. Chị đồng nghiệp cũ của chồng tôi chẳng hạn. Chồng chị vốn làm giám đốc sở, nơi chị đang công tác. Mọi người trong cơ quan đều biết “lệnh ông không bằng cồng bà” nên chuyện gì muốn êm xuôi đều phải qua chị trước khi trình lên giám đốc. Ngày lễ tết, chị đon đả đón khách thay chồng, có lúc còn gợi ý sát sườn cho nhân viên "anh nhà chị thích" thứ này, thứ kia.

Vì làm cùng cơ quan, chị thông tỏ mọi chuyện trong ngoài, điều hành luôn cả chồng.

Người xưa có câu: “một ngày vợ chồng, nghìn năm ân nghĩa” bởi vợ chồng không chỉ là cái tình mà còn là cái nghĩa. Đường đời còn dài, ai biết những người phụ nữ bạc nghĩa về sau sẽ ra sao?

Vậy mà, khi vụ thất thoát lớn từ một dự án trọng điểm của sở bị khui ra, chồng bị quy hết trách nhiệm thì chị thờ ơ như chẳng liên quan, trong khi mọi người đều biết, trách nhiệm của chị không hề nhỏ. Chính tay chị nhận tiền, quà của chủ đầu tư, bịt mắt chồng để họ làm ẩu.

Sau vụ đó, anh bị chuyển công tác về trung tâm nhỏ trực thuộc, chị trở thành một con người khác - từ người vợ luôn chăm chút cho chồng từng bữa ăn, giấc ngủ, chị bỏ mặc anh. Người ta thấy chị đi chơi riêng nhiều hơn, ít khi có mặt chồng, thậm chí cặp kè với người khác. Còn anh trở nên lặng lẽ, thường uống cà phê một mình ở quán cóc ven đường, ai hỏi đến vợ thì chỉ cười nhếch mép rồi vội bỏ đi. Trong cái dáng lầm lũi của người đàn ông ấy, dễ dàng nhận ra được sự đau đớn đến tột cùng. Có lẽ, anh đau không phải vì cú “ngã ngựa” mà vì sự phản bội trắng trợn của người vợ đầu gối tay ấp bấy lâu.

Còn nhớ, cách đây vài tháng, cái ôm đầy tình cảm, nâng chồng dậy của chị Hường - vợ võ sư Đoàn Bảo Châu - khi chồng bị ngã sau cú đá của đối thủ đã làm dậy sóng cộng đồng mạng. Đó là hành động đẹp của tình nghĩa phu thê và là minh chứng rõ nhất cho phản ứng của người vợ tình nghĩa khi chồng gặp hoạn nạn. 

 Hà Lam

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI