Chờ đợi và hy vọng vắc xin COVID-19 cho trẻ em

03/09/2021 - 06:01

PNO - Kể từ khi virus SARS-CoV-2 xuất hiện đến nay, trẻ em hầu hết đều bị bệnh nhẹ hoặc không có triệu chứng. Dù vậy, thực tế cho thấy trẻ em ngày càng chịu tác động nhiều hơn từ các biến chủng nguy hiểm, với di chứng kéo dài đáng lo ngại.

Mối đe dọa tiềm ẩn

Tại Mỹ, tính đến cuối tháng Tám, hơn 4,8 triệu trẻ em có kết quả dương tính với COVID-19 kể từ khi đại dịch bùng phát. Con số bao gồm khoảng 204.000 trường hợp mới trong vòng bảy ngày trước 26/8, chiếm 22,4% các trường hợp nhiễm COVID-19 hằng tuần. 

Tại Indonesia, các bác sĩ cũng chứng kiến số ca tử vong và ca nhiễm ở trẻ em tăng nhanh chóng. Sự gia tăng này trùng với khoảng thời gian biến thể Delta lan rộng từ tháng Bảy. Theo số liệu của Bộ Y tế Indonesia, hơn 1.272 trẻ em đã chết vì COVID-19. Số người chết dưới 18 tuổi chiếm khoảng 1% trong tổng số tử vong, cao hơn mức trung bình trên toàn thế giới là 0,3%.

Một cậu bé được tiêm vắc-xin COVID-19 của Pfizer tại Dịch vụ Chăm sóc sức khỏe Clalit ở TP.Holon, Israel ngày 21/6 - ẢNH: AFP
Một cậu bé được tiêm vắc xin COVID-19 của Pfizer tại Dịch vụ Chăm sóc sức khỏe Clalit ở TP. Holon, Israel ngày 21/6 - Ảnh: AFP

Dữ liệu từ nhiều quốc gia khác cho thấy những trường hợp hiếm gặp phát triển hội chứng viêm đa hệ ở trẻ em (MIS-C), xảy ra chủ yếu từ 4 - 6 tuần sau khi nhiễm COVID-19. Tình trạng này ảnh hưởng đến các hệ thống cơ quan khác nhau bao gồm cả tim, khiến trẻ bị bệnh nặng và cần được hỗ trợ chăm sóc đặc biệt. 

Một mối lo khác là “COVID kéo dài”, trong đó bệnh nhân đã khỏi bệnh tiếp tục gặp các triệu chứng dai dẳng như nhức đầu, mệt mỏi và đau nhức. Nghiên cứu lớn gần đây ở Anh, công bố trên tạp chí y khoa The Lancet Child & Adolescent Health cho thấy 4,4% trẻ em bị nhiễm COVID-19 có các triệu chứng kéo dài hơn 28 ngày và 1,8% kéo dài hơn 56 ngày.

Trong nghiên cứu này, COVID-19 kéo dài ảnh hưởng đến trẻ từ 12 - 17 tuổi nhiều hơn so với trẻ từ 5 - 11 tuổi. Ngoài ra, COVID-19 còn gây căng thẳng tâm lý cho gia đình các em.

Vắc xin cho trẻ em cần thời gian

Khi trẻ em trên khắp nước Mỹ quay trở lại trường học, các phụ huynh có con dưới 12 tuổi lo lắng vì trẻ vẫn chưa thể tiêm vắc xin. Tiến sĩ Francis S. Collins, Giám đốc Viện Y tế Quốc gia (NIH), cho biết: “Thành thật mà nói, sự chấp thuận tiêm chủng cho trẻ em từ 5 - 11 tuổi khó được thông qua trong năm 2021”.

Tiến sĩ Anthony S. Fauci, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm hàng đầu của Mỹ, đưa ra một mốc thời gian khả quan hơn, rằng trẻ em dưới 12 tuổi sẽ bắt đầu tiêm vắc xin COVID-19 vào khoảng cuối mùa thu hoặc đầu mùa đông. Hiện tại, trẻ em từ 12 tuổi trở lên tại Mỹ có thể tiêm vắc xin COVID-19 của Pfizer-BioNTech. 

Hiện cả Pfizer và Moderna vẫn đang thu thập dữ liệu về độ an toàn, liều lượng chính xác và hiệu quả của vắc xin ở trẻ. Tiến sĩ Paul Offit, thành viên Ủy ban cố vấn vắc xin của Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA), nói rằng, tuy sự chậm trễ trong việc phê duyệt vắc xin cho trẻ nhỏ khiến nhiều phụ huynh thất vọng, nhưng họ có thể yên tâm rằng đó là thời gian cần thiết để xem xét dữ liệu vắc xin nhằm đảm bảo mức độ an toàn cao nhất.

Trong khi đó, một số quốc gia đã bắt đầu tiêm chủng cho trẻ dưới 12 tuổi. Từ đầu tháng Sáu, Trung Quốc cho phép trẻ từ 3 - 17 tuổi được tiêm vắc xin COVID-19, trở thành quốc gia đầu tiên chấp thuận vắc xin cho nhóm trẻ dưới 12 tuổi. Theo một nghiên cứu công bố trên tạp chí The Lancet Infectious Diseases, hai liều vắc xin COVID-19 CoronaVac do hãng Sinovac (Trung Quốc) sản xuất an toàn và tạo ra phản ứng kháng thể mạnh mẽ ở trẻ từ 3 - 17 tuổi. Tương tự, một thử nghiệm lâm sàng cho thấy vắc xin BBIBP-CorV của Sinopharm an toàn cho trẻ từ 3 - 17 tuổi.

Cũng trong tháng Sáu, Alexander Gintsburg - Chủ tịch Viện Gamaleya, nhà khoa học giám sát việc tạo ra vắc xin Sputnik V - cho biết, Nga đã thử nghiệm một loại vắc xin COVID-19 dạng xịt cho trẻ em từ 8 - 12 tuổi và có thể giới thiệu sản phẩm mới vào tháng Chín.

Từ cuối tháng Bảy, Bộ Y tế Israel cho phép các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe tiêm vắc xin COVID-19 cho trẻ từ 5 - 11 tuổi mắc các bệnh nghiêm trọng. 

Nhìn chung, trong thời gian chờ đợi vắc xin, cha mẹ có thể giảm thiểu rủi ro cho trẻ bằng cách tiêm chủng cho tất cả thành viên đủ điều kiện trong gia đình. Thực hiện các biện pháp phòng ngừa hằng ngày như tránh đám đông, đeo khẩu trang, giữ gìn vệ sinh và khuyến khích con trẻ đeo khẩu trang ở trường. 

Linh La 

(theo AAP, NY Times, CNA, Business Insider, Livemint)

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI