Chị Hai ưu tú

15/08/2023 - 06:00

PNO - Nhắc về con gái, ông Lê Văn Lâm - ba của chị Phương (đã 84 tuổi) - rất tự hào: “Không là nhà giáo ưu tú thì làm chị Hai ưu tú trong lòng các em”.

“Hú, 20 phút nữa qua nha”. Và 20 phút sau, anh chị Hà Văn Tuấn - Lê Tú Phương có mặt ngay trước cổng nhà cậu em trai.

Vừa thấy anh chị, cô em dâu lúi húi xách ra 2 túi rau, 1 trái mít và 1 túi trứng gà giao ngay: “Em đi dạy đây. Cho em gửi lời thăm ba với. Em cảm ơn anh chị nhiều nghen”.

Anh Tuấn cũng cười tít mắt: “Anh chị cảm ơn cậu mợ không hết. Có quà trên vườn về là ba vui lắm nè”. Thế rồi, anh chị đi “giao hàng”. Anh Tuấn nói: “Anh chị giờ là “tỉ phú thời gian” mà, các em trai gái dâu rể gì cũng đang bận rộn mưu sinh, phụ đỡ cho nhau, vui cửa vui nhà. Có gì các em cứ hú, anh chị sẵn sàng”. 

Chị Lê Tú Phương là giáo viên của Trường THPT Bạc Liêu, dọn nhà lên phường 15, quận Tân Bình, TPHCM sinh sống từ cuối năm 2021. Thời vợ đi dạy, anh Tuấn bán cà phê. Năm chị Phương nghỉ hưu, con trai duy nhất của họ tốt nghiệp đại học và đi làm thì anh Tuấn cũng thôi việc, gom vốn liếng lên thành phố, cất căn nhà trên mảnh đất nhỏ.

Ý nguyện của chị Phương là cất căn nhà để ở, vừa thuận tiện để con trai đi làm, vừa dễ dàng cùng các em chăm lo cho cha. Thương vợ, nên dù thu nhập ở quán cà phê ngày trước khá cao, quen lối sống thoải mái ở đồng bằng… anh Tuấn đành gác lại. 3 năm qua, anh cùng chị tập làm dân “Sì phố”. 

Anh Tuấn và chị Phương hơn 30 năm cùng vượt thăng trầm, làm trụ cột kết nối yêu thương cho cả đại gia đình
Anh Tuấn và chị Phương hơn 30 năm cùng vượt thăng trầm, làm trụ cột kết nối yêu thương cho cả đại gia đình

Sáng, anh ra hẻm ngồi nhâm nhi cà phê, cờ tướng với mấy anh bạn già, chị đi bộ tập thể dục cùng các chị em hàng xóm, sẵn đi chợ mua thức ăn cho cả ngày, rồi cùng nhau chờ ba và các em nhắn gửi tin xem có ai cần gì, lại lên xe chạy.

Nhà anh chị mới cất, sạch sẽ, tinh tươm, nhưng rất nhỏ, nên chị không dám rước ba về ở cùng, sợ ba thiếu không gian sinh hoạt. Khi ba ở nhà em trai, anh chị cứ 8g là chạy qua nhà em, nấu cơm, ăn sáng, ăn trưa cùng ba. Lúc ba về ở bên em gái, anh chị lại sang đó cùng chơi với ba, để các em được yên tâm công tác. Có khi ba nhớ các cháu con của cô em gái út, ông được con rể mang xe rước về tận Bình Dương, anh chị cũng thành người chạy đi thăm ba, chơi với ba nhiều nhất.

Giao nhà cửa cho vợ chồng chị Phương, anh Tuấn, em út trong nhà, ai cũng cảm động, yên tâm đi làm. Chị Lê Thị Thương - em gái út chị Phương - kể: “Thấy anh chị tất bật, mình vừa thương, vừa áy náy. Vừa định cảm ơn đã bị anh Tuấn nạt ngang: “Có gì đâu mà ngại, anh chị chơi với ba, thăm ba là nghĩa vụ của anh chị. Ba sống vui, sống thọ, anh chị em mình không phải mồ côi”.

Rồi chị Thương trầm giọng kể: “Chị Hai lớn hơn tôi 10 tuổi. Khi tôi hiểu biết thì mọi việc trong nhà chị cáng đáng hết, cho ba mẹ yên tâm công tác. Thời đó, nhà tôi còn ở Bạc Liêu. Chị Hai đậu Trường đại học Sư phạm TPHCM, vừa đi học, vừa đi làm thêm để mẹ cha đỡ gánh nặng.

Sau đó, chị phụ cha mẹ đưa chị Ba vào đại học. Chị Hai ra trường, lập gia đình với anh Tuấn, nhà tôi không mất đi chị gái như người ta hay nói (con gái là con người ta) mà còn có thêm người anh trai. Anh Tư tôi vào đại học, ba mẹ chỉ lo một phần, nửa phần sinh hoạt phí của anh là do vợ chồng chị Hai bù đắp.

Có khi anh rể vượt hơn 200km từ Bạc Liêu lên tận ký túc xá Trường đại học Sư phạm ở Lạc Long Quân, quận 11, TPHCM chỉ để đưa 1 thùng mì tôm và dúi ít tiền cho em vợ… Rồi anh Tư ra trường, đi làm, anh chị lại cùng cả nhà lo đến tôi đi học”.

Các em trưởng thành, đều bám trụ ở Sài Gòn mưu sinh. Năm 1999, ba mẹ chị bán nhà Bạc Liêu về quận 12, TPHCM sinh sống để gần các con hơn. Chị Phương, anh Tuấn không thể đi được bởi cuộc mưu sinh của họ còn nhiều khó khăn. Khi ấy, chị Phương đã gần 40 tuổi, lương giáo viên ít, mọi sinh hoạt trong nhà cùng việc nuôi con trai ăn học đều do quán cà phê của anh Tuấn “chi viện”. 

Cũng từ quán cà phê ấy, cứ 1, 2 tháng anh Tuấn lại gom cua, cá, tôm, bồn bồn, dưa chua… gửi theo xe quen lên biếu ba mẹ và các em. Các em, cháu hễ ai về Bạc Liêu là được anh chị nuôi ăn, bao no, bao ngon, thu xếp đưa đi chơi khắp chốn. Ở xa, nhưng hễ có đứa cháu nào “trở chứng” ở tuổi “dở ông, dở thằng”, chị đều dành thời gian gọi điện, tâm sự, giải tỏa tâm lý phụ ba mẹ các cháu.

Là nhà sư phạm nhiều kinh nghiệm, chị khéo léo tìm hiểu tâm tư, bắt nhịp với các cháu rất tài tình. Vì vậy, đứa cháu nào cũng thương quý cô dượng Hai, dì dượng Hai. Anh chị còn thay mặt ba mẹ già yếu chăm lo, thăm hỏi các chú bác ở quê. Anh chị nói, đó là cách giúp mọi người tiếp tục yêu thương và nhớ về cha mẹ chị, kết nối dòng họ Lê Văn mà ông Lê Văn Lâm, ba của chị đang làm trưởng họ, để ba yên tâm, vui sống.

Chị Phương (thứ hai từ phải qua) cùng ba và 2 em gái chuẩn bị cho chuyến du lịch dài ngày chỉ 4 cha con
Chị Phương (thứ hai từ phải qua) cùng ba và 2 em gái chuẩn bị cho chuyến du lịch dài ngày chỉ 4 cha con

Vất vả lo toan đủ bề, nhưng chị Phương vẫn là giáo viên dạy giỏi có tiếng ở Bạc Liêu. Chị vẫn nhiều năm liên tiếp là chiến sĩ thi đua, là nhà giáo nhân ái trong lòng bao thế hệ học trò. Không chỉ em út, nhiều học trò nghèo được cô Phương cưu mang, 20 năm sau vẫn tìm cô “trả lễ”. 

Năm 2012, bà Trịnh Thị Các - mẹ của chị Phương - phát hiện bệnh Parkinson kèm tai biến mạch máu não, phải nằm viện triền miên. Chị Phương từ chối quyết định đề bạt làm quản lý ở trường - nơi chị dạy - để dành thời gian phụ các em chăm mẹ.

Mấy năm trời, vì nghỉ dạy nhiều, chạy ngược, chạy xuôi, người giáo viên 30 năm đứng trên bục giảng không đạt danh hiệu nhà giáo ưu tú. Cô em dâu biết chuyện đầy tiếc nuối, chị Phương nói: “Không gì phải tiếc hết, là chị lựa chọn. Mẹ chỉ có 1 mà thôi”.

Ngày mẹ mất, chị đau xót nhưng không hối hận vì “chị, ba và các em đã cố gắng hết sức, hết lòng” - chị tâm sự.  Nhắc về con gái, ông Lê Văn Lâm - ba của chị Phương (đã 84 tuổi) - rất tự hào: “Không là nhà giáo ưu tú thì làm chị Hai ưu tú trong lòng các em”. 

Nguyễn Đông Chương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI