Chị Hai bế Út đi bệnh viện

02/09/2022 - 08:01

PNO - Mẹ có một cuộc họp quan trọng không thể vắng nên tôi phải đưa Út đi bệnh viện, cách nhà khoảng ba cây số. Mẹ cho tôi ba hào: hai hào để mua vé tàu điện, một hào mua kẹo cho em.

 

Mùa hè, chúng tôi phải tự trông nhau cho mẹ đi làm (Ảnh minh họa)
Mùa hè, chúng tôi phải tự trông nhau cho mẹ đi làm (Ảnh minh họa)

Năm đó, chị Hai là tôi lên mười tuổi, em trai bảy tuổi và Út hơn hai tuổi. Chúng tôi sống trong một gian nhỏ của khu tập thể. Ba tôi là kỹ sư xây dựng, nay đây mai đó theo các công trình, còn mẹ tất bật với công việc văn thư của cơ quan, nên tôi được giao việc chăm sóc các em. 

Hằng ngày, mẹ dậy rất sớm nấu cơm. Ăn sáng xong, đem theo một cà mèn cơm cho bữa trưa, mẹ vội vã đi làm. Nhiệm vụ của tôi là đánh thức các em dậy (việc này khá khó khăn vì đứa nào cũng thích ngủ nướng). Sau khi ăn sáng, tôi đưa Út đến nhà trẻ, rồi dắt em trai cùng đến trường, cách nhà chừng hai cây số…

Đến hè, nhiệm vụ của tôi nặng nề hơn do trường đóng cửa. Em trai theo đám bạn chơi, chỉ trưa về ăn cơm. Còn Út thì bám chặt chị Hai như một con nhái bén. Những khi tôi bận giặt quần áo hay quét dọn nhà cửa… vừa đặt xuống giường là Út lại khóc, lúc ri rỉ, lúc gào lên như bị đánh. Tôi phải dỗ dành, bế em đi khắp xóm. Phía đầu hồi khu tập thể, nơi đám bạn đang chơi u, ô ăn quan, chơi đánh chuyền… Dù rất ham nhưng tôi chỉ có thể đứng xem vì Út không chịu rời chị nửa bước. 

Năm Út lên ba, tự nhiên em bị một cái nhọt to như quả cau ở bắp vế, sưng tấy, nhức nhối. Út đau đớn khóc ri rỉ suốt đêm. Hôm sau, mẹ có một cuộc họp quan trọng không thể vắng nên tôi phải đưa Út đi bệnh viện, cách nhà khoảng ba cây số. Mẹ cho tôi ba hào: hai hào để mua vé tàu điện, một hào mua kẹo cho em.

Đến nơi, tôi bế em vào phòng khám. Bác sĩ khoát tay, nói ra gọi mẹ. Tôi nói, mẹ phải đi làm, cháu đưa em đi. Bác sĩ tròn mắt ngạc nhiên, lắc đầu nói: “Ái chà, ái chà”. Ông đành gọi một y tá bế Út vào phòng mổ. 

Trao em vào tay một người lạ, tôi rơm rớm nước mắt. Hai tay Út bám chặt cổ chị, khóc thét, nhất định không buông, cô y tá và bác sĩ phải cố gỡ. Đứng chờ bên ngoài hành lang, nghe tiếng Út gào khóc: “Chị Hai ơi! Chị Hai đâu rồi! Em đau quá…”, nước mắt tôi giàn giụa.

Một lúc sau, tôi áp mặt vào cánh cửa, nức nở: “Chị Hai ở đây! Út ngoan, đừng khóc, chị Hai thương…”.

Thời gian trôi đi chậm chạp. Cuối cùng, bác sĩ cũng bế Út ra. Mặt Út tái mét vì đau và sợ, nước mắt nước mũi nhòe nhoẹt, bắp vế băng trắng xóa. Bác sĩ dặn: “Cháu bế em cẩn thận, hết thuốc tê em sẽ đau lắm đó!”. 

Tôi bế Út ra chỗ đợi tàu. Đang thút thít, thấy trái mắc cọp của bà bán trái cây trước cổng bệnh viện, Út kéo tay tôi đòi mua. Tôi hỏi giá, những hai hào. Tôi ngẩn người vì nếu mua, tôi chỉ còn một hào, không thể mua vé tàu điện. Tôi vừa bế Út đi tiếp vừa dỗ dành: “Chị Hai sẽ mua kẹo cho Út nha!”. 

Út lắc đầu, khóc to hơn, kêu: “Sao em đau quá chị Hai ơi, chị Hai à!”. Cả người Út dẹo qua dẹo lại bên hông khiến tôi suýt ngã. Tôi đành bế Út quay lại…

Mua mắc cọp cho Út xong, không có tiền mua vé tàu điện, tôi đành bế em đi bộ dọc đường tàu về nhà. Tôi cứ đi như thế mải miết giữa cái nắng trưa gay gắt của mùa hè Hà Nội. Mồ hôi ròng ròng trên mặt, ướt đẫm lưng áo.

Thỉnh thoảng, tôi phải xốc Út lên rất khẽ vì sợ em đau. May mà Út không khóc, có lẽ vì có trái mắc cọp. Cứ thế, tôi vừa đi vừa nghỉ, lần hồi từng chặng, đến khoảng 12 giờ cũng về đến nhà. 

Tôi thở phào khi nhận ra dáng mẹ đang tất tả lao tới. Biết tôi bế em đi bộ từ bệnh viện về, mẹ kêu trời. Nhưng thấy Út ôm khư khư trái mắc cọp, mẹ lại cười.

Cười vậy mà từ trong mắt mẹ, những giọt nước trong vắt cứ rơi ra, lăn dài trên má… 

Giao Thủy

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI