Chị em bạn dâu, đâu phải ai cũng cần 'dè chừng'

03/05/2017 - 14:11

PNO - Khi Thúy vồn vã xin số điện thoại, tài khoản facebook, zalo để liên lạc, Hạnh miễn cưỡng cho nhưng đã có ngay ý định sẽ “chặn” vị khách không mời này.

Ngay từ lần đầu ra mắt nhà chồng, Hạnh đã nghĩ mình phải “dè chừng” Thúy - cô em bạn dâu tương lai. Người đâu mà nói ngọt như mía lùi, hơn người ta những ba tuổi mà xưng em ngọt xớt.

Chi em ban dau, dau phai ai cung can 'de chung'
 

Chẳng trách mẹ chồng cứ khen lấy khen để, nào là nấu ăn ngon, chăm con khéo, việc trong việc ngoài đều chu toàn. Vậy nên chưa bước chân vào nhà chồng, Hạnh đã cảm thấy lép vế trước Thúy. Thôi thì “tránh voi chẳng xấu mặt nào”, càng ít tiếp xúc với người em bạn dâu này càng tốt, việc ai người ấy làm, khỏi phải so bì, tị nạnh.

Cũng vì vậy, khi Thúy vồn vã xin số điện thoại, tài khoản facebook, zalo để liên lạc, Hạnh miễn cưỡng cho nhưng đã có ngay ý định sẽ “chặn” vị khách không mời này. Biết đâu, lý do “để chị em thân thiết hơn” chỉ là cái cớ để Thúy dễ theo dõi cuộc sống riêng của Hạnh.

Hạnh càng bực mình hơn khi bị chồng trách chuyện về nhà chơi sao không trò chuyện với mọi người; lại nghe Thúy nói gọi điện, nhắn tin hỏi thăm chị mà không thấy trả lời. Anh còn kể, tuy hoàn cảnh khó khăn, nhà tận miền Trung nhưng Thúy rất có nghị lực. Dù chồng đi làm xa nhưng làm dâu chưa để mất lòng ai bao giờ. Hạnh nghe mà lòng rất khó chịu. 

Cưới được ba ngày, chồng trở lại đơn vị thì ngay hôm sau Hạnh cũng thu xếp trở về thành phố. Không ngờ, bố chồng nhất quyết không cho đi, bảo: “Mới về nhà chồng mấy ngày mà đi là không được. Tuần sau con mới trả phép thì ở lại vài ngày rồi hẵng đi”.

Hạnh ấm ức trong lòng, nhưng đành chịu, chỉ còn biết nằm bẹp mà… tức tưởi, thấy mình thật cô đơn. Nhà chồng dường như chẳng mấy quan tâm đến cảm xúc của Hạnh, bởi chỉ nghĩ đơn giản con dâu ở nhà chồng là chuyện đương nhiên. Thấy Hạnh khóc lóc, bố chồng còn mát mẻ: “Tôi cấm đi đấy! Ở nhà này có ai làm gì mà đi vội thế”.

Chi em ban dau, dau phai ai cung can 'de chung'
 

Mẹ chồng vốn hiền lành, lại sợ chồng nên im lặng, không có ý kiến. Chỉ có Thúy, nhân lúc bố ra đồng thì vào phòng động viên Hạnh gắng ở lại ít ngày cho yên chuyện. Thúy nói: “Bố nóng tính nên chị càng khóc bố càng giận, mẹ còn không dám lên tiếng. Chị gọi cho anh, nhờ anh xin bố, may ra”.

Thúy còn kể, ngày mới về nhà chồng, chưa quen nền nếp nên cô thường hay bị bắt bẻ, chỉ chào bố hơi nhỏ tiếng là đã bị ông mắng té tát. Thúy hồn nhiên bày tỏ, mình chịu ơn nhà chồng nên có khổ mấy cũng chịu được; nhưng chị là người thành phố, quen tự lập, có điều kiện ra riêng vẫn thoải mái hơn.

Mấy năm trước, vì nghỉ sinh con nên Thúy mất việc, bố chồng phải chạy vạy xin xỏ mới có việc làm khác. Nhà ba anh em trai thì chỉ vợ chồng Thúy chịu ở với bố mẹ, các anh biết tính bố khó khăn, sợ khổ vợ, nên tránh hết ra ngoài.

Qua lời Thúy, Hạnh ngờ ngợ sự chân chất của một cô gái sinh ra và lớn lên ở nông thôn, nhưng vẫn còn e dè, đề phòng. Hạnh nhớ lời mẹ, con gái làm dâu khác xứ phải khéo léo, thận trọng mới mong được lòng nhà chồng, Thúy không phải ngoại lệ. 

Giờ chuẩn bị cơm chiều, Thúy rủ Hạnh xuống nấu chung. Hạnh định từ chối vì nghĩ đến gian bếp củi ám khói, mình lại nấu nướng dở tệ, nhưng biết không thể nằm mãi được nên đành nghe Thúy. Mấy hôm trước có chồng ở nhà, anh biết vợ không khéo chuyện bếp núc, lại quen nếp sống ở thành phố, nên cứ đến giờ nấu cơm là anh chở vợ đi chơi, viện cớ thăm bà con họ hàng, nên không ai bắt bẻ được.

Hạnh đã tưởng mình thoát được chuyện bếp núc ở nhà chồng, đâu ngờ lại thế này. Thúy như hiểu Hạnh nên chỉ nhờ nhặt rau, vo gạo, còn thì cô lo hết. Vừa làm Thúy vừa hướng dẫn Hạnh khẩu vị của từng người, chuyện bố thích ăn cá kho nhưng đừng cho tiêu vì ông đau dạ dày, nấu canh chỉ nêm ít bột ngọt vì mẹ bị dị ứng, buổi sáng nhất định phải để sẵn cho bố một phích nước sôi cho ông pha trà sớm...

Hai chị em vừa xong mâm cơm thì bố chồng về, nhìn qua, ông có vẻ hài lòng. Thúy nhờ Hạnh sang hàng xóm gọi mẹ đem cu Tít về ăn cơm, còn mình thì lo dọn mâm bát. Trong bữa cơm, Thúy bảo: “Hôm nay là chị Hạnh nấu hết, con chỉ phụ thôi”.

Nghe vậy, gương mặt bố chồng có vẻ dãn ra, ăn uống ngon lành. Đến khi rửa bát, Hạnh mới nhớ lúc nãy quên bắc ấm nước để tắm, giờ bếp tắt mà cô lại không biết cách nhóm lửa. Vậy mà Thúy thỏ thẻ nói: “Chị vào tắm đi, em nấu nước để sẵn rồi”.

Hôm sau, nhà có giỗ, bố chồng bảo Hạnh đi chợ làm năm mâm. Mới nghe Hạnh đã toát mồ hôi. Biết ý, Thúy lên tiếng nhận nhiệm vụ chở Hạnh đi chợ, viện lý do Hạnh không biết đường. Ra chợ, Thúy vừa trò chuyện vừa sắp xếp, tính toán, loáng một cái đã đâu ra đấy.

Trên đường về, Hạnh bày tỏ nỗi lo về việc bố chồng giao lúc sáng, Thúy cười bảo chị đừng lo. Rồi hai chị em cùng vào bếp, Thúy làm “bếp trưởng”, Hạnh chỉ làm phụ, bố chồng bận tiếp khách nên không quan tâm việc cô con dâu nào nấu. Mâm cỗ dọn ra tươm tất, khách khứa tấm tắc đúng là nhà có phúc, hai cô con dâu cô nào nấu ăn cũng khéo, bố chồng vui ra mặt.

Lúc ấy, Hạnh mới trút được gánh nặng, không chỉ về bố chồng mà cả với mình về em dâu tận tụy, tốt bụng, bao dung...

Hà Lam

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI