Sống ảo, chết thật

02/05/2017 - 10:44

PNO - Một học sinh cấp II tự tử, ban đầu gia đình, nhà trường đều ngỡ em chết do tai nạn.

Tìm đến facebook vì quá cô đơn

Một học sinh cấp II tự tử, ban đầu gia đình, nhà trường đều ngỡ em chết do tai nạn. Mãi đến khi làm hậu sự, từ những bài viết trên facebook còn lưu giữ ở máy tính cá nhân, mọi người mới phát hiện em bị bạn bè tẩy chay, sinh trầm cảm! Mỗi ngày, cứ một tiếng đồng hồ là em ấy đăng một status.

Câu chuyện kể rất đau lòng của thạc sĩ Tô Nhi A (Giảng viên Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương TP.HCM), liệu có trở thành hồi chuông cảnh báo cho các bạn trẻ và cả người lớn?! Và thông điệp gửi gắm của chuyên gia tư vấn tâm lý: ‘Người ta chỉ có thể bớt ảo khi có nhiều mối quan hệ thật’, liệu có khiến mọi người cùng quan tâm? Nếu không, thì mãi mãi giới trẻ vẫn chìm đắm trong một thế giới ảo, tự tạo ra viễn cảnh về cuộc sống vô cùng tươi đẹp, hấp dẫn. 

Song ao, chet that
Ảnh minh họa

Hay như câu chuyện của em H.T. (lớp 11 trường D.H., Q.10. TP.HCM). Có thể nói, T. ăn ngủ đều trên ‘phây’. Vì hoàn cảnh gia đình khá đặc biệt, sống cùng mẹ kế, nên em chỉ ‘sống thật’ qua màn hình ảo. Đáng tiếc là những tâm sự vui buồn của cô bé 16 tuổi, không được người lớn chia sẻ, mà chỉ toàn gặp những ‘thầy dùi’, ‘quân sư quạt mo’ sinh cùng năm với mình bày vẽ.

Và, khi T. sa ngã, có thai, cô bé đã suýt mất mạng vì nghe theo những chỉ dẫn uống thuốc này, thuốc nọ để phá thai. May là sau status khủng hoảng vì bị mất máu khá nhiều, một nhóm bạn của T. đã không thờ ơ bấm like, viết comment mà hối hả chạy thẳng đến nhà, đưa cô vào bệnh viện cấp cứu kịp thời.

Gia đình không thể vô can

Bài đăng trên trang mạng cá nhân của N.V.T. (sinh viên năm 1 trường ĐH Huflit) đều đặn xuất hiện, với tần suất một tiếng đồng hồ/bài. Cô ăn món gì, ở đâu, đang cảm thấy thế nào – nhất nhất đều được liên tục cập nhật trạng thái. Bạn bè của T. lắc đầu chán nản: Bạn ấy sống ‘lầy’, sống ‘ảo’ hết thuốc chữa!

Thời gian qua, trên mạng xã hội facebook cũng xuất hiện một status chấn động, hứa đủ số lượng like cần thiết sẽ đem xăng… đốt trường! Những cái like màu đỏ liên tục xuất hiện, mà nhiều cư dân mạng gọi đó là ‘like cho chết’! Tư tưởng bệnh hoạn rải xăng đốt trường đã không còn theo ý chí cá nhân của người chủ bài viết ấy nữa, mà đã bị lệ thuộc vào một đám đông không quen biết, kể từ khi bạn ấy nhấn nút quyết định đăng bài công khai trên mạng.

Hẳn chúng ta cũng còn nhớ hai hotgirl thách thức nhau trên mạng rồi kéo ra phố đi bộ Nguyễn Huệ để xử nhau. Theo thạc sĩ Tô Nhi A, độ tuổi phổ biến của giới trẻ trong việc sống ảo khiến chúng trở thành một trào lưu, thông thường phát lộ ở khối trung học cơ sở và thăng hoa đỉnh điểm ở trung học phổ thông.

Song ao, chet that
 

Vì đây là thời điểm các bạn muốn được trình diễn bản sắc cá nhân nhưng khả năng lại không theo kịp nhu cầu, nên dễ kéo theo nhiều hệ lụy ngoài đời thực. Nhân cách trẻ chưa chín muồi, bộ lọc cá nhân cũng chưa chín muồi và năng lực cũng thế. Nên các em dễ bị đánh tráo giá trị để được nổi tiếng, mà thật ra là tai tiếng.

Bên cạnh đó, do đặc thù lứa tuổi, hoạt động chủ đạo là giao lưu, ‘nguyên tắc nhóm’, nên facebook đã ‘gãi đúng chỗ ngứa’ của trẻ. Trên mạng xã hội hình thành rất nhiều hội nhóm, và nếu các em kết giao bạn sai lệch, sẽ kéo theo việc định hình những giá trị sống sai lệch, ảnh hưởng nghiêm trọng đến định hình nhân cách.

Vì vậy, chúng ta không thể phủ nhận một điều: giáo dục gia đình vẫn là yếu tố xương sống trong việc hình thành nhân cách của trẻ. Cha mẹ, phụ huynh không thể đứng ngoài cuộc, vì độ tuổi của các con chưa hoàn thiện nhân cách. Người lớn phải đồng hành bằng cách chấp nhận cách sống khách quan của con, bởi nổi loạn là một trong những yếu tố khách quan định hình cái tôi của trẻ.

Song ao, chet that
 

Cha mẹ cần liên tục bắt kịp xu hướng của con cái, đừng bao giờ bài trừ facebook, vì một lẽ đơn giản: con mình đang sống trong đó. Gỉa sử như một ngày con bạn nửa đùa nửa thật: Ba đang thả thính mẹ nè, thì người lớn chúng ta cần đối đáp: Con không được kể cho năm trăm anh em nghe nhé, để trẻ yên tâm rằng cha mẹ đang… nói – cùng – một – tiếng – nói với mình, từ đó tin cậy, gần gũi, cởi mở với gia đình hơn.    

Bằng ngược lại, như một câu chuyện mà thạc sĩ Đào Lê Hòa An – Giám đốc chiến lược Trung tâm đào tạo Kỹ năng sống và Chăm sóc tinh thần Ý tưởng Việt đã chia sẻ trong buổi tọa đàm ‘Hiện tượng sống ảo trong giới trẻ ngày nay’ tại Nhà văn hóa Phụ nữ TP.HCM vừa qua, sẽ làm người lớn chúng ta ‘cười ra nước mắt’.

Một em sinh viên đi du lịch cùng cả trường, nhưng chỉ chụp ‘check in’ cùng bạn gái ở trước cửa khách sạn để đăng facebook. Ông nội em ở Sóc Trăng đã tá hỏa gọi điện cho đứa cháu đích tôn truy hỏi đang ở đâu, làm gì, đi với ai… Và em ấy đã xử lý khủng hoảng một cách tiêu cực bằng cách ‘unfriend – nghỉ chơi’ ông nội!

Gíá như, những người trẻ được trau dồi kỹ năng sử dụng mạng xã hội như thế nào cho thông minh, thì mọi việc đã khác. Muốn được vậy, người dùng facebook phải đảm bảo chỉ sử dụng phương tiện này để tô đậm những điều mình đã có trong cuộc đời thật.

Coi facebook là phương tiện, con cái có thể trang trải nỗi lòng của mình, giúp cha mẹ đọc và hiểu được những góc khuất. Cha mẹ cũng có thể bày tỏ quan điểm, chia sẻ tư tưởng bằng cách share – chia sẻ những bài viết hay có nội dung như điều mình muốn gửi gắm cho con đọc.

Và, nếu muốn trẻ không sống ảo, người lớn cần giúp con xây dựng giá trị bản thân mục tiêu dài hạn, giúp định hướng hành vi của trẻ. Đã có rất nhiều ông bố bà mẹ nghiêm khắc bắt con tập trung học hành mà không trả lời được cho trẻ câu hỏi: ‘Học để làm gì?’. Áp lực nặng nề, không có sự chia sẻ, trò chuyện từ cha mẹ, trẻ sẽ tìm đến bạn bè và tăng cường sống ảo!

Khánh Thủy

Biểu hiện nhận biết hiện tượng ‘sống ảo’

  • Khi tham gia nhiều hoạt động xã hội ngoài đời, sẽ ít thể hiện trên mạng xã hội.
  • Đời thật thiếu điều gì, sẽ thể hiện đậm nét trên facebook điều ấy.
  • Tìm đến facebook như kênh thông tin hữu hiệu khi gặp khó khăn trong giao tiếp với xã hội bên ngoài.
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI